Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thị xã Nghĩa Lộ lần thứ nhất – 2014

Bình đẳng, đoàn kết, sáng tạo chung sức xây dựng thị xã văn hóa - du lịch

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/9/2014 | 10:12:46 AM

YBĐT - Những chính sách, chương trình, dự án được triển khai hiệu quả đã nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần duy trì mức tăng trưởng kinh tế của thị xã ở mức trên 15%/năm. Đồng bào thiểu số đã tham gia khai thác lợi thế cảnh quan môi trường thiên nhiên, kiến trúc, phong tục, tập quán cùng những nét văn hóa truyền thống để tạo nên đặc trưng riêng bản sắc văn hóa miền Tây.

Đồng chí Tòng Thị Phóng (bên phải) Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thị xã nghĩa Lộ tham quan những sản phẩm dệt truyền thống của đồng bào Thái thị xã miền Tây.
Đồng chí Tòng Thị Phóng (bên phải) Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thị xã nghĩa Lộ tham quan những sản phẩm dệt truyền thống của đồng bào Thái thị xã miền Tây.

Năm 2014 là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ lần thứ XII và là năm thị xã tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ nhất. Đại hội được cấp ủy, chính quyền thị xã Nghĩa Lộ xác định là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về công tác dân tộc; đánh giá, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra chương trình hành động của Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số thị xã Nghĩa Lộ giai đoạn 2014 - 2019; tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số và để đồng bào có dịp giao lưu, trao đổi, tiếp tục nâng cao nhận thức, hành động trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu "Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Đây cũng là dịp để khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, ý chí tự lực tự cường trong đồng bào dân tộc thiểu số, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn lại việc tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc từ năm 2009 đến nay cho thấy, công tác dân tộc và triển khai các chính sách dân tộc có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của thị xã nói chung của vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Chính sách dân tộc đã tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những hộ nghèo thuộc khu vực đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, Thị ủy, HĐND, UBND thị xã luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, cơ quan chuyên môn, các xã, phường tập trung thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án; xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên, các cá nhân liên quan để tổ chức triển khai bảo đảm chính xác, đúng đối tượng, kịp thời; thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm bắt tiến độ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Do đó, việc thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn 2009 -2013 đã mang lại kết quả rất khả quan.

Trong đó, Chương trình 135 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có tổng số kinh phí hỗ trợ 8.892 tỷ đồng gồm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 5,9 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ các dịch vụ khác cải thiện, nâng cao đời sống của người dân; trợ giúp pháp lý 360 triệu đồng; hỗ trợ học sinh đi học 1,3 tỷ đồng. Chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg và Quyết định số 775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 6 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho gần 1.000 hộ.

Thực hiện chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2012 - 2014 là 1 tỷ đồng; cho vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định số 32 và Quyết định số 54/QĐ-TTg là 10 hộ, kinh phí 50 triệu đồng; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho 38.704 người dân tộc thiểu số, trị giá 18.3 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn theo Quyết định số 102 là 1,1 tỷ đồng; hỗ trợ tiền dầu hỏa thắp sáng cho những hộ chưa có điện lưới là 4,4 triệu đồng; tặng quà nhân dịp lễ, tết cho 48 người có uy tín, kinh phí là 39,6 triệu đồng; cấp phát đầy đủ Báo Yên Bái cho người có uy tín theo chế độ…

Những chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước được thực hiện trong những năm qua đã đem lại hiệu quả thiết thực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở thị xã Nghĩa Lộ. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư: đường giao thông, trường học, trạm xá, nước sinh hoạt, kênh mương thủy lợi... đã góp phầm giảm bớt khó khăn cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất.

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo tuy nguồn kinh phí không lớn nhưng đã tạo điều kiện cho nhiều hộ đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo bền vững. Việc hỗ trợ kinh phí học tập cho học sinh, sinh viên khu vực đặc biệt khó khăn đã tạo điều kiện cho nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số được đi học chuyên nghiệp, học nghề và đây chính là nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho địa phương. Điển hình là xã Nghĩa Lợi từ chỗ không có em nào học đại học thì nay rất nhiều em theo học các trường đại học, cao đẳng và có em đã trở về địa phương công tác.

Những chính sách, chương trình, dự án được triển khai nghiêm túc đã nâng cao đời sống kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định ở mức cao. Kết cấu hạ tầng được đầu tư và nhiều công trình phục vụ cho đời sống dân sinh đã được xây dựng. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa - thông tin có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đồng bào các dân tộc luôn phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nêu cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, cùng chung tay xây dựng thị xã văn hóa - du lịch ngày một phát triển giàu đẹp, văn minh.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tham gia khai thác lợi thế cảnh quan, môi trường thiên nhiên, kiến trúc, phong tục, tập quán cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc như: nghề dệt, ẩm thực để phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người, nhiều hộ gia đình. Đồng thời, đây còn là sự huy động nguồn lực tại chỗ, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống.

Lãnh đạo Thị ủy, HĐND, UBND thị xã nghĩa Lộ thăm mô hình trồng cà chua vụ đông trên đất 2 vụ lúa của bà con dân tộc Thái.

Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất; thực hiện quy hoạch vùng trồng lúa hàng hóa chất lượng cao, thâm canh tăng vụ gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo Mường Lò; xây dựng vùng chuyên canh rau sạch; vùng trồng hoa. Nhiều mô hình trồng trọt đã mang lại thu nhập cao như trồng nấm rơm, cà chua, bí xanh, trồng gấc, ngô tím, ngô nếp... góp phần tăng giá trị thu nhập trên 1ha đất hai vụ lúa từ 70 triệu đồng năm 2009 lên 118 triệu đồng năm 2013.

Nhiều mô hình chăn nuôi có giá trị kinh tế cao như nuôi ba ba, nuôi nhím, thỏ, chim bồ câu Pháp, nuôi lợn nái sinh sản quy mô 10 con, lợn thịt quy mô 50 con/lứa... đang được nhân diện ở nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 3% - 4% và năm 2013 đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 18,53%. Tuy nhiên, số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số vẫn chiếm tỷ lệ cao là 1.233/1.403 hộ nghèo (bằng 16,3% tổng dân số thị xã). Phong trào “Nghĩa Lộ chung sức xây dựng nông thôn mới” được thị xã phát động thực hiện từ năm 2011 đến nay đã được nhân dân nhiệt tình tham gia. Đến tháng 6/2014, qua rà soát đánh giá, có 1 xã đạt 7/19 tiêu chí, 2 xã đạt 6/19 tiêu chí.

Một số mục tiêu cụ thể: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2014 - 2019 đạt 15,5% trở lên; thu nhập bình quân đầu người mỗi năm tăng thêm từ 2 triệu đồng trở lên; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 4%; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn 10%; tỷ lệ hộ dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 95%; có 85% số gia đình, 75% số tổ, bản, 85% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; 7 xã, phường đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế xã; 3 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Việc thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch giai đoạn 2013 - 2020 đạt nhiều kết quả khả quan. Công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đã huy động được sự vào cuộc của các cấp, ngành và mọi người dân. Trong đó, đã khuyến khích được các nghệ nhân, những người am hiểu, yêu thích văn hóa dân gian các dân tộc sưu tầm, truyền dạy văn hóa truyền thống vùng Mường Lò. Nhờ vậy, văn hóa truyền thống được duy trì, khôi phục, bảo tồn với nhiều loại hình dân ca, dân vũ, trong đó có 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái. Chữ Thái cổ sau một thời gian chưa được chú ý truyền dạy thì nay hàng nghìn người đã học và đọc thông viết thạo loại chữ này để tiếp cận các thư tịch Thái cổ. Các lễ hội, phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số được quan tâm duy trì tổ chức thường xuyên bảo đảm tính nguyên mẫu như lễ hội rằm tháng Giêng, hội Hạn khuống, lễ hội Xên bản, xên mường, tết Xíp xí, cúng cơm mới...

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trong đó có các môn thể thao, trò chơi dân gian các dân tộc diễn ra sôi nổi, thường xuyên nhờ duy trì 45 đội văn nghệ nòng cốt, 48 câu lạc bộ thể thao và tổ chức được các liên hoan văn nghệ, các giải thi đấu thể thao nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương. Những hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân mà còn khơi dậy niềm tự hào, lòng tự tôn về truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, thúc đẩy tinh thần hăng say lao động, sản xuất. Đồng thời, đây còn là điều kiện quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của Nghĩa Lộ - Mường Lò trong mục tiêu và chiến lược xây dựng thị xã văn hóa - du lịch.

Phương hướng, mục tiêu cụ thể về thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn thị xã giai đoạn 2014 - 2019 là tiếp tục quán triệt sâu sắc về nhiệm vụ chiến lược công tác dân tộc, vấn đề đại đoàn kết các dân tộc; tăng cường công tác chỉ đạo để tiếp tục thực hiện tốt, đầy đủ, kịp thời các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước nhằm ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn thị xã; bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc vững mạnh.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

Tiếp tục Chương trình công tác, ngày 29/3, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra Dự án đường kết nối huyện Mường La, tỉnh Sơn La, các huyện Than Uyên, Tân Uyên, tỉnh Lai Châu và các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên của tỉnh Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn từ xã Nậm Có đến đỉnh Tà Cua Y.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.

Ngày 29/3, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan thanh tra. Đồng chí Dương Quốc Huy - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  chủ trì họp Phiên thứ 10 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải

Thủ tướng nhấn mạnh, khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn, đòi hỏi các các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Sáng nay - 29/3, đồng chí Đỗ Đức Duy - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tiêu cực (BCĐ PCTNTC) tỉnh đã chủ trì Phiên họp thứ 8 của BCĐ để đánh giá kết quả hoạt động quý I, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục