Chiến dịch Tây Bắc đã làm chủ vùng chiến lược xung yếu
- Cập nhật: Thứ hai, 24/3/2014 | 9:13:17 AM
YBĐT - Chiến dịch Tây Bắc thắng lợi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đã giải phóng đồng bào Tây Bắc khỏi ách áp bức của Pháp, giải phóng một bộ phận đất đai rộng lớn ở một vùng chiến lược vô cùng quan trọng. Quân và dân ta đã tiêu diệt và chiếm lại các vị trí lớn nhỏ của Pháp ở Tây Bắc để tránh được sự uy hiếp của chúng đối với căn cứ địa Việt Bắc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cộng sự nghiên cứu sa bàn chuẩn bị đánh đồn nghĩa Lộ trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952. (Ảnh tư liệu)
|
Tây Bắc là một vùng chiến lược quan trọng và là nơi hiểm yếu có thể uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc cũng như kiểm soát được vùng Thượng Lào. Nhưng ở đây, quân Pháp dàn trải về lực lượng nên không mạnh và bộc lộ nhiều sơ hở. Cụ thể là lực lượng của chúng có 8 tiểu đoàn, 41 đại đội phân tán trên 144 cứ điểm, trong đó có khoảng 40 cứ điểm có từ 1 đến 2 đại đội, còn lại thường có từ 1 đến 2 trung đội. Công sự ở nhiều nơi then chốt tuy đã được cải tiến lô cốt, hầm ngầm xi măng cốt sắt nhưng phần lớn vẫn làm bằng gỗ, bằng đất.
Trong khi tình hình quân Pháp ở vùng Tây Bắc như vậy thì từ năm 1949 trở đi, cục diện chiến trường của ta đang lớn mạnh. Đặc biệt, nhiều chiến dịch như Chiến dịch Sông Thao 1949 phá tan tuyến phòng thủ dài trên 200km dọc tuyến sông Thao của quân Pháp, mở rộng vùng tự do trên đất Yên Bái, Lào Cai. Vùng Việt Bắc với Chiến dịch Biên giới 1950 đã đẩy lùi quân Pháp ở vùng Việt Bắc.
Chiến dịch Lê Hồng Phong 1951 tuy không đạt được mục tiêu nhưng đã làm tổn thất lớn cho quân Pháp ở Nghĩa Lộ, Lai Châu, Sơn La. Ở vùng đồng bằng với Chiến dịch Hà Nam Ninh cũng đã gây cho địch tổn thất hết sức nặng nề… Vì thế, khả năng kiểm soát vùng đồng bằng của quân Pháp ở thời điểm này cũng gặp rất nhiều trở ngại.
Trên cơ sở đó, đầu tháng 9 năm 1952, Trung ương quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc. Chủ trương của Trung ương Đảng là “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh”. Mục đích nhằm tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, đánh bại ý đồ của thực dân Pháp lập “xứ Thái tự trị” và giải phóng một phần đất đai ở Tây Bắc. Lực lượng của ta tham gia chiến dịch gồm có các đại đoàn: 308, 312, 316, 351 và Trung đoàn 148. Đại đoàn 320 và 304 hoạt động ở vùng sau lưng thuộc Liên khu 3.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Chính trị, đồng chí Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Cung cấp.
Chiến dịch Tây Bắc được chuẩn bị chu đáo và các đơn vị sẵn sàng xuất quân với quyết tâm chiến đấu cao. Đêm ngày 10 tháng 10 năm 1952, bộ đội ta đã hành quân đến vị trí tập kết bí mật, an toàn và đến ngày 14 tháng 10 năm 1952, chiến dịch được mở màn. Đợt I từ ngày 10/10/1952 đến 23/10/1952, quân ta tập trung tiến công Phân khu Nghĩa Lộ và Tiểu khu Phù Yên (Sơn La).
Ngày 14 tháng 10 năm 1952, Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 tiêu diệt đồn Ca Vịnh (Trấn Yên), Trung đoàn 141 của Đại đoàn 312 tiêu diệt vị trí Sài Lương (Văn Chấn), trong khi đó Đại đoàn 308 tiến vào vây Nghĩa Lộ có Sở Chỉ huy Phân khu. Ngày 17 tháng 10 năm 1952, Trung đoàn 102 Đại đoàn 308 chiếm lĩnh trận địa Pú Chạng và quân ta được lệnh nổ súng sớm trước khi trời tối. Mặc đạn pháo và bom cháy của quân Pháp, chỉ trong 10 phút, quân đội ta đã vượt mở cửa đánh thọc sâu, lần lượt diệt hết các lô cốt, quân Pháp sống sót phải đầu hàng.
Đêm 18 tháng 10 năm 1952, Trung đoàn 36 Đại đoàn 308 tiêu diệt đồn Cửa Nhì, Trung đoàn 209 và 165 Đại đoàn 312 diệt các đồn lẻ trên dọc đường tiến quân. Tiểu đoàn 910 thuộc Trung đoàn 148 từ Lào Cai tiến xuống giải phóng Quỳnh Nhai (Sơn La). Cùng với lực lượng chính quy, bộ đội địa phương hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội chủ lực trong chiến đấu. Sau 13 ngày chiến đấu ngoan cường, bộ đội ta quét sạch quân Pháp ở khu vực giữa sông Thao và sông Đà từ Vạn Yên lên tới Quỳnh Nhai.
Bộ đội ta tiến quân vào chiến trường Tây Bắc năm 1952. (Ảnh tư liệu)
Trước tình hình như vậy, quân Pháp phải tiếp viện thêm 9 tiểu đoàn cơ động xuống Tây Bắc, nâng tổng số quân Pháp lên tới 16 tiểu đoàn, 32 đại đội. Đồng thời, ngày 29 tháng 10 năm 1952, tướng Đờ Li-na-ret - chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ phải mở cuộc hành quân Lo-ren trực tiếp đưa 3 binh đoàn cơ động lên Phú Thọ nhằm phá hoại hậu phương của chiến dịch và muốn kéo quân chủ lực của ta trở lại nhằm đỡ đòn cho Tây Bắc.
Tuy nhiên, tại Phú Thọ, Trung đoàn 246 và 176 của Đại đoàn 316 đã cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích đánh ngăn chặn nên quân Pháp bị tiêu hao khá nặng. Đến ngày 9 tháng 11 năm 1952, Trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn 308 từ Tây Bắc quay về Phú Thọ chiến đấu và đã đánh phục kích địch trên đường số 2, tiêu diệt 400 quân Pháp, phá hủy 44 xe tăng, xe bọc thép và giữ vững thế chủ động. Đồng thời, lúc này, Tổng Quân ủy quyết định tập trung, củng cố lực lượng để tiếp tục cho đợt II của chiến dịch.
Đợt II từ ngày 17/11/1952 đến ngày 23/11/1952 và trong 3 ngày (từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 11 năm 1952), ta tiêu diệt một loạt cứ điểm như: Mường Lụm, Ba Lay, Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La. Các trận này nổi bật nhất là trận Mộc Châu vì quân Pháp xây dựng đồn trên núi đá hiểm trở và tăng cường mạnh khả năng phòng thủ đối phó nhưng chỉ sau 3 giờ chiến đấu, Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 đã tiêu diệt hoàn toàn 3 đại đội lính Pháp, giải phóng hơn 1.000 dân ta bị địch bắt giữ.
Các cánh quân vu hồi của chiến dịch gồm: Trung đoàn 165 của Đại đoàn 312, Tiểu đoàn 910 của Trung đoàn 148 và bộ đội địa phương Yên Bái, Lai Châu lần lượt đánh chiếm Lai Châu, Tuần Giáo, Thuận Châu, Sơn La và tiêu diệt 1.500 lính Pháp rồi thừa thắng tiến về Điện Biên Phủ. Ngày 22 tháng 11 năm 1952, toàn bộ quân Pháp ở các vị trí tập trung về Nà Sản để tránh khỏi bị tiêu diệt và vội vàng xây dựng Nà Sản thành một tập đoàn cứ điểm lớn có 21 điểm tựa và 8 tiểu đoàn.
Đợt III từ ngày 24/11/1952 đến ngày 10/12/1952, quân ta tiến công Nà Sản tiêu diệt 2 cứ điểm ngoại vi Pú Hồng và Bản Hời. Đêm 30 tháng 11 năm 1952, quân Pháp tăng viện thêm 2 tiểu đoàn dù xuống Nà Sản để đối phó. Đến ngày 10 tháng 12 năm 1952, nhận thấy đánh Nà Sản không chắc thắng, quân ta chủ động kết thúc chiến dịch.
Chiến dịch Tây Bắc thắng lợi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đã giải phóng đồng bào Tây Bắc khỏi ách áp bức của Pháp, giải phóng một bộ phận đất đai rộng lớn ở một vùng chiến lược vô cùng quan trọng. Quân và dân ta đã tiêu diệt và chiếm lại các vị trí lớn nhỏ của Pháp ở Tây Bắc để tránh được sự uy hiếp của chúng đối với căn cứ địa Việt Bắc. Chiến thắng Tây Bắc còn làm phá sản âm mưu thâm độc lập “xứ Thái tự trị” của Pháp hòng chia rẽ người Thái với người Kinh cũng như người Thái với đồng bào các dân tộc thiểu số khác để dễ bề cai trị ở khu vực này.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Quyết định lịch sử mở chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố như sự lãnh đạo chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo, quyết đoán, kịp thời của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh; sự đồng tâm nhất trí, đoàn kết một lòng, dồn toàn lực cho chiến thắng ở giai đoạn cuối cuộc kháng chiến.
Một trong những sự kiện quan trọng trong chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại châu Âu lần này là cuộc tiếp kiến Giáo hoàng Francis và hội kiến Thủ tướng Vatican Pietro Parolin.
Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, Quân đội, gia đình và tập thể giáo sư, bác sĩ hết lòng chăm sóc, cứu chữa, song do tuổi cao, sức yếu, đồng chí Thượng tướng Phùng Thế Tài đã từ trần hồi 13 giờ 50 phút ngày 21/3/2014 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 175, TP Hồ Chí Minh.
YBĐT - Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái làm việc với huyện Văn Chấn; Tỉnh đoàn Yên Bái gặp mặt tuyên dương đoàn viên, thanh thiếu niên tiêu biểu năm 2013; Văn Yên tổ chức thành công Đại hội điểm MTTQ cấp huyện; TAND tỉnh Yên Bái xét xử sơ thẩm lưu động 3 vụ án hình sự tại huyện Mù Cang Chải; Đánh bom liều chết ở Iraq, ít nhất 50 người thương vong... là những tin tức đáng chú ý