Các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến cử tri tỉnh Yên Bái tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/12/2014 | 2:08:23 PM

YBĐT - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Giao thông - Vận tải; Bộ Nội vụ; Bộ Công thương; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ngân hàng Nhà nước; Ngân hàng Chính sách xã hội trả lời ý kiến cử tri tỉnh Yên Bái tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

(Tiếp theo và hết)

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời

1. Đề nghị Nhà nước điều tra, thống kê, xem xét đối tượng nhiễm chất độc màu da cam do bố, mẹ có tham gia kháng chiến chống Mỹ ảnh hưởng đến thế hệ thứ 3, trên cơ sở đó ban hành chính sách hỗ trợ những đối tượng này.

Tại Công văn số 3041/LĐTBXH-VP ngày 20/8/2014:
Hiện nay, theo ý kiến của các cơ quan chức năng của ngành y tế, chưa có đủ cơ sở khoa học để kết luận về ảnh hưởng cụ thể tới thế hệ thứ 3 của người bị nhiễm chất độc hóa học. Do vậy, kiến nghị ban hành chính sách đối với thế hệ thứ 3 của người bị nhiễm chất độc hóa học là chưa phù hợp trong thời điểm hiện nay.

2. Mở rộng, bổ sung thêm đối tượng khó khăn được hưởng chính sách bảo trợ xã hội.

Tại Công văn số 3040/LĐTBXH-VP ngày 20/8/2014:

a) Về hạ độ tuổi đối với người cao tuổi (NCT) được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng
Trong thời gian vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã 3 lần tham mưu, trình Chính phủ ban hành chính sách hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội: (i) Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26/3/2002 quy định NCT từ 90 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội, (ii) Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 quy định giảm độ tuổi NCT xuống còn 85 tuổi; (iii) Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi một lần nữa giảm độ tuổi NCT được hưởng trợ cấp xã hội xuống còn 80 tuổi. Đây là cố gắng rất lớn của Chính phủ trong thời điểm nền kinh tế, nguồn thu ngân sách còn nhiều khó khăn. Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, trong đó nhiều hộ có NCT như chính sách hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ gạo cứu đói... đã góp phần bảo đảm đời sống cho các hộ gia đình.

b) Về mở rộng đối tượng NCT đang hưởng các chính sách khác được hưởng chính sách bảo trợ xã hội

Theo quy định tại Điều 17, Luật Người cao tuổi thì đối tượng NCT được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là: NCT thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng. Đây là chính sách "trợ giúp xã hội" đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên không có nguồn thu nhập (như lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội) hàng tháng nhằm hỗ trợ để NCT bớt khó khăn trong cuộc sống, không phải là chính sách ưu đãi NCT từ đủ 80 tuổi trở lên nói chung. Hiện nay, do điều kiện ngân sách khó khăn nên chưa thể mở rộng đối tượng NCT đang hưởng các chính sách khác được hưởng chính sách bảo trợ xã hội.

Bộ Giao thông - Vận tải trả lời

1. Đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo chủ đầu tư đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khẩn trương đầu tư xây dựng các đường gom dân sinh đối với các địa bàn có tuyến đường đi qua để giải quyết nhu cầu đi lại, sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa của nhân dân.

Tại Công văn số 10714/BGTVT-QLXD ngày 27/8/2014:
Trong quá trình thi công, dưới sự chỉ đạo của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu Keangnam (Gói thầu A5) và Doosan (Gói thầu A6) đã rất cố gắng thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường như: hạn chế khói bụi, sạt lở đất, ảnh hưởng đến hệ thống tưới tiêu nông nghiệp... Mặc dù vậy, trên toàn bộ gói thầu vẫn có một số đường gom dân sinh và những vị trí cống chui dân sinh trên địa bàn đang được tiếp tục hoàn thiện.

Trước tình hình đó, Bộ Giao thông - Vận tải đã có Văn bản số 9879/BGTVT-QLXD ngày 12/8/2014 chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC), Ban Quản lý Dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý các tồn tại hệ thống hầm chui dân sinh đồng thời sửa chữa, khắc phục các đường công vụ, công trình thủy lợi, đường gom dân sinh bị ảnh hưởng trong quá trình thi công. Cụ thể: Đối với gói thầu A6 qua địa bàn huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã được đưa vào khai thác 92/101 đường gom dân sinh về cơ bản đã hoàn thành đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, còn 09 đường gom theo kiến nghị của người dân địa phương phục vụ cho công tác khai thác nông - lâm sản không có trong Dự án. Do đặc điểm tình hình của khu vực phức tạp, việc bổ sung các đường gom nêu trên dẫn đến diện tích giải phóng mặt bằng bổ sung rất lớn nên rất khó khăn, phức tạp và mất thời gian. Hiện nay, chủ đầu tư đã chấp thuận chủ trương sử dụng một phần nền đường trong giai đoạn II để sử dụng tạm thời làm các đường gom này, nhà thầu đã và đang triển khai thi công đồng loạt.

Đối với gói thầu A5 qua địa bàn huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đang thi công những công đoạn cuối cùng để phấn đấu hoàn thành trong tháng 8/2014 đồng thời nhà thầu đang triển khai thi công đường gom dân sinh để hoàn thành cơ bản cùng với tuyến chính.

Bộ Nội vụ trả lời

1. Cử tri xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đề nghị xem xét cho tách xã vì diện tích quản lý quá rộng, địa hình phức tạp, dân cư sống không tập trung, đường sá đi lại khó khăn (tổng diện tích: 157,8405km2).

Tại Công văn số 3228/BNV-CQĐP ngày 13/8/2014:

Tại Thông báo số 299/TB-VPCP ngày 29/4/2009 của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: "Trước mắt giữ ổn định đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã như hiện nay; chỉ điều chỉnh với từng trường hợp cụ thể khi xét thấy thật sự cần thiết và hợp lý. Tập trung xử lý cho việc điều chỉnh mở rộng, sáp nhập và thành lập mới do yêu cầu đô thị hóa nhưng không làm tăng đơn vị hành chính mới" và "Các trường hợp thụ lý mới, Bộ Nội vụ phải báo cáo xin chủ trương của Thường trực Chính phủ, nếu được chấp thuận thì hướng dẫn địa phương lập Đề án trình Chính phủ". Theo đó, đề nghị UBND tỉnh Yên Bái có báo cáo cụ thể về việc chia tách xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải để Bộ Nội vụ có cơ sở báo cáo Thường trực Chính phủ cho chủ trương lập Đề án chia tách xã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Bộ Công thương trả lời

1. Đề nghị kiểm soát giá thành sản xuất điện làm cơ sở điều chỉnh giá bán điện kịp thời theo cơ chế thị trường để các công ty điện lực có lợi nhuận hợp lý. Từ đó tái đầu tư phát triển và khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư vào ngành điện đồng thời có chính sách bình ổn giá điện để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Tại Công văn số 8044/BCT-KH ngày 20/8/2014:

Ngày 10 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 854/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011 - 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong đó tại Điểm a, Khoản 4, Mục III, Điều 1 quy định:
"Phê duyệt định hướng kế hoạch tài chính, kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 như sau:

- Thực hiện phân bổ các khoản lỗ do sản xuất, kinh doanh điện từ trước năm 2011 cho các năm 2012 và 2013; phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2015 theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

- Từng bước nâng dần giá bán điện, đến năm 2013, giá bán điện bình quân theo giá thị trường;

- Trong các năm 2012 - 2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo kinh doanh có lãi;

- Đến năm 2015, các chỉ tiêu tài chính đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính cho vay vốn: hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 3 lần; tỷ lệ tự đầu tư lớn hơn 30%; hệ số thanh toán nợ: lớn hơn 1,5 lần".

Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản nêu trên, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện giai đoạn 2013 - 2015 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Lộ trình điều chỉnh giá điện giai đoạn 2013 - 2015 được xây dựng căn cứ theo kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam các năm 2010, 2011 và 2012 của Tổ công tác liên ngành; kế hoạch vận hành và kế hoạch sản xuất, kinh doanh điện các năm 2013 - 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ngày 11 tháng 11 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015 tại Quyết định số 2165/QĐ-TTg.

Theo đó, khung giá của giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) gồm: mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.437 đồng/kWh và tối đa là 1.835 đồng/kWh. Giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015 được điều chỉnh không thấp hơn mức giá tối thiểu và không cao hơn mức giá tối đa của khung giá theo cơ chế điều chỉnh giá bán điện tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Trong quý III năm 2014, Bộ Công thương sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2013 để làm cơ sở điều chỉnh giá bán điện trong thời gian tới.

Cũng theo quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 10 tháng 01 năm 2014), giá điện sẽ tiếp tục được thực hiện theo cơ chế thị trường. Theo đó, trong năm tài chính, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản (gồm giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát) biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân cơ sở. Hàng năm, căn cứ kết quả kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm tài chính, tình hình sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét phương án giá bán điện bình quân; thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 6 tháng; giá điện được thực hiện công khai, minh bạch.

Trường hợp cần thiết, Nhà nước sử dụng Quỹ Bình ổn giá và các biện pháp khác theo quy định để bình ổn giá điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Như vậy, trong các năm vừa qua cũng như trong thời gian tới, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân sẽ tiếp tục được thực hiện theo cơ chế thị trường trong phạm vi khung giá quy định tại Quyết định số 2165/QĐ-TTg và cơ chế điều chỉnh quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg; giá thành sản xuất, kinh doanh điện tiếp tục được kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, làm cơ sở điều chỉnh giá bán điện kịp thời theo cơ chế thị trường để các đơn vị điện lực có lợi nhuận hợp lý, bảo đảm các chỉ tiêu tài chính, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính cho vay vốn, từ đó tái đầu tư phát triển và khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư vào ngành điện.

Tuy nhiên, để ổn định giá bán điện, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, thời điểm điều chỉnh và lượng điều chỉnh sẽ được căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội của từng thời kỳ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời

1. Theo Luật Đất đai hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thì việc quy định hạn mức đất ở không quá 400m2 là chưa hợp lý. Bởi vì đối với các hộ gia đình có diện tích đất ở do ông cha để lại lớn hơn hạn mức giao đất ở theo quy định thì khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần đất vượt hạn mức lại phải chuyển sang đất vườn tạp. Trong khi đó, đối với các hộ có đông con cháu khi tách hộ, chia đất và đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại phải chịu thuế chuyển mục đích sử dụng, gây khó khăn, tốn kém cho người dân. Đề nghị xem xét đối với những trường hợp trên nhằm tạo sự công bằng cho người dân.

Tại Công văn số 3662/BTNMT-PC ngày 28/8/2014:

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 103, Luật Đất đai và Điều 20, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì diện tích đất ở được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (công nhận quyền sử dụng đất) cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai, Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 101 của Luật Đất đai, Điều 23 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP được xác định theo hiện trạng sử dụng đất và theo mức do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Trường hợp thửa đất có vườn, ao lớn hơn hạn mức đất ở được công nhận tại địa phương và người sử dụng đất đề nghị cấp giấy chứng nhận cho toàn bộ diện tích đất đang sử dụng là đất ở thì phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đối với diện tích không được công nhận là đất ở theo quy định tại Điều 6 của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất.

Ngân hàng Nhà nước trả lời

1. Đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội có chính sách đặc thù nâng thời hạn tính lãi vay ngân hàng từ 3 năm như hiện nay lên 5 năm mới thu lãi để đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng xa, vùng sâu khi vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất mới đủ điều kiện để trả lãi vay.

Tại Công văn số 6110/NHNN-VP ngày 21/8/2014:

Xóa đói giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các dân tộc và các nhóm dân cư, góp phần phát triển đất nước bền vững và thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Thực hiện chủ trương trên, ngành ngân hàng, trong đó nòng cốt là Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã và đang thực hiện cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều chương trình khác từ nguồn vốn ủy thác của địa phương, cá nhân và các tổ chức nước ngoài. Các chương trình này đã tạo điều kiện để các hộ nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường, đời sống người nghèo được cải thiện, nhất là ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, người nghèo mà đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực khó khăn đang được hưởng các chính sách ưu đãi quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (nay là 62 huyện).

Theo đó, các đối tượng này được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù như: chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo; chính sách, cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng ở thôn, bản, xã và huyện.

Ngày 4/9/2009, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 06/2009/TT-NHNN quy định chi tiết chính sách cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. Theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP và Thông tư số 06/2009/TT-NHNN, hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được vay ưu đãi một lần tối đa 5 triệu đồng/hộ với lãi suất 0% trong thời gian 2 năm để mua giống gia súc, gia cầm, giống thủy sản hoặc phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.

Bên cạnh đó, ngày 31/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2621/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. Theo đó, hộ nghèo khi tham gia dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy hoạch sản xuất, được hưởng chính sách vay vốn ưu đãi tại NHCSXH với mức vay tối đa là 10 triệu đồng/hộ, lãi suất vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo thông thường, thời gian hỗ trợ lãi suất là 3 năm.

Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, việc cân đối để bảo đảm nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi và hỗ trợ lãi suất như đã nêu trên thể hiện sự quan tâm và nỗ lực lớn của Đảng và Nhà nước nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng xa, vùng sâu. Ngân hàng Nhà nước mong cử tri quan tâm, chia sẻ khó khăn chung của đất nước và tuyên truyền, giải thích để góp phần thực hiện tốt chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ngân hàng Chính sách Xã hội trả lời

1. Đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ người nghèo vay tiền thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) để các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2011 - 2015. Đồng thời, đề nghị NHCSXH có chính sách đặc thù nâng thời hạn vay cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, vùng xa khi vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất mới có đủ điều kiện để trả lãi vay.

Tại Công văn số 2931/NHCS-TDNN ngày 20/8/2014:

a. Về mở rộng chính sách

Nhằm phát huy hiệu quả thiết thực của chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ và chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, dự thảo về các chính sách tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trình Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 18/7/2014, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 277/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2) và Chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011 - 2015 và Chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung triển khai tại 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung; giao Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các bộ, ngành liên quan chỉnh sửa, hoàn thiện các dự thảo chính sách nêu trên để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc tiếp tục thực hiện các chính sách nêu trên, NHCSXH sẽ tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả để đạt được mục tiêu của Chương trình.

b. Về nâng thời hạn vay cho đồng bào dân tộc thiểu số

NHCSXH căn cứ vào mục đích sử dụng vốn và căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của hộ vay để cùng hộ vay thỏa thuận về thời hạn cho vay. Hiện nay, thời hạn cho vay các chương trình tín dụng được quy định với thời hạn cho vay tối đa là 60 tháng (5 năm), phù hợp với phương án, dự án sản xuất, kinh doanh và cây trồng, vật nuôi như: cho vay nuôi trâu, bò cày kéo, trồng mới cây ăn quả tối đa là 60 tháng, trồng cây lấy gỗ với thời hạn cho vay là trên 60 tháng. Ngoài ra, hộ vay vốn còn được gia hạn nợ do nguyên nhân khách quan tác động đến quá trình sản xuất, kinh doanh và thời gian thu hồi sản phẩm tối đa 12 tháng đối với cho vay ngắn hạn, tối đa bằng 1/2 thời hạn cho vay đối với vay vốn trung hạn.

 

Các tin khác

YBĐT – Sáng ngày 17/12, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 của Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa IX về công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng vũ trang huyện Lục Yên triển khai công tác huấn luyện hàng năm.

YBĐT - Việc triển khai phong trào thi đua "Dân vận khéo" của Ban CHQS huyện Lục Yên đã góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, thành công trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững thế trận an ninh nhân dân...

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa các cán bộ, chiến sỹ Trạm Rađa A 62

YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân, ngày 16/12, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà – Phó Bí thư Tỉnh ủy đã tới thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 355 (Quân khu 2) và Trạm Rađa A 62 – Quân chủng Phòng không - Không quân đang đóng quân trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Ngô Thị Chinh - Phó chủ tịch UBND tỉnh tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị É (85 tuổi) ở bản Phiêu 1, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn).

YBĐT - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, ngày 16/12, đồng chí Ngô Thị Chinh - Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng cán bộ Bộ CHQS tỉnh, Sở LĐTB&XH, Văn phòng UBND tỉnh, huyện Văn Chấn đã tới thăm và tặng quà Thiếu tướng Sa Minh Trắc – nguyên Phó Tư lệnh Quân Khu 2, trú tại khu 2 ngã ba xã Cát Thịnh và Mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị É (85 tuổi) ở Bản Phiên 1, xã Sơn Thịnh (huyện Văn Chấn) có 1 con trai duy nhất đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục