Quốc hội thảo luận việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế

  • Cập nhật: Thứ bảy, 1/11/2014 | 7:22:59 PM

YBĐT - Tiếp tục chương trình làm việc ngày 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015).

Mở đầu phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015).

Theo giám sát của Ủy ban Kinh tế, một số dự án đầu tư công chậm tiến độ, phát sinh chi phí, khả năng phải tăng vốn ở mức cao. Nhiều dự án, công trình được xây dựng, hoàn thành nhưng chưa khai thác một cách hiệu quả, gây lãng phí không nhỏ. Theo Ủy ban Kinh tế, hạn chế dễ thấy nhất là việc đầu tư từ NSNN vẫn còn tập trung vào một số ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân sẵn sàng tham gia đầu tư.

Tình hình kinh tế - xã hội và khả năng cân đối NSNN trong những năm vừa qua có nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu. Bội chi ngân sách ở mức cao, mức trả nợ công vượt ngưỡng 25% là thách thức lớn cho việc triển khai đầu tư công thời gian tới. Do đó, còn nhiều dự án phải giãn hoãn tiến độ, cắt giảm hạng mục để bảo đảm hoàn thành dự án theo đúng thời gian quy định. Một số dự án nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, chưa có đủ vốn để thanh toán nên chưa được bàn giao công trình, đưa vào sử dụng. Đầu tư vào các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chất lượng công trình, dự án thấp vẫn chưa được xử lý triệt để. Chưa thực sự chú trọng đến việc phân bổ nguồn lực một cách hợp lý giữa các vùng, ngành, lĩnh vực để tạo sự lan tỏa, làm động lực cho nền kinh tế. Tổng số vốn ứng trước NSNN và trái phiếu Chính phủ chưa có nguồn thu hồi còn khá lớn. Nhiều bộ, ngành và địa phương có số vốn ứng trước vượt quá kế hoạch được giao hàng năm. Nợ xây dựng cơ bản phát sinh chủ yếu từ các dự án đầu tư công của địa phương (chiếm 93,8% tổng số nợ đọng) là hiện tượng cần được xem xét nghiêm túc cả về quy hoạch và kỷ luật ngân sách.

Trong kế hoạch trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 có 807/873 dự án giao thông, thủy lợi, y tế đang đầu tư dở dang. Qua khảo sát tại một số địa phương, cho thấy việc đầu tư vào các dự án chưa dựa trên việc xác định, xem xét thấu đáo tính ưu tiên của các dự án. Một số dự án được bố trí kế hoạch, nhưng đến hết thời hạn quy định vẫn không thực hiện và giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao, phải xin kéo dài thời gian thanh toán sang năm sau.

Việc chấp hành các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch ở một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm, dẫn đến phải bổ sung, sửa đổi phương án phân bổ vốn nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ giao kế hoạch đầu tư phát triển. Một số bộ, ngành và địa phương vẫn đề xuất khởi công mới các dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách trong khi chưa cân đối đủ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Một số dự án khởi công mới chưa đủ thủ tục đầu tư hoặc bố trí vốn dàn trải, không đáp ứng yêu cầu hoàn thành theo quy định của pháp luật. Chế độ báo cáo, nhất là báo cáo kết quả thực hiện, giải ngân của một số bộ, ngành, địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc, nên việc tổng hợp thông tin về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư rất khó khăn.

Về kết quả thực hiện tái cơ cấu đầu tư công trong giai đoạn 2011-2013, theo Ủy ban Kinh tế, có một số nổi bật so với giai đoạn trước 2010. Theo đó, đầu tư từ khu vực nhà nước đóng góp đáng kể trong tổng đầu tư toàn xã hội trong bối cảnh tổng cầu giảm; đầu tư từ các khu vực khác giảm sút. Huy động vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước thu được kết quả nhiều hơn, tiêu biểu là huy động xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung hơn; bố trí vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm tập trung cho các dự án quan trọng, cấp bách.

Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2014, Chính phủ đã bố trí kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ theo xu hướng tăng (năm 2014 khoảng 100 nghìn tỷ đồng, gấp 2,22 lần so với năm 2011 và năm 2012; gấp 1,67 lần so với năm 2013), tập trung vào các mục tiêu trên cơ sở triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thảo luận về báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu cùng có chung nhận định rằng, chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng vẫn còn chậm. Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước chưa đạt được kết quả như mong muốn và làm sao để tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước có hiệu quả nhằm hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước là vấn đề được các đại biểu Quốc hội cùng bày tỏ quan điểm trong phiên thảo luận tại hội trường.

Các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới để hoàn thành đúng kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước như giao, bán, thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước; chính sách lương trong doanh nghiệp Nhà nước. Cùng với việc rà soát, hoàn thiện chính sách đối với người lao động dôi dư; thanh lý tài sản không sử dụng, sử dụng không hiệu quả, còn tiến hành các quy trình kiểm kê, đánh giá chất lượng và giá trị tài sản, xác nhận các khoản nợ, xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp. Mặt khác, rà soát lại để xác định hợp lý kế hoạch và lộ trình cổ phần hóa đối với loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích như: thoát nước, chiếu sáng, công viên, thủy lợi..., thực hiện xã hội hóa tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xã hội phát triển.

Đức Toàn

Các tin khác
Đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Chiến Thắng nhận nhiệm vụ mới.

YBĐT - Ngày 1/11, Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái khoá XVII tổ chức Kỳ họp thứ 11 (bất thường) để bầu cử bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 và thực hiện một số nội dung khác theo thẩm quyền của HĐND tỉnh.

YBĐT - Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Công Bình – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái trong phiên thảo luận về tình hình KT – XH năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

YBĐT - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh (người đứng thứ tư từ  phải sang) và đoàn công tác kiểm tra Dự án thoát nước tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ.

YBĐT - Vừa qua, Đoàn công tác của Ủy ban Chính sách hợp tác và Phát triển quốc gia Phần Lan do ông Kimmo Lahdevirta - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam làm Trưởng đoàn; bà Gunvor Kronman - Phó trưởng Ban Ủy ban Chính sách hợp tác phát triển cùng các thành viên đã tới thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục