Cần nhiều chính sách giảm nghèo then chốt, đột phá

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/4/2014 | 2:27:18 PM

Sáng 25-4, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiến hành phiên chất vấn giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2005- 2012.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến trong phiên họp giải trình.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến trong phiên họp giải trình.

Thành tựu lớn, khó khăn nhiều

Phiên họp do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, điều khiển.
Dự phiên họp có đại diện lãnh đạo nhiều ủy ban của Quốc hội; các bộ, ngành liên quan: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Lao động, Thương binh và xã hội; Ủy ban Dân tộc;...

Phát biểu ý kiến phiên họp giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nhấn mạnh: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

“Đến thời điểm này, có thể khẳng định với quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của nhân dân cả nước và đồng bào các dân tộc thiểu số cũng như người nghèo, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa quan trọng”. Bà Trương Thị Mai nêu rõ.

- Giai đoạn 2005-2012, ngân sách đã đầu tư cho Chương trình 135 giai đoạn II hơn 21.500 tỷ đồng; Chương trình 30a gần 11 nghìn tỷ đồng; trái phiếu Chính phủ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu các vùng nghèo là 263 nghìn tỷ đồng.

- Vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nhà theo Chương trình 167 ở vùng Đông Bắc được 86 nghìn căn nhà; vùng Tây Bắc hơn 55 nghìn căn; vùng bắc Trung Bộ hơn 78 nghìn căn; Tây Nguyên gần 38 nghìn căn.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Vấn đề giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang là một vấn đề cần phải có sự quan tâm tập trung mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn ở mức cao, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số người nghèo của cả nước.

Về quy mô, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15% dân số cả nước, nhưng có khoảng 47% trong tổng số người nghèo (số liệu báo cáo năm 2010).

Năm vùng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở mức cao, đó là: Duyên hải nam Trung Bộ - 78,4%; Tây Nguyên- 76,6%; miền núi Tây Bắc- 72,8%; duyên hải bắc Trung Bộ- 71,2%; miền núi Đông Bắc- 64,8%.

“Tỷ lệ nghèo thuộc đối tượng này của bà con tại các xã, huyện đặc biệt khó khăn có nơi lên tới 70-80% hộ nghèo”.
Tại phiên giải trình này, với sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ngành là thành viên Chính phủ, các đại biểu Quốc hội chất vấn đặt câu hỏi, làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý ở các cấp từ trung ương đến địa phương trong thực hiện công tác quản lý về giảm nghèo.

Những trọng tâm chính là: Công tác xây dựng, ban hành và tổ chức điều hành thực hiện chính sách, pháp luật; điều tra thống kê, xác định đối tượng nghèo; huy động, phân bổ nguồn lực; thanh tra, kiểm tra...

“Bên cạnh đó, cần làm rõ những nhân tố cơ bản để phát huy nội lực, ý chí tự vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số”.

Tháo gỡ các “nút thắt” về cơ chế, chính sách

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết, việc bố trí nguồn lực cho các chính sách dân tộc chưa đáp ứng các mục tiêu đề ra. Đa số các địa phương vùng dân tộc thiểu số là các tỉnh nghèo, nên không bảo đảm nguồn kinh phí đối ứng, mà chủ yếu dựa vào ngân sách trung ương.

Những khó khăn hiện tại:
- Hơn 100 xã chưa có đường ô-tô đến trung tâm xã.
- Hơn 14 nghìn thôn, bản chưa có trục đường giao thông được cứng hóa.
- Hơn 200 xã chưa có điện đến trung tâm.
- Hơn 8.000 thôn, bản chưa được sử dụng điện.
- Gần 327 nghìn hộ đồng bào thiếu đất ở, đất sản xuất.
- Hơn 294 nghìn hộ cần được hỗ trợ nước sinh hoạt.
(Báo cáo của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội)

“Cơ chế phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, còn mang nặng tính bình quân, chưa căn cứ vào quy mô dân số, vị trí địa lý, điều kiện phát triển và mức độ khó khăn của địa phương” - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết.
Mặt khác, đồng bộ cơ chế chính sách là vấn đề lớn.

Theo Bộ trưởng Giàng Seo Phử, cần tổng hợp, rà soát hệ thống chính sách hiện hành nhằm “loại bỏ các chính sách trùng lắp, chồng chéo”. Qua đó, bổ sung, sửa đổi các chính sách không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, giảm các chương trình mục tiêu quốc gia, giao các chương trình chính sách cho các bộ, ngành quản lý theo chức năng.

“Cần nghiên cứu, xây dựng các chính sách mới theo hướng đa mục tiêu, dài hạn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, theo đặc thù từng vùng miền” - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử kiến nghị.

Trong báo cáo của mình, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: Thực tiễn cho thấy, nguồn lực thực hiện chính sách dàn trải, chưa đủ mạnh. Theo rà soát, có hơn 100 văn bản chính sách hiện hành nhưng nguồn lực bố trí không bảo đảm.

“Các chính sách chưa tạo được tác động rõ nét đến dự thay đổi về nhận thức và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Còn thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan trong thực hiện chính sách dân tộc thiểu số”. (Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền).
“Chính sách gắn với chương trình, dự án theo giai đoạn mà chưa hướng tới đối tượng thụ hưởng, vì vậy khi kết thúc chương trình, dự án, mục tiêu đề ra chưa thực hiện được, như chương trình 134, 135...” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.
Bộ trưởng cho biết thêm, còn nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo, ít chính sách hỗ trợ cộng đồng nên tạo sự so bì trong nhân dân và chưa khuyến khích được người nghèo, vùng nghèo tích cực vươn lên thoát nghèo.

Thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu rõ: “Cần có những giải pháp có tính chất then chốt, quyết định để thực hiện giảm nghèo có hiệu quả hơn đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới, nhất là giai đoạn sau 2015- 2020”.

(Theo NDĐT)

Các tin khác
Bà Nguyễn Hương Giang

Ngày 26/4, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật đối với Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ngày 26/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ như sau:

Các chiến sĩ Tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa giáo dục truyền thống thông qua những kỷ vật thời chiến cho thế hệ trẻ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vào những năm 1967 - 1968 có thể nói là cam go, khốc liệt nhất. Với khẩu hiệu: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, "Tất cả cho tiền tuyến”, chỉ trong 2 năm 1967 - 1968, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã xây dựng 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh với gần 3.000 quân lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú.

Sáng 26/4, tại Di tích Lịch sử quốc gia thành An Thổ (xã An Dân, huyện Tuy An), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (1/5/1904-1/5/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục