Kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Tây Bắc (2004 - 2014)

Nỗ lực đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/11/2014 | 8:51:29 AM

YBĐT - Ngày 24/8/2014, Ban Chỉ đạo Tây Bắc vừa tròn 10 năm xây dựng và phát triển. 10 năm - một chặng đường chưa dài nhưng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã từng bước trưởng thành, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc.

Đồng chí Trương Xuân Cừ  (hàng thứ 2, người thứ 4 trái sang) - Phó trưởng ban Phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc thăm, tặng quà cho các hộ nghèo xã Đức Xuân, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
(Ảnh: Nguyễn Phương - Ban Chỉ đạo Tây Bắc)
Đồng chí Trương Xuân Cừ (hàng thứ 2, người thứ 4 trái sang) - Phó trưởng ban Phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc thăm, tặng quà cho các hộ nghèo xã Đức Xuân, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Nguyễn Phương - Ban Chỉ đạo Tây Bắc)

Nỗ lực phấn đấu, hoàn thành  tốt nhiệm vụ được giao 

Ngày 24/8/2004, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 117-QĐ/TW về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tây Bắc. Ngay sau khi có quyết định thành lập, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã khẩn trương bắt tay vào việc xây dựng tổ chức bộ máy, triển khai các nhiệm vụ được giao. 10 năm qua, Ban đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực nhiệm vụ được giao. Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, công tác dân tộc, tôn giáo, công tác xây dựng hệ thống chính trị.

Các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác trọng tâm được Ban tập trung chỉ đạo là: những chủ trương, chính sách lớn (các nghị quyết, quyết định của Đảng, Chính phủ) nhằm đẩy mạnh và tạo bước đột phá về phát triển kinh tế, xã hội, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương trong vùng; các chương trình mục tiêu làm chuyển biến các vùng đặc biệt khó khăn; công tác bảo đảm an sinh xã hội; công tác di dân, tái định cư các dự án thủy điện lớn (Sơn La, Huổi Quảng, Bản Chát…); các chủ trương, chính sách về tôn giáo, trọng tâm là Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành; vấn đề dân di cư tự do, nhất là việc đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do sang Lào, di cư vào các tỉnh Tây Nguyên; những vấn đề xã hội bức xúc, đặc biệt là vấn đề ma túy (thẩm lậu ma túy qua biên giới, tái trồng cây thuốc phiện, buôn bán và tàng trữ, sử dụng chất ma túy); công tác quốc phòng, an ninh, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển toàn diện; xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phát triển Đảng, xóa thôn, bản chưa có đảng viên và chi bộ cũng như tăng cường, nâng cao chất lượng cán bộ hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu.

Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã thường xuyên phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương đồng thời đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo tinh thần các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ; tổ chức hàng trăm cuộc làm việc với các bộ, ngành có liên quan để trao đổi, phối hợp trong việc thực hiện, tổng kết Nghị quyết số 37 - NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010. Hiện nay, Ban cùng với các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện Kết luận số 26-KL/TW, ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Bên cạnh đó, Ban đặc biệt quan tâm đến những vấn đề thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao, những vấn đề có liên quan đến các địa phương trong vùng nhằm giúp các tỉnh từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế, xã hội.

Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã thường xuyên bám sát địa bàn cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và nắm tình hình một cách toàn diện; thực hiện các chuyến công tác đột xuất theo yêu cầu và tính chất cấp thiết của vụ việc xảy ra ở các địa bàn, nhất là vùng cao, biên giới để kịp thời nắm bắt thông tin, báo cáo và đề xuất giải pháp xử lý với Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Ban cũng đã nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng và Chính phủ về cơ chế, chính sách cùng các giải pháp cần chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị; về liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên các tuyến, trong từng vùng; về biến đổi khí hậu…

Trên cơ sở nghiên cứu, nắm chắc đặc điểm tình hình, tính chất đặc thù của vùng Tây Bắc và từng địa phương trong vùng, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã lựa chọn các vấn đề chủ yếu, trọng tâm trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác dân tộc, tôn giáo và xây dựng hệ thống chính trị để tham mưu, kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các tỉnh trong vùng xây dựng các đề án, cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề vừa có tính cấp thiết vừa có tính cơ bản, lâu dài, giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, khai thác các tiềm năng, lợi thế, tạo bước phát triển bền vững.

 Nhiều đề án, cơ chế, chính sách đã tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi, tăng thêm nguồn lực cho các địa phương đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, góp phần bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia như: chính sách cho học sinh trường bán trú dân nuôi, chính sách về việc tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số cấp xã ở nơi địa bàn trọng yếu; chính sách cho việc ổn định dân cư tại Mường Lát, Mường Nhé và nhiều chính sách khác.

Từ năm 2012, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Trường Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp triển khai Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Đây là chương trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, được Chính phủ quan tâm chỉ đạo để giúp các tỉnh trong vùng đưa khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức phối hợp với các lực lượng, cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; chỉ đạo xử lý kịp thời những tình huống đột xuất về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn. Ban cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các đơn vị liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch, phương án, tổ chức thực hiện nhằm ngăn chặn ý đồ, âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch; đôn đốc, kiểm tra công tác quốc phòng, an ninh ở địa bàn trọng yếu, biên giới.

Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã phối hợp với một số bộ, ban, ngành và các tỉnh trong vùng thực hiện nhiều nội dung công tác quan trọng: xây dựng chương trình phối hợp công tác và hàng năm tổ chức hội nghị giao ban ba Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; ký kết chương trình phối hợp công tác với Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam… với nhiều nội dung phong phú, thiết thực; tổ chức nhiều cuộc gặp mặt, biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu, cán bộ, chiến sỹ biên phòng vùng Tây Bắc; phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương chỉ đạo địa phương chặn đứng các hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”; phối hợp với các ngân hàng thương mại, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm tốt công tác an sinh xã hội... Có thể nói, công tác phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các bộ, ban, ngành Trung ương được triển khai tổ chức các hoạt động đặc thù của vùng đem lại những kết quả tốt.

Ban đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ công tác. Ban trực tiếp chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan tổ chức sơ kết, tổng kết nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, các chuyên đề trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là: tổng kết Nghị quyết số 37- NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện chủ trương hợp tác xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào ổn định và phát triển toàn diện; tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề về phát triển nông nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, xóa đói giảm nghèo; đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 01, Thông báo số 160 về công tác đối với đạo Tin lành; đánh giá hoạt động và chất lượng của hệ thống chính trị trong công tác dân vận, việc thực hiện Chỉ thị số 06 và Quyết định số 18 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Hệ thống mạng lưới trường lớp vùng Tây Bắc được đầu tư xây dựng phục vụ sự nghiệp giáo dục - đào tạo. (Ảnh: Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Mù Cang Chải trong một giờ học - Ảnh: Đức Hồng)

Không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác

Trong suốt chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển, vượt qua những khó khăn của một cơ quan chưa có tiền lệ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, để lại những dấu ấn tốt đẹp. Hàng năm, Ban đều xác định nhiệm vụ trọng tâm, chủ đề công tác cần tập trung thực hiện nhằm góp phần phát triển nhanh và bền vững vùng Tây Bắc.

Qua các chủ đề công tác trọng tâm, Ban đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá, từ đó có cơ sở đề xuất, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ trên nhiều lĩnh vực mang tính chuyên sâu, chuyên đề về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị, liên kết phát triển vùng và giải quyết các công việc liên quan đến “khoảng trống” các bộ, ngành…

Năm 2009, Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trương thực hiện hai tăng cường: (1) Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, xây dựng hệ thống chính trị, các chương trình, dự án trên địa bàn; (2) Tăng cường công tác sơ kết, tổng kết, đề xuất cơ chế, chính sách. Tập trung đột phá vào ba lĩnh vực: (1) Phát triển mạnh hệ thống cơ sở hạ tầng; (2) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (3) Triển khai thực hiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Năm 2011, với chủ đề “Củng cố hệ thống chính trị cơ sở”, Ban đã tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là ở vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Năm 2012, Ban tổ chức xây dựng và hoàn thiện Đề án “Tăng cường cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc”. Ngày 15/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tại Quyết định số 718.

Năm 2012, với chủ đề phát triển giao thông vùng Tây Bắc, Ban đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng phương hướng, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Bên cạnh các mục tiêu lâu dài, chiến lược các hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ, đường tuần tra biên giới, đường giao thông nông thôn được đẩy nhanh tiến độ, có nhiều giải pháp, cơ chế đầu tư được các địa phương triển khai có hiệu quả.

Năm 2013, với chủ đề “Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội”, Ban đã phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc tại tỉnh Tuyên Quang và Hội nghị chuyên đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án ODA, NGO vào vùng Tây Bắc” tại tỉnh Phú Thọ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp, địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội, nhất là đối với việc cam kết ủng hộ, giúp đỡ các tỉnh trong vùng thực hiện xóa nhà dột nát, giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Năm 2014, đánh dấu 10 năm xây dựng và phát triển của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban đã lựa chọn, xác định chủ đề công tác là “Liên kết phát triển du lịch - động lực phát triển kinh tế vùng Tây Bắc” và tổ chức thành công Hội nghị liên kết phát triển du lịch và gặp gỡ đoàn ngoại giao đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (với sự tham gia của 35 đoàn ngoại giao quốc tế).

Chú trọng kiện toàn tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ

Khi mới thành lập, Ban Chỉ đạo Tây Bắc mới có 12 thành viên. Qua 10 năm xây dựng và phát triển, Ban từng bước lớn mạnh, trưởng thành. Hiện nay, Ban do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và 3 đồng chí phó trưởng ban chuyên trách, 37 đồng chí thành viên kiêm nhiệm là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND các tỉnh trong vùng.

Cơ quan Thường trực từng bước được củng cố, kiện toàn tổ chức, tăng cường đội ngũ, nâng cao chất lượng cán bộ. Đến nay, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc có 5 vụ và Văn phòng thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc cho Ban trên các lĩnh vực công tác với tổng số công chức, nhân viên là 60 người. 100% số cán bộ, chuyên viên có trình độ đại học, 04 tiến sĩ, nhiều đồng chí có trình độ trên đại học. 

Có thể nói, sau 10 năm hoạt động, vượt qua những khó khăn về nhiều mặt, lãnh đạo và cán bộ Cơ quan Thường trực được điều động từ các địa phương, cơ quan đến có nhiều hoàn cảnh khó khăn khác nhau nhưng toàn thể công chức, nhân viên đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, tích cực, chủ động trong công tác, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, Ban Chỉ đạo Tây Bắc xin gửi tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ lòng biết ơn sâu sắc về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao đối với hoạt động của Ban và chân thành cảm ơn sự phối hợp, cộng tác, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương và Đảng bộ nhân dân các dân tộc 14 tỉnh trong vùng!

Phát huy những kết quả đạt được sau chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển nhanh và bền vững vùng Tây Bắc.

Tiến sĩ Trương Xuân Cừ - Phó trưởng ban Phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc

Các tin khác

YBĐT - Ngày 6/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.

YBĐT - Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người là vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là nhà ngoại giao kiệt xuất của nước ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại là một hệ thống các quan điểm về các vấn đề quốc tế và đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Những nội dung lớn trong tư tưởng của Người về đối ngoại hết sức phong phú và sâu sắc, Người luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.

Chiều 5/11/2014, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có buổi gặp mặt thân mật các đại biểu là điển hình tiên tiến, thương binh, gia đình liệt sỹ tiêu biểu vùng Tây Bắc đang ở thăm Thủ đô Hà Nội và dự Chương trình giao lưu nghệ thuật “Nghĩa tình Tây Bắc” nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Tây Bắc.

YBĐT - Luật Công chứng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Với nhiều điểm mới, quan trọng, Luật sẽ tạo thuận lợi, bảo đảm tốt hơn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công chứng trong điều kiện các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục