Quốc hội thảo luận về dự án sửa đổi Luật Thuế và Thi hành án dân sự
- Cập nhật: Thứ hai, 3/11/2014 | 3:22:31 PM
YBĐT - Ngày 3/11, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế và thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thi hành án dân sự.
Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế.
Trong Tờ trình, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), quy định ưu đãi thuế TNDN đối với công nghiệp hỗ trợ (CNHT), quy định ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng và phạm vi tác động sâu, rộng tới kinh tế - xã hội, quy định đối với phần thu nhập từ các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài chuyển về Việt Nam, nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế TNDN...
Về sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 20% đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (nghiên cứu phát triển giống; trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp), lâm nghiệp, thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Từ ngày 1-1-2016, thu nhập của doanh nghiệp này được áp dụng thuế suất 17%.
Đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 04 năm và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng và phạm vi tác động sâu, rộng tới kinh tế - xã hội. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được ưu đãi thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Đối với quy định khống chế đối với chi quảng cáo, khuyến mại, theo Chính phủ, để phù hợp với thực tiễn, phản ánh đúng bản chất của khoản chi, Chính phủ đề nghị bỏ quy định khống chế khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, chi phí liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.
Về xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, theo Chính phủ, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Chính phủ trình Quốc hội cho phép: xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1-7-2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31-12-2014. Doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan được xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế phải đáp ứng một trong các tiêu chí: doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách hoặc có nguồn từ ngân sách; đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế dẫn đến người nộp thuế phát sinh các khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp; doanh nghiệp phải vay của các ngân hàng thương mại với lãi suất cao trên 20%/năm dẫn đến tổng tiền chậm nộp phát sinh bằng 100% số tiền thuế trở lên.
Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần rà soát kỹ về phạm vi, đối tượng danh mục thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, bảo đảm tính bao quát, toàn diện đối với ngành nghề, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần thiết ưu đãi, gắn với định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới; để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch của luật và tránh tình trạng luật khung, luật ống, cần quy định ngay trong luật danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được hưởng chính sách ưu đãi này và làm rõ hơn về tiêu chí “sản xuất được nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật”.
Với nội dung xóa tiền phạt chậm nộp thuế, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách không nhất trí với tờ trình của Chính phủ và đề nghị cần cân nhắc việc xóa tiền phạt chậm nộp tiền thuế. Do bản chất tiền phạt chậm nộp thuế là khoản tiền phạt do vi phạm hành chính về thuế, do đó việc xóa nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và không công bằng đối với các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Một số ý kiến trong ủy ban này cũng cho rằng, hiện nay số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động rất lớn, do đó nhất trí với tờ trình của Chính phủ nhưng chỉ nhất trí xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế trong trường hợp doanh nghiệp nợ thuế do ngân sách nhà nước nợ doanh nghiệp.
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, có 2 vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Cụ thể: Về tiếp tục duy trì cơ chế thi hành án theo yêu cầu của người được/ người phải thi hành án hay chuyển tất cả thành chủ động thi hành án, nhằm bảo đảm nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận, khuyến khích các bên hòa giải trong lĩnh vực dân sự và kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (nếu tòa án, cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động ra quyết định thi hành án đối với tất cả bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật sẽ làm phát sinh thêm TTHC trong trường hợp người được thi hành án không muốn thi hành hoặc các bên đã tự thi hành, hòa giải), phù hợp với thực tiễn pháp luật của nhiều quốc gia về việc tôn trọng quyền tự nguyện thi hành án của đương sự. Chính phủ đề nghị chỉ nên mở rộng diện chủ động thi hành án đối với các trường hợp người được thi hành án là cơ quan, tổ chức nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước, đồng thời giữ cơ chế thi hành án theo yêu cầu của người được/người phải thi hành án như dự thảo Luật Chính phủ đã trình Quốc hội.
Về cơ quan ra quyết định đưa bản án, quyết định thi hành: Chính phủ đã đề nghị tòa án là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành và chuyển cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thi hành án để tổ chức thi hành. Quy định này sẽ góp phần làm rõ sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, loại bỏ sự “cắt khúc” hiện nay giữa công tác xét xử và công tác thi hành án dân sự. Thực tế, cũng nhằm bảo đảm gắn vai trò, trách nhiệm của tòa án đối với bản án, quyết định của mình, góp phần bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật Việt Nam về tố tụng hình sự và thi hành án hình sự.
Cùng ngày, Quốc hội sẽ nghe trình bày các Tờ trình; báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và dự án Luật Thú y.
Đức Toàn
Các tin khác
YBĐT - Kỳ họp bất thường lần thứ 11 của HĐND tỉnh bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2011 - 2016/ Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường làm việc với ngành VHTT&DL/ Đoàn công tác của Đại sứ quán Phần Lan làm việc tại Yên Bái/ Hội thảo An toàn thông tin mạng / Bắt giữ đối tượng buôn bán trái phép chất ma túy/ Thông tin về Kỳ họp thứ 8 của QH/ Hơn 209 tỷ đồng mua thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi/ WHO công bố các khuyến cáo an toàn trong điều trị Ebola...
YBĐT - Thực hiện chương trình công tác năm 2014, Ban Dân tộc HĐND tỉnh do đồng chí Địch Ngọc Thường - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm Trưởng Đoàn đã đi giám sát tình hình, kết quả thực hiện công tác dân tộc 10 tháng, dự ước năm 2014; kết quả triển khai thực hiện hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 từ đầu năm đến nay tại các xã Xuân Lai, Tân Hương (Yên Bình) và UBND huyện Yên Bình.
YBĐT - Tiếp tục chương trình làm việc ngày 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015).
YBĐT - Ngày 1/11, Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái khoá XVII tổ chức Kỳ họp thứ 11 (bất thường) để bầu cử bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 và thực hiện một số nội dung khác theo thẩm quyền của HĐND tỉnh.