Tự hào những tiểu đoàn Yên Ninh
- Cập nhật: Thứ năm, 18/12/2014 | 3:16:34 PM
YBĐT - Tự hào là những người lính của Tiểu đoàn Yên Ninh, các cựu chiến binh hôm nay tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Nhiều người giờ là bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, là điển hình làm kinh tế giỏi...
Các cán bộ, chiến sỹ Tiểu Đoàn Yên Ninh 1 năm xưa gặp mặt, cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử của dân tộc.
|
Năm 1967- 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt. Đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam với gần nửa triệu quân viễn chinh tham chiến. Ở miền Bắc, chúng thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại với quy mô lớn, nhằm đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Trước tình hình đó, cùng với cả nước, thực hiện lời tổng động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 7/1967: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Tất cả chi viện cho tiền tuyến"…, trong hai năm (1966 - 1967), Yên Bái đã xây dựng 4 tiểu đoàn với gần 3.000 cán bộ, chiến sỹ mang tên Yên Ninh lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Yên Ninh là tên gọi được kết lại từ hai chữ: "Yên" của tỉnh Yên Bái và "Ninh" của tỉnh Ninh Thuận nhằm thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa hai miền Nam - Bắc.
Là một trong những người may mắn trở về sau những năm tháng chiến tranh tàn khốc, thương binh Nguyễn Duy Thêm (xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên) - nguyên chiến sỹ Tiểu đoàn Yên Ninh 1 tâm sự: "Ngày ấy, tuổi trẻ nhiệt huyết lắm. Gia đình tôi có duy nhất mình tôi là con trai, bố mất sớm, từ năm tôi lên 7 nên thuộc diện đối tượng ưu tiên không phải đi bộ đội, song tôi tự thấy mình còn trai tráng, có sức khỏe mà không lên đường góp sức thống nhất nước nhà thì thật hổ thẹn nên đã viết quyết tâm thư bằng máu xin lên đường nhập ngũ. Năm ấy, tôi vừa tròn 17 tuổi".
Tinh thần yêu nước sục sôi, cũng như bao người con quê hương đất Việt, hàng nghìn thanh niên Yên Bái đã xung phong lên đường nhập ngũ. Tháng 6 năm 1967, Yên Bái xây dựng Tiểu đoàn Yên Ninh 1 với trên 700 cán bộ, chiến sỹ được tổ chức huấn luyện tại xã Tân Hương (huyện Yên Bình) vào Nam chiến đấu tháng 9 năm 1967. Giai đoạn đầu, Tiểu đoàn Yên Ninh bổ sung cho chiến trường Tây Nguyên, sau đó tiếp tục hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ bổ sung cho Sư đoàn 5, Quân khu 7, tham gia Chiến dịch Campuchia 1970, Chiến dịch Lam Sơn 1, Lam Sơn 2 năm 1971, Chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, Chiến dịch giữ đất dàn dân 1973 cho tới khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Năm 1968, Yên Bái tiếp tục xây dựng một lúc 3 tiểu đoàn, trong đó, tiểu đoàn 2 và 3 đều tổ chức huấn luyện tại xã Tân Hương. Tiểu đoàn Yên Ninh 2 thành lập tháng 2 với trên 700 quân số vào chiến trường tháng 5. Sau hơn 5 tháng hành quân bộ, tháng 11 năm 1968, Tiểu đoàn vào đến Long An.
Suốt từ khi vào chiến trường đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn đã cùng quân và dân Long An chiến đấu bám trụ kiên cường, tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Bình Tân, Thủ Thừa, Sân bay Đức Hòa, chiến dịch giúp nước bạn Campuchia và các trận đánh tàu địch trên sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn… Tiểu đoàn Yên Ninh 3 thành lập tháng 4 với quân số 650 người, vào chiến trường tháng 12/1968 bổ sung cho mặt trận Thừa Thiên - Huế.
Từ năm 1969, Tiểu đoàn đã cùng quân và dân Thừa Thiên - Huế tham gia nhiều chiến dịch và các trận đánh lớn như: Bình Độ 400, Cô Ca Va 1078, đường 9 Nam Lào 1971- 1972 và trực tiếp tham gia giải phóng thành phố Huế ngày 26/3/1975. Riêng Tiểu đoàn Yên Ninh 4 thành lập tháng 6/1968, quân số 650 người huấn luyện tại 2 xã Hán Đà, Đại Minh (huyện Yên Bình), vào chiến trường tháng 1/1969, được bổ sung cho chiến trường miền Đông Nam Bộ, trực tiếp tham gia các chiến dịch và trận đánh lớn như: Đông Dù, Thiện Ngôn, Sa Mát năm 1970; Téc Ních, Bình Long năm 1972, Đồng Xoài - Phước Long năm 1973, Xuân Lộc - Long Khánh năm 1975…
Hồi ức lại một thời "mưa bom, bão đạn", ông Đào Lợi (75 tuổi) - nguyên cán bộ Tiểu đoàn Yên Ninh 1 chia sẻ: "Đói, rét, thương vong, bệnh tật là điều mà những người lính thường xuyên phải đối mặt nhưng không vì thế mà chúng tôi nhụt tinh thần, ý chí yêu nước. Càng khó khăn, gian khổ, anh em cán bộ, chiến sỹ càng quyết tâm cao".
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh là những người con của quê hương Yên Bái đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Đóng góp sức mình cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, gần 3.000 thanh niên Yên Bái gia nhập Tiểu đoàn Yên Ninh, đến nay chỉ còn hơn 300 người. Trong các tiểu đoàn Yên Ninh chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, Tiểu đoàn Yên Ninh 2 mất mát, hy sinh nhiều nhất (700 chiến sỹ đi vào Nam chiến đấu thì hy sinh gần 400 người). Nhiều tên tuổi của các chiến sỹ các tiểu đoàn Yên Ninh đi vào lịch sử như: Hoàng Văn Sửu (Khánh Hòa, Lục Yên), Hoàng Văn Tựu (Vĩnh Lạc, Lục Yên), Hứa Hùng Mạnh (Tân Lập, Lục Yên)… Các anh đã trở thành niềm tự hào của quân và dân Yên Bái. Thành tích xuất sắc của các anh đã được Nhà nước ghi nhận tặng thưởng trên 1.800 huân chương các loại, 285 bằng "Dũng sỹ diệt Mỹ", 150 bằng "Dũng sỹ diệt xe cơ giới, máy bay" và hàng ngàn bằng khen, giấy khen.
Tự hào là những người lính của Tiểu đoàn Yên Ninh, các cựu chiến binh hôm nay tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Nhiều người giờ là bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, là điển hình làm kinh tế giỏi.... Trong cuộc sống hàng ngày, họ vẫn luôn động viên, giáo dục con cháu phát huy tinh thần yêu nước, ra sức thi đua học tập, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014), 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2014), chúc cho những người lính của Tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục thực hiện được những điều mong ước!
Hồng Oanh
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện Chương trình công tác và Quy chế làm việc, ngày 18/12, Thường trực Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức Hội nghị giao ban Khối các Ban và cơ quan xây dựng Đảng tỉnh, nhằm đánh giá tình hình, kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2014; bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2015.
YBĐT - Quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội cách mạng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát huy tinh hoa truyền thống dân tộc trong lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam - một quân đội kiểu mới, quân đội của dân, do dân và vì dân, lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
YBĐT - Đoàn công tác của Ban Phát triển Nông thôn và Xoá nghèo Trung ương Lào thăm tỉnh Yên Bái/ Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ làm việc tại tỉnh/ Nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 25 năm Ngày hội QPTD/ Sập hầm trên công trình Thủy điện tại Lâm Đồng/ Chìm phà ở Congo, ít nhất 129 người thiệt mạng...
YBĐT - Ngày 17/12, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Phạm Duy Cường – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái làm Trưởng đoàn đã đến tặng hoa và chúc mừng cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Quân khu II nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.