Tết chung "thông ý Đảng, tỏ lòng dân"
- Cập nhật: Thứ tư, 18/12/2013 | 8:44:25 AM
YBĐT - Những ngày cuối năm bận rộn sắp qua, hoa mơ, hoa mận, hoa đào đã đơm nụ nảy chồi, nhưng trên những nương ngô, ruộng lúa, sườn đồi, đồng bào Mông của huyện Trạm Tấu vẫn hăng say lao động sản xuất phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra để cùng chung niềm vui đón năm mới Giáp Ngọ của cả dân tộc.
Đồng chí Đặng Trần Chiêu - Giám đốc Công an tỉnh tặng quà các cá nhân tiêu biểu trong việc vận động đồng bào ăn chung một tết ở xã Tà Si Láng.
|
Vào thời điểm này, nhiều năm trước, đồng bào Mông huyện Trạm Tấu nói chung và đồng bào Mông xã Tà Si Láng nói riêng đang tưng bừng xuống phố náo nức sắm sửa để chuẩn bị đón tết cổ truyền dân tộc thường được tổ chức vào đầu tháng 12 Âm lịch (tức là trước tết Nguyên đán một tháng).
Năm nay thì khác, dù thời gian đón tết Mông đã đến rất gần nhưng trên khắp các con đường về 5/5 thôn, bản của xã là: Làng Mảnh, Sán Nhù, Chống Chùa, Tà Đằng và Tà Cao, bà con vẫn đang khẩn trương làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ xuân, đẩy nhanh tiến độ chăm sóc các diện tích rừng trồng và cùng chung tâm trạng náo nức chờ đón tết Nguyên đán Giáp Ngọ với đồng bào cả nước.
Trên đường về thôn Chống Chùa là các triền đồi hoa mơ, hoa mận bắt đầu chúm chím những chiếc nụ trắng tinh khôi. Trong cái rét ngọt của vùng cao, đồng bào Mông vẫn đang nhanh tay làm đất be bờ, dẫn nước vào ruộng. Ở một thửa ruộng đã được làm đất rất kỹ, ông Sùng Rủ Gia đang cố làm nốt đoạn bờ đắp dở cười hồn hậu: "Phải đắp kỹ thế này thì mới giữ được nước, nếu không ruộng cạn thì khó làm đất lắm. Giờ này những năm trước, chúng tôi vẫn chưa làm ruộng đâu vì còn đang chuẩn bị đón tết Mông".
Được biết, để chuẩn bị đón tết dân tộc, trước nửa tháng các gia đình người Mông đã tập trung nhân lực để giã bánh dày, nấu rượu, mổ lợn, rồi tổ chức các trò chơi dân gian ăn tết có khi đến cả tháng ... nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ sản xuất vụ xuân. Hai năm nay thì khác, thực hiện chủ trương của tỉnh và của huyện về việc vận động đồng bào Mông cùng ăn chung một tết Nguyên đán với các dân tộc, bà con trong thôn đều tích cực ra đồng làm đất để ăn tết xong chỉ việc cấy lúa luôn.
"Thấy chủ trương ăn chung một tết là đúng đắn nên khi cán bộ đến vận động là mình cùng gia đình thực hiện thôi. Mình chỉ nghĩ đơn giản thế này, ăn tết chung không phải là không được ăn tết, chỉ có điều là chậm lại một thời gian để cùng được hưởng bầu không khí đón xuân ở khắp mọi miền đất nước. Không ăn trước thì ăn sau chứ có mất tết đâu mà không thực hiện" - ông Gia khẳng định.
Theo lời giới thiệu của ông Sùng A Ninh - Trưởng thôn Chống Chùa, gia đình ông Sùng Rủ Gia là một trong những hộ tiêu biểu đi đầu trong thôn thực hiện tốt chủ trương ăn chung một tết. Không những thế, ông Gia còn tuyên truyền vận động người thân trong gia đình và các hộ trong thôn, đặc biệt là các hộ giáo dân thực hiện tốt chủ trương này vì bản thân gia đình ông cũng là một hộ giáo dân kính Chúa yêu nước và sản xuất giỏi. Thôn Chống Chùa hiện có 47 hộ dân, 100% là đồng bào Mông, trong đó có 19 hộ theo đạo Thiên chúa giáo.
Theo nhận định của Ban công tác mặt trận thôn, một bộ phận những người theo đạo ở đây lúc đầu tỏ ra không đồng tình với chủ trương ăn chung một tết như các hộ ông Sùng Mang Chống, Sùng A Tống. Họ đưa ra lý do là gia đình mất mùa nên không ăn tết trước thì không có điều kiện để ăn tết chung.
Xác định được tư tưởng đó, thôn đã tập trung tuyên truyền mạnh vào các hộ "chưa thấu nghị quyết của Đảng" và vận động chính những người theo đạo có tinh thần tích cực như ông Sùng Rủ Gia, Sùng Tráng Hồ, Hờ Sáng Tủa để vận động các hộ này. Bằng tinh thần tích cực, thái độ nghiêm túc, đến nay tất cả các hộ dân trong thôn Chống Chùa đã đồng lòng ăn chung một tết như bao dân tộc khác. Vậy là Chống Chùa trở thành thôn điển hình nhất của xã Tà Si Láng trong việc vận động đồng bào ăn chung một tết.
Có được kết qua đó là do ngay từ đầu tháng 10 năm nay, nắm được chủ trương tiếp tục thực hiện vận động đồng bào ăn chung một tết, xã Tà Si Láng đã tổ chức họp, thành lập 5 ban vận động ở 5 thôn, bản tổ chức họp dân để tuyên truyền vận động đồng bào. Bên cạnh một số thôn đã thực hiện tốt như Chống Chùa, vẫn có những thôn, bản đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực và đồng bộ như thôn Làng Mảnh. Đây là địa bàn cư trú của 92 hộ dân với 100% là đồng bào Mông sinh sống rải rác ở 7 chòm dân cư.
Cái khó của thôn này là địa bàn rộng, dân cư không tập trung, việc triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước tới dân gặp khó khăn, vì vậy việc triển khai vận động đồng bào ăn chung một tết, thôn phải tiến hành họp ở từng chòm dân cư để đảm bảo hộ nào cũng nắm được chủ trương. Chi bộ thôn Làng Mảnh có 9 đảng viên nên Ban chi ủy đã họp giao cho mỗi đảng viên chịu trách nhiệm vận động 1 chòm dân cư.
Ngay sau Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, thôn đã thông qua chủ trương vận động đồng bào ăn chung một tết, sau đó buổi họp nào vấn đề "ăn chung một tết" cũng được Ban công tác mặt trận đưa ra bàn thảo để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân về chủ trương này.
Anh Vàng A Mai chia sẻ: "Năm ngoái thực hiện ăn tết chung mình thấy vui hơn hẳn, mình thích nhất là xuống chợ sắm tết được chứng kiến không khí tấp nập, đông người, hàng hóa cũng nhiều hơn so với ngày thường. Vui nhất là con mình đi học xa nhà vẫn được về ăn tết mà không phải nghỉ học như trước. Vì vậy, năm nay mình cũng sẽ ăn tết chung. Giờ chưa đến tết mình và gia đình phải làm ruộng làm nương để khi có giống là kịp thời gieo cấy lúa, ngô".
Lãnh đạo huyện Trạm Tấu thăm nương ngô của một hộ dân thôn Làng Mảnh, xã Tà Si Láng.
Là xã vùng cao xa xôi nhất huyện với 100 % dân số là người Mông, để tinh thần ăn chung một tết đến được với đồng bào trong xã, Chủ tịch UBND xã Giàng A Chang chia sẻ: "Ngoài việc tổ chức họp thôn, xã đã phối kết hợp với các nhà trường quản lý chặt học sinh trong thời điểm đón tết của đồng bào Mông, đồng thời nói cho các em hiểu cái lý của việc ăn chung một tết để về nhà chính các em sẽ là những tuyên truyền viên tích cực trong từng gia đình về chủ trương ăn tết chung".
Mấu chốt của quá trình vận động là vận động từ chính các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ. Đây là những người thông ý Đảng tỏ lòng dân ở các khu dân cư nhất, do vậy khi họ tuyên truyền vận động thì hiệu quả đem lại là rất tích cực.
Việc vận động bào Mông vui chung một tết Nguyên đán ở Tà Si Láng còn được Ban chấp hành Đảng ủy xã đưa vào kế hoạch hoạt động trọng tâm những tháng cuối năm. Để gắn trách nhiệm của mỗi đảng viên với chủ trương này, Đảng ủy xã giao cho mỗi đảng viên vận động một nhóm hộ gia đình và đưa việc vận động vào tiêu chí bình xét chất lượng đảng viên cuối năm.
Kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ, từ sự tiên phong gương mẫu của đảng viên, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, một trong những xã vùng cao xa xôi nhất tỉnh Tà Si Láng đã thành công trong việc vận động đồng bào Mông ăn chung một tết Nguyên đán. Những ngày cuối năm bận rộn sắp qua, hoa mơ, hoa mận, hoa đào đã đơm nụ nảy chồi, nhưng trên những nương ngô, ruộng lúa, sườn đồi, đồng bào Mông 5 thôn, bản của Tà Si Láng vẫn hăng say lao động sản xuất, làm đất chờ xuống giống đúng khung thời vụ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu gieo cấy 80 ha ruộng nước và 360 ha ngô mà nghị quyết Đảng bộ xã đã đề ra để cùng chung niềm vui đón năm mới Giáp Ngọ của cả dân tộc.
Thu Hằng
Các tin khác
YBĐT - Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương, tình hình rét đậm hiện nay có thể kéo dài đến ngày 18 tháng 12 năm 2013. Để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc và bảo vệ sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan thực hiện tốt một số nội dung sau:
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, các công tác chuẩn bị cho kênh truyền hình Quốc hội đang gấp rút được hoàn tất để có thể hoạt động vào đầu năm 2014.
YBĐT – Thực hiện chương trình làm việc của kỳ họp thứ 9 – HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVII, buổi chiều ngày 17/12, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường và thông qua các nghị quyết.
>>> Khai mạc kỳ họp thứ 9 – HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVII
YBĐT - Ngày 6/8/2008, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã ban hành Nghị quyết số 27-NQTW “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”(NQ 27). Sau 5 năm triển khai thực hiện, Yên Bái đã đạt được một số kết quả khả quan.