Bộ Giáo dục và Đào tạo Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái gửi tới kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII
- Cập nhật: Thứ ba, 3/6/2014 | 2:22:32 PM
YBĐT - Đáp ứng nguyện vọng của cư tri tỉnh Yên Bái, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn trả lời với nội dung sau:
Cử tri xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) nêu kiến nghị tại cuộc tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIII.
(Ảnh: Quỳnh Nga)
|
1. Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: học sinh tiểu học; học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm để đạt chuẩn nghề nghiệp. Việc quy định như vậy còn có nhiều bất cập, khó xác định đối tượng được hưởng như: đối với học sinh các trường công lập, các trường sư phạm mới được miễn giảm và hỗ trợ chi phí học tập, vậy các trường không phải là trường sư phạm mà có các khoa sư phạm có được hỗ trợ không?
Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2010 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP cũng còn một số điểm bất cập khi thực hiện như việc quy định cho ngành lao động - thương binh và xã hội thẩm định hồ sơ và chi trả kinh phí hỗ trợ học tập, miễn giảm học phí cho các đối tượng. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện thì gặp nhiều khó khăn trong quá trình xác định các loại hình đào tạo của các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học.
Từ những bất cập nêu trên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát và quy định cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời tại Công văn số 971/BGDĐT-VP ngày 5/3/2014:
Theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 thì đối tượng không phải đóng học phí gồm: học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm để đạt chuẩn nghề nghiệp. Như vậy, học sinh, sinh viên học ngành sư phạm hệ chính quy tại trường công lập sẽ không phải đóng phí; đối với học sinh, sinh viên học các trường không phải là trường sư phạm mà học ngành sư phạm theo chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước và được ngân sách Nhà nước cấp bù tiền học phí cho trường thì cũng không phải đóng học phí.
Về quy định thẩm định hồ sơ của ngành lao động - thương binh và xã hội: hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2010 - 2011 đến năm 2014 - 2015 đã thay đổi phương thức cấp bù tiền học phí từ phương thức cấp bù qua gia đình người học thông qua các phòng lao động - thương binh và xã hội cấp cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Như vậy, trách nhiệm thẩm định hồ sơ cấp bù tiền miễn, giảm học phí là của các cơ sở đào tạo.
2. Đề nghị nghiên cứu, sửa đổi Thông tư liên tịch số 65/2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BKHĐT, ngày 22/11/2011 về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng bổ sung cho nhóm đối tượng là học sinh ở thôn đặc biệt khó khăn học tại các trường phổ thông được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 85/2010?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời tại Công văn số 1114/BGDĐT-VP, ngày 11/3/2014:
Đối tượng áp dụng Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ là học sinh tiểu học và trung học bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và học sinh bán trú đang học trong các trường tiểu học và trung học cơ sở khác ở vùng này.
Thông tư số 65/2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BKHĐT, ngày 22/11/2011 về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã hướng dẫn đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ l: học sinh tiểu học và trung học cơ sở bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở công lập khác ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do nhà ở xa trường, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày. Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm các xã, các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp... theo quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc.
Như vậy, đối tượng học sinh ở thôn đặc biệt khó khăn học tại các trường phổ thông công lập đáp ứng các điều kiện trên đã được hưởng 40% mức lương tối thiểu/tháng; ngoài ra còn được hưởng hỗ trợ gạo theo Quyết định số 36/2013/QQĐ-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 15kg/tháng.
Trong xây dựng chính sách về hỗ trợ tài chính cho học sinh hiện nay không thực hiện hỗ trợ theo vùng mà thực hiện hỗ trợ theo đối tượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện chính sách để tham mưu hoàn thiện hơn nữa chính sách hỗ trợ cho học sinh các xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Đề nghị tăng mức hỗ trợ nguồn vốn đầu tư phát triển hàng năm thuộc chương trình xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú cho các địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu học tập của học sinh bán trú.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời tại Công văn số 1113/BGDĐT-VP, ngày 11/3/2014:
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc học tập, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1210/QĐ-TTG ngày 5/9/2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012 -2015, trong đó có Dự án hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn để tạo nguồn ngân sách hỗ trợ việc tăng cường cơ sở vật chất cho các trường dân tộc bán trú. Từ năm 2011 đến nay, trên cơ sở kinh phí được giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ phê duyệt nguồn vốn hỗ trợ để tăng cường cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc bán trú. Hàng năm, tỉnh Yên Bái đều được hỗ trợ kinh phí cho mục tiêu này.
Tuy nhiên, khả năng ngân sách của Trung ương hạn hẹp, chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của các địa phương. Kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ mang tính hỗ trợ. Vì vậy, đề nghị các địa phương chủ động bố trí các nguồn vốn huy động khác để tăng cường cơ sở vật chất của các trường bán trú nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc.
4. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 59/2008/TT-BGDĐT ngày 31/10/2008 về Hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp giáo dục trong các trường chuyên biệt theo hướng nâng định mức giáo viên, nhân viên của các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú cho phù hợp với thực tế hoạt động; ban hành hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày và hướng dẫn hoạt động đặc thù của trường phổ thông dân tộc bán trú.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời tại Công văn số 1206/BGDĐT-VP, ngày 13/3/2014:
Thực hiện Luật Viên chức, triển khai Nghị định số 41/NĐ-CP ngày 8/5/2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng Bộ Nội vụ tiến hành xây dựng Thông tư liên tịch quy định về vị trí việc làm, số lượng và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp ở các trường chuyên biệt công lập. Thông tư này sẽ thay thế cho Thông tư số 59/2008/TT-BGDĐT ngày 31/10/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp giáo dục ở các trường chuyên biệt công lập. Dự kiến sẽ ban hành Thông tư trong năm 2014.
Các tin khác
YBĐT - Tôn trọng và tuân thủ Hiến pháp là nghĩa vụ, quyền lợi; là thước đo lòng trung thành của các tổ chức và công dân Việt Nam với Tổ quốc. Điều 11, Chương I, Hiến pháp năm 2013 quy định:
YBĐT - Vừa qua, đoàn công tác của Ban Nội chính Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Văn Lịch - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy đã có buổi làm việc nắm bắt công tác nội chính tại huyện Văn Chấn.
YBĐT - Bước sang tuần làm việc thứ ba, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, ngày 2/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2014.
YBĐT - Trong Chương IV: Bảo vệ Tổ quốc, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân" và từ Điều 64 đến Điều 68 quy định về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đã cho chúng ta nhận thức rõ thêm so với Hiến pháp năm 1992.