Quốc hội bầu Chủ tịch nước vào ngày 2/4, bầu Thủ tướng vào ngày 7/4

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/3/2016 | 6:35:06 AM

Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) sẽ tuyên thệ sau khi được bầu tại kỳ họp 11, Quốc hội khoá XIII.

Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ tiến hành kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.
Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ tiến hành kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.

Theo chương trình chính thức vừa được thông qua tại phiên họp trù bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII, sáng 21/3, từ ngày 30/3 đến 12/4, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.

Theo đó, ngày 30/3, Quốc hội sẽ thảo luận, miễn nhiệm và bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Cùng ngày, Quốc hội tiến hành các bước miễn nhiệm Chủ tịch nước và thảo luận về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Nghị quyết bầu Chủ tịch nước sẽ được thông qua vào ngày 2/4.

Quốc hội cũng sẽ tiến hành miễn nhiệm Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước cũng như bầu nhân sự thay thế các chức danh này.

Ngày 6/4, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ và  Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng Chính phủ mới.

Quốc hội cũng sẽ bỏ phiếu kín miễn nhiệm và bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trên cơ sở tờ trình của Chủ tịch nước.

Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Cuối kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận và phê chuẩn đề nghị việc miễn nhiệm một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng quốc phòng-an ninh cũng như phê chuẩn thành viên thay thế các vị trí miễn nhiệm của hai Hội đồng này.

Theo quy định mới nhất của Nội quy kỳ họp Quốc hội, sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án TANDTC sẽ tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp.

Lý do Quốc hội kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước ngay tại Kỳ họp 11 mà không để sang kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIV, tại cuộc họp báo công bố dự kiến chương trình và nội dung kỳ họp thứ 11, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, vì nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt không tái cử Ban Chấp hành Trung ương; Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới đối với một số Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong khi đến tháng 7/2016 Quốc hội khoá XIV mới họp.

Do đó thời gian là khá dài, trong khi 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII, nên cần kiện toàn chức danh để tạo tinh thần, khí thế mới để thực hiện tốt năm đầu của nhiệm kỳ 5 năm.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhấn mạnh, đây cũng không phải là lần đầu tiên thực hiện sớm việc kiện toàn nhân sự. Bởi từ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI, một số chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước cũng được kiện toàn trước kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá mới.

Theo danh sách 19 ủy viên Bộ Chính trị khóa XII được phân công công tác sau Đại hội XII, ngoài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử, đã có 7 người nhận trọng trách mới: Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.

11 Uỷ viên Bộ chính trị còn lại sẽ được giới thiệu ứng cử 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII, cũng như chờ phân công nhiệm vụ.

Đó là: Ông Trần Đại Quang (Bộ trưởng Bộ Công an), ông Nguyễn Xuân Phúc (Phó Thủ tướng Chính phủ), bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Phó Chủ tịch Quốc hội), ông Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam), bà Tòng Thị Phóng (Phó Chủ tịch Quốc hội), ông Phạm Bình Minh (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), ông Ngô Xuân Lịch (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam), ông Tô Lâm (Thứ trưởng Bộ Công an), ông Vương Đình Huệ (Trưởng Ban Kinh tế Trung ương), ông Nguyễn Văn Bình (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) và ông Trương Hoà Bình (Chánh án TANDTC).

(Theo VOV)

Các tin khác
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 11.

Sáng 21/3, Kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 11 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Sáng 21-3, tại Hà Nội, Quốc hội khóa XIII khai mạc kỳ họp thứ mười một.

YBĐT - Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Thành ủy Yên Bái / Thường trực Tỉnh ủy làm việc với các cơ quan báo chí tỉnh Yên Bái / Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường kiểm tra tình hình xây dựng nông thôn mới và công tác chuẩn bị bầu cử tại huyện Văn Yên / Đánh giá công tác chuẩn bị bầu cử / Phát động Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ và phòng, chống cháy nổ lần thứ 18...

Điều tra viên có mặt tại hiện trường vụ rơi máy bay.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi điện chia buồn đến Tổng thống Nga Putin về vụ rơi máy bay tại miền nam nước này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục