Hướng tới kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9

Trở về Chiến khu xưa

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/8/2015 | 4:05:49 PM

YênBái - YBĐT - Đại Lịch là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng. Nhân dân Đại Lịch có truyền thống yêu nước, cách mạng và hiếu học. Chúng tôi thấy cần thiết phải truyền lại tinh thần ấy cho các thế hệ tương lai, nên đã xây dựng những tấm bia trên.

Năm 1982, tôi đã có dịp vào làng Vần, khi đưa sinh viên đi tìm hiểu thực tế lịch sử địa phương. Lúc đó đường sá xấu lắm. Thầy trò phải gửi xe đạp ở Việt Cường, vượt đèo Gỗ vào Vần. Đến nơi, chẳng biết đâu là chiến khu xưa, nên phải nhờ các cụ trong làng dẫn tận nơi giới thiệu. Bữa trưa được đãi nồi sắn luộc chấm muối vừng đã thấy hạnh phúc lắm. Còn lần này thì khác rồi. Trời quang đãng, nắng chan hòa, đường phẳng đẹp, hai bên đường là những triền đồi, cánh đồng, gò bãi đều khoác trên mình một màu xanh mướt mát. Cảnh vật làng quê thanh bình. Sự no ấm toát lên qua từng gương mặt, nụ cười.

Đổi thay nhiều quá! Tôi băn khoăn tự hỏi, không biết có còn những dấu tích của một thời như câu thơ Tố Hữu trong bài Việt Bắc: “Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”? Đến cổng Trường THCS Việt Hồng, tôi thấy một tấm bia lớn, hàng chữ đậm nét, ngay ngắn: “Nơi đây có đình làng Vần. Tháng 7/1945, tại sân đình lực lượng vũ trang Yên Bái đã làm lễ tế cờ. Sau đó tiến đi giải phóng Trấn Yên, Văn Chấn, Phù Yên, Than Uyên, Văn Bàn, góp phần giành thắng lợi cuộc khởi nghĩa tháng Tám/1945. Sau khi chiếm làng Vần (1947), Pháp cho phá hủy ngôi đình, nay chỉ còn sân đình và cây vải. Ngày 4/9/1999 đình được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - cách mạng trong cụm di tích lịch sử Chiến khu Vần”.

Thấy tôi đứng chăm chú đọc bia, một cụ già râu tóc bạc phơ đến bên. Tôi bắt chuyện. Cụ giới thiệu là người làng Vần, lúc chiến khu được thành lập cụ mới 11 tuổi, song đã được tham gia liên lạc cho đội du kích. Cụ hào hứng kể: “Đình làng Vần còn gọi là Đình Trung chú ạ. Tại đình này không chỉ là nơi Đội du kích Âu Cơ làm lễ tế cờ trước khi xuất trận đâu, mà còn là nơi ta bầu ra Ủy ban cách mạng lâm thời tổng Lương Ca, và cũng là nơi chính quyền cánh mạng tổ chức "Tuần lễ vàng" quyên góp cho Chính phủ được 2,1 lạng vàng, 20 lạng bạc và 12,616 đồng Đông Dương nữa. Ngày đó, tuy còn nhỏ nhưng tôi vẫn còn nhớ rất rõ những  gì xảy ra. Còn cây vải này là của nhà ông Trung, nó trên 100 tuổi rồi đấy… ”.

Biết tôi còn muốn thăm các di tích khác, cụ già tình nguyện dẫn đi. Vào nhà sàn ông Trần Đình Khánh, ngay đầu khu nhà có tấm bia ghi: “Tại đây có nhà ông Trần Đình Khánh, dân tộc Tày, đi theo cách mạng, nhà ông trở thành Sở Chỉ huy của lực lượng vũ trang khởi nghĩa và là trụ sở đầu tiên của Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái. Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh. Ngày 4/9/1995, Nhà nước công nhận nhà ông Trần Đình Khánh là di tích lịch sử cách mạng, trong cụm di tích Chiến khu Vần”.

Cụ già nói với tôi: “Trên bia chỉ ghi ông Trần Đình Khánh làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh, nhưng trước khi làm Chủ tịch tỉnh, ông Khánh là Chánh tổng Lương Ca, chú ạ. Ông được Việt Minh giác ngộ đã trở thành cơ sở cách mạng, rồi ông được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời, Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến lâm thời tổng Lương Ca; nhà sàn ông Khánh trước khi là trụ sở của Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh đã là trụ sở của Ban lãnh đạo chiến khu Vần và Đội du kích Âu Cơ. Bí thư Ngô Minh Loan, hồi ấy thường qua lại nhà ông Khánh”.

Tôi nhìn khu nhà xưa của nguyên Chánh tổng Lương Ca, gồm nhà chính và nhà bếp, quả là rất đồ sộ, hoành tráng, vậy mà ông đã từ bỏ tất cả để đi theo cách mạng. Cụ già bảo: “Nhà cũ bị Pháp đốt rồi. Đây là nhà dựng lại, do thợ tận trung ương về làm giống y như nhà cũ”. Tôi bước lên sàn, thắp hương trên bàn thờ, ngồi nhìn ngắm xung quanh, tưởng tượng ra những cuộc họp quan trọng của tỉnh trong ngôi nhà này để làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám ở Yên Bái.

Rời nhà ông Khánh, tôi mời cụ già lên xe cùng đi hang Dơi và gò cọ Đồng Yếng. Đến hang Dơi, tôi không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp hoang sơ kì vĩ. Hang cao và rộng, có chỗ cao tới 10m, rộng 8 m. Cụ già bảo: “Hang Dơi được chọn làm địa điểm phòng thủ và cất giữ lương thực, thực phẩm. Bãi đất rộng, trước cửa hang này được còn là nơi luyện tập của anh em du kích”. Hai bác cháu tôi đi tiếp chừng hơn 3 cây số, cụ già vỗ tay bảo dừng xe và nói: “Đây là làng Đồng Yếng, chú ạ. Làng này nằm giữa Vần và Hiền Lương. Những quả đồi mâm xôi kia trước đây toàn cọ nên Đội du kích Âu Cơ chọn làm nơi huấn luyện quân sự và trại sản xuất. Đây cũng là nơi đón các tù nhân cánh mạng vượt ngục trở về”.

Chiều, đi tiếp vào Đại Lịch. Đến đèo Din, nơi tiếp giáp giữa Việt Hồng và Đại Lịch, tôi dừng lại lưng chừng đèo, ở đó có một tấm bia ghi: “Nơi đây, Khe Sâng, Bản Din, xã Việt Hồng, ngày 20/ 11/ 1947, diễn ra trận đánh của Đội du kích Đại Lịch do Đội trưởng Hoàng Minh Lưu chỉ huy đã phục kích đánh tan 1 trung đội địch đi càn quét, diệt 1 tên Pháp, 6 lính ngụy, nhiều tên khác bị thương. Trận này chiến sỹ du kích trẻ Hoàng Văn Thọ đã can đảm cướp súng đánh lại giặc và anh dũng hy sinh. Năm 1998, Liệt sỹ Hoàng Văn Thọ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trận Đèo Din mở đầu cho chiến tranh du kích trong vùng địch hậu trên địa bàn tỉnh”.

Tôi đứng lại hồi lâu, cố hình dung ra trận đánh mai phục của du kích Đại Lịch năm xưa và hình ảnh anh Thọ sau khi giật nổ mìn, thấy một thằng Tây lảo đảo vật xuống. Từ trận địa mai phục, anh Thọ nhảy ào xuống đường dùng hết sức giật khẩu tiểu liên khỏi tay tên giặc rồi chạy vào ven rừng. Nhưng không kịp, bọn lính đã lấy lại bình tĩnh. Một loạt đạn địch làm Thọ loạng choạng ngã xuống. Hôm ấy là ngày 20 tháng 11 năm 1947.

Chia tay đèo Din, theo lời hẹn, tôi lên trụ sở xã. Lãnh đạo xã niềm nở, chân tình, mới gặp lần đầu như là bạn đã thân quen lâu. Các anh dẫn tôi sang nhà lưu niệm Anh hùng liệt sỹ Hoàng Văn Thọ. Nhà xây đẹp, thoáng đãng, rộng rãi. Chỉ tiếc là hiện vật còn ít và tấm ảnh chân dung Hoàng Văn Thọ chỉ được vẽ lại theo tượng anh Thọ của họa sỹ Quách Hùng.

Thắp hương cho liệt sỹ Hoàng Văn Thọ, chúng tôi vào thăm bà Hà Thị Chuyên - người bạn gái của anh Thọ, nguyên mẫu nhân vật Thảo trong truyện “Kỷ vật cuối cùng” của nhà văn Hà Lâm Kỳ. Bà Chuyên đã trên 80 tuổi, không còn khỏe nhưng rất minh mẫn. Tôi hỏi về tấm áo. Bà bảo cháu vào buồng bê ra một chiếc hòm gỗ nhỏ, rồi bà lấy ra một cái bọc vải đỏ, cẩn thận mở bọc, nâng trên hai tay tấm áo chàm và bảo: “Đây là tấm áo anh Thọ mới mặc một lần. Anh ấy nhờ Thậm đưa cho tôi để thùa thêm cái khuy áo ở cổ …”.

Nhìn bà Chuyên tay run run nâng tấm áo vẫn mới sau gần 70 năm cất giữ, tôi chợt nhớ tới hình ảnh bà trong tác phẩm “Kỷ vật cuối cùng” của Hà Lâm Kỳ: “Tin người đội trưởng hi sinh làm các đội viên choáng váng. Người đau đớn nhất hôm nay là Thảo. Thảo ngất đi, tỉnh lại trên tay Liên. Mà lạ thay, Thảo không khóc, nước mắt của cô gái mười bốn tuổi ấy đã làm ướt đẫm tấm áo mà người bạn trai thân yêu gửi lại từ mấy hôm trước...”.

Chia tay bà Chuyên, tôi đi thăm 3 di tích nữa trên đất Đại Lịch. Vào Khe Liền, trên bãi đất trống đầu làng có một tấm bia ghi: “Nơi đây có đình Khe Liền. Đình được hình thành từ TK XVIII, chính ngai thờ Thần Núi Đáy (Tản Viên Sơn), thứ ngai là bài vị thờ ông Hà Đình Sứ, người có công khai phá lập làng. Khi Nghĩa Lộ giải phóng Huyện bộ Văn Chấn bí mật rút về đóng tại làng Khe Liền. Tháng 10/1947 tại ngôi đình này đồng chí Nguyễn Tấn Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đã chủ trì làm việc với Huyện bộ chỉ đạo xây dựng các xã Đại Lịch, Cát Thịnh, Thượng Bằng La… thành căn cứ du kích, phát động chiến tranh nhân dân trong vùng địch hậu, định hướng đối sách với Pháp, củng cố chính quyền, bảo vệ dân. Năm 1948 đình Khe Liền bị giặc Pháp đốt cháy cùng với hàng chục nhà dân trong vùng”.

Quả là, nếu không có tấm bia này, tôi không thể biết tại đây có một ngôi đình cổ đã từng gắn bó với phong trào cách mạng, giải phóng dân tộc của tỉnh. Tuy đình cổ không còn nhưng một tấm bia như thế cần thiết và ý nghĩa đến chừng nào. Điểm đến tiếp theo là thôn Bằng Là, ngay giữa thôn cũng có một tấm bia ghi: “Nơi đây, bãi chằm Lũng Bũm (Bằng Là), tháng 12/1947, đơn vị 76 bộ đội địa phương Văn Chấn do đồng chí Hà Thiết Hùng chỉ huy cùng du kích 2 xã Đại Lịch, Chấn Thịnh, được trung đội quân chủ lực Kim Tiến chặn chốt đã đánh tan 1 trung đội địch từ Đồng Bồ ra Đại Lịch càn quét, diệt và bắt sống 34 tên (có 2 tên Pháp) thu nhiều vũ khí. Trận Lũng Bũm khẳng định chủ trương phát động chiến tranh du kích đánh giặc ngay trong hậu địch của Tỉnh ủy Yên Bái những năm đầu kháng chiến là đúng đắn và sáng tạo”.

Điểm đến cuối cùng là Trường THCS xã Đại Lịch. Dù đã cuối chiều nhưng các thầy cô giáo và học sinh vẫn đợi để gặp gỡ, giao lưu. Thầy hiệu trưởng dẫn tôi ra khoảnh sân trước cửa văn phòng, chỉ cho tôi tấm bia khá lớn và bảo: “Mời thầy xem văn bia của trường”. Tôi chăm chú đọc: “Từ một nhóm lớp dân góp nuôi thầy, năm 1934 chính quyền châu Văn Chấn đồng ý cho lập trường, địa điểm đặt tại Gò Lim (Bằng Là). Ông Nguyễn Đức Quỳ đã truyền bá bài thơ yêu nước, trong đó có đoạn: “Nhà trường dạy tấm gương sử ký/ Đã là người nguyên ủy phải hay/ Bởi đâu có nước non này/ Việt Nam phải biết các đời Việt Nam…”.

Năm 1943 trường chuyển về gò Bằng (Thanh Bồng). Tại đây, 3/7/1945, cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được kéo lên. Ủy ban cánh mạng lâm thời xã Đại Lịch tuyên bố chính quyền về tay nhân dân. Năm 1947, Pháp đánh chiếm Văn Chấn, Trường tạm ngừng dạy học, chuyển thành trạm cứu chữa thương binh các chiến dịch Tây Bắc, Điện Biên. Từ 1965 đến 1968 Trường sơ tán đi nhiều nơi vẫn vẫn duy trì dạy và học. Ngày đầu thành lập, trường có tên là: Trường Sơ học yếu lược Đại Lịch. Từ tháng 10/1945 đến nay, cải cách giáo dục, Trường mang nhiều tên gọi khác nhau. Trường đã ghi danh nhiều thế hệ học trò, trong đó có Anh hùng liệt sỹ Hoàng Văn Thọ học và là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Đại Lịch”.

Là người từng trong ngành giáo dục, đến nhiều điểm trường trong tỉnh, nhưng ít trường có một tấm văn bia như thế. Các lãnh đạo xã Đại Lịch chia sẻ: “Đại Lịch là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng. Nhân dân Đại Lịch có truyền thống yêu nước, cách mạng và hiếu học. Chúng tôi thấy cần thiết phải truyền lại tinh thần ấy cho các thế hệ tương lai, nên đã xây dựng những tấm bia trên. Những tấm bia đó đều do dân trong xã tự làm và sự tham gia nhiệt tình về vật chất, tinh thần của nhiều người con Đại Lịch đi công tác xa, trong đó là Nhà văn Hà Lâm Kỳ, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật & Du lịch tỉnh”.

Chỉ có một ngày với vùng đất chiến khu xưa, nhưng tôi đã được sống với quá khứ hào hùng và biết được niềm tin và hy vọng của những con người bình dị nơi đây.

Hiền Lương - Tháng 8/2015

Các tin khác
Lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh Yên Bái và Thị ủy Nghĩa Lộ chụp ảnh với các đại biểu về dự Đại hội.

Ngày 19/4, với hơn 150 đại biểu chính thức tham dự, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) thị xã Nghĩa Lộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã được tổ chức thành công tốt đẹp.

Chiều nay – 19/4, thành phố Yên Bái và huyện Trạm Tấu đã tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác, kết nghĩa năm 2023, triển khai chương trình năm 2024.

Bộ Chính trị đề nghị Trung ương khai trừ Đảng ông Lê Viết Chữ

Bộ Chính trị khai trừ đảng nhiều cán bộ ở Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc và báo cáo, đề nghị Trung ương Đảng thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Viết Chữ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Căn cứ vào các vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật khiển trách với ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nhiều cán bộ khác của Bộ này cũng bị kỷ luật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục