Đưa Hiến pháp 2013 vào nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xét xử
- Cập nhật: Thứ ba, 15/4/2014 | 8:43:52 AM
YBĐT - Trong quá trình thực thi pháp luật của khối cơ quan nội chính nói chung và Tòa án nhân dân (TAND) các cấp nói riêng, Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới so với Hiến pháp năm 1992. Để việc áp dụng triển khai thực thi Hiến pháp 2013 đạt hiệu quả cao trong công tác xét xử, phóng viên (PV) YBĐT đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phan Văn Tiến - Thẩm phán, Chánh án TAND tỉnh về vấn đề này.
Đồng chí Trương Hòa Bình - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao làm việc với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt TAND tỉnh Yên Bái ngày 11 tháng 4 năm 2013.
|
PV: Xin đồng chí cho biết, Hiến pháp năm 2013 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và nguyên tắc tổ chức hoạt động của hệ thống tòa án như thế nào?
Đồng chí Phan Văn Tiến: Theo Điều 102 của Hiến pháp 2013, Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Về tổ chức, Hiến pháp 2013 quy định mở theo hướng quy định gồm có Tòa án tối cao và các tòa án khác. Việc thành lập các tòa án khác được giao cho Quốc hội quy định trong các văn bản luật cụ thể.
Nguyên tắc tổ chức hoạt động của TAND là tòa án thực hiện 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Trong đó, việc xét xử sơ thẩm có hội thẩm tham gia, thẩm phán và hội thẩm khi xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm.
Tòa án xét xử công khai, trừ trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật của Nhà nước và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tòa án xét xử tập thể quyết định theo đa số, trừ trường hợp theo thủ tục rút gọn. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo cũng như quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự.
PV: Theo đồng chí, việc quy định về chức năng, nhiệm vụ của TAND trong Hiến pháp 2013 có những điểm gì mới so với Hiến pháp 1992?
Đồng chí Phan Văn Tiến: Trong Chương VIII của Hiến pháp 2013 có những nội dung quy định về TAND và Viện Kiểm sát nhân dân. Đối với TAND, các quy định đó được thể hiện từ Điều 102 đến Điều 106. Những nội dung mà Hiến pháp sửa đổi quy định về TAND so với Hiến pháp năm 1992 có nhiều nội dung mới, đó là những định hướng quan trọng về tổ chức và hoạt động của TAND thể hiện trong quy định của Hiến pháp sửa đổi về chức năng, nhiệm vụ của TAND.
Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định TAND chỉ là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được tổ chức thành 3 cấp: Tòa án tối cao, tòa án tỉnh và tòa án huyện. Còn Hiến pháp sửa đổi đã quy định rõ hơn: TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp - một trong ba thiết chế quyền lực Nhà nước. Trong đó, quyền lập hiến, lập pháp thuộc về Quốc hội; quyền hành pháp thuộc về Chính phủ và quyền tư pháp thuộc về tòa án.
Đây chính là điểm rất mới so với Hiến pháp năm 1992 cũng là cơ sở pháp lý để giao cho TAND có thẩm quyền giải quyết những loại vụ việc liên quan đến việc hạn chế quyền nhân thân con người mà nhiều việc do các cơ quan hành chính đang thực hiện như: việc đưa người vào các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng và cơ sở cai nghiện bắt buộc. Về vấn đề này, trong Luật Tổ chức TAND sửa đổi bổ sung sẽ thể hiện chức năng thực hiện quyền tư pháp đối với TAND các cấp.
PV: Vậy, Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án sửa đổi có những điểm mới nào sẽ được áp dụng theo quy định của Hiến pháp, thưa đồng chí?
Đồng chí Phan Văn Tiến: Theo tinh thần của Hiến pháp và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 thì tòa án được tổ chức theo cấp xét xử chứ không theo địa giới hành chính. Vì vậy, TAND sẽ được tổ chức thành 4 cấp gồm: TAND Tối cao được tổ chức gọn nhẹ hơn theo Hiến pháp mới sẽ chỉ có từ 13 - 17 thẩm phán do Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm (các thẩm phán của tòa án khác cũng sẽ do Chủ tịch nước bổ nhiệm) thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của tòa án khác, tổng kết thực tiễn, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ;
Tòa án cấp cao có nhiệm vụ phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị của tòa án các cấp theo quy định của pháp luật được tổ chức theo phạm vi (địa hạt tư pháp) của nhiều tỉnh mà trước mắt là tổ chức lại 3 tòa phúc thẩm của Tòa án Tối cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh thành 3 tòa án cấp cao; tiếp theo là tòa án cấp tỉnh được tổ chức trong địa hạt tư pháp của 1 tỉnh, có nhiệm vụ xét xử sơ thẩm một số vụ án theo quy định của pháp luật và phúc thẩm các bản án của tòa án cấp dưới có kháng cáo, kháng nghị.
Bỏ chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm và ủy ban thẩm phán tòa án cấp tỉnh. Cuối cùng là tòa án sơ thẩm có nhiệm vụ xét xử sơ thẩm hầu hết các loại vụ án. Tại Kết luận số 92, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị đang nghiên cứu theo 2 hướng: được tổ chức của 1 huyện hoặc nhiều huyện thành 1 tòa án sơ thẩm khu vực hoặc tổ chức tòa án sơ thẩm trong địa hạt tư pháp của 1 huyện.
PV: Cuối cùng, xin đồng chí cho biết, TAND tỉnh đã triển khai nội dung Hiến pháp mới như thế nào và dự kiến tỉnh Yên Bái sẽ thành lập bao nhiêu tòa án khu vực theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị?
Đồng chí Phan Văn Tiến: Thực hiện kế hoạch của TAND Tối cao và của tỉnh Yên Bái, TAND tỉnh đã tổ chức triển khai nghiên cứu, quán triệt, học tập các nội dung của Hiến pháp mới tới 9/9 đơn vị tòa án huyện, thị, thành phố trong tỉnh cũng như 100% cán bộ, đảng viên có chức danh tư pháp của tỉnh, đặc biệt là những nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nguyên tắc tổ chức hoạt động của TAND.
Tòa án tỉnh cũng đã tổ chức triển khai lấy ý kiến của các cán bộ, đảng viên toàn ngành tham gia vào Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi do TAND Tối cao tổ chức; tập trung quán triệt cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân cùng các chức danh tư pháp trong tỉnh thực hiện tốt các nguyên tắc hoạt động theo tinh thần nội dung của Hiến pháp mới. Đặc biệt chú trọng đến các nguyên tắc về tranh tụng tại tòa, nâng cao tính độc lập trong công tác xét xử của thẩm phán và hội thẩm nhân dân, đảm bảo cho các phán quyết của tòa án thực sự khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.
Về dự kiến thành lập tòa án khu vực, Ban cán sự Đảng Tòa án tỉnh đã báo cáo và được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho định hướng thành lập 7 tòa án khu vực và đang tiếp tục nghiên cứu sâu thêm để đảm bảo nguyên tắc thuận lợi cho người dân cũng như đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Tòa án tối cao và liên ngành tư pháp Trung ương hướng dẫn.
Theo đó, Tòa án tỉnh đã trực tiếp làm việc với một số cấp ủy, chính quyền các huyện, thị về công tác chuẩn bị quy hoạch quỹ đất xây dựng trụ sở cơ quan, chuẩn bị về nhân sự và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu công cuộc cải cách tư pháp theo Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Tòa án mới sẽ được thông qua tới đây.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
P.V (thực hiện)
Các tin khác
Tiếp tục phiên họp thứ 27, chiều 14/4, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Dạy nghề.
YBĐT - Hàng năm, ngay từ đầu năm, Thường trực và các ban Hội đồng nhân dân (HĐND) thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã xây dựng kế hoạch hoạt động và kế hoạch giám sát của cả năm theo Nghị quyết HĐND thị xã về giám sát chuyên đề và các nội dung cần giám sát thường xuyên.
YBĐT - Hoạt động giám sát của HĐND huyện Văn Yên (Yên Bái) đã khẳng định hiệu quả và nâng cao chất lượng. Nội dung và phương thức giám sát đổi mới, phù hợp, sát với tình hình thực tế và thực hiện đúng quy định của pháp luật.