Kỷ niệm 62 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2016)

Những dấu mốc lịch sử

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/5/2016 | 9:54:51 AM

Vào những ngày này 62 năm trước (đầu tháng 5/1954), số phận “con nhím Điện Biên Phủ” sắp đến giờ cáo chung. Một trong những trận giao chiến đẫm máu nhất và cũng kiêu hùng nhất là cứ điểm A1.

62 năm sau ngày giải phóng, Điện Biên Phủ đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều du khách. Trong ảnh: Du khách chinh phục cột mốc số 0 - A Pa Chải, huyện Mường Nhé. (Ảnh: Nguồn internet)
62 năm sau ngày giải phóng, Điện Biên Phủ đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều du khách. Trong ảnh: Du khách chinh phục cột mốc số 0 - A Pa Chải, huyện Mường Nhé. (Ảnh: Nguồn internet)

Do vị trí quan trọng của cứ điểm A1, nên Pháp bố trí ở đây những hỏa lực cực mạnh, dây thép gai nhiều tầng nhiều lớp, được trấn giữ bởi những tiểu đoàn lê dương và Marốc thiện chiến nhất trong số lính Pháp hiện có ở Đông Dương. Từ đồi A1, địch đào giao thông hào sang đồi A3, để cơ động lực lượng và thực hiện các phương án ứng cứu khi cần thiết...

Về phía ta, mọi công tác chuẩn bị cho đợt tiến công thứ ba đã tiến hành rất chu đáo. Các chiến hào được củng cố tới mức bộ đội có thể di chuyển ban ngày ngay gần quân địch, cho phép các đơn vị mỗi khi tiến đánh một vị trí, nhanh chóng bỏ qua giai đoạn đột phá tiền duyên. Cán bộ, chiến sỹ thuộc địa hình cứ điểm mục tiêu như những đồn đã diễn tập nhiều lần. Chiến sỹ vừa điều trị khỏi vết thương, chiến sỹ mới, nô nức về đơn vị để được có mặt trong đợt tiến công cuối cùng. Đợt học tập chính trị đã mang lại cho mọi người niềm tin vững chắc ở thắng lợi. Chưa lúc nào kho của mặt trận đầy đủ, sung túc thóc gạo bằng thời kỳ này, hậu cần đã dự trữ đủ cho cả tháng Năm.

Mở đầu kế hoạch đợt 3 là thời gian chiến đấu bắt đầu từ ngày 1 đến ngày 5/5/1954. Nhiệm vụ trọng tâm của đợt này là tiêu diệt bằng được A1. Từ sau đợt tiến công khu đông, A1 trở thành nỗi nhức nhối đối với các đơn vị tham gia chiến dịch. Đường hầm ở A1 đào chậm hơn dự kiến do gặp khó khăn nhiều mặt. Trong khi đó, các đơn vị khác đều chuẩn bị xong, nhiều mũi hào đã luồn sâu dưới hàng rào dây thép gai của địch. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đúng ngày “N” các đơn vị cứ nổ súng, triệt để áp dụng chiến thuật đánh lấn để giảm nhẹ thương vong, riêng A1 sẽ đánh khi đường hầm ở A1 hoàn thành.

Ngày 1/5/1954, máy bay địch bắt đầu sử dụng một loại bom mới của Mỹ (Hail Leaflet) chứa hàng ngàn mũi tên rất nhỏ sắc bén, nhằm sát thương những đám đông. Loại bom này không gây nguy hiểm cho những người ở trong công sự hoặc dưới chiến hào và khó sử dụng trong những trận đánh khi quân ta và quân địch gần như trộn lẫn vào nhau. Lăng-gơ-le và Bigia đã điều chỉnh, củng cố lại tổ chức phòng ngự ở khu trung tâm. Tại phía Đông, đơn vị 98 tiến công cứ điểm C1 lần thứ hai. Brêxinhắc, vẫn đặt sở chỉ huy trên Êlian 4, đã linh cảm trận đánh Êlian 1 sắp nổ ra trên đầu mình.

Ngày 1/5, Brê-xi-nhắc quyết định đưa Đại đội 3 của Tiểu đoàn dù tiêm kích số 2 lên thay thế cho đại đội Clêđíeh (Clédic) đã bị tiêu hao rất nhiều, đồng thời ra lệnh cho đại đội 1 sẵn sàng tham gia phản kích. Đại đội 811 của ta đã có 20 ngày đêm phòng ngự tại C1, được lệnh rời ra xa cách trận địa khoảng 200 mét cho hỏa pháo chuẩn bị.

Đại đội trưởng Lê Văn Dy thấy công sự đã được củng cố vững chắc, đủ sức chịu đựng đạn pháo và tin vào sự chính xác của pháo binh ta, nên quyết định chỉ cho bộ phận dự bị lui về phía sau, toàn đơn vị vẫn bám trận địa để không lỡ thời cơ xung phong.

Những cao điểm ta chiếm được ở khu đông phát huy tác dụng. Sơn pháo đặt trên đồi D1 nhắm từng hỏa điểm trên C1 bắn rất chính xác. Dứt tiếng pháo, Đại đội trưởng Lê Văn Dy lập tức ra lệnh mở những hàng rào cự mã ngăn cách giữa ta và địch, đưa bộ đội xông lên phía Cột Cờ. Thủ pháo và lựu đạn của ta trùm lên trận địa địch, tiểu liên nổ ran. Chiến sỹ Thắng cầm cờ lao lên cách mục tiêu chừng chục mét thì trúng đạn hy sinh. Chiến sỹ Ân lấy cái chăn phủ lên người bạn, nhặt lá cờ thấm máu đồng đội, lỗ chỗ vết đạn, tiếp tục tiến lên mỏm đất cao nhất trên đỉnh đồi.

Cả tiểu đội mũi nhọn bám sau anh, chỉ sau năm phút ta đã chiếm được Cột Cờ. Đại đội dù tiêm kích số 3 mới thay thế choáng váng trước đòn tiến công chớp nhoáng và quyết liệt. Quân dù bắn xối xả vào khu vực Cột Cờ. Đại đội 1480 của ta từ phía dưới tiến lên đã kịp thời có mặt, cùng với 811 hình thành hai mũi tiến công chia cắt quân địch để tiêu diệt.

Những trận đánh giáp lá cà diễn ra. Viên trung úy Lơghc (Leguère) chỉ huy Đại đội 3 cố chống cự, chờ lực lượng tiếp viện. Brê-xi-nhắc quyết định đưa Đại đội 1 lên tăng viện, nhưng đã quá muộn. Trung úy Pêriu (Périou) chỉ huy đại đội chết khi mới đặt chân lên đồi. Lát sau, đến lượt trung úy Lơghc chỉ huy Đại đội 3 bị trọng thương. Quân địch ở C1 mất dần sức chiến đấu. Có tên phủ bạt lên người nằm giả chết chờ tiếng súng yên sẽ đầu hàng. Nửa đêm, toàn bộ quân địch bị tiêu diệt. Dây thép gai và mìn lấy từ trận địa của địch, được quân ta trải ra sườn đồi thành một bãi chướng ngại vật dày đặc, đề phòng quân địch phản kích.

Sau hơn 30 ngày đêm liên tục chiến đấu với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trận đánh tại C1 lúc này đã kết thúc. Phía Đông sông Nậm Rốm, hai tiểu đoàn 166 và 154 của Trung đoàn 209 tiến công các cứ điểm 505 và 505A (Dominiquc 3). Một đại đội của tiểu đoàn Lê dương dù 6 và những đơn vị lính Angiêri, lính Thái tại đây, do viên tiểu đoàn trưởng Sơ-nen (Chenel) chỉ huy, chống cự rất quyết liệt. Ta và địch giành giật nhau từng ụ súng, từng chiến hào. Vào lúc 2 giờ sáng ngày 2/5, Trung đoàn 209 tiêu diệt hoàn toàn hai cứ điểm này, chấm dứt sự tồn tại của trung tâm đề kháng Đô-mi-ních.

Trên cánh đồng phía Tây, trận đánh tiêu diệt cứ điểm 811A (Huguette 5) của trung đoàn 88 diễn ra rất nhanh chóng. Chiến thuật đánh lấn tiếp tục được phát huy. Với những đường hào đã đào xuyên qua hàng rào cứ điểm, bộ đội ta bất ngờ tổ chức xung phong. Toàn bộ đại đội Âu Phi vừa tới thay quân để tăng cường phòng thủ cứ điểm này, bị diệt gọn trong vòng không đầy 80 phút. Như vậy, ngay trong đêm đầu của đợt tiến công thứ ba, địch đã mất thêm bốn cứ điểm: C1, 505, 505A ở phía Đông và 311A ở phía Tây. Tại Hồng Cúm, trận vây ép đánh lấn khu C của Trung đoàn 57 đã tiêu hao nhiều sinh lực địch, nên sáng ngày 2/5, địch phải vội vã rút chạy khỏi đây.

Ngày 2/5, Nava vội vã từ Sài Gòn bay ra Hà Nội, triệu tập cuộc họp khẩn cấp bàn cách cứu vãn tình thế. Dự họp có Nava, Cônhi, Crevơcơ, Tư lệnh lực lượng Lào và những sỹ quan thuộc lực lượng lục quân ở chiến trường Bắc Việt Nam.

Ngày 4/5/1954, Cô-nhi điện cho Đờ-cát một số chỉ thị về cuộc rút chạy theo quyết định của Tổng chỉ huy: “Chỉ huy trưởng GONO được trao quyền lựa chọn cách thức và thời gian tuỳ theo sáng kiến của mình sau khi nhận được lệnh”. Cô - nhi chỉ thị cho Đờ-cát phải phá hủy các xe tăng, đại bác, tài liệu mật, mật mã và dụng cụ vô tuyến điện.

 Nhưng vẫn không quên nhấn mạnh: “Cho tới khi có lệnh mới, chỉ huy trưởng GONO phải duy trì nhiệm vụ chống cự tại chỗ, không được có tư tưởng rút lui”, phải hết sức giữ bí mật về kế hoạch và chuẩn bị thực hiện với sự thận trọng tối đa. Tuy nhiên, sau này báo chí được biết là ngay chính thời điểm ấy, mặc dù điện cho Đờ-cát nhưng Cô-nhi vẫn cho rằng, việc tháo chạy khỏi Điện Biên Phủ chỉ dẫn tới sự hy sinh vô ích...

17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy trung tâm, tướng Đờ-cát-tơ-ri cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng.

Đây là chiến thắng mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại, là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

B.T

Các tin khác
Các chiến sĩ Tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa giáo dục truyền thống thông qua những kỷ vật thời chiến cho thế hệ trẻ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vào những năm 1967 - 1968 có thể nói là cam go, khốc liệt nhất. Với khẩu hiệu: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, "Tất cả cho tiền tuyến”, chỉ trong 2 năm 1967 - 1968, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã xây dựng 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh với gần 3.000 quân lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú.

Sáng 26/4, tại Di tích Lịch sử quốc gia thành An Thổ (xã An Dân, huyện Tuy An), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (1/5/1904-1/5/2024).

Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh thăm, tặng quà ông Hoàng Hải Hồ, ở thôn 6, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ từ tháng 2/1954-11/1954.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ngày 26/4, đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đoàn công tác của tỉnh đã đến thăm và tặng quà gia đình thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện Lục Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục