Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác tư tưởng trong tình hình hiện nay

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/8/2014 | 9:09:09 AM

YBĐT - Bằng nhiều hình thức, giải pháp thích hợp cùng sự hoạt động tích cực của lực lượng tuyên truyền miệng toàn tỉnh đã góp phần quan trọng vào nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước...

Thí sinh Nguyễn Thị Thu Phương - Tỉnh đoàn Yên Bái đạt giải Khuyến khích Liên hoan Báo cáo viên giỏi toàn quốc lần thứ nhất, 2014 (tổ chức tại Hà Nội, ngày 28-30/6).
(Ảnh: Minh Quang - Tỉnh đoàn Yên Bái)
Thí sinh Nguyễn Thị Thu Phương - Tỉnh đoàn Yên Bái đạt giải Khuyến khích Liên hoan Báo cáo viên giỏi toàn quốc lần thứ nhất, 2014 (tổ chức tại Hà Nội, ngày 28-30/6). (Ảnh: Minh Quang - Tỉnh đoàn Yên Bái)

Công tác tuyên truyền miệng là một hình thức đặc thù không thể thay thế trong công tác tư tưởng của Đảng; là kênh thông tin chính thống, trực tiếp truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân; thông báo kịp thời, có định hướng các vấn đề thời sự quan trọng của tỉnh, trong nước, quốc tế… Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân trong tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác này.

Trong đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được Tỉnh ủy Yên Bái giao nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo, tổ chức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã tích cực tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy ban hành Quyết định kiện toàn trung tâm thông tin công tác tuyên giáo làm đầu mối quản lý đội ngũ báo cáo viên; tham mưu kiện toàn đội ngũ báo cáo viên và Quy chế hoạt động của báo cáo viên Tỉnh ủy; ban hành các hướng dẫn xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp theo hướng bảo đảm về số lượng, chất lượng, cơ cấu vùng miền, dân tộc, phù hợp với điều kiện từng ngành, từng địa phương, đơn vị. Mạng lưới báo cáo viên được xây dựng thành hệ thống 3 cấp, từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn; đảm bảo mỗi huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc đều bố trí báo cáo viên Tỉnh ủy, mỗi xã hoặc cụm xã đều có báo cáo viên cấp huyện phụ trách.

Ở khu vực cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang đều bố trí báo cáo viên Tỉnh ủy hoặc báo cáo viên cấp huyện phụ trách… Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có 2.010 báo cáo viên các cấp (trong đó, báo cáo viên cấp Trung ương có 5 đồng chí, cấp tỉnh có 48 đồng chí, cấp huyện và tương đương có 256 đồng chí, cấp cơ sở có 1.701 đồng chí). Đội ngũ tuyên truyền viên các ban, ngành, đoàn thể có gần 5.000 đồng chí.

Thực hiện Quy chế hoạt động, các cấp ủy duy trì nghiêm túc việc tổ chức hội nghị báo cáo viên các cấp theo định kỳ; các tổ chức Đảng, đoàn thể thường xuyên mở hội nghị hoặc lồng ghép sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, giao ban cấp ủy, chính quyền, các cuộc họp thôn bản, tổ dân phố thông tin thời sự, chính sách đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Nội dung thông tin được lựa chọn, mang tính thời sự, đúng định hướng, gắn với nhiệm vụ chính trị, yêu cầu thực tiễn của tỉnh, địa phương, đơn vị; chú trọng đối thoại, giải thích, làm công tác tư tưởng cho nhân dân.

Hàng tháng giao ban, phản ánh tình hình, nhạy bén dự báo tình hình tư tưởng, nắm bắt dư luận xã hội, chủ động phát hiện sớm vấn đề nảy sinh ở cơ sở; kịp thời tham mưu, đề xuất cho cấp ủy các giải pháp công tác tư tưởng. Trong hội nghị, các đồng chí báo cáo viên đều tích cực tham gia báo cáo tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ của ngành, đơn vị mình. Qua đó, giúp cho đội ngũ báo cáo viên toàn tỉnh có thêm nhiều thông tin sâu hơn về tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh, của ngành và địa phương.

Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên luôn được quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo - Ban Tuyên giáo Trung ương mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh; phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và chỉ đạo các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện và cơ sở. Qua đó, giúp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng; nắm vững nội dung, phương pháp, nghiệp vụ về công tác tuyên truyền miệng.

Hàng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đặt mua Tạp chí “Báo cáo viên”, biên tập bản tin “Thông báo nội bộ”, tài liệu “Báo cáo viên”, tài liệu “Tuyên giáo cơ sở” và các tài liệu chuyên đề theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương cung cấp đến báo cáo viên Tỉnh ủy và các chi bộ trong toàn tỉnh. Ban tuyên giáo cấp huyện biên tập các tài liệu rút gọn dưới dạng hỏi - đáp làm tài liệu cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên tuyên truyền ở cơ sở.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các cuộc thi “Báo cáo viên giỏi”, “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Bí thư chi bộ giỏi”, “Giảng viên lý luận chính trị giỏi”… Đây là dịp để mỗi báo cáo viên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời giúp các cấp ủy đánh giá đúng thực trạng đội ngũ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng.

Bằng nhiều hình thức, giải pháp thích hợp cùng sự hoạt động tích cực của lực lượng tuyên truyền miệng toàn tỉnh đã góp phần quan trọng vào nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, yêu nước, động viên, cổ vũ nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh; bảo đảm sự ổn định chính trị, tư tưởng ngay từ cơ sở, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; góp phần tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân; sự thống nhất tư tưởng và hành động của Đảng, sự đồng thuận xã hội, tạo điều kiện cho các cấp ủy phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là ở cơ sở. Một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm đến công tác này, chưa duy trì thường xuyên các hội nghị báo cáo viên định kỳ; chưa mở được nhiều hội nghị thông tin thời sự, chính sách cho cán bộ, đảng viên, nhân dân. Số lượng, cơ cấu đội ngũ báo cáo viên còn bất cập: số lượng báo cáo viên cấp huyện chưa đủ để phân công phụ trách các xã; báo cáo viên cơ sở chưa được hưởng phụ cấp còn nhiều tâm tư; còn ít báo cáo viên người dân tộc hoặc biết tiếng dân tộc.

Nội dung, phương pháp tuyên truyền thiếu chắt lọc, chưa phù hợp với từng đối tượng cán bộ, đảng viên, nhân dân; khả năng đối thoại, giải thích còn hạn chế, chủ yếu tuyên truyền một chiều từ trên xuống. Công tác dự báo, nắm tình hình tư tưởng, dư luận, tâm trạng xã hội có lúc, có nơi chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng ở một số địa bàn vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc chưa được nhiều và còn nhiều hạn chế…

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng bộ trong tình hình hiện nay, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tuyên truyền miệng, quán triệt và triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, Thông báo Kết luận số 225-TB/TW, ngày 3/3/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”; tiếp tục đẩy mạnh Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 4/6/2012 của Tỉnh ủy về “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020”.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền về những thành tựu đạt được trong những năm qua của đất nước, của tỉnh và các địa phương, đơn vị; về tình hình thế giới, khu vực, chủ trương, đường lối và những kết quả đạt được trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, làm rõ thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức mới; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề tranh chấp biển đảo, dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch phá hoại đường lối đổi mới đất nước, chính sách đại đoàn kết dân tộc và láng giềng hữu nghị của Đảng và Nhà nước ta.

Ba là, tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên theo hướng “vừa hồng vừa chuyên”; có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống trong sáng, có uy tín trong tổ chức Đảng và nhân dân; có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; có khả năng phân tích, tổng hợp, đối thoại… nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền hiện nay.

Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác tuyên truyền, vận động quần chúng cho phù hợp với các đối tượng cán bộ, đảng viên, nhân dân; thực hiện tốt chủ trương hướng về cơ sở, tăng cường đối thoại với nhân dân; duy trì nề nếp hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh và cơ sở theo quy chế; thường xuyên tổ chức các hội nghị thông tin thời sự, chính sách, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Năm là, tham mưu làm tốt công tác biên tập, phát hành, sử dụng bản tin “Thông báo nội bộ”, Tạp chí “Báo cáo viên”, tài liệu báo cáo viên và tài liệu cho ban tuyên giáo cơ sở; từng bước đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng các tài liệu, cung cấp kịp thời cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Sáu là, định kỳ giao ban hàng tháng với đội ngũ báo cáo viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; kịp thời đề xuất với cấp ủy chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề gây bức xúc trong dư luận, nhằm tạo sự đồng thuận và nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Nông Thụy Sỹ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái

Các tin khác
Đồng chí Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Chiều 25/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

Ngày 25/4, đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các Ban của HĐND tỉnh đã có buổi giám sát thực hiện một số chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 theo các nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái tại huyện Lục Yên.

Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Bí thư Đảng ủy Quân sự huyện tặng Đại hội bức cờ thêu mang dòng chữ:

Sáng 25/4, lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Yên Bình tổ chức Đại hội Thi đua quyết thắng (TĐQT) giai đoạn 2019 - 2024. Đây là đơn vị vinh dự được Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái chọn làm điểm để rút kinh nghiệm tổ chức trong toàn LLVT tỉnh.

Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu định hướng tuyên truyền thời gian tới.

Sáng 25/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy định kỳ tháng 4. Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục