Các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái
- Cập nhật: Thứ ba, 4/3/2014 | 2:32:36 PM
Tiếp theo kỳ trước, YBĐT xin đăng tải tiếp nội dung trả lời của các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái:
Cử tri huyện Lục Yên phát biểu ý kiến tại cuộc tiếp xúc với đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái khóa XIII.
(Ảnh: Q.N)
|
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời
1. Cử tri tỉnh Yên Bái đề nghị Chính phủ xem xét và điều chỉnh một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong Bộ Tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg, ngày 16/4/2009. Cụ thể một số tiêu chí sau đây khó có khả năng và không có tính khả thi khi triển khai thực hiện:
- Tiêu chí “Bưu điện” quy định có Internet đến thôn;
- Tiêu chí “Cơ sở vật chất văn hóa” quy định: Tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Tại Công văn số 3144/BNN-KTHT ngày 6/9/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:
1. Về sửa đổi tiêu chí quốc gia về nông thôn mới: Ngày 20/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 342/QĐ - TTg sửa đổi một số tiêu chí của Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
2. Về quy định có Internet đến thôn trong tiêu chí bưu điện: Bộ Thông tin và Truyền thông tại Quyết định số 463/QĐ-BTTTT ngày 22/3/2012 quy định: “Có hạ tầng kỹ thuật viễn thông đáp ứng nhu cầu dịch vụ Internet cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn thôn và có các điểm truy cập dịch vụ Internet theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”.
Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (thay thế Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009) tại Điểm b Khoản 1 Điều 12 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy định: “Có phủ sóng hoặc mạng để truy cập Internet”. Đây là quy định có tính khả thi vì phạm vi phủ sóng của các doanh nghiệp viễn thông đã có ở tất cả các thôn trên cả nước.
3. Thông báo số 267/TB-VPCP ngày 24/7/2013 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo các Bộ, ngành cần xem xét hướng dẫn mức độ đạt chuẩn của một số tiêu chí nông thôn mới (nhà văn hóa, khu thể thao, giao thông...) theo đặc thù của từng vùng miền.
Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (thay thế Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009) tại Khoản 2 Điều 9 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy định: “Trường hợp thôn sử dụng trụ sở thôn, đình làng hoặc nhà rông có trang thiết bị và nội dung hoạt động theo tiêu chuẩn nhà văn hóa thì cũng được công nhận đã có nhà văn hóa thôn”.
Bộ Tài chính trả lời
1. Đề nghị Nhà nước quan tâm và có chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó cần quan tâm và có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đóng tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại Công văn số 11265/BTC-CST, ngày 23/8/2013, Bộ Tài chính trả lời:
Hiện nay, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chính phủ đã ban hành các văn bản quy định cụ thể về Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn như: Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006, Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008, Nghị định số 53/2010/NĐ-CP ngày 19/5/2010...
Pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành đã có quy định về chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, cụ thể tại Điều 13 và Điều 14 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:
“Điều 13. Ưu đãi về thuế suất
1. Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm.
2. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường được áp dụng thuế suất 10%.
3. Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được áp dụng thuế suất 20% trong thời gian mười năm.
4. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và quỹ tín dụng nhân dân được áp dụng thuế suất 20%”.
“Điều 14. Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế
1. Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm; doanh nghiệp thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường được miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo.
2. Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được miễn thuế tối đa không quá hai năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá bốn năm tiếp theo”.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 10% trong thời gian 15 năm, được miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong tối đa 9 năm tiếp theo; trường hợp doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 20% trong thời gian 10 năm, được miễn thuế tối đa 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong tối đa 4 năm tiếp theo.
Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014. Theo quy định của Luật này, chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được tiếp tục giữ như quy định hiện hành.
Bộ Giao thông - Vận tải trả lời
1. Cử tri tỉnh Yên Bái kiến nghị:
- Việc điều chỉnh, bổ sung cầu vượt, cống chui giao cắt giữa đường cao tốc với đường quốc lộ và đường tỉnh; các cống chui dân sinh giao cắt đường huyện, xã với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai để phù hợp với quy hoạch và ổn định phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Trong quá trình triển khai thi công đường cao tốc đã làm vùi lấp, ngập úng nhiều diện tích đất nông nghiệp của nhân dân nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng đường cao tốc (5.243ha), gây ảnh hưởng tới 783 hộ gia đình, hiện nay không có đất để sản xuất.
- Đề nghị hoàn trả lại các tuyến đường liên thôn xã, hệ thống kênh, mương thủy lợi, thoát nước trong quá trình thi công đường cao tốc làm hư hỏng, vùi lấp.
Tại Công văn số 6937/BGTVT-QLXD ngày 15/7/2013, Bộ Giao thông - Vận tải trả lời:
1. Trong bước khảo sát và thiết kế kỹ thuật (năm 2007), tư vấn đã tiến hành khảo sát thực tế hiện trường, thu thập tài liệu quy hoạch của địa phương (tỉnh, huyện, xã), thỏa thuận và ký biên bản làm việc với các cấp chính quyền địa phương về vị trí cầu vượt, cống chui dân sinh, cống thoát nước... đối với đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Yên Bái (dài 80,67km) để tiến hành thiết kế kỹ thuật và căn cứ ý kiến thỏa thuận của các cơ quan liên quan theo quy định trong bước lập dự án đầu tư, tư vấn thiết kế đã thiết kế 30 cầu vượt, 130 cống chui dân sinh, 4 nút giao và 2 trạm dừng nghỉ.
Trong quá trình triển khai thi công, trên cơ sở kết quả khảo sát để lập bản vẽ thi công và các đề xuất của chính quyền địa phương, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chỉ đạo Ban Quản lý Dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu xem xét, thống nhất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, VEC đã điều chỉnh và bổ sung: 16 cống thoát nước thủy lợi; 02 cống chui dân sinh khẩu độ 4x2.7m; 03 đường gom và đường dân sinh tại các vị trí mố A1 cầu Ngòi Róm, Km185+220 và Km160+580 - Km160+660; ngoài ra một số mương thủy lợi cũng được bổ sung hoặc sửa chữa để phù hợp với yêu cầu của địa phương.
Đối với nút giao Văn Phú (nút giao 12) tại Km114+260: Do nguồn vốn hạn chế nên trong quyết định đầu tư giai đoạn (1) của Dự án chưa tiến hành xây dựng nút giao này. Tuy nhiên, ngày 13/6/2013, UBND tỉnh Yên Bái có Văn bản số 1155/UBND-XD đề xuất xây dựng nút giao Văn Phú ngay trong giai đoạn 1 của Dự án. Ngày 20/6/2013, VEC đã có Văn bản số 1969/VEC-KTCNMT báo cáo và kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải chấp thuận xây dựng nút giao Văn Phú ngay trong giai đoạn 1 để nối thông với đường tránh ngập lụt của thành phố Yên Bái như đề xuất của địa phương. Kinh phí xây dựng dự kiến cho nút giao này là 107,86 tỷ đồng.
2. Trong quá trình thi công, dưới sự chỉ đạo của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu Keangnam (Gói thầu A5) và Doosan (Gói thầu A6) đã rất cố gắng thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường như: hạn chế khói bụi, sạt lở đất, ảnh hưởng đến hệ thống tưới tiêu nông nghiệp... Mặc dù vậy, trên toàn bộ gói thầu vẫn có một số vị trí xảy ra tình trạng sạt lở đất từ ta-luy nền đường làm vùi lấp và gây ngập úng đất nông nghiệp (Gói thầu A5 nằm trong địa phận huyện Trấn Yên, Văn Yên và thành phố Yên Bái; Gói thầu A6 nằm trong địa phận huyện Văn Yên).
Trước tình hình đó, VEC đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phối hợp với chính quyền địa phương và hộ dân bị ảnh hưởng tiến hành kiểm kê diện tích đất, hoa màu và tài sản bị ảnh hưởng để đưa ra phương án xử lý phù hợp, cụ thể như sau:
- Thiệt hại về hoa màu, mùa vụ sản xuất và tài sản: Trên cơ sở số liệu kiểm kê đã thống nhất, nhà thầu áp giá đền bù theo đúng chính sách của tỉnh để bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
- Thiệt hại về đất đai:
+ Đối với diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng có thể khôi phục được, VEC đã chỉ đạo nhà thầu huy động nhân lực, thiết bị nạo vét đất, hoàn trả lại tình trạng ban đầu để người dân tiếp tục canh tác.
+ Đối với diện tích đất nông nghiệp không phục hồi được VEC đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phối hợp cùng chính quyền địa phương làm việc với các hộ dân bị ảnh hưởng để đưa ra phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất... phù hợp nhu cầu sử dụng.
Đến tháng 2/2013, nhà thầu Keangnam đã bồi thường xấp xỉ 3,4 tỷ đồng; nhà thầu Doosan đã bồi thường xấp xỉ 2,2 tỷ đồng cho các hộ bị ảnh hưởng.
Hiện nay, các nhà thầu vẫn tiếp tục thực hiện cho các vị trí mới phát sinh sau đợt mưa bão vừa qua. VEC sẽ tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu tuân thủ nghiêm chỉnh các điều kiện hợp đồng về việc giảm thiểu các tác động môi trường, giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống người dân dọc theo tuyến đường dự án; nếu do điều kiện thời tiết và địa hình quá bất lợi dẫn đến sạt lở đất thì nhà thầu phải bồi thường thiệt hại cho người dân. Trường hợp nhà thầu không tuân thủ các biện pháp giảm thiểu tác động dẫn đến sạt lở, nhà thầu sẽ phải chịu các hình thức phạt theo quy định hợp đồng.
3. Thời gian vừa qua, nhà thầu Keangnam chủ yếu thực hiện công tác đào, đắp nền đường bằng cách điều phối đào đắp trong phạm vi công trường. Mặt khác, vị trí tuyến gói thầu A5 nằm cách xa các tuyến tỉnh lộ và đường huyện, do đó nhà thầu sử dụng các tuyến đường của địa phương chưa nhiều và hiện tại ảnh hưởng không đáng kể đến chất lượng khai thác của các tuyến này.
Trong quá trình thi công gói thầu A6, nhà thầu Doosan đã sử dụng 47km đường của địa phương bao gồm cả tỉnh lộ, đường huyện và đường xã. Để đảm bảo điều kiện phục vụ bình thường của các tuyến đường này cũng như công trình thoát nước trên tuyến, nhà thầu Doosan đã thành lập và duy trì một đội duy tu bảo dưỡng (có đầy đủ vật liệu, nhân công, máy móc thiết bị như: máy xúc, máy ủi, máy san và ô tô) để duy tu sửa chữa thường xuyên.
Theo đánh giá của tư vấn giám sát cũng như Ban Quản lý Dự án các tuyến đường và các công trình trên tuyến này đều được duy trì ở điều kiện phục vụ tốt. Đến nay, nhà thầu Doosan đã chi 6,5 tỷ đồng để duy tu và sửa chữa các tuyến đường đã sử dụng.
2. Cử tri tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu, xem xét cho xây dựng đường ngang trên đường sắt quốc gia tại địa bàn thôn 8, thôn 9 của xã Lâm Giang (Văn Yên).
Tại Công văn số 6810/BGTVT-KCHT ngày 10/7/2013, Bộ Giao thông - Vận tải trả lời:
1. Tại địa bàn thôn 8 và thôn 9, xã Lâm Giang: Nằm phía bên phải tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, kéo dài từ Km217 + 000 đến Km217 + 600, hiện tại chưa có đường giao thông liên xã, nhân dân đi lại qua đường ngang dân sinh tự phát tại Km217 + 550 tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai. Vì vậy, để thuận tiện cho việc đi lại của người nhân và đảm bảo an toàn giao thông, Bộ Giao thông - Vận tải giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiến hành khảo sát và đầu tư xây dựng đường ngang tại Km217 + 550 tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai trong năm 2013, bổ sung vào hạng mục “ Xây dựng các hạng mục công trình thuộc giai đoạn II Kế hoạch 1856 theo lệnh khẩn cấp” theo Văn bản số 968/TTg - KTN ngày 16 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư các công trình thuộc giai đoạn 2 và 3 của kế hoạch an toàn đường sắt.
2. Để phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông đường sắt, đường bộ, đề nghị địa phương:
+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nghiêm chỉnh chấp hành Luật Đường sắt. Không mở các đường đi trái phép qua đường sắt; việc mở đường ngang phải chấp hành đúng theo quy định tại Thông tư số 33/2012/TT - BGTVT ngày 15 tháng 8 năm 2012 Quy định về đường ngang do Bộ Giao thông - Vận tải ban hành.
+ Phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các đơn vị quản lý đường sắt sở tại để triển khai kịp thời, có hiệu quả Quy chế phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt tại các giao cắt cùng mức giữa đường sắt và đường bộ được ký giữa Bộ Giao thông - Vận tải và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua.
3. Cử tri tỉnh Yên Bái đề nghị Chính phủ hỗ trợ vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện đầu tư xây dựng cầu Tô Mậu (Lục Yên).
Tại Văn bản số 6310/VPCP-KTTH, ngày 31 tháng 7 năm 2013, Văn phòng Chính phủ trả lời:
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Văn phòng Chính phủ xin chuyển Văn bản số 30/ĐĐBQH-CTQH ngày 12 tháng 7 năm 2013 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện Dự án xây dựng cầu Tô Mậu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải xem xét, xử lý theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất phương án vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tại Văn bản số 7836/BGTVT-KHĐT, ngày 2 tháng 8 năm 2013, Bộ Giao thông - Vận tải trả lời:
Bộ Giao thông - Vận tải nhận được Văn bản số 30/ĐBQH-CTQH ngày 12/7/2013 của Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái về việc hỗ trợ vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện đầu tư xây dựng cầu Tô Mậu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông - Vận tải có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Luật Ngân sách đối với hệ thống đường địa phương, Bộ Giao thông - Vận tải chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước, các địa phương chịu trách nhiệm đầu tư phát triển, quản lý khai thác và bảo trì. Do vậy, vốn đầu tư cho công trình cầu Tô Mậu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách địa phương.
Bộ Giao thông - Vận tải ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng cầu Tô Mậu và đề nghị UBND tỉnh Yên Bái chủ động huy động mọi nguồn vốn hợp pháp để đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đi lại của nhân dân. Trường hợp không thể cân đối được nguồn, đề nghị UBND tỉnh Yên Bái làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xem xét và hỗ trợ.
Các tin khác
Hội nghị có sự tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo từ hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế.
YBĐT - Ngành Y tế tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ kỷ niệm 59 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2014); Đoàn công tác của Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi đã lên thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái; UBND huyện Văn Chấn (Yên Bái) quyết định thành lập chốt kiểm dịch động vật tại xã Minh An; Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố “Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới năm 2013"...
YBĐT - Sáng 1/3, Báo Yên Bái đã tổ chức công bố Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về việc điều động, bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyển thông về làm Tổng biên tập Báo Yên Bái thay đồng chí Bùi Anh Túy - Tổng biên tập Báo Yên Bái về nghỉ chế độ theo qui định.
Trong số 44 cán bộ lãnh đạo vừa được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định luân chuyển về địa phương, có 19 đồng chí giữ chức Thứ trưởng và tương đương; 25 đồng chí là cục trưởng, vụ trưởng và tương đương.