Đưa Hiến pháp 2013 vào thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp
- Cập nhật: Thứ năm, 22/5/2014 | 8:18:34 AM
YBĐT - Trong lĩnh vực tư pháp nói chung và viện kiểm sát nhân dân (KSND) nói riêng, Hiến pháp 2013 có rất nhiều điều chỉnh quan trọng với những nguyên tắc tiến bộ, văn minh đã được bổ sung. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lương Văn Thức - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Viện trưởng Viện KSND tỉnh.
Lãnh đạo Viện KSND tỉnh chú trọng công tác kiểm tra, nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp.
|
P.V: Xin đồng chí cho biết, chức năng, nhiệm vụ của Viện KSND được quy định trong Hiến pháp 2013 có điểm gì mới so với Hiến pháp 1992?
Đồng chí Lương Văn Thức: Hiến pháp 2013 tiếp tục kế thừa và khẳng định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện KSND là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Bên cạnh đó cũng có một số điểm mới, đó là: nhiệm vụ của Viện KSND được quy định đầy đủ hơn, rộng hơn. Nếu như Hiến pháp trước đây chỉ quy định nhiệm vụ của Viện KSND tối cao là "góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất" thì Hiến pháp 2013 đã quy định Viện KSND ngoài nhiệm vụ nêu trên còn có trách nhiệm "bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...”.
Đồng thời, để thể chế hóa yêu cầu về đổi mới hệ thống tổ chức viện KSND phù hợp với mô hình tòa án nhân dân, Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi quy định về hệ thống tổ chức viện kiểm sát cho phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp. Hiến pháp cũng bổ sung và làm rõ hơn nguyên tắc “Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát viên tuân theo chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát”.
Hiến pháp năm 2013 cũng có những quy định mới làm cơ sở để sửa đổi Luật Tổ chức Viện KSND nhằm đảm bảo cho ngành kiểm sát thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể là lần đầu tiên, nguyên tắc tranh tụng được đưa lên thành hiến định; quy định chính thức về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Đây là một quy định mới mang tính đột phá trong lịch sử lập hiến của nước ta. Quy định này đặt ra yêu cầu cao hơn, trách nhiệm hơn đối với ngành kiểm sát nhân dân trong việc đảm bảo nguyên tắc thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu "Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
P.V: Đồng chí có thể cho biết, ngành kiểm sát đã triển khai những nhiệm vụ cụ thể gì để đưa Hiến pháp 2013 vào cuộc sống?
Đồng chí Lương Văn Thức: Ngay sau khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực thi hành, ngành KSND đã tổ chức triển khai sâu rộng quy định của Hiến pháp trong toàn ngành, giúp cán bộ, kiểm sát viên nhận thức đầy đủ, đúng đắn các nội dung cơ bản của Hiến pháp để nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành Hiến pháp trong quá trình thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đồng thời, Viện KSND tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong và ngoài ngành để tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp; viết bài và đăng tải các thông tin liên quan trên Trang Thông tin điện tử của Viện KSND tỉnh.
Viện KSND tỉnh Yên Bái đã tham gia rà soát, góp ý sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan như: Luật Tổ chức Viện KSND, Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Kiểm sát viên... nhằm đảm bảo các văn bản pháp luật này phù hợp với những nội dung sửa đổi của Hiến pháp.
Để đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống, ngành Kiểm sát Yên Bái đã vận dụng các nguyên tắc hiến định vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể là tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử; đề cao trách nhiệm của cán bộ, kiểm sát viên trong thực thi công vụ; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm để từng bước nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa...
P.V: Hiến pháp 2013 có một nguyên tắc suy đoán vô tội. Xin đồng chí cho biết, ngành kiểm sát đã quán triệt nguyên tắc này tới đội ngũ kiểm sát viên như thế nào trong quá trình thực hiện quyền công tố từ khâu điều tra, truy tố đến xét xử để bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật?
Đồng chí Lương Văn Thức: Trước yêu cầu của việc bảo vệ quyền con người ngày càng được đề cao, Hiến pháp 2013 đã ghi nhận quyền con người là một quyền độc lập tách khỏi quyền công dân. Theo đó, nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 31, Chương II: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Người bị buộc tội được coi là không có tội, nghĩa là những người bị áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự phải là người không có tội và họ được đảm bảo các quyền lợi của người không có tội trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Phạm vi áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội bắt đầu từ khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành các biện pháp theo luật định để buộc tội một người và kết thúc khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật. Người đó phải được chứng minh (buộc tội) bằng quy trình theo luật định, nghĩa là các biện pháp và trình tự chứng minh một người có tội phải là hợp pháp, nếu không hợp pháp hoặc có vi phạm quy trình tố tụng thì không đủ cơ sở kết tội người đó. Đồng thời phải có một bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nghĩa là chỉ có tòa án mới có thẩm quyền xác định người có tội, các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng trước đó không có ý nghĩa xác định một người có tội.
Những nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội trong Hiến pháp 2013 đặt ra cho ngành kiểm sát những trách nhiệm hết sức nặng nề. Để thực hiện tốt nguyên tắc này, ngành đã có những chủ trương chỉ đạo thống nhất về nhận thức trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp. Đồng thời, có các biện pháp tích cực để chống oan sai và bỏ lọt tội phạm nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân không bị pháp luật tước bỏ phải được tôn trọng.
Trong quá trình thực hiện quyền công tố từ khâu điều tra, truy tố đến xét xử, Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo cán bộ, kiểm sát viên phải đổi mới tư duy và nhận thức về trách nhiệm của ngành trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, trong đó nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội phải được quán triệt thực hiện nghiêm túc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Cụ thể là phải đề cao trách nhiệm trong việc phê chuẩn các quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố vụ án, bị can; kịp thời đề ra yêu cầu điều tra; kiểm sát việc thu thập tài liệu chứng cứ; đặc biệt là trong việc đánh giá chứng cứ cần chú trọng đến các chứng cứ gỡ tội. Kiểm sát viên phải có bản lĩnh, bám sát tiến độ điều tra và phải trực tiếp xác minh những vấn đề chưa rõ để đảm bảo tìm ra sự thật khách quan của vụ án.
P.V: Theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị thì tòa án được tổ chức theo cấp xét xử, không theo đơn vị hành chính. Ngành kiểm sát đã triển khai công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ này như thế nào, nhất là công tác chuẩn bị tổ chức viện kiểm sát khu vực, thưa đồng chí?
Đồng chí Lương Văn Thức: Một trong những chủ trương cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị là Tòa án tổ chức theo cấp xét xử, không theo đơn vị hành chính. Trên cơ sở đặc điểm về địa lý, chính trị, xã hội, các yếu tố về quốc phòng, an ninh, đặc biệt là số lượng án hình sự, dân sự, hành chính, chất lượng đội ngũ cán bộ, Viện KSND tỉnh đã phối hợp với các cơ quan tư pháp tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh về việc thành lập các Tòa án nhân dân (TAND) sơ thẩm khu vực và Viện KSND khu vực.
Theo đó, dự kiến Viện KSND tỉnh Yên Bái sẽ có 7 khu vực, bao gồm: sáp nhập Viện KSND huyện Văn Chấn và Viện KSND thị xã Nghĩa Lộ thành 1 khu vực; sáp nhập Viện KSND thành phố Yên Bái và Viện KSND huyện Trấn Yên thành 1 khu vực; các Viện KSND huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải - mỗi đơn vị là một khu vực. Để chuẩn bị cho việc thành lập Viện KSND khu vực, Viện KSND tỉnh đã có sự chuẩn bị cơ bản về tổ chức bộ máy, con người cũng như cơ sở vật chất để triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, theo Kết luận số 92 của Bộ Chính trị, ngoài việc tiếp tục thực hiện chủ trương tổ chức TAND, Viện KSND theo cấp xét xử (4 cấp), không phụ thuộc vào đơn vị hành chính thì việc thành lập TAND cấp sơ thẩm và Viện KSND tương ứng cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng theo 2 phương án: phương án 1, tổ chức theo khu vực như Kết luận số 79-KL/TW; phương án 2, tổ chức TAND sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện. Qua nghiên cứu tình hình thực tế, mối quan hệ giữa các cơ quan tư pháp, Viện KSND tỉnh đã tham gia ý kiến với Viện KSND Tối cao, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về việc lựa chọn phương án 2. Khi có quyết định chính thức của Bộ Chính trị, Viện KSND tỉnh sẽ triển khai thực hiện theo lộ trình.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hương Nga (Thực hiện)
Các tin khác
Chiều 21-5, ngay sau lễ đón được tổ chức tại Phủ Tổng thống Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III đã tiến hành hội đàm, trao đổi các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa hai nước, vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung của khu vực.
Ngày 21/5, liên quan đến việc Việt Nam tham gia "Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các khía cạnh của PSI, Việt Nam tuyên bố tham gia sáng kiến này, trên cơ sở ủng hộ Tuyên bố ngày 4/9/2003.
TTXVN cho biết, ngày 20/5, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ, đã ra thông cáo về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và gửi đến Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneva, các tổ chức quốc tế cùng các cơ quan báo chí có trụ sở tại Geneva.
YBĐT - Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 03 - CT/TW của Bộ Chính trị; Kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh; Quốc hội khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII; Thủ tướng Thái Lan bác bỏ khả năng từ chức... là những tin tức đáng chú ý.