Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Chính quyền địa phương

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/11/2014 | 3:13:50 PM

YBĐT - Ngày 24/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, cho ý kiến về Dự án Luật Chính quyền địa phương. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có hay không có hội đồng nhân dân (HĐND) 3 cấp là nội dung trọng tâm được các đại biểu góp ý.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương không chỉ nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND) sau 11 năm thi hành, mà còn nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp và chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương.

Nội dung Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhận được nhiều góp ý của đại biểu Quốc hội. Các đại biểu cho rằng, đây là vấn đề hệ trọng của quốc gia, nên cần thảo luận, cân nhắc thận trọng. Dự thảo đưa ra 2 phương án: phương án 1 ở đơn vị hành chính quận, phường chỉ tổ chức UBND, không tổ chức HĐND. Phương án 2: Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; xã, phường, thị trấn.

Tại phiên thảo luận, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Các đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường thì cho rằng, việc có hay không có HĐND ở cấp quận, phường phải căn cứ vào hiệu quả thực tế, tránh tình trạng chỉ có hình thức như ở một số nơi thời gian qua. Nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí với việc không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường cho rằng, nên lựa chọn phương án ở đô thị chỉ có duy nhất một cấp chính quyền vì đặc điểm dân cư đô thị đông nhưng chủ yếu là người nhập cư với các thành phần khác nhau, phong tục tập quán, văn hóa khác nhau, các liên kết dân cư và liên kết cộng đồng lỏng lẻo hơn dân cư ở các làng xã ở vùng nông thôn. Do đặc điểm lao động đô thị kinh tế chủ yếu là công nghiệp, dịch vụ và hình thành các trung tâm thương mại, công nghiệp dịch vụ tài chính, ngân hàng cùng với mạng lưới hạ tầng khoa học kỹ thuật đan xen, xuyên suốt phi địa bàn. Việc phân định địa giới hành chính nội vùng đô thị chỉ có tính chất ước lệ, không có ý nghĩa về kinh tế, xã hội đầy đủ như ở vùng nông thôn.

Đa số đại biểu đánh giá việc đưa ra 2 phương án có hay không có HĐND cấp quận, phường tại Dự án luật đều chưa có căn cứ phân tích rõ ràng. Vì vậy Ban soạn thảo cần làm rõ những luận cứ khoa học mang tính thuyết phục hơn. Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm của mình hầu hết các đại biểu  đề nghị nên theo phương án 2, tức là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc trung ương; xã, phường, thị trấn.

Nhiều đại biểu cho rằng không nên theo phương án không có HĐND ở cấp quận, phường, vì việc tổng kết, thực hiện  thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường thời gian qua chưa đủ khẳng định kết quả vì thiếu cơ sở lý luận. Về mặt thực tiễn cũng chưa đủ sức thuyết phục cho việc bỏ HĐND ở cấp quận phường, do vậy đề nghị để phương án 2. Các ý kiến này cho rằng, sự khác nhau của chính quyền đô thị và chính quyền địa phương ở chỗ do đặc điểm kinh tế - xã hội khác nhau nên phương thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ cũng khác nhau, nhưng tính nhân dân, tính đại diện cho quyền lực của nhân dân không hề thay đổi. Tính nhân dân thể hiện ngay trong tên gọi HĐND và UBND. Do vậy, việc soạn thảo luật cần làm sâu sắc thêm tính nhân dân của chính quyền nhà nước, không thể vì quá đề cao chức năng quản lý hành chính nhà nước mà để phai mờ tính nhân dân của chính quyền nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Cùng ngày, Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và các Nghị quyết thi hành các Luật này. Các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật.

Đức Toàn

Các tin khác

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc, mở đầu nền hòa bình cho đất nước. Trân trọng và tự hào về những thành quả mà thế hệ cha ông đã đổ máu xương giành được, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều cách làm thiết thực để giáo dục cho thế hệ trẻ về ý nghĩa của chiến thắng lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Bà Nguyễn Hương Giang

Ngày 26/4, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật đối với Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ngày 26/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ như sau:

Các chiến sĩ Tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa giáo dục truyền thống thông qua những kỷ vật thời chiến cho thế hệ trẻ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vào những năm 1967 - 1968 có thể nói là cam go, khốc liệt nhất. Với khẩu hiệu: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, "Tất cả cho tiền tuyến”, chỉ trong 2 năm 1967 - 1968, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã xây dựng 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh với gần 3.000 quân lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục