Đại biểu Nguyễn Công Bình nêu rõ tồn tại thực tế tại Yên Bái
- Cập nhật: Thứ tư, 13/11/2013 | 9:25:23 PM
YBĐT - Ngày 13/11, Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với các ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh. Kết quả kiểm phiếu cho thấy: Ông Vũ Đức Đam nhận được 421/471 số đại biểu có mặt đồng ý, chiếm 84,54%; ông Phạm Bình Minh nhận được 467/471 số đại biểu có mặt đồng ý, chiếm 85,75%.
|
Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường quy hoạch tổng thể về thủy điện; việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Liên quan đến vấn đề quy hoạch tổng thể về thủy điện, đại biểu Nguyễn Công Bình - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cũng cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành, khai thác công trình thủy điện. Báo cáo đã phản ánh được vai trò của thủy điện trong đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành các công trình thủy điện. Việc phát triển tràn lan và chất lượng xây dựng ở một số công trình thủy điện là rất đáng lo ngại, cần được kiên quyết chấn chỉnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Công Bình cũng cho rằng: Báo cáo của Chính phủ chưa đầy đủ, chưa rà soát để đánh giá toàn diện, sát thực tế. Nhất là tác động của xây dựng thủy điện đối với đời sống của nhân dân sau khi nhường đất để xây dựng các công trình thủy điện thì việc sắp xếp, bố trí tái định cư, đất sản xuất, điện, nước… có đảm bảo được chất lượng cuộc sống của người dân. Nội dung này trong báo cáo của Chính phủ còn mờ nhạt, chưa thể hiện rõ.
Đại biểu Nguyễn Công Bình (đoàn Yên Bái) dẫn chứng: “Đơn cử như ở Yên Bái, có công trình thủy điện Thác Bà đã xây dựng cách đây hơn 40 năm. Để xây dựng công trình này, hơn 5 vạn dân (chủ yếu là dân tộc thiểu số) đã phải di chuyển để nhường gần 20.000 ha đất cho xây dựng công trình. Đến nay, vẫn còn hơn 1 vạn dân đã nhường đất nhưng trải qua 40 năm vẫn chưa có điện sinh hoạt. Mặc dù, người dân chia sẻ với những khó khăn về tài chính, ngân sách, nhưng khi gặp gỡ đại biểu, tiếp xúc với cử tri luôn đặt câu hỏi rằng liệu bao giờ thì thôn, bản mình có điện? “Trước câu hỏi sát thực tế này, là đại biểu Quốc hội, cá nhân tôi cũng thực sự rất trăn trở” - Ông Bình nói. Trong điều kiện ở một tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn, người dân đã phải nhường đất để làm ra điện, nhưng đã qua 40 năm vẫn chưa có điện. Như vậy, có nghĩa là hậu thủy điện còn nhiều vấn đề đặt ra, nhất là đời sống nhân dân sau khi nhường đất, rồi vùng hạ du khi xả lũ để tránh vỡ đập…
Do vậy, đại biểu Nguyễn Công Bình nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết quy hoạch tổng thể về thủy điện của Chính phủ. Về nội dung dự thảo Nghị quyết, đề nghị bổ xung giao cho Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để có đánh giá sâu sắc, sát thực tế hơn về công lao của đồng bào các dân tộc trong việc nhường đất để xây dựng công trình thủy điện và những vấn đề hậu thủy điện, nhất là đời sống người dân và coi đây là mục tiêu số 1. (Như một số ý kiến của các đại biểu khác cũng đã phát biểu). Để từ đó có những chính sách cụ thể giảm bớt khó khăn cho nhân dân. Đồng thời, quan tâm đến những công trình thủy điện đã xây dựng mà còn nhiều hộ dân phải di chuyển, phải nhường nhiều đất như công trình thủy điện Thác Bà”. Ông Bình thẳng thắn nói.
Đức Toàn (ghi)
Các tin khác
YBĐT - Yên Bái tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT/ Các địa phương trong tỉnh Yên Bái tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân/ Tổng thống Nga V.V Pu tin thăm Việt Nam/ Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ với số phiếu cao nhất... là những thông tin chính trong mục điểm tin.
Kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Phó Thủ tướng đối với Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh thể hiện, hai ứng viên lần lượt nhận được hơn 84% và hơn 85% số phiếu đồng ý ...
Ngày 12/11, Việt Nam - Liên bang Nga đã ra Tuyên bố chung về tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, nhân chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Nga V.Putin.
Sáng ngày 12/11 (theo giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 đã tiến hành bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016.