Đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/8/2014 | 10:11:28 AM

YBĐT - Từ năm 2006 đến nay, Yên Bái đã huy động được nguồn lực rất lớn cho phát triển GTVT trên địa bàn. Tổng giá trị đầu tư từ năm 2006 đến nay là 7.232 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách Trung ương 1.307 tỷ đồng (18,07%); vốn ngân sách địa phương 2.356 tỷ đồng...

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành giao thông vận tải kiểm tra tiến độ thi công, tháo gỡ khó khăn quá trình thi công đường tránh ngập thành phố Yên Bái. (Ảnh: Đức Toàn)
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành giao thông vận tải kiểm tra tiến độ thi công, tháo gỡ khó khăn quá trình thi công đường tránh ngập thành phố Yên Bái. (Ảnh: Đức Toàn)

Cách đây 69 năm, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông công chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò rất quan trọng của giao thông vận tải: "Giao thông là mạch máu của mọi việc, giao thông tắc thì việc gì cũng khó, giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng".

Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong suốt chặng đường 69 năm qua, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động ngành giao thông vận tải (GTVT) luôn phát huy tinh thần “Dũng cảm, thông minh, sáng tạo”, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến thần thánh giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới, ngành GTVT đã thể hiện vai trò là ngành kinh tế quan trọng mũi nhọn luôn đi trước “mở đường” cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Cùng với lực lượng GTVT cả nước, ngành GTVT Yên Bái ngay từ khi được thành lập đã nêu cao truyền thống “Dũng cảm, thông minh, sáng tạo” trong quá trình xây dựng và phát triển. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, biết bao tấm gương hy sinh dũng cảm, không tiếc máu xương để bảo vệ từng tấc đường, từng cây cầu, giữ vững mạch máu giao thông dưới làn bom đạn của địch đã viết nên những trang sử vẻ vang của ngành.

Bước vào thời kỳ đổi mới, GTVT được xác định là cơ sở hạ tầng quan trọng để phục vụ và thúc đẩy kinh tế phát triển đồng thời là điều kiện rất cơ bản để thực hiện nhiệm vụ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường tiềm lực nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển giao thông trên địa bàn, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về vốn, huy động nguồn lực cho giao thông còn rất hạn chế, thời tiết khắc nghiệt, địa hình khó khăn, hiểm trở nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải cùng sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, các ngành trong tỉnh, mạng lưới giao thông được phát triển với tốc độ nhanh, nhất là các công trình trọng điểm, đặc biệt các tuyến đường ngang đã được đầu tư nâng cấp như Khánh Hòa - Minh Xuân, Mậu A - Tân Nguyên, Đại Lịch - Minh An… cùng với một số cầu lớn vượt sông Hồng được đầu tư xây dựng như cầu Văn Phú, cầu Mậu A, cầu Trái Hút… đã phá thế độc đạo, tạo thế khép kín, liên hoàn về giao thông của tỉnh.

Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, Yên Bái đã huy động được nguồn lực rất lớn cho phát triển GTVT trên địa bàn. Tổng giá trị đầu tư từ năm 2006 đến nay là 7.232 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách Trung ương 1.307 tỷ đồng (18,07%); vốn ngân sách địa phương 2.356 tỷ đồng... Đặc biệt, đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh góp được trên 176 tỷ đồng và hàng chục ngàn ngày công lao động, hiến hàng ngàn héc-ta đất ở, đất sản xuất làm đường giao thông nông thôn.

Mạng lưới giao thông đường bộ Yên Bái đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo như quốc lộ 32 đoạn Đèo Khế - Thượng Bằng La, quốc lộ 70 trong đó có đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng, cải tạo, nâng cấp một số đoạn thuộc quốc lộ 32C, quốc lộ 32 và tuyến tránh thị xã Nghĩa Lộ + Cầu Thia (giai đoạn 2).

Trên hệ thống đường tỉnh, nhiều tuyến đường quan trọng đã được đầu tư xây dựng và nâng cấp như đường trung tâm Km5 - trung tâm thị trấn Yên Bình, đường Mậu A - Tân Nguyên, đường Khánh Hòa - Minh Xuân... đạt tiêu chuẩn đường đô thị và đường cấp V miền núi, xây dựng mới cầu Trái Hút vượt sông Hồng. Nhiều dự án đang được triển khai thi công như dự án đường tránh ngập thành phố Yên Bái; dự án đường từ Mường La, tỉnh Sơn La - Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; đường Yên Bái - Khe Sang... Mạng lưới giao thông đô thị ở thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và các thị trấn huyện lỵ từng bước được đầu tư xây dựng và nâng cấp thành đường đô thị cấp khu vực, hình thành các đô thị khang trang, góp phần từng bước tạo tiền đề cho kinh tế khu vực phát triển.

Mạng lưới giao thông nông thôn, đường tới vùng sâu, vùng xa có những bước phát triển mạnh mẽ. Bằng nhiều nguồn vốn các chương trình mục tiêu do Trung ương hỗ trợ, sự nỗ lực đóng góp của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung của tỉnh với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã mở mới được 5.025km đường ô tô và đường thôn bản, kiên cố hóa được 994,9km, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Yên Bái hoàn thành vượt chỉ tiêu Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011 - 2015, mở mới được gần 1.000km đường giao thông, kiên cố hóa gần 500km đường bê tông; đầu tư bảo đảm 100% các xã có đường ô tô đi lại được 4 mùa. 

Về lĩnh vực vận tải, ngành GTVT Yên Bái đã tạo ra bước phát triển ổn định, vững chắc trong lĩnh vực vận tải đường bộ, vận tải hành khách, các dịch vụ vận tải đã và đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu của thị trường với chất lượng cao. Các tuyến vận tải đã vươn tới vùng sâu, vùng xa của tỉnh với các phương tiện ngày càng hiện đại, an toàn, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng lên. Công tác quản lý, khai thác phương tiện được quan tâm chỉ đạo; thực hiện tốt dịch vụ công; kiểm soát chất lượng xe lưu hành bảo đảm an toàn.

Công tác an toàn giao thông trong những năm gần đây cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Với nhiều giải pháp thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp, các ngành như: công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ; xóa bỏ các “điểm đen”, kiểm soát chặt chẽ phương tiện quá khổ, quá tải; tăng cường công tác giám sát chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe; tai nạn giao thông đã giảm trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương.

Đội ngũ cán bộ, công chức, công nhân lao động ngành GTVT lớn mạnh về mọi mặt: trình độ lý luận nhận thức, trình độ quản lý, trình độ khoa học kỹ thuật đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Những thành tựu của ngành GTVT Yên Bái đạt được trong 69 năm qua là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, Bộ GTVT và sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, các ngành đồng thời là công lao đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ, công chức, viên chức cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Thành tích đạt được của ngành GTVT Yên Bái từ khi thành lập đến nay, đặc biệt trong những năm gần đây đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận qua các phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho các tập thể và cá nhân trong ngành; nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua của Chính phủ, UBND tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải, các ban, ngành của Trung ương và địa phương.

Phát huy những thành quả của 69 năm qua, ngành GTVT Yên Bái tiếp tục nỗ lực phấn đấu để vượt qua những thách thức. Đó là các tuyến đường tỉnh đã bị xuống cấp trầm trọng cần đầu tư cải tạo, nâng cấp như: Âu Lâu - Đông An, Yên Thế - Vĩnh Kiên… và một số cầu yếu trên các tuyến đường chưa được đầu tư xây dựng như cầu Tô Mậu.

Các tuyến đường mới đã được phê duyệt dự án nhưng chưa có kinh phí để đầu tư xây dựng hoặc chưa xây dựng và hoàn thành cấp tiêu chuẩn như: Tân Nguyên - Phan Thanh - An Phú, Khánh Hòa - Văn Yên, Trạm Tấu - Bắc Yên, Đông An - Gia Hội… Một số cầu như: Tuần Quán, Cổ Phúc, Hồng Hà cũng chưa được triển khai do đó chưa đạt được kế hoạch đề ra và quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh. Nguồn vốn cho công tác duy tu, bảo trì đường bộ còn hạn chế, mới đáp ứng được 30% so với yêu cầu nên công tác duy tu, sửa chữa, khắc phục bảo đảm giao thông có lúc còn chưa kịp thời. Thu nhập của công nhân khối sửa chữa đường bộ còn thấp, cuộc sống chưa thật sự ổn định. Năng lực quản lý của một số cán bộ, công chức, viên chức, các ban quản lý còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Đứng trước những đòi hỏi trước mắt cũng như lâu dài, ngành GTVT Yên Bái xác định cần phải có tư duy, nhận thức mới, cố gắng phấn đấu vươn lên về mọi mặt. Trước mắt là quan tâm đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành có hiệu quả; thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương quản lý, xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT trên địa bàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả công việc; thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng GTVT. Các đơn vị trong ngành cần củng cố, tổ chức lại lực lượng, tăng cường đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất, giữ vững, mở rộng thị trường; quan tâm tìm kiếm, giải quyết việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống cho người lao động; xác định đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật lành nghề là tài sản quý báu của ngành và của đơn vị.

Ngành GTVT Yên Bái quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và quản lý mạng lưới giao thông hiện có, quan tâm đầu tư mạng lưới giao thông đô thị, phát triển vận tải, phục vụ tốt đời sống, sự đi lại của nhân dân trong tỉnh; phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tăng cường lực lượng, củng cố quốc phòng - an ninh của tỉnh và trong khu vực.

Đỗ Văn Dự - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Yên Bái

Các tin khác

Sáng nay - 29/3, đồng chí Đỗ Đức Duy - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tiêu cực (BCĐ PCTNTC) tỉnh đã chủ trì Phiên họp thứ 8 của BCĐ để đánh giá kết quả hoạt động quý I, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam phát biểu tại lễ phát động

Chiều 28-3, ngay sau hội nghị tổng kết hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 – 6-1-2026).

Đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tham gia trồng cây tại xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên.

Dân vận khéo (DVK) đã trở thành phong trào thi đua chung của cả hệ thống chính trị, được triển khai rộng khắp với hình thức đa dạng, phù hợp, từng bước đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa tích cực trong xã hội.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Yên Bình tặng hóa chúc mừng Đại hội đại biểu MTTQ xã Đại Đồng, huyện Yên Bình

Huyện Yên Bình đã hoàn thành Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) cấp xã; đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2024 – 2029.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục