Chủ tịch nước: Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/4/2016 | 3:42:52 PM

Chủ tịch nước nêu rõ: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc".

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi lễ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi lễ.

Sáng 26/4, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Cơ quan công tác dân tộc (3/5/1946 - 03/5/2016) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Tới dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện các Đại sứ quán nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Hà Nội. 

Cách đây 70 năm ngày 3/5/1946, Chính phủ đã quyết định thành lập Nha Dân tộc thiểu số thuộc Bộ Nội vụ, cơ quan tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay.

Trong suốt chặng đường 70 năm qua, cơ quan công tác dân tộc ngày càng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, đoàn kết giữa các dân tộc được củng cố và tăng cường; kinh tế ngày càng phát triển; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống của đồng bào được nâng lên; văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn và phát huy.

Công tác giáo dục, đào tạo, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe có nhiều tiến bộ; công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích đạt được của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong suốt 70 năm qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống, kề vai sát cánh với nhau trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.

Đồng bào các dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết lâu đời trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chế ngự thiên nhiên và xây dựng đất nước. Trong suốt quá trình lành đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc vả đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc.

Sự ra đời của Nha Dân tộc thiểu số và những thành tựu đạt được trong suốt chặng đường 70 năm qua đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Cơ quan công tác dân tộc chính là dịp để chúng ta nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, truyền thống và những bài học kinh nghiệm của công tác dân tộc; đồng thời có quyết tâm cao hơn nữa trong việc thực hiện chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, huy động có hiệu quả sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đối với công tác dân tộc. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị: “Ủy ban Dân tộc cùng các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục thực hiện thắng lợi các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác dân tộc, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc. Kiên trì, nhất quán thực hiện nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Chủ tịch nước lưu ý các cấp, các ngành cần thực hiện tốt Chiến lược và Chương trình hành động về công tác dân tộc đến năm 2020, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, các địa phương; tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác dân tộc, trọng tâm là nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Dân tộc.

Đặc biệt, thực hiện tốt chính sách tín ngưỡng và tôn giáo, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng; ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đoàn kết các dân tộc.

Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc và miền núi; Đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa, tích cực xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững; Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; Củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng trong sạch, vững mạnh.

“Chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tăng cường công tác dân vận, quán triệt và thực hiện thật tốt phong cách công tác dân vận: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; bám sát địa bàn cơ sở, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, chủ động giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh. Nâng cao hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân trong việc tham gia triển khai, thực hiện công tác dân tộc. Chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác dân tộc, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc, miền núi”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch nước tin tưởng với bề dày truyền thống và những thành tựu đạt được trong 70 năm qua, công tác dân tộc tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục làm hết sức mình, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Lào để vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống tốt đẹp sẵn có phát triển ngày càng sâu sắc, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa XIV dự kiến sẽ làm việc trong 15 ngày và 1 ngày dự phòng; khai mạc vào 20/7 và bế mạc vào ngày 9/8.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp.

Sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 47. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ đầu tiên ngày 25/4/2016.

Sáng 25/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, với tinh thần ủng hộ, bảo vệ sản xuất, kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục