Cần sớm ban hành chính sách đặc thù cho người dân sau tái định cư

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/10/2014 | 3:31:11 PM

YBĐT - Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Công Bình – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái trong phiên thảo luận về tình hình KT – XH năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Trong đó, đề cập đến một số vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn; chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học và công nghệ của doanh nghiệp còn thấp; vấn đề liên quan đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng giáo dục và đào tạo, khám chữa bệnh còn nhiều bất cập. Đặc biệt là vấn đề liên quan đến việc ban hành các chính sách đặc thù để ổn định đời sống và bố trí đất sản xuất cho người dân sau tái định cư…

Đại biểu Nguyễn Công Bình bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH năm 2014; kế hoạch năm 2015 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Các báo cáo đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước Quốc hội. Có thể nói, trong năm qua, một năm đầy thách thức, nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là những khó khăn nội tại của nền kinh tế; cùng với tình hình thế giới diễn biến phức tạp, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 đã gây ra căng thẳng trên biển Đông.

Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương đúng đắn, đặc biệt là Chính phủ đã điều hành vững vàng và quyết tâm cao trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội; 13/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch là một kết quả đáng khích lệ. Điểm nổi bật là các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, quốc phòng an ninh được giữ vững và ổn định. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng mặc dù có tăng so với cùng kỳ nhưng chưa thực sự vững chắc, sự hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp; hoạt động và phát triển của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký giảm. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học và công nghệ của doanh nghiệp rất thấp. Đại biểu Bình phân tích: “Theo khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ tại 100 doanh nghiệp ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 0,2 – 0,3% trên tổng doanh thu. Trong khi đó, con số này tại Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10% và Nhật Bản gần 50%...

Liên quan đến vấn đề về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu Nguyễn Công Bình cho rằng đây là vấn đề đáng báo động và lo ngại cho người tiêu dùng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Chất lượng công tác giáo dục và đào tạo; chất lượng khám chữa bệnh còn nhiều bất cập.

Đề cập đến vấn đề liên quan đến đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; những người về hưu trước năm 1993 và người dân vùng tái định cư khi phải di dời nhường đất để xây dựng các công trình lớn của quốc gia như: xây dựng đường cao tốc, các công trình thủy điện… hiện nay, đời sống của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn.

Những vấn đề nêu trên, theo tâm tư nguyện vọng của cử tri, đề nghị Chính phủ cần có nhiều giải pháp và hành động quyết liệt hơn để từng bước khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt là việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội. Mặc dù Chính phủ đã có nỗ lực, quyết tâm cao, cùng với những nhóm giải pháp để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện một số chủ trương, đặc biệt là việc xây dựng và ban hành một số chính sách còn chậm, đơn cử như thực hiện Nghị quyết số 62 năm 2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình thủy điện. Chính phủ đã có Báo cáo số 442 ngày 22/10/2014 gửi Quốc hội. Sau gần một năm thực hiện đã có sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và vận hành các công trình thủy điện. Tuy nhiên, còn hai nội dung là việc trồng rừng thay thế mới đạt 10% và việc ban hành chính sách để ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư nhưng đã gần một năm vẫn chưa được ban hành.

Đại biểu Nguyễn Công Bình nhấn mạnh: Qua thực tế khảo sát và tiếp xúc cử tri ở một số nơi tái định cư cho thấy, cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Nhiều khu tái định cư chưa gắn với tái định canh, đất sản xuất giao cho dân thấp hơn nhiều so với diện tích đất bị thu hồi hoặc đất có giao nhưng đất xấu, thiếu nước… gây khó khăn ảnh hưởng cho việc sản xuất và đời sống của người dân. Đường giao thông đi lại khó khăn, nhiều thôn bản chưa có điện hay có những cụm dân cư với 5.000 hộ, gần 2 vạn khẩu, nhiều năm qua không có tổ chức tín dụng, người dân phải đi xa từ 40 – 50 km mới đến được ngân hàng để vay tiền hoặc gửi tiền. Vì lẽ đó, đại biểu Nguyễn Công Bình kiến nghị, Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa Nghị quyết của Quốc hội và sớm ban hành chính sách đặc thù cho người dân sau tái định cư.

Đức Toàn

Các tin khác

Chiều nay – 19/4, thành phố Yên Bái và huyện Trạm Tấu đã tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác, kết nghĩa năm 2023, triển khai chương trình năm 2024.

Bộ Chính trị đề nghị Trung ương khai trừ Đảng ông Lê Viết Chữ

Bộ Chính trị khai trừ đảng nhiều cán bộ ở Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc và báo cáo, đề nghị Trung ương Đảng thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Viết Chữ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Căn cứ vào các vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật khiển trách với ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nhiều cán bộ khác của Bộ này cũng bị kỷ luật.

Các đại biểu dự Hội nghị

Đến hết quý 1, thành phố Yên Bái đã có 21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm theo Kế hoạch hành động số 236 của Thành ủy; 17 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch,

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục