Việt Nam mong muốn thế giới hòa bình, phát triển và hạnh phúc
- Cập nhật: Thứ ba, 29/9/2015 | 7:42:33 AM
Chiều 28/9 (giờ New York), trong khuôn khổ Khoá họp 70 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về hoạt động gìn giữ hoà bình dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moo và Tổng thống Hoa Kỳ Ba-rắc Ô-ba-ma. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống, Thủ tướng của gần 50 nước đã tham dự và phát biểu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.
|
Xin trân trọng giới thiệu nguyên văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:
Thưa Ngài Chủ tịch,
Thưa các Quý vị,
Tôi đánh giá cao sáng kiến của Ngài Ban Ki-mun, Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Ngài Ba-rắc Ô-ba-ma, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh này.
Trong suốt chiều dài lịch sử, nhân dân Việt Nam đã kiên cường đấu tranh cho hòa bình, độc lập và tự do. Chính vì vậy chúng tôi chân thành mong muốn nhân dân các nước trên thế giới đều được sống trong hòa bình, phát triển và hạnh phúc.
Việt Nam vinh dự tham gia Hội nghị này trên tư cách là nước đóng góp lực lượng cho Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2014. Tôi vui mừng thông báo, Việt Nam sẽ sớm cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 và đơn vị công binh, đồng thời tiếp tục cử các sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu tham gia các Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Thưa quý vị,
Gần 70 năm qua, các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa chiến tranh, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới. Thế kỷ 21 đặt ra cho chúng ta những nhiệm vụ và yêu cầu ngày càng cao hơn. Do đó, để triển khai thành công và hiệu quả các Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thời gian tới, chúng tôi cho rằng:
Thứ nhất, cần giữ vững các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trung lập, không thiên vị, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước và phải được các bên liên quan chấp thuận.
Thứ hai, tiếp tục cải tiến các quy trình cần nhằm nâng cao khả năng triển khai và ứng phó kịp thời; đồng thời có biện pháp bảo đảm tối đa an ninh và an toàn cho các lực lượng gìn giữ hòa bình.
Thứ ba, cần có quyết tâm chính trị và cam kết mạnh mẽ hơn nữa trong việc cung cấp đầy đủ nguồn lực về cả con người và vật chất.
Nhân dịp này, tôi xin chân thành cảm ơn Liên hợp quốc, các nước đã hỗ trợ Việt Nam trong việc chuẩn bị tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ đó trong thời gian tới.
Xin cảm ơn các quý vị.
* Chủ tịch nước đề nghị Pháp phát huy vai trò tại biển Đông
Ngày 28-9 tại New York (Hoa Kỳ), trong khuôn khổ Khoá họp 70 Đại hội đồng LHQ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam rất coi trọng phát triển quan hệ với Pháp, một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam tại Châu Âu và trên thế giới.
Hai vị lãnh đạo bày tỏ hài lòng về những phát triển tích cực trong quan hệ hai nước sau khi Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013, nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp và làm sâu sắc hơn các cơ chế đối thoại hợp tác giữa hai nước về chiến lược, an ninh, quốc phòng, kinh tế.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại lời mời Ngài Tổng thống thăm Việt Nam, khẳng định chuyến thăm sẽ là dấu mốc quan trọng cho quan hệ Việt Nam - Pháp.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng nhất trí đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính của quan hệ Việt Nam - Pháp.
Hai nước cần tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp hai bên đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, tàu điện ngầm, hàng không và vũ trụ, năng lượng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, môi trường, phát triển “đô thị thông minh”, xây dựng hệ thống y tế hiện đại...
Chủ tịch nước đề nghị Pháp, với tư cách là nước có vai trò trụ cột ở EU, tiếp tục ủng hộ việc phát triển quan hệ Việt Nam – EU, cụ thể là sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và công nhận quy chế Kinh tế thị trường cho Việt Nam; đồng thời đề nghị Pháp nhanh chóng thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định đối tác và hợp tác Việt Nam – EU (PCA) mà hai bên đã ký kết.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã cảm ơn sự giúp đỡ hiệu quả của Pháp trong hợp tác phát triển với Việt Nam và hỗ trợ tích cực Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ, bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển giai đoạn sau 2015.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Pháp Hollande nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các dự án hợp tác ba bên Việt Nam – Pháp – châu Phi.
Hai vị lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn đa phương, hợp tác, hỗ trợ nhau trong các vấn đề quốc tế như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc, các vấn đề liên quan đến nguồn nước, biến đổi khí hậu...
Chủ tịch nước cảm ơn Pháp ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ khóa 2020-2021, đề nghị Pháp ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO (2015-2019) và Hội đồng Kinh tế Xã hội ECOSOC (2016-2018).
Về các vấn đề khu vực mà hai bên cùng quan tâm, Chủ tịch nước hoan nghênh Pháp đã có lập trường tích cực về các vấn đề an ninh, hòa bình tại Châu Á - Thái Bình Dương, ủng hộ quan điểm của Việt Nam và ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Chủ tịch nước đề nghị Pháp tiếp tục phát huy vai trò, tiếng nói quan trọng của mình để đóng góp cho việc giữ gìn hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982.
Về phần mình, Việt Nam sẽ là cầu nối tích cực để Pháp tăng cường quan hệ với ASEAN.
Tổng thống Hollande mong muốn Việt Nam sẽ cử đoàn dự Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ COP21 tại Paris vào đầu tháng 12 tới. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẽ cử đoàn tham dự và sẵn sàng tham gia tích cực để đóng góp vào thành công của Hội nghị.
(Theo TPO - TTO)
Các tin khác
Ngày 27/9, trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị Lãnh đạo toàn cầu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ do Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì.
YBĐT - Những ngày này, ở khắp nơi trong tỉnh đang phấn chấn, rộn ràng hướng về ngày hội lớn - Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
YBĐT - Năm năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Song, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng sáng tạo chủ trương của Trung ương Đảng, kịp thời điều chỉnh các mục tiêu trọng tâm, đề ra các cơ chế, chính sách, giải pháp để tăng cường sự lãnh đạo, điều hành vào các lĩnh vực then chốt, đồng thời huy động mọi nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, vượt qua khó khăn, đạt được kết quả quan trọng và khá toàn diện.
Điểm mới của Đề án tuyển chọn lãnh đạo đó là thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu khi lựa chọn nhân sự thi tuyển và chịu trách nhiệm về nhân sự nếu được bổ nhiệm.