Quốc hội có quyền quyết định các vấn đề cần tổ chức trưng cầu ý dân
- Cập nhật: Thứ ba, 23/6/2015 | 3:49:16 PM
YênBái - YBĐT - Ngày 23/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) và Dự án Luật Trưng cầu ý dân.
|
Thảo luận về Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), nhiều đại biểu đồng tình với các quy định của Dự luật; bảo đảm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng hành chính có tính khả thi, dân chủ, công khai, công bằng, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng hành chính.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng bên bị kiện là cơ quan hành chính thường có đơn xin vắng mặt khiến việc xét xử diễn ra khó khăn, khó sáng tỏ nội dung của người đi kiện. Do vậy, Dự thảo cần có quy định bắt buộc bên bị kiện phải tham gia. Nếu vắng mặt thì bên bị kiện sẽ mất quyền phản đối với tình tiết bên kiện đưa ra. Trường hợp cơ quan bị kiện không thể tham gia thì phải có sự ủy quyền để tham gia phiên tòa. Còn trong trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính bị kiện vắng mặt thì cần phải ủy quyền cho người trực tiếp xử lý vụ việc.
Liên quan đến thẩm quyền xét xử, theo Dự thảo, việc xét xử các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện thì giao cho tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện. Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về nội dung địa vị pháp lý của viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính, thi hành án hành chính.
Thảo luận về Dự án Luật Trưng cầu ý dân, các đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung của Dự luật vì đây là một hình thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân; những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề lớn của đất nước, liên quan đến quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. Nhiều đại biểu cho rằng Dự thảo quy định tỷ lệ công nhận kết quả trưng cầu ý dân có quá nửa số cử tri đi bầu là quá ít, nên quy định là công nhận kết quả trưng cầu ý dân phải chiếm tỷ lệ 2/3 số cử tri đi bầu. Về nguyên tắc trưng cầu ý dân, các đại biểu đề nghị cần tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Về phạm vi trưng cầu ý dân, các đại biểu đề nghị Dự luật cần thiết kế lại, có thể trưng cầu ý dân trong phạm vi cả nước hoặc có thể tiến hành việc này đối với những vấn đề nằm trong phạm vi một khu vực. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng Luật cần quan tâm đến chủ thể, những vấn đề đưa ra lấy ý kiến của nhân dân; phương pháp, phương thức lấy ý kiến và nên giao cho Quốc hội có quyền quyết định các vấn đề cần tổ chức trưng cầu ý dân cho phù hợp với yêu cầu trong từng thời điểm cụ thể.
Ngày mai (24/6), Quốc hội làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), thảo luận về Dự án Luật An toàn thông tin và Dự án Luật Khí tượng Thuỷ văn.
Mạnh Cường
Các tin khác
Chiều 22-6, tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar đã diễn ra Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 7 (HNCC CLMV 7) với sự tham dự của lãnh đạo 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.
YBĐT - Ngày 22/6, Huyện ủy Mù Cang Chải đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về công tác tổ chức cán bộ.
YBĐT - Ngày 22/6, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Dự án Luật Thống kê (sửa đổi).
YBĐT – Sáng 22/6, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Tỉnh đoàn Yên Bái về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; kết quả nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn tỉnh Yên Bái lần thứ XIII và phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến hết nhiệm kỳ 2012 - 2017.