Các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/2/2014 | 8:41:35 AM
Tiếp theo kỳ trước, YBĐT xin đăng tải trả lời của các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời
1. Cử tri phản ánh, tình trạng lâm tặc chặt phá rừng còn nhiều, việc phá rừng đầu nguồn gây ngập lụt vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của nhân dân, trong khi lực lượng kiểm lâm còn thiếu và yếu. Đề nghị Nhà nước sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng nâng mức xử lý nặng hơn, xử thật nghiêm lâm tặc và cán bộ kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc đồng thời tăng cường nhân lực, thẩm quyền, công cụ hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm nhằm tăng hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng.
Tại Công văn số 173/BNN-TCLN, ngày 14 tháng 1 năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:
Trước hết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảm ơn cử tri các tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Thuận, Bến Tre, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Yên Bái đã quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung, lực lượng kiểm lâm nói riêng. Vấn đề cử tri đề cập, Bộ có ý kiến trả lời như sau:
Thời gian vừa qua, tình hình xâm hại tài nguyên rừng xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có một số vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật tại các khu rừng đầu nguồn, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ủy ban nhân dân các tỉnh kiểm tra, kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
1.1. Về chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản:
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012, thay thế Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 2/11/2009 của Chính phủ. Nội dung dự thảo Nghị định theo hướng quy định đầy đủ, rõ ràng hơn các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đồng thời tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm phổ biến, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa, hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái pháp luật.
1.2. Về công tác kiện toàn, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm:
Trong thời gian qua, tại một số địa phương xảy ra tình trạng cán bộ kiểm lâm lợi dụng quyền hạn trong thi hành công vụ, gây phiền hà cho doanh nghiệp, cá nhân, thậm chí có trường hợp tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các địa phương kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm và đã ban hành Chỉ thị số 3714/CT-BNN-TCLN ngày 15/12/2011 về việc tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng kiểm lâm đồng thời chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp và các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án "Đổi mới, kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động kiểm lâm giai đoạn 2012 - 2020", trình Chính phủ xem xét quyết định nhằm tạo điều kiện về hành lang pháp lý cho lực lượng kiểm lâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời
1. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn 175 thôn, bản với 14.228 hộ dân chưa có điện lưới quốc gia. Trong đó, có hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và rất nhiều hộ dân phải di chuyển để nhường đất cho xây dựng công trình thủy điện Thác Bà.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã tổ chức lập và phê duyệt dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện tại Quyết định số 1541/QĐ-UB, ngày 14/10/2011 với tổng mức đầu tư là 611.516 triệu đồng (sáu trăm mười một tỷ, năm trăm mười sáu triệu đồng). Trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ 85%; vốn địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác 15%. Nhưng đến nay, dự án chưa được hỗ trợ vốn của Trung ương để triển khai thực hiện.
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương quan tâm trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ vốn để dự án sớm được triển khai thực hiện.
Tại Công văn số 1170/BKHĐT-TH ngày 23/2/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời:
Tỉnh Yên Bái đã có Văn bản số 1315/UBND-CN ngày 22/6/2011 gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương và hỗ trợ vốn đầu tư dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện.
Ngày 29/7/2011, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 5192/VPCP-KTN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công thương hướng dẫn tỉnh lập dự án đầu tư, tổ chức thẩm định và phê duyệt theo quy định hiện hành; dự án được áp dụng cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư đã thực hiện đối với các dự án cấp điện 5 tỉnh Tây Nguyên (85% vốn ngân sách Trung ương, 15% vốn chủ đầu tư).
Ngày 1/9/2011, Bộ Công thương có Văn bản số 8120/BCT-TCNL gửi tỉnh Yên Bái hướng dẫn việc lập dự án đầu tư cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện.
Ngày 14/10/2011, UBND tỉnh Yên Bái có Quyết định số 1541/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện. Trong đó, chủ đầu tư là Sở Công thương tỉnh Yên Bái, tổng mức đầu tư là 611.517 triệu đồng (85% vốn ngân sách Trung ương, 15% vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác).
Theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015, nguồn vốn ngành công nghiệp được bố trí để thực hiện các dự án đầu tư mạng lưới điện vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chỉ bố trí các dự án thuộc các Bộ, ngành Trung ương làm chủ đầu tư; nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho các địa phương chỉ bố trí thực hiện các Chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương theo các quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án đầu tư cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện tỉnh Yên Bái là dự án do địa phương làm chủ đầu tư chưa có trong các chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, do đó không được bố trí vốn ngành công nghiệp và vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước các năm 2012 và 2013.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Công thương đã lập Đề án tổng thể "Cấp điện cho các thôn, bản và hải đảo chưa có điện giai đoạn 2012 - 2020" trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 9020/BCT-TCNL ngày 21/9/2010. Văn phòng Chính phủ đang tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi có quyết định phê duyệt Đề án tổng thể, dự án đầu tư cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện của tỉnh Yên Bái nói riêng và các dự án cấp điện do các địa phương làm chủ đầu tư nói chung sẽ được xem xét hỗ trợ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương.
Bộ Y tế trả lời
1. Đề nghị bổ sung đối tượng đồng bào dân tộc Kinh sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế như đồng bào dân tộc thiểu số cùng địa bàn sinh sống.
Bộ Y tế trả lời:
Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo đã giải quyết khó khăn và đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của các đối tượng yếu thế trong xã hội như người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế và để tránh tình trạng bao cấp tràn lan, Luật Bảo hiểm y tế đã quy định cụ thể hơn 2 nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đảm bảo đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Riêng người thuộc hộ gia đình cận nghèo và người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% - 50% mức đóng bảo hiểm y tế.
Như vậy, về cơ bản, người Kinh thuộc gia đình nghèo đã được ngân sách Nhà nước bảo đảm cấp thẻ bảo hiểm y tế và người Kinh thuộc hộ gia đình cận nghèo đó được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng bảo hiểm y tế. Quy định này nhằm hỗ trợ cho người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn là một chính sách an sinh xã hội phù hợp, giúp chia sẻ khó khăn, góp phần đảm bảo công bằng và giúp người dân tiếp cận được với dịch vụ y tế. Việc bổ sung các đối tượng như kiến nghị của cử tri đã và đang được Chính phủ xem xét và trình Quốc hội khi sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm y tế.
(Còn nữa)
Các tin khác
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 20/2 lên tiếng bày tỏ quan ngại về Chương trình giám sát cá da trơn được nêu trong Luật Nông nghiệp Mỹ 2014.
YBĐT - Trong 2 ngày 19 và 20/2, Đoàn công tác của Bộ Y tế do đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái. Cùng đi có các đồng chí lãnh đạo các cục, vụ và tổng cục thuộc Bộ Y tế.
YBĐT - Thành phố Yên Bái triển khai thực hiện xây dựng các mô hình dân vận khéo gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.