Nhân dân trao niềm tin cho Quốc hội
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/12/2013 | 9:00:56 AM
YBĐT - Khi Hiến pháp (sửa đổi) được thông qua với đa số gần như tuyệt đối, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phùng Quốc Hiển của tỉnh Yên Bái đã xúc động trao đổi với phóng viên báo chí rằng, sự kiện đó đã thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước, thể hiện rõ vai trò của ĐBQH và niềm tin mà nhân dân cả nước trao cho Quốc hội (QH).
Đại biểu Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại một phiên thảo luận ở tổ.
(Ảnh: Đức Toàn)
|
* Hiến pháp (sửa đổi) đã được QH thông qua với 97,59% số phiếu ủng hộ. Thành công này cho thấy trí tuệ của các ĐBQH và sự tin tưởng của cử tri vào trí tuệ đó, thưa ông?
- Hiến pháp đã được QH thông qua với tuyệt đại đa số phiếu đồng tình và nhất trí cao. Điều đó thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước và nhân dân cả nước đã trao niềm tin cho QH. Trong suốt ba kỳ họp QH vừa qua, từ năm 2011 đến nay, có thể nói, QH đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và đầy trí tuệ.
Hiến pháp vừa thể hiện được trí tuệ của từng ĐBQH đồng thời cũng là tập hợp đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên, chúng ta tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị mang tính chất rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân và các tầng lớp nhân dân cũng đóng góp ý kiến hết sức xây dựng về việc hoàn thiện bản Hiến pháp này.
Bản Hiến pháp lần này không những chỉ là thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân mà còn kế thừa các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 đồng thời cũng được đúc rút từ thực tiễn cách mạng Việt Nam giai đoạn vừa qua và đưa ra một tầm nhìn cho một giai đoạn cách mạng mới của chúng ta, đó là xây dựng được Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân để chúng ta tiếp tục công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Có thể nói, bản Hiến pháp đã được thể hiện rất công phu. Chính vì sự công phu đó, nó đã toát lên toàn bộ tinh thần đã được thể hiện qua các cuộc lấy ý kiến nhân dân cũng như thảo luận tại các kỳ họp của QH.
* Nhiều ý kiến cho rằng, bản Hiến pháp lần này có nhiều điểm mới, tiến bộ. Có đúng vậy không, thưa ông?
- Bản Hiến pháp lần này có nhiều điểm đổi mới. Có những nội dung mà bản Hiến pháp đề cập rất sâu như: về hệ thống chính trị; vai trò lãnh đạo của Đảng; chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; từ Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước đến hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp. Đó là những quy định rất rõ ràng. Trong bản Hiến pháp lần này cũng quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Một điểm mới nữa đó là lần đầu tiên, chúng ta nói rõ về quyền con người trong Hiến pháp. Hiến pháp hiện hành chỉ nói về quyền và nghĩa vụ của công dân. Hiến pháp (sửa đổi) lần này có những quy định rõ ràng về quyền con người. Theo đó, quyền con người được tôn trọng, bảo đảm theo đúng quy định của Hiến pháp, được Nhà nước bảo hộ.
Về kinh tế, trong Hiến pháp lần này đã khẳng định một lần nữa về thể chế kinh tế của nước ta. Chúng ta tiếp tục bảo đảm nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế... Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nhưng đồng thời chúng ta cũng nhấn mạnh vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước với ý nghĩa là thành phần kinh tế giữ trọng trách dẫn dắt, định hướng xây dựng một nền kinh tế thị trường, có định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hiến pháp lần này cũng quy định rất rõ về trách nhiệm, thẩm quyền khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: QH tiếp tục là cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, từ chính sách phát triển kinh tế - xã hội đến tài chính, tiền tệ... Điều đó thể hiện QH là cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao.
Một điều đáng ghi nhận lần này là Hiến pháp đã phân biệt rõ trách nhiệm của QH, ủy ban Thường vụ QH, hội đồng nhân dân các cấp đối với quyết định các vấn đề thuộc về chính sách, tức là có sự phân cấp, phân quyền. Có thể nói, tất cả các vấn đề đều được Hiến pháp (sửa đổi) lần này thể hiện và Hiến pháp đã chứng tỏ đúng vai trò là một đạo luật gốc, đạo luật cơ bản.
Một nội dung mới nữa mà Hiến pháp đề cập tới là Kiểm toán Nhà nước. Lần đầu tiên, cơ quan kiểm toán Nhà nước được ghi thành một điều trong Hiến pháp. Điều đó thể hiện vai trò của kiểm toán, giúp nâng cao vị thế của Kiểm toán Nhà nước. Quy định này cũng là căn cứ để khẳng định địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước, làm cơ sở để sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước phù hợp với tinh thần mới của Hiến pháp lần này.
Điểm đặc biệt và có lẽ cũng chưa có tiền lệ là sau khi QH thông qua Hiến pháp, tất cả ĐBQH đã đứng dậy và vỗ tay rất lâu. Điều này chứng tỏ nguyện vọng của nhân dân, của các ĐBQH đã được đáp ứng thông qua bản Hiến pháp này.
* Đã có thời gian công tác ở hội đồng nhân dân, ông đánh giá thế nào về Chương Chính quyền địa phương trong Hiến pháp lần này?
- Tôi may mắn được làm, tham gia hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, từ cấp huyện đến cấp tỉnh và cũng từng làm chủ tịch HĐND cấp huyện. Tôi thấy không thể phủ nhận được vai trò của HĐND. Đây không chỉ là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương mà còn thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở địa phương. Chính vì thế, HĐND phải là cơ quan quyết định những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đó.
HĐND cũng phải thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động của chính quyền địa phương. Cho nên, chúng ta muốn thể hiện được vai trò của nhân dân, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân thì không gì khác hơn là phải có vai trò của HĐND. Lần này, Hiến pháp đã khẳng định: ở đâu có chính quyền nhân dân thì ở đó phải có HĐND. Điều đó đã được minh chứng qua thực tiễn, trong quá khứ cũng như tương lai. Chỉ có như thế, chúng ta mới phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân và thể hiện được đúng nghĩa: Nhà nước của chúng ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
B.T
Các tin khác
YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trong chuyến kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường tránh ngập thành phố Yên Bái, diễn ra ngày 12/12.
Một trong những Luật có tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị là Luật đất đai.
YBĐT - Ngày 12/12, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Ban chấp hành mở rộng. Tham dự có các đồng chí đại diện cho chi bộ, đảng bộ trực thuộc Đảng ủy khối.
Sáng 11/12, Hội nghị toàn quốc học tập quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) được khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 600 đại biểu.