Yên Bình đoàn kết, năng động và phát triển
- Cập nhật: Thứ tư, 15/7/2015 | 8:06:38 AM
YênBái - YBĐT - Nhiệm kỳ qua, Yên Bình đạt và vượt 22/24 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XXI, trong đó 8 chỉ tiêu vượt cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 15,6%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng.
Đồng chí Dương Văn Tiến (thứ hai, trái sang) - Bí thư Huyện ủy cùng lãnh đạo huyện Yên Bình thăm vùng bưởi đặc sản tại xã Đại Minh.
|
Yên Bình hôm nay đang nỗ lực trên con đường đổi mới. Những thành quả đã và đang đạt được, sẽ là thế và lực để Yên Bình bước tiếp những bước vững chắc trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa , xứng đáng với tầm vóc là huyện cửa ngõ công nghiệp phía nam của tỉnh.
Với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng Đảng và phát triển kinh tế một cách đồng bộ, hiệu quả, nhiệm kỳ 2010- 2015, Đảng bộ huyện Yên Bình tiếp tục có nhiều đổi mới phương thức lãnh, chỉ đạo. Xây dựng, ban hành 28 nghị quyết phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương và thực hiện đạt và vượt 22/24 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XXI, trong đó 8 chỉ tiêu vượt cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 15,6%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Thu nhập bình quân đạt 32 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 2,06 lần so với đầu nhiệm kỳ).
Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen, song, trên tinh thần kế thừa, phát huy thành quả đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ trước, cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình luôn đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực vươn lên hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Trong phát triển kinh tế, từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ đã xây dựng, ban hành 2 nghị quyết chuyên đề, 2 đề án đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh địa phương.
Qua đó, đưa tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 15,6%, trong đó nông - lâm nghiệp tăng 5,6%, công nghiệp - xây dựng tăng 24, 3%, dịch vụ tăng 17,6%. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 9,43%; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung: vùng lúa cao sản 500 ha, chè hơn 700 ha, cây ăn quả đặc sản 200 ha, tre măng Bát độ 150 ha; an ninh lương thực bảo đảm và năm 2015, tổng sản lượng lương thực ước đạt 27 nghìn tấn (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 500 tấn). Đây là điều kiện tốt để thúc đẩy chăn nuôi phát triển, với mức tăng trưởng khá (đàn gia súc tăng bình quân 5%/năm).
Toàn huyện có gần 200 cơ sở chăn nuôi tập trung qui mô lớn. Giá trị chăn nuôi chiếm 48% giá trị ngành nông nghiệp, đưa Yên Bình trở thành số ít địa phương của tỉnh xây dựng thành công mô hình này cả về số lượng, chất lượng. Thủy sản phát triển toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi.
Ngoài nuôi cá lồng, 2 năm gần đây còn thí điểm, nhân rộng nuôi cá bằng quây lưới trên các eo, ngách hồ Thác Bà rất hiệu quả. Đặc biệt, ngày 4/10/2011, huyện ban hành Chỉ thị số 10- CT/ UBND về “Tăng cường bảo vệ, phát triển và nghiêm cấm việc dùng chất nổ, xung điện, lưới vét, vó, lưới mắt nhỏ đánh bắt thủy sản trên hồ Thác Bà". Nhờ đó, giá trị thủy sản tăng bình quân 17%/ năm, nhận thức của người dân về cấm đánh bắt mang tính tận thu hủy diệt cá, tôm trên hồ từng bước được nâng cao.
Phát triển chăn nuôi gắn với trồng rừng đang trở thành thế mạnh. Để khuyến khích trồng rừng hiệu quả, huyện tập trung chỉ đạo ngành chức năng, kịp thời triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp một cách công khai tới người dân; chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, các ngành khối nông nghiệp, làm tốt tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng. Qua đó, từ 2010 đến nay, toàn huyện đã trồng mới trên 13.500 ha rừng (vượt 8,1% chỉ tiêu Đại hội) và có rất nhiều địa phương, hộ giàu lên từ trồng rừng.
Đồng thời, với những chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, Yên Bình ngày càng thu hút nhiều đơn vị, cá nhân trong, ngoài huyện đến đầu tư phát triển ngành nghề. Cơ cấu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng cao, trở thành khâu đột phá thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt trên 1.900 tỷ đồng (tăng 1,9 lần so với 2010). Giá trị xuất khẩu ước đạt 17 triệu USD (tương đương 370 tỷ đồng) chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và tăng 84,7% so với đầu nhiệm kỳ. Vốn là địa phương khó khăn trong thu ngân sách thì từ năm 2010 đến nay, huyện luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu, riêng năm 2015 ước đạt 120 tỷ đồng (tăng 2 lần so với 2010).
Huyện cũng đã ban hành một nghị quyết chuyên đề về thu hút đầu tư và tập trung lãnh đạo thực hiện quyết liệt, nên bước đầu thu hút hàng trăm dự án lớn, nhỏ trong, ngoài nước đến đầu tư và một trong những điểm nhấn, đó là cụm công nghiệp Thịnh Hưng. Đây là cụm công nghiệp đầu tiên của huyện được một doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, phối hợp cùng huyện mời gọi các nhà đầu tư khác đến kinh doanh. Nhà máy may Deasung Global ở cụm công nghiệp này có qui mô 3.000 công nhân đã đi vào hoạt động.
Một mặt là đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mặt khác, tích cực huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, giai đoạn 2010 – 2015, Yên Bình đã huy động, thu hút được nhiều nhất các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này với trên 10.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư phát triển hạ tầng giao thông được đặc biệt ưu tiên. Nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, tạo cho Yên Bình một huyết mạch giao thông thuận tiện như đường Hoàng Thi, Hồng Bàng, Yên Thế - Vĩnh Kiên, đường cảng Hương Lý - Văn Phú với chiều dài trên 80 km, vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng. Huyện cũng thực hiện rất nhiều giải pháp tái cơ cấu đầu tư công, bố trí nguồn lực thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản. Huy động sức dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để kiến thiết hạ tầng nông thôn. Trong 5 năm qua, huyện bê tông hóa được 101 km, mở mới 103 km đường đất, trị giá trên 134 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp trên 40 tỷ.
Hệ thống điện, đường, trường, trạm được ưu tiên đầu tư nên trên 90% số thôn, tổ có đường ô tô đến trung tâm; nhiều nhà văn hóa thôn, tổ trị giá hàng trăm triệu đồng. Cả 24 xã đạt từ 5 tiêu chí trở lên về xây dựng nông thôn mới, trong đó 11 xã đạt trên 10 tiêu chí. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo được đẩy mạnh, rộng khắp và mỗi năm, quyên góp được gần 200 triệu đồng xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tổ chức hàng nghìn lượt thăm hỏi động viên, tặng quà gia đình chính sách; tu sửa, làm mới 598 nhà tình nghĩa cho các hộ chính sách khó khăn, hộ nghèo. Công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt và thông qua các chương trình, dự án, mỗi năm tạo việc làm mới từ 2.500 lao động trở lên; hộ nghèo giảm còn 9,9%; trên 86% số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa.
Hoạt động du lịch được quan tâm thu hút đầu tư và bước đầu hình thành những khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở các xã: Vũ Linh, Phúc An, Tân Hương. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, giữ vững.
Cùng với những thành quả đạt được về kinh tế, văn hóa, xã hội, công tác xây dựng Đảng, đã có nhiều đổi mới về phương thức lãnh đạo. Đảng bộ đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề đó là, nghị quyết về công tác cán bộ; nghị quyết về tăng cường tự học, tự bồi dưỡng và đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở giai đoạn 2011 - 2015.
Để nghị quyết đi vào thực tiễn, ngày 30/9/2011, Thường vụ Huyện ủy tiếp tục ban hành Chỉ thị số 11-CT/ HU về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác”. Đồng thời, làm tốt việc giáo dục chính trị, tư tưởng cán bộ đảng viên gắn với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Quá trình thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là việc đề ra biện pháp khắc phục những khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Trong 639 việc đề ra sau khi kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, đã thực hiện xong 635 việc, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động mỗi cán bộ, đảng viên và qua 4 năm, có 13 tập thể, 57 cá nhân được tuyên dương điển hình tiên tiến.
Đồng chí Dương Văn Tiến - Bí thư Huyện ủy cùng lãnh đạo huyện Yên Bình kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại xã Phúc An.
Thành công nổi bật trong công tác Đảng nhiệm kỳ này là công tác cán bộ. Với phương châm “vì việc xếp người”, huyện đã có nhiều đổi mới trong phát hiện nguồn, nhất là nguồn cán bộ trẻ, cán bộ có trình độ năng lực, có khả năng phát triển để qui hoạch bảo đảm tính khả thi cao, đúng hướng dẫn của cấp trên. Đặc biệt, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong hình mới, phát huy trình độ chuyên môn, năng lực công tác của từng cá nhân, Đảng bộ huyện đã kịp thời kiện toàn đội ngũ cán bộ, lãnh đạo từ huyện đến cơ sở.
Cụ thể, trong nhiệm kỳ đã kiện toàn gần 1.000 lượt cán bộ, lãnh đạo, quản lý và cử 1.385 người đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Đến nay, trên 50% cán bộ, công chức xã, thị trấn có trình độ đại học; trên 60% cán bộ đương chức và dự nguồn qui hoạch chức danh trưởng phòng cấp huyện đã tốt nghiệp hoặc đang học cao cấp, cử nhân chính trị; 100% cấp ủy viên, bí thư, phó bí thư chi bộ được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng.
Đảng bộ huyện cũng đã tập trung chỉ đạo cấp ủy tăng cường kiểm tra, chú trọng nhiều hơn việc sinh hoạt chi, đảng bộ, nhất là vùng sâu, vùng xa, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm Điều lệ Đảng và nhiệm kỳ qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 359 tổ chức đảng, 1.088 đảng viên. Trong đó, giám sát toàn diện và theo chuyên đề với 86 tổ chức đảng, 285 đảng viên, kịp thời phát hiện xử lý 3 tổ chức đảng, 78 đảng viên vi phạm. Hàng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đạt 90%; 85% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt và suất sắc nhiệm vụ. Trung bình mỗi năm kết nạp 200 đảng viên, vượt so với mục tiêu Đại hội, trong đó trên 70% là đoàn viên thanh niên (vượt mục tiêu Nghị quyết 16 - NQ/TU của Tỉnh ủy); 13/26 xã, thị trấn ban hành lịch sử, truyền thống của đảng bộ.
Phát huy những thành quả đạt được và 5 bài học kinh nghiệm rút ra trong nhiệm kỳ qua, bước vào nhiệm kỳ 2015- 2020, Đảng bộ huyện tiếp tục đề ra mục tiêu tổng quát là "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, phát huy sức mạnh đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng lợi thế của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội". Đảng bộ huyện cũng đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, "Tập trung xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất đạo đức, uy tín, năng lực làm việc ".
Hai là, "Phát triển nông - lâm - thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ bảo đảm hiệu quả bền vững, trong đó ưu tiên phát triển một số sản phẩm có lợi thế, tập trung phát triển mạnh thủy sản trên hồ Thác Bà".
Ba là, " Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bảo vệ môi trường, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế".
Bốn là, "Tổ chức có hiệu quả các họat động xúc tiến, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế ; tiếp tục đầu tư mở rộng, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp Thịnh Hưng".
Năm là, "Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn và xuất khẩu lao động".
Yên Bình hôm nay đang nỗ lực trên con đường đổi mới. Những thành quả đã và đang đạt được, sẽ là thế và lực để Yên Bình bước tiếp những bước vững chắc trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa , xứng đáng với tầm vóc là huyện cửa ngõ công nghiệp phía nam của tỉnh.
Dương Văn Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình
Các tin khác
Ngày 14/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6 (khóa VI) nhằm sơ kết công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác Hội 6 tháng cuối năm 2015. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường chủ trì Hội nghị.
Sáng nay, 14-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp nhằm tổng kết, đánh giá kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10.
YBĐT - Sáng 14/7, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban với các cơ quan khối nội chính nhằm đánh giá tình hình, kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm; triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, sáng 13/7/2015, đồng chí Thongsing Thammavong, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào dẫn đầu đoàn công tác cấp cao nước CHDCND Lào đã đến thăm, làm việc tại thành phố Đà Nẵng.