Phát huy truyền thống vẻ vang, phấn đấu xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển toàn diện
- Cập nhật: Thứ ba, 30/6/2015 | 9:57:04 AM
YênBái - YBĐT - 70 năm trước, từ chi bộ đảng đầu tiên với 3 đảng viên, đến nay Đảng bộ tỉnh Yên Bái có 13 đảng bộ trực thuộc, 583 chi, đảng bộ cơ sở với 3.246 chi bộ trực thuộc và 49.137 đảng viên.
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã lãnh đạo nhân dân xây dựng tỉnh vững mạnh về chính trị, phát triển về kinh tế - văn hóa xã hội. Trong ảnh: Lễ thông xe nút giao IC12 đường tránh ngập thành phố Yên Bái với đường Cao tốc Nội Bài - Lào Cai. (Ảnh: Ngọc Đồng)
|
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3/02/1930), phong trào cách mạng trong cả nước đã tác động mạnh mẽ đến Yên Bái. Nhân dân các dân tộc Yên Bái đã đoàn kết đi theo cách mạng, tạo khí thế cách mạng lan tỏa và dâng cao. Từ thực tiễn phong trào cách mạng, đầu những năm 40 của thế kỷ 20, những cán bộ cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ được cử lên Yên Bái hoạt động, đã xây dựng cơ sở cách mạng ở Trấn Yên, thị xã Yên Bái.
Tháng 10/1944 đến đầu năm 1945, nhiều cơ sở cách mạng được xây dựng ở các huyện và các tổ chức cứu quốc được thành lập. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), khí thế cách mạng càng được dâng cao. Ngày 7/5/1945, Chi bộ đảng thị xã Yên Bái được thành lập và là chi bộ đảng đầu tiên ở Yên Bái.
Đồng thời, do đòi hỏi của phong trào cách mạng, ngày 30/6/1945, tại đình Hiền Lương, Xứ uỷ Bắc Kỳ quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư. Đây là sự kiện rất trọng đại, nổi bật trong đời sống chính trị của tỉnh ta nửa đầu thế kỷ 20 và đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Yên Bái.
Sau khi được thành lập, Ban cán sự Đảng đã đề ra những chủ trương lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh, trên cơ sở phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống anh dũng, sáng tạo, tập hợp đoàn kết nhân dân các dân tộc, kết hợp với lực lượng vũ trang xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành khởi nghĩa giải phóng các châu: Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình, thị xã Yên Bái và Yên Bái tự hào là một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất.
Ngày 19/8/1945, trước sức mạnh áp đảo cả về chính trị, quân sự, quân Nhật đã đầu hàng vô điều kiện. Ngày 22/8/1945, tại vườn hoa Nhà Kèn (Sân vận động thành phố Yên Bái ngày nay), Ban cán sự Đảng tổ chức mít tinh, ra mắt UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái. Tháng 9 năm 1945, Trung ương quyết định giải thể Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ, thành lập Tỉnh ủy Yên Bái và đồng chí Ngô Minh Loan tiếp tục làm Bí thư.
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, chính quyền cách mạng Yên Bái mới được thành lập, đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách của “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc ngoại xâm. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hồ Chủ tịch, Đảng bộ, chính quyền và quân dân Yên Bái đã đoàn kết, dũng cảm, mưu trí bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng, củng cố lực lượng vũ trang, chuẩn bị mọi mặt để bước vào kháng chiến chống Pháp khi chúng quay trở lại.
Năm 1947, Pháp đã trở lại, mở rộng phạm vi chiếm đóng tới 2/3 diện tích của tỉnh. Yên Bái đã thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”; kết hợp vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng hậu phương và quân, dân Yên Bái đã đóng góp sức người, sức của, phối hợp với bộ đội chủ lực mở nhiều chiến dịch như: Sông Thao (1949), Lê Hồng Phong (1950), Lý Thường Kiệt (1951), chiến dịch Tây Bắc (1952), đập tan phân khu Nghĩa Lộ, mở thông cánh cửa sang phân khu sông Đà, giải phóng hoàn toàn tỉnh Yên Bái. Mở đường huyết mạnh nối căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường Tây Bắc dài 188 km và huy động sức người, sức của, góp phần to lớn làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại.
Hoà bình lập lại, trong khí thế toàn dân thi đua khôi phục kinh tế - xã hội, niềm vui lớn đối với Đảng bộ, nhân dân Yên Bái là ngày 25/9/1958, Hồ Chủ tịch cùng đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ về thăm Yên Bái. Đây là sự cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc Yên Bái. Những lời căn dặn của Bác đã động viên, thôi thúc toàn Đảng bộ, quân, dân trong tỉnh phấn đấu vượt lên mọi khó khăn, quyết tâm khôi phục phát triển kinh tế - xã hội; thiết lập quan hệ sản xuất mới, tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội mà tiêu biểu là xây dựng công trình Nhà máy thuỷ điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của ngành thuỷ điện Việt Nam.
Tiếp nối truyền thống anh hùng, nhân dân Yên Bái đã vượt qua mọi khó khăn, cùng cả nước hành quân chống Mỹ cứu nước. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, quân, dân Yên Bái vừa sản xuất, chiến đấu, vừa sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến. Hàng vạn thanh niên Yên Bái đã xung phong lên đường đánh giặc. Hàng ngàn người đã anh dũng hy sinh, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới, quân, dân Yên Bái trực tiếp chiến đấu, làm thất bại các âm mưu phá hoại, xâm lược, gây mất ổn định của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia.
Ghi nhận công lao to lớn trong đấu tranh cách mạng và trong sự nghiệp đổi mới của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc Yên Bái, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quí "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" và Huân chương Hồ Chí Minh cho tỉnh Yên Bái; 245 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu "Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng"; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân", "Anh hùng Lao động"...
Nhìn lại lịch sử cách đây 70 năm, dù phải trải qua nhiều biến cố thăng trầm, khó khăn, thách thức, nhưng cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã bước sang một trang sử mới, thời kỳ phát triển mới cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập và phát triển.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá (trung bình 11%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 25 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,1%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đã giành kết quả khá toàn diện...
Công nghiệp liên tục tăng trưởng cao. Một số dự án đầu tư nhà máy thủy điện, nhà máy khai thác, chế biến khoáng sản đã hoàn thành đi vào sản xuất có hiệu quả. Đặc biệt, đã thu hút được 4 dự án đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu, góp phần giải quyết một lượng lớn lao động tại địa phương. Thương mại - dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá cao, chất lượng được nâng lên.
Tỉnh đã khơi dậy, thu hút được nhiều nguồn lực cho đầu tư; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được tăng cường, tạo ra diện mạo mới trong sự phát triển. Hệ thống thuỷ lợi, thông tin liên lạc, viễn thông, lưới điện, đặc biệt, hệ thống giao thông được tập trung nâng cấp, xây dựng mới nhiều tuyến đường, công trình quan trọng và cùng trung ương hoàn thành cao tốc Hà Nội - Yên Bái- Lào Cai, mở ra lợi thế lớn cho sự phát triển của tỉnh trong tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và kết nối ASIAN.
Lĩnh vực văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Chú trọng giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, thông tin, truyền thông từ tỉnh đến cơ sở có bước phát triển. Chất lượng giáo dục, đào tạo tiếp tục được nâng lên, nhất là giáo dục mũi nhọn, giáo dục dân tộc. Cơ sở vật chất trường lớp, chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh được quan tâm. Chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt kết quả tích cực. Chăm lo giải quyết việc làm và thực hiện tốt các chế độ, chính sách an sinh xã hội, người có công. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định, quốc phòng được củng cố, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội...
70 năm trước, từ chi bộ đảng đầu tiên với 3 đảng viên, đến nay Đảng bộ tỉnh có 13 đảng bộ trực thuộc, 583 chi, đảng bộ cơ sở với 3.246 chi bộ trực thuộc và 49.137 đảng viên; 100% thôn, bản, tổ dân phố đã có chi bộ. Trong quá trình xây dựng, trưởng thành, Đảng bộ tỉnh không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong từng thời kỳ. Đảng bộ luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực, sức chiến đấu; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Phát huy vai trò đoàn kết các dân tộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng, phát triển tỉnh Yên Bái. Quan hệ giữa Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng ngày càng bền chặt.
Các đồng chí: Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Thị Thanh Trà - Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác của tỉnh kiểm tra tiến độ công trình đường tránh ngập thành phố Yên Bái tháng 5 năm 2015.
Ôn lại chặng đường cách mạng đã qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Yên Bái có quyền tự hào về những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Yên Bái cũng rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu:
Một là - Kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; luôn nhạy bén, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thử thách là nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi.
Hai là - Phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết toàn dân, khai thác có hiệu quả sức mạnh vật chất, những giá trị tinh thần, truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc; quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nắm vững thực tiễn ở địa phương, đề ra chủ trương, nghị quyết đúng đắn, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ.
Ba là - Phát huy ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá. Phát huy lợi thế gắn với thị trường là yếu tố quan trọng để đưa nhân dân thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên đổi mới, phát triển.
Bốn là - Không ngừng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao vai trò lãnh đạo, năng lực, sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể.
Năm là - Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, bảo đảm quốc phòng, an ninh; làm tốt công tác đối ngoại, tích cực chủ động hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, những năm tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ còn có những biến đổi sâu sắc, khó lường, tác động trực tiếp đến nước ta, vừa tạo ra những thuận lợi, cơ hội mới, vừa làm nảy sinh những khó khăn, thử thách mới. Dù đạt những thành tựu quan trọng, toàn diện nhưng Yên Bái vẫn là tỉnh nghèo. Thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; kinh tế tăng trưởng chưa vững chắc; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm... Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân là rất lớn, trong đó phải tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu sau:
Thứ nhất - Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Chú trọng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân nông thôn. Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững; phát triển mạnh các ngành dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn hơn trong GDP.
Tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Quan tâm làm tốt quy hoạch, cải thiện môi trường đầu tư, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư có hiệu quả, đồng bộ và có chiến lược lâu dài nhằm tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế bảo đảm chất lượng, hiệu quả bền vững, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Thứ hai - Phát triển văn hoá, xã hội theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và khu vực; không ngừng nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực một cách thiết thực, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào các lĩnh vực đời sống. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, làm tốt công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ, chăm sóc bà mẹ, trẻ em. Chăm lo phát triển mạnh mẽ và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin tuyên truyền. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Chăm lo giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng. Bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội.
Thứ ba - Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, toàn diện. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện; xây dựng xã, phường, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển.
Thứ tư - Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên. Xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên, nhất là người đứng đầu tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị. Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền; phát huy dân chủ, sức mạnh khối đại đoàn kết, ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của Đảng bộ, nhân dân.
Tích cực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; coi trọng đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Triển khai có hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninhn
(Trích diễn văn của đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh)
Các tin khác
YBĐT - Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (30/6/1945 – 30/6/2015), đúng sáng 30/6, Đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái do đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh uỷ làm trưởng đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng Nghĩa trang liệt sỹ trung tâm tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Ngày 7/5/1945, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của thị xã Yên Bái được thành lập. 70 năm qua, từ một chi bộ nhỏ ban đầu ấy, Đảng bộ thành phố Yên Bái đã phát triển không ngừng, lãnh đạo quần chúng trong suốt quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ quê hương, để viết lên những trang sử hết sức vẻ vang trong kháng chiến, lập được nhiều thành tích trên con đường đổi mới.
YBĐT -Năm 1968, Văn Yên là huyện đầu tiên của tỉnh đạt năng suất lúa bình quân hơn 5 tấn/ha. Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 14%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 24,2 triệu đồng/năm, vượt 1,2 triệu đồng so với chỉ tiêu nghị quyết và tăng gấp 2,2 lần so với năm đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015.
YBĐT - Ngày 29/6, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có cuộc tiếp xúc cử tri các xã: Khánh Hòa, An Lạc, Tô Mậu, Động Quan, huyện Lục Yên để thông báo kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.