Cuộc tổng tuyển cử nhằm xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng
- Cập nhật: Thứ ba, 22/12/2015 | 3:54:15 PM
YBĐT - Ngay sau khi mới thành lập, chính quyền cách mạng của nhân dân ta phải đối phó với một tình thế hết sức hiểm nghèo. Chính phủ đã ra đời, song chưa được một quốc gia nào trên thế giới công nhận. Trái lại, các thế lực đế quốc, tay sai đang ráo riết chống lại Đảng, hòng lật đổ chính quyền cách mạng và thiết lập một chính quyền phản động tay sai cho đế quốc.
Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Quốc hội thành lập sau Tổng tuyển cử 6/1/1946.
(Ảnh : T.L)
|
Chúng quấy nhiễu, gây rối loạn trật tự trị an; rải truyền đơn, ra báo công khai xuyên tạc chính sách của Đảng, của Việt Minh, đòi loại bỏ các bộ trưởng và đảng viên Cộng sản ra khỏi Chính phủ. Một số lực lượng phản động khác đã nổi dậy ở một số nơi...
Thêm vào đó, chính quyền cách mạng còn phải tiếp thu cả một gia tài đổ nát do chế độ cũ để lại: công nghiệp phá sản, nông nghiệp đình đốn, tài chính kiệt quệ, nạn đói đe doạ trầm trọng. Hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội nặng nề, kinh nghiệm quản lý chính quyền chưa có... Giặc ngoài, thù trong, khó khăn chồng chất đang đặt chính quyền cách mạng đứng trước thử thách "ngàn cân treo sợi tóc".
Khẩu hiệu cách mạng của nhân dân lúc này vẫn là "Dân tộc trên hết", "Tổ quốc trên hết". Nội dung cơ bản là đấu tranh chống giặc ngoài, thù trong để giữ cho được chính quyền cách mạng của dân vừa giành được. Giữ vững và bảo vệ chính quyền cách mạng là nhiệm vụ hết sức cấp bách, sống còn của nhân dân lúc này. Chính quyền là công cụ sắc bén, là đòn bẩy để đưa cách mạng tiến lên. Muốn vậy, phải tăng cường khối đoàn kết toàn dân, hoà hợp dân tộc, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng về mọi mặt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và thực thi nhiều biện pháp để tập hợp, sử dụng nhân sĩ, trí thức, nhân tài phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Nhiều nhân sĩ, trí thức được mời tham gia bộ máy hành chính và cơ quan chuyên môn ở các cấp, nhất là ở Trung ương. Vĩnh Thụy (Bảo Đại) được cử làm cố vấn Chính phủ lâm thời dân chủ cộng hoà theo Sắc lệnh số 23-SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 10/9/1945.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải "xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức".
Vì vậy, ngày 3/9/1945, tức là một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giầu, nghèo, tôn giáo, dòng giống v.v..".
Ngày 8/9/1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Bản sắc lệnh ghi rõ: "Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân đại biểu Đại hội họp ngày 16, 17/8/1945, tại Khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hoà, và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên; Xét rằng nhân dân Việt Nam do Quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ Cộng hoà; Xét rằng trong tình thế hiện giờ sự triệu tập quốc dân đại hội không những có thể thực hiện được mà lại rất cần thiết để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố nền độc lập và chống lại nạn ngoại xâm...".
Như vậy, bản Sắc lệnh đã khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, đồng thời khẳng định chúng ta có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan và chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đó. Bản Sắc lệnh gồm 7 điều, quy định: "...
Trong một thời hạn hai tháng kể từ ngày ký Sắc lệnh này sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu quốc dân đại hội" (Điều 1); "Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường" (Điều 2); "Một Uỷ ban để dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử sẽ được thành lập" (Điều 5); "Để dự thảo một bản Hiến pháp đệ trình Quốc hội, một Uỷ ban khởi thảo Hiến pháp 7 người sẽ thành lập" (Điều 6).
Chính phủ lâm thời còn ra một loạt sắc lệnh để xúc tiến công việc chuẩn bị cụ thể cho việc Tổng tuyển cử, như: Sắc lệnh số 34-SL ngày 20-9-1945, thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp; Sắc lệnh số 39-SL ngày 26-9-1945 về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử gồm 9 người, trong đó có đại diện của các ngành, các giới; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải được tiến hành theo lối phổ thông đầu phiếu bầu cử trực tiếp và bí mật; Sắc lệnh số 71 ngày 2/12/1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người ứng cử...
Công việc chuẩn bị Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện giặc ngoài, thù trong, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hằng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, đồng thời lại vừa phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng. Trong điều kiện như thế, đây không phải là một cuộc Tổng tuyển cử thông thường, mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc hết sức quyết liệt.
B.T
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị thời gian qua, Đoàn B55 đã quán triệt sâu sắc nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động của Đảng ủy Quân khu đến 100% cán bộ đảng viên, tổ chức Đảng trong đơn vị; đặc biệt, trong đợt thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 26 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Đoàn B55 đã có nhiều thành tích trong thực hiện Chỉ thị 03, là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quân...
YBĐT - Ngày 22/12, đồng chí Trần Bắc Hà – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường cùng đoàn công tác của tỉnh đã đến đặt vòng hoa, dâng hương kính viếng hương hồn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc tại Đài tưởng niệm liệt sỹ tỉnh Yên Bái, tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn.
YBĐT - Bế mạc kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVII/ Hội nghị triển khai Nghị quyết kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII về phát triển kinh tế - xã hội và giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016/ Hội nghị tổng kết công tác tôn giáo năm 2015/ UBND tỉnh Yên Bái làm việc với đoàn công tác các cơ quan đại diện Nhật Bản và VCCI/ Đại hội Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái lần thứ III/ Giao ban Hội nông dân 15 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc năm 2015/ Công bố Quyết định điều động và chỉ định Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh... là những thông tin đáng chú ý.