Ăn tết chung quen rồi!

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/12/2013 | 8:56:01 AM

YBĐT - Văn Chấn những ngày cuối năm, hòa cùng sắc vàng, đỏ rực của những cành cam trĩu quả; xanh bạt ngàn của những ruộng rau màu là nương ngô trải dài trên khắp triền đồi, bãi ruộng.

Lãnh đạo xã Suối Giàng động viên nhân dân chăm sóc chè Shan chuẩn bị cho vụ chè xuân. (Ảnh: Quang Sơn)
Lãnh đạo xã Suối Giàng động viên nhân dân chăm sóc chè Shan chuẩn bị cho vụ chè xuân. (Ảnh: Quang Sơn)

Tạm để chiếc xe máy bên cạnh lề đường, những người đàn ông, phụ nữ Mông lại tập trung bẻ ngô, buộc kín vào các bao chở về. Không còn sự tất bật, hối hả chuẩn bị chơi xuân, mua sắm tết riêng như trước nữa, tất cả cùng hướng đến một hy vọng khởi sắc của cuộc sống  mỗi dịp tết đến xuân về.

Vượt qua quãng đường đất với những ổ voi, ổ gà to tướng, chiếc xe Wave- S chở chúng tôi lên Sùng Đô không ít lần chạm gầm, ngồi sau cứ xóc nẩy lên. Phóng viên Quang Sơn vừa đi lắc đầu: “Đường thế này mà người ta vẫn đi ầm ầm thế kia nhỉ”. Từng chiếc xe Win gầm cao dần dần vượt xa chúng tôi, để lại những vạt đường đỏ bụi, bám hết lên đầu tóc, quần áo.

 Sau hơn nửa tiếng gồng mình vượt qua quãng đường đất, trụ sở Đảng ủy- HĐND- UBND xã Sùng Đô đã hiện ra trước mắt. Nhận thấy nét căng thẳng, mệt mỏi của “tài xế”, Bí thư Đảng ủy xã Vàng Vảng Chống liền cười động viên: “Phóng viên vất vả quá! Thật may là thời tiết tạnh ráo, chứ nếu trời mưa thì trơn trượt lắm, chắc phải vài tiếng anh chị mới lên được đây”.

Sau vài phút nghỉ ngơi, chúng tôi tiếp tục lên đường đến Nà Nọi- thôn trung tâm của Sùng Đô và là địa điểm đặt trụ sở xã hơn 3 năm trước. Từng đoàn phụ nữ Mông xúng xính váy áo, địu con trên lưng với bàn tay thoăn thoắt những đường chỉ màu sặc sỡ trên mảnh vải. “Hôm nay là lịch tiêm chủng mở rộng của xã. Bây giờ các gia đình phải tự đưa con em mình đến Trạm Y tế xã để tiêm  chứ không được mang dụng cụ xuống ngay thôn bản như trước nữa”- Chủ tịch xã Cứ A Sùng nói rồi chỉ tay xuống hai chiếc “hồ chứa nước” nhân tạo ngay tại vạt ruộng của thôn Nà Nọi: “Thành quả của nhân dân trong xã đấy. Còn hơn hai tháng nữa mới đến thời vụ gieo cấy nhưng xã đã vận động nhân dân chuẩn bị sẵn các điều kiện để bà con có thêm thời gian lao động sản xuất, kiếm thêm thu nhập mà chuẩn bị gà, lợn cho tết Nguyên đán sắp tới”.

Là xã vùng cao 98% đồng bào Mông sinh sống, cộng đồng dân tộc Mông ở Sùng Đô có 8 dòng họ với tổng số 2.239 nhân khẩu. Đặc thù vùng cao, giao thông trắc trở cộng với không có nhiều tiềm năng, lợi thế nên đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn. Song bù lại là sự đổi mới trong nhận thức, tư duy của bà con khi đã mạnh dạn loại bỏ những hủ tục, phong tục lạc hậu, tiếp thu đời sống văn hóa mới để áp dụng tại địa phương. Từ năm 1997 đến nay, người Mông Sùng Đô đã không còn ăn tết Mông mà thực hiện ăn chung một tết Nguyên đán với đồng bào cả nước.

Chị Vàng Thị Chư - người dân thôn Nà Nọi phấn khởi chia sẻ: “Ăn chung một Tết vui hơn trước kia nhiều lắm.Gia đình con cái vừa được đi thăm họ hàng mà lại tranh thủ đưa con xuống phố đi chơi xuân, tham gia các trò chơi mới vui hơn”.

 Việc ăn tết chung nhiều năm nay đã khiến nhiều bạn trẻ không nhớ về phong tục đón tết Mông của đồng bào mình trước đó. Cõng trên lưng con gái nhỏ vừa tròn 3 tháng tuổi, chị Giàng Thị Dơ thật thà nói: “Bây giờ quen ăn tết chung rồi, không còn nhớ nhiều về tết Mông trước đây nữa đâu”. Phấn khởi vì vụ ngô ruộng hè thu đầu tiên được mùa, nhân dân thôn Nà Nọi đang tranh thủ thời gian lên nương, chăm sóc thảo quả, quế, chuẩn bị che chắn chuồng trại để chống rét cho trâu, bò trong những ngày đông giá rét mù sương.

“Năm nay gia đình xây dựng 8 ô chuồng nuôi gia súc. Do mới xây xong phần tường, nên gia đình đang phải giục đội thợ làm nhanh để còn kịp đón tết Nguyên đán”- ông Giàng A Vư, thôn Nà Nọi cho biết.

 

Học sinh người Mông Trường  phổ thông dân tộc bán trú THCS Suối Giàng những ngày nay vẫn đến trường.

Nhìn công trình chuồng trại cấp 4 còn dang dở, ngổn ngang nguyên vật liệu mới thấy được sự táo bạo, dám nghĩ dám làm của tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế của vùng non cao. Ông Vư cũng là một trong những lãnh đạo tiên phong của Sùng Đô trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Mông địa phương cùng ăn chung một Tết theo gương xã Suối Giàng- địa phương đầu tiên trong huyện Văn Chấn thực hiện ăn tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Năm đầu tiên vận động không ít bà con phản đối vì không muốn bỏ phong tục, tập quán ngàn đời, song ông vẫn kiên trì giải thích, huy động sự tham gia của các già làng, trưởng dòng họ thuyết phục nhân dân.

Ông chia sẻ: “Sau cái tết chung đầu tiên, nhân dân nhận thấy không còn mâu thuẫn về thời gian khi chỉ ăn riêng tết Mông, thấy con cháu đi học không bị gián đoạn, hoạt động sản xuất không phải chờ đợi sau tết Nguyên đán nên dần dần bà con đã nhận thức được và tự giác lùi lịch ăn tết lại. Bây giờ thì Sùng Đô thực sự không còn tết Mông nữa rồi. Tôi rất vui vì mình đã có đóng góp rất lớn để thay đổi suy nghĩ cho nhân dân”.

Theo số liệu thống kê, toàn huyện Văn Chấn hiện có 17 xã, thị trấn có đồng bào Mông sinh sống với tổng số 1.942 hộ, 11.332 nhân khẩu. Có tỷ lệ đồng bào Mông sinh sống nhiều nhất là Sùng Đô (98%), Suối Giàng (hơn 97%), Suối Bu (96%). Nhiều năm trước đây, việc ăn tết kéo dài từ 25/11 đến 15/12 Âm lịch mỗi năm đã gây không ít tốn kém, phiền hà cho nhân dân. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập của con em, thời gian nghỉ tết trái với đồng bào đa số nên người Mông cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp. Nhận thức được vấn đề này,  Văn Chấn đã chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân điều chỉnh thời gian ăn tết theo lịch tết Nguyên đán.

Với sự đi đầu của xã Suối Giàng từ năm 1995, chỉ  2 năm sau, 100% đồng bào Mông Văn Chấn đã cùng ăn chung một tết, dành thời gian tập trung lao động sản xuất. Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nông Ích Chấn cho biết: “Việc ăn chung một tết hơn 10 năm nay đã làm chuyển biến cơ bản điều kiện kinh tế - xã hội và nhận thức của nhân dân, đặc biệt là các xã vùng cao. Nhân dân đã tích cực mở rộng diện tích lúa nước, đưa cây ngô, cây sắn lên nương, lên đồi; tích cực chăn nuôi, trồng cây gây rừng để nâng cao đời sống”.

Quen với việc ăn chung một tết cổ truyền của dân tộc, đã hơn 10 năm qua, đồng bào Mông Văn Chấn không còn phải lo lắng mua sắm hàng hóa mà đang khẩn trương hoàn thành các công việc còn dang dở. Những chiếc váy sặc sỡ đang được đôi bàn tay khéo léo của chị em lồng thêu chỉ xanh, chỉ đỏ, chuẩn bị chiếc áo, váy mới cho con em chưng diện trong những ngày đầu năm mới. Cùng với việc tập trung tăng gia lao động sản xuất, các gia đình còn tranh thủ thời gian đi thăm con cái, dặn dò con em chú tâm học tập, chờ đến giáp ngày nghỉ để cùng vào chợ, mua sắm ít đồ dùng, vật dụng cho những ngày sum vầy sắp tới trong dịp tết Nguyên đán.

 Thanh Huyền 

Các tin khác

YBĐT - Sáng nay - 16/12, kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh khóa XVII chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

YBĐT - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường tránh ngập thành phố Yên Bái; Yên Bái tiếp nhận quản lý thêm một bệnh viện cấp III; Công bố 8 Luật và 1 Pháp lệnh vừa được Quốc hội thông qua; Liên Hiệp Quốc phát hiện bằng chứng vũ khí hóa học sử dụng tại Syria; Đàm phán với Iran sẽ sớm nối lại... là những thông tin đáng chú ý

Các đơn vị ký cam kết thi đua năm 2014

YBĐT- Ngày 13/12, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái (đơn vị cụm trưởng năm 2013) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua năm 2013, triển khai nhiệm vụ công tác thi đua năm 2014 – Cụm thi đua các tỉnh Tây Bắc.

Thường trực HĐND xã Mỏ Vàng giám sát thi công công trình trụ sở HĐND - UBND xã.

YBĐT - Hội đồng nhân dân (HĐND) xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp, điều hòa hoạt động với UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ đại biểu HĐND trong việc triển khai và thực hiện Nghị quyết HĐND xã về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục