Chia sẻ của tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2016 | 4:37:04 PM

Sau khi được Quốc hội khóa XIV chính thức bỏ phiếu tín nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ông Nguyễn Xuân Cường đã có những chia sẻ về nhiệm vụ của ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay với Báo điện tử Chính phủ.

Tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.
Tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

- Xin chúc mừng ông trên cương vị công tác mới. Được biết trải qua nhiều cương vị khác nhau, Bộ trưởng là người có quá trình khá gắn bó với ngành nông nghiệp. Vậy, ông nhìn nhận thế nào về tiến trình phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có tính chiến lược hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của nước ta, Đảng, Nhà nước luôn giành sự quan tâm đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân. Từ sau đổi mới đến nay, với nhiều cơ chế, chính sách đột phá, nông nghiệp tăng trưởng liên tục, bình quân đạt 3,75%/năm trong thời kỳ 1986-2009 và đạt 3,13%/năm trong thời kỳ 2011-2015.

Tuy vậy, nông nghiệp tăng trưởng chưa bền vững, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất hàng hóa nông sản còn thấp.

Đặc biệt, thu nhập của người dân nông thôn còn thấp (24,6 triệu đồng/người), thấp hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước (45,7 triệu đồng/người). Cơ sở vật chất-kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp còn yếu và lạc hậu, nhất là hạ tầng sản xuất thuỷ sản, lâm nghiệp, dịch vụ vận chuyển kho bãi và mạng lưới phân phối. Tình trạng  mất vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí ngày càng tăng, nhất là các vùng ven đô thị và khu công nghiệp...

- Nhiều nhìn nhận cho rằng khó khăn của ngành nông nghiệp hiện nay  do nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài và nội tại đan xen lẫn nhau. Vậy mục tiêu và hành động trước mắt Bộ trưởng đặt ra là gì?

Ông Nguyễn Xuân Cường:  Trước yêu cầu phát triển của ngành trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn. Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2016, cần chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh sản xuất, nhất là những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp để bù lại cho thiệt hại ngành trồng trọt trong 6 tháng đầu năm do hạn hán, xâm nhập mặn.

Trong lĩnh vực trồng trọt, cần chỉ đạo sát sao, cụ thể để phát triển sản xuất, khắc phục tăng trưởng âm thời gian qua, nhất là trên những đối tượng cây trồng chủ lực là lúa, cà phê, hồ tiêu, rau quả… Chú trọng bảo vệ phát triển rừng vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và rừng ngập mặn ven biển. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Về lâu dài, phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án về tái cơ cấu nông nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 và 6 đề án tái cơ cấu theo ngành, lĩnh vực đã được Bộ phê duyệt...  Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ  khẩn trương rà soát quy hoạch, phát huy lợi thế so sánh của các vùng trong cả nước.

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ quy hoạch diện tích sản xuất lúa gạo, phát huy lợi thế về nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.

Vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục phát triển các cây công nghiệp dài ngày cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái… theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ nâng cao giá trị gia tăng.

Vùng Nam Trung Bộ tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ, phát triển nông nghiệp tưới tiết kiệm nước vùng khô hạn, phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển. Vùng đồng bằng sông Hồng, ngoài các sản phẩm hiện có, khuyến khích mở rộng sản xuất rau quả, chăn nuôi.

Vùng miền núi phía Bắc chú trọng vào phát triển lâm nghiệp, trồng cây gỗ lớn, dược liệu, phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù có giá trị kinh tế cao theo từng vùng sinh thái đặc thù.

Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát về thể chế, chính sách để phù hợp với thực tiễn, khuyến khích sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tổ chức lại sản xuất, coi doanh nghiệp là “đầu tàu” trong liên kết, trong đó quan tâm đến lợi ích của nông dân; củng cố, phát triển HTX mới theo Luật HTX 2012 đã ban hành...

- Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) hiện là mối lo thường trực của người dân và dư luận xã hội. Đó cũng là vấn đề người tiền nhiệm của ông đã hai năm liên tiếp chọn làm trọng tâm hành động của Bộ NN&PTNT. Ông có định hướng cụ thể gì trong xử lý các vấn đề về ATTP trong giai đoạn tới?

Ông Nguyễn Xuân Cường:  Trong hai năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã xác định ATTP là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành. Đặc biệt đã phát động năm 2016 là năm cao điểm hành động vệ sinh, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tập trung nguồn lực, phối hợp các bộ ngành liên quan giải quyết căn cơ một số vấn đề ATTP nổi cộm...

Tuy nhiên, tỉ lệ vi phạm ATTP được phát hiện còn ở mức cao, chưa đáp ứng yêu cầu người dân. Các giải pháp trước mắt sẽ là tập trung nguồn lực thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ giao cho ngành nông nghiệp theo Luật An toàn thực phẩm và các quy định về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 13/2016/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý Nhà nước về ATTP.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành liên quan triển khai Chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ trong tuyên truyền, vận động và giám sát ATTP. Chúng tôi sẽ tăng cường công tác giám sát, thanh tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương trong kiểm soát ngăn chặn sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, hoá chất công nghiệp trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.

Các giải pháp trung, dài hạn được ngành nông nghiệp xác định là: Rà soát, đề xuất điều chỉnh thể chế và thiết chế quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng đơn giản hóa các quy định, thủ tục, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Cùng với đó sẽ rà soát, tích hợp các chính sách hiện có để đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định về các chính sách khuyến khích phát triển chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn; đặc biệt là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kênh phân phối nông sản thực phẩm an toàn, liên kết với hộ, HTX, cơ sở sản xuất hình thành chuỗi cung ứng nông sản an toàn gắn với chuỗi giá trị thực phẩm toàn cầu.

Cùng với  việc hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nông nghiệp, đào tạo nhân lực, phân cấp rõ ràng và ưu tiên bố trí nguồn lực cho các cấp, chúng tôi cũng sẽ tăng cường thông tin, truyền thông tạo niềm tin đối với nông sản Việt chất lượng, an toàn tại thị trường trong nước cùng với đẩy mạnh đàm phán tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản.

- Nhìn vào giá trị xuất khẩu nông lâm, thủy sản hằng năm thì mặt hàng thủy sản và lâm sản đã chiếm tỉ trọng gần một nửa trong giá trị kim ngạch. Tuy nhiên, người sản xuất trực tiếp trong hai lĩnh vực này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Bộ trưởng có suy nghĩ gì về điều này?

Ông Nguyễn Xuân Cường:  Tuy giá trị xuất khẩu lâm sản, thủy sản đạt được kết quả khá cao như vậy nhưng thực tế, giá trị mà người sản xuất trực tiếp được hưởng còn hạn chế. Theo tôi, có nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau. Tuy nhiên, để giảm thiểu khó khăn, nâng cao thu nhập, đời sống người sản xuất lâm nghiệp, thủy sản, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chính sau:

Thứ nhất là tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả hơn. Liên kết các tổ chức, cá nhân trong các công đoạn để xây dựng các chuỗi giá trị, các sản phẩm chủ lực. Lấy doanh nghiệp làm nòng cốt nhưng quan tâm đặc biệt đến vai trò, lợi ích của người trực tiếp sản xuất.

Cần đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các nông lâm trường quốc doanh theo chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ, các phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tạo điều kiện hơn nữa về đất đai cho người trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng.

Thứ hai là đẩy mạnh khoa học - công nghệ vào sản xuất lâm nghiệp, thủy sản, ứng dụng công nghệ sinh học vào chọn tạo giống, phát triển công nghệ bảo quản, chế biến. Hướng dẫn người dân áp dụng các công nghệ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, mang lại lợi nhuận cao hơn.

Cùng với đó, các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chính sách để tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, trong đó đặc biệt quan tâm đến các chính sách hỗ trợ cho người trồng, bảo vệ rừng, nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Cần huy động các nguồn lực để đầu tư vào lâm nghiệp, thủy sản, trong đó quan tâm đến phát triển hạ tầng sản xuất; sản xuất nguyên liệu phụ trợ phục vụ sản xuất, xuất khẩu; phát triển các cơ sở chế biến, dịch vụ để mang lại điều kiện tốt hơn cho người dân phát triển sản xuất.

Chúng ta cũng cần rà soát, tổ chức lại bộ máy để hướng đến mục tiêu phục vụ tốt hơn cho người sản xuất và doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản cả trong nước và nước ngoài.

- Quan điểm của ông về vấn đề thông tin của ngành nông nghiệp trong thời gian tới ra sao? Việc duy trì họp báo về các vấn đề thuộc ngành sẽ được tiến hành định kỳ vào thời gian như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Cường:  Bộ NN&PTNT sẽ đổi mới công tác cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình sản xuất nông nghiệp và nông thôn, về hoạt động chỉ đạo điều hành của Bộ thực hiện những nhiệm vụ được giao. Bộ đã ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo Bộ cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí theo các nhiệm vụ được Bộ phân công.

Hằng tháng, sau khi họp giao ban thường kỳ, Bộ tiếp tục tổ chức họp báo, ra thông cáo báo chí hoặc gặp gỡ các cơ quan báo chí để cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, thị trường, tiêu thụ nông, lâm thủy sản, kết quả thực hiện các chương trình kinh tế-xã hội lớn do Bộ triển khai thực hiện.

Bộ NN&PTNT mong muốn thông qua các cơ quan báo chí, các vấn đề nông nghiệp, nông thôn được chuyển tải nhanh chóng, chân thực tới công luận, để qua đó hỗ trợ hiệu quả cho công tác chỉ đạo điều hành của Bộ, hỗ trợ bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế thúc đẩy sản xuất và nâng cao đời sống.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Theo Chinhphu.vn)

Các tin khác

Tiếp tục Chương trình công tác, ngày 29/3, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra Dự án đường kết nối huyện Mường La, tỉnh Sơn La, các huyện Than Uyên, Tân Uyên, tỉnh Lai Châu và các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên của tỉnh Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn từ xã Nậm Có đến đỉnh Tà Cua Y.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.

Ngày 29/3, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan thanh tra. Đồng chí Dương Quốc Huy - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  chủ trì họp Phiên thứ 10 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải

Thủ tướng nhấn mạnh, khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn, đòi hỏi các các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Sáng nay - 29/3, đồng chí Đỗ Đức Duy - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tiêu cực (BCĐ PCTNTC) tỉnh đã chủ trì Phiên họp thứ 8 của BCĐ để đánh giá kết quả hoạt động quý I, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục