Xây dựng thị xã Nghĩa Lộ ngày càng giàu đẹp, văn minh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/9/2016 | 9:21:30 AM

YBĐT - 45 năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ đã phát huy những yếu tố thuận lợi, nỗ lực khắc phục khó khăn đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trong phát triển kinh tế, xã hội, phấn đấu xây dựng Nghĩa Lộ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực miền Tây tỉnh Yên Bái.

Lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ kiểm tra tình hình thực tế tại doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn.
Lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ kiểm tra tình hình thực tế tại doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thị xã có tên phố Nghĩa Lộ. Sau năm 1952, Nghĩa Lộ đổi tên là thị trấn Nghĩa Lộ, thuộc châu Văn Chấn. Do yêu cầu phát triển của khu vực Tây Bắc, năm 1962, tỉnh Nghĩa Lộ ra đời. Thị trấn Nghĩa Lộ lúc này thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Nghĩa Lộ.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Nghĩa Lộ, Chi bộ thị trấn Nghĩa Lộ đã tập trung lãnh đạo xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, mở mang thương nghiệp, giao thông - vận tải; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và góp phần cùng cả nước đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện sức người, sức của để giải phóng miền Nam.

Chi bộ thị trấn Nghĩa Lộ không ngừng được củng cố, trưởng thành, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tạo tiền đề vững chắc cho sự ra đời của Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ.

Ngày 8/10/1971, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 190/CP thành lập thị xã Nghĩa Lộ bao gồm: thị trấn Nghĩa Lộ với một phần của các xã: Nghĩa An, Nghĩa Phúc, Nghĩa Lợi huyện Văn Chấn. Theo đó, ngày 10/12/1971, Đảng bộ thị xã chính thức thành lập.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, với vị trí vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Nghĩa Lộ, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ đã chủ động đề ra những biện pháp kịp thời nhằm duy trì sản xuất, giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, sẵn sàng chiến đấu.

Trong đó, công tác phòng không, sơ tán, phân tán, chiến đấu, phục vụ chiến đấu được tổ chức có hiệu quả. Quân và dân Nghĩa Lộ đã liên tục giáng trả những đòn đích đáng, đập tan chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược; tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Do yêu cầu tổ chức lại sản xuất, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và tập trung xây dựng cấp huyện gắn với định canh, định cư, vùng kinh tế mới để có nền sản xuất phát triển toàn diện, ngày 4/3/1978, Hội đồng Chính phủ quyết định hợp nhất thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn thành một đơn vị hành chính lấy tên là huyện Văn Chấn. Thị xã Nghĩa Lộ chuyển thành thị trấn Nghĩa Lộ thuộc huyện Văn Chấn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thị trấn Nghĩa Lộ, nhân dân ra sức thực hiện công cuộc khôi phục và xây dựng kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển văn hóa - xã hội. Nhiều năm liền, thị trấn Nghĩa Lộ là đơn vị đi đầu trong phong trào thi đua của huyện Văn Chấn.

Năm 1995, thị xã Nghĩa Lộ được tái lập gồm 4 phường: Trung Tâm, Cầu Thia, Pú Trạng, Tân An. Ngày 24/12/2003, Chính phủ ra Nghị quyết số 167/2003/NĐ-CP về việc mở rộng địa giới hành chính của thị xã, sáp nhập thêm 3 xã gồm Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc thuộc huyện Văn Chấn. Nghĩa Lộ nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức, lãnh đạo nhân dân xây dựng và phát triển quê hương. Sau hai mươi năm tái lập, thị xã đã có bước phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong thời kỳ đổi mới, là thị xã trực thuộc tỉnh, có quốc lộ, tỉnh lộ nối với trung tâm các huyện trong vùng và một số tỉnh lân cận; có bề dày về lịch sử cách mạng, truyền thống văn hóa với những giá trị văn hóa đặc sắc tiêu biểu của vùng Tây Bắc...

Trên cơ sở điều kiện thực tế, thị xã Nghĩa Lộ đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực, đem lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Qua đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15,35%/năm, trong đó, năm 2015 đạt 16% (giá cố định 1994). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp, thủy sản.

Đặc biệt, thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, trở thành ngành kinh tế chủ đạo. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,6%/năm. Công nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, phát triển ổn định; kinh tế nông nghiệp, nông thôn đạt nhiều thành tựu mới theo hướng toàn diện, sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Thị xã đã xây dựng quy hoạch, đề án dài hạn như: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020; quy hoạch chung xây dựng thị xã giai đoạn 2011 - 2030; Đề án Xây dựng thị xã Văn hóa - Du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2013 - 2020; các quy hoạch chi tiết về đất đai, quy hoạch đô thị, nông thôn...

Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; công tác giảm nghèo được quan tâm; sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, dân số, gia đình và trẻ em có nhiều tiến bộ. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, đảm bảo thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chiến lược bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng. Năng lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền được nâng lên; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục đổi mới tích cực; cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; không xảy ra các vụ việc phức tạp, các điểm nóng, bức xúc kéo dài.

Nhìn lại chặng đường 45 năm từ khi thành lập thị xã (1971 - 2016), Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ đã luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, lãnh đạo nhân dân các dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng ở địa phương, góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung của tỉnh và cả nước.

Phát huy những thành tựu đạt được, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc thị xã quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền nùi phía Bắc, cùng cả nước xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Giai đoạn 2015 - 2020, Đảng bộ thị xã đã đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu và 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu thực hiện. Nghĩa Lộ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát triển kinh tế đạt mức tăng trưởng ổn định, bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - hiện đại hóa; tăng cường đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế, xã hội, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, công trình giao thông, các thiết chế văn hóa quan trọng và các khu dân cư đô thị mới.

Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tập trung thực hiện thắng lợi Đề án Xây dựng thị xã Văn hóa - Du lịch giai đoạn 2013 - 2020; phấn đấu  xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa, trung tâm thương mại - du lịch khu vực phía Tây của tỉnh, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2020.

Du khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm ở Làng văn hóa, du lịch xã Nghĩa An.

Theo đó, Nghĩa Lộ đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại - du lịch, xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn, khâu đột phá, đạt tốc độ tăng trưởng cao. Quy hoạch mới và hình thành khu vực thương mại, dịch vụ, du lịch phía Đông - Bắc thị xã; quy hoạch quỹ đất có lợi thế để thu hút phát triển thương mại, dịch vụ.Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng mô hình du lịch cộng đồng; xây dựng thương hiệu du lịch Mường Lò theo hướng du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái nông nghiệp...

Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, tạo năng lực sản xuất mới. Quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng các điểm công nghiệp, tăng cường mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thu hút đầu tư các ngành mới có nhiều lợi thế về nguyên liệu và lao động của vùng, mời gọi đầu tư một số cơ sở sản xuất công nghiệp mới như: dệt may, lắp ráp cơ khí, điện tử...

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Quan tâm liên kết vùng Mường Lò sản xuất nông nghiệp đa dạng hàng hóa, nhân rộng các mô hình cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Quan tâm chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn được hỗ trợ, lồng ghép các chương trình, dự án, huy động nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch... Huy động các nguồn lực thực hiện công tác quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, gắn với phát triển đô thị. Phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành cơ bản các tiêu chí đô thị loại III.

Quan tâm phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp học ổn định theo hướng chuẩn hóa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển giáo dục mũi nhọn. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện tốt các chính sách xã hội; phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng các thiết chế văn hóa, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành mục tiêu xây dựng thị xã văn hóa; khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc vùng Mường Lò; nâng cao chất lượng công tác y tế, thực hiện tốt các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc trẻ em.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền; đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

45 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, kiên định con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Qua đó, tập hợp thành sức mạnh đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ cùng với sự quan tâm, đầu tư, giúp đỡ của tỉnh và các bộ, ban, ngành trung ương… kết hợp với sức sáng tạo của nhân dân các dân tộc thị xã đã làm thay đổi từ một vùng đất nghèo nàn, lạc hậu trở thành một đô thị với dáng vẻ hiện đại nhưng vẫn bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc nơi đây và đang hướng tới mục tiêu phấn đấu xây dựng Nghĩa Lộ trở thành thị xã Văn hóa - Du lịch vào năm 2020.

Lò Thị Huân
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,
Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Nghĩa Lộ

Các tin khác
Quang cảnh lễ tiễn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay quốc tế Hong Kong, Trung Quốc.

Chiều 15/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO), Hội nghị Thượng đỉnh thương mại, đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CABIS) lần thứ 13 và thăm Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong từ ngày 10-15/9.

Đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái phát biểu kết luận Hội nghị.

YBĐT - Ngày 15/9, Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh học tập, quán triệt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Tại Hội nghị, đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái đã phát biểu kết luận về các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện Chỉ thị số 05 và hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016. Báo Yên Bái xin trích đăng kết luận của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy:

YBĐT - Sáng 15/9, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt học tập, quán triệt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa.

Ngày 14/9, trong khuôn khổ Khoá họp thứ 33 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) tại Geneva (Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đã phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao kỷ niệm 5 năm thông qua Tuyên bố LHQ về giáo dục và đào tạo về quyền con người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục