Thực hiện tốt nguyên tắc suy đoán vô tội theo tinh thần Hiến pháp 2013
- Cập nhật: Thứ tư, 10/12/2014 | 9:28:26 AM
YBĐT - Suy đoán vô tội (SĐVT) là một nguyên tắc tiến bộ được quy định trong Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân khi cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải suy đoán theo hướng ngược lại. Để hiểu rõ hơn về nguyên tắc này, phóng viên YBĐT đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phan Văn Tiến - Thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh.
Thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân cho bị can, bị cáo tại các phiên tòa.
|
P.V: Từ khi có Hiến pháp 2013 đã xuất hiện cụm từ SĐVT. Đây là một khái niệm mới mà trước kia chưa quy định thành một nguyên tắc, đồng chí có thể nói rõ hơn về nguyên tắc này?
Đồng chí Phan Văn Tiến: Theo nghiên cứu tài liệu về các hệ thống pháp luật thế giới thì khái niệm về SĐVT hay nguyên tắc SĐVT có từ thời La Mã cổ đại "chứng minh thuộc về người khẳng định chứ không phải người phủ định". Có nghĩa là: nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên buộc tội (Nhà nước) chứ không phải bên bị cáo buộc (người phạm tội).
Trong Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 của Liên hiệp quốc quy định: "Bất cứ người bị buộc tội nào đều có quyền suy đoán là không phạm tội cho đến khi lỗi của người đó được xác định theo một trình tự do pháp luật quy định bằng phiên tòa xét xử công khai của Tòa án với sự đảm bảo đủ khả năng bào chữa của người đó".
Công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự năm 1966 của Liên hiệp quốc cũng nhắc lại nguyên tắc này và Việt Nam là nước đã tham gia phê chuẩn Công ước này vào năm 1982.
Trước Hiến pháp 2013, ở nước ta tuy chưa quy định cụ thể thành một nguyên tắc trong Hiến pháp và pháp luật nhưng tinh thần của nguyên tắc này đã được thể hiện khá rõ trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, Điều 9 quy định: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật"; Điều 10 quy định: "Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng; bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội".
Tuy nhiên, như trên đã nói, do chưa quy định thành một nguyên tắc trong Hiến pháp và pháp luật cho nên những năm vừa qua nhận thức của một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa đầy đủ dẫn đến còn vi phạm quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng, để xảy ra nhiều vụ án oan, sai rất đáng tiếc. Vì vậy, để bảo vệ công lý và quyền con người, quyền công dân, chống oan, sai trong tố tụng hình sự thì việc luật hóa nguyên tắc SĐVT là một yêu cầu khách quan, đúng bản chất của Nhà nước và quan điểm, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp.
- Xin đồng chí cho biết, nội dung cơ bản và ý nghĩa của nguyên tắc SĐVT theo quy định của Hiến pháp năm 2013?
Tại Điều 31, Hiến pháp năm 2013 quy định: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật...".
Tuy còn có một số ý kiến khác nhau nhưng qua tham khảo các chuyên gia, các ý kiến của những người hoạt động thực tiễn thì nội dung của nguyên tắc này được thể hiện trên 3 khía cạnh sau:
- Thứ nhất, không ai có thể bị coi là có tội khi tội phạm mà họ thực hiện chưa được chứng minh theo trình tự luật định và chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
- Thứ hai, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, người bị tình nghi, bị can, bị cáo có quyền chứng minh mình vô tội nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình.
Thứ ba, buộc tội phải dựa trên chứng cứ được thu thập, đánh giá một cách khách quan, toàn diện theo trình tự, thủ tục luật định. Trong trường hợp có nghi ngờ, chứng cứ không đầy đủ, giải thích, áp dụng pháp luật chưa có sự thống nhất thì giải quyết theo hướng có lợi cho họ (người bị buộc tội).
Về ý nghĩa của nguyên tắc SĐVT, hiện nay, chúng ta triển khai đưa Hiến pháp 2013 vào cuộc sống, thực hiện đúng và đầy đủ nguyên tắc SĐVT sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là trong hoạt động tố tụng hình sự, ý nghĩa của nguyên tắc SĐVT là: các cơ quan tiến hành tố tụng phải đáp ứng yêu cầu chứng minh, tuy có khó khăn, phức tạp nhưng nếu không làm hoặc làm không đầy đủ sẽ dẫn tới những sai lầm có thể phải trả giá bằng sinh mệnh của con người. Vì vậy, việc chứng minh phải đầy đủ, khách quan, đúng trình tự, thủ tục luật định. Nếu chứng minh theo hướng người bị tình nghi, bị can, bị cáo có tội dễ có tâm lý coi người bị tình nghi, bị can, bị cáo là người có tội sẽ dẫn đến cưỡng chế, hạn chế quyền con người, bắt người tùy tiện, vi phạm quyền con người, quyền công dân.
Thực hiện tốt nguyên tắc SĐVT sẽ góp phần quan trọng vào bảo vệ quyền của người bị tình nghi, bị can, bị cáo, chống lại sự xâm hại quyền con người từ phía các cơ quan công quyền đồng thời cũng chống lại hành vi phạm tội xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, thể hiện tư duy biện chứng sự cân bằng trong hoạt động tố tụng, nền văn minh nhân loại trong việc bảo vệ quyền con người.
- Vậy, theo đồng chí, nguyên tắc SĐVT này của Hiến pháp mới đặt ra yêu cầu gì đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng?
Nguyên tắc SĐVT đặt ra yêu cầu và đòi hỏi cao hơn cho những cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm, không thể áp đặt ý chí của mình để kết tội nghi can như: ép cung, dùng nhục hình hoặc tra tấn để lấy lời khai. Nguyên tắc này thể hiện chính sách nhân đạo pháp luật và lợi ích của người bị truy tố là khi các cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải suy đoán theo hướng ngược lại (không có tội).
Yên Bái là tỉnh miền núi nhiều dân tộc, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Mặt khác, đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật nói chung, đặc biệt là các cán bộ có chức danh tư pháp trong các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng còn thiếu và yếu.
Mặc dù những năm qua, Yên Bái chưa để xảy ra án oan nhưng sai sót vẫn còn do tư duy của hầu hết cán bộ có thẩm quyền khi tiến hành tố tụng từ điều tra, truy tố đến xét xử các vụ án hình sự vẫn theo hướng người bị tình nghi, bị can, bị cáo là có tội. Vì vậy, chưa đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm chứng minh dẫn tới một số vụ việc còn làm qua loa, sơ sài như thủ tục định giá, thẩm định, lấy lời khai, hỏi cung... nên dẫn đến việc vi phạm thủ tục tố tụng phải hủy, sửa án để điều tra, truy tố, xét xử lại vụ án.
Điều này cũng đòi hỏi những cơ quan và người tiến hành tố tụng phải không ngừng học hỏi, bồi dưỡng bằng cách đào tạo và đào tạo lại để nâng cao hơn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng những yêu cầu đổi mới ngày càng cao trong hoạt động cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.
Thực hiện tốt nguyên tắc SĐVT có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các cơ quan, người tiến hành tố tụng nói chung và cán bộ thẩm phán TAND các cấp của tỉnh Yên Bái nói riêng trong việc đưa Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống, góp phần bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân và những giá trị nhân văn tốt đẹp của chế độ ta.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Điều 31, Hiến pháp năm 2013: 1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. 2. Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai. 3. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm. 4. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. 5. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật. |
P.V Xây dựng Đảng - Nội chính (Thực hiện)
Các tin khác
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc
Nhận lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc (1989 - 2014) và thăm làm việc tại Hàn Quốc từ ngày 10 đến 12-12.
YBĐT - Ngày 9/12, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Phạm Duy Cường – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tiến độ thi công công trình Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Yên Bái được xây dựng tại thôn 6, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái.
Sáng 9/12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 ngành nội vụ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự.
YBĐT - Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống đã thực sự thu hút sự quan tâm của đông đảo của các tầng lớp nhân dân.