Khắc ghi lời Bác
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/9/2016 | 7:08:28 AM
YBĐT - Bác Hồ lên thăm Yên Bái là sự kiện to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhưng đối với người dân thị xã Yên Bái trước đây và các huyện lân cận được đi dự buổi mít tinh, được nghe Bác nói chuyện thì đây là kỷ niệm không thể nào quên.
Bác Hồ nói chuyện với đồng bào các dân tộc Yên Bái tại Sân vận động thị xã Yên Bái ngày 25/9/1958.
|
Tin Bác lên Yên Bái lan rất nhanh, khắp các khu phố ở thị xã tỉnh lỵ đến các xã thuộc huyện Trấn Yên, Yên Bình. Từ chiều ngày 23/9/1958, được tin Bác đến thăm, bà con các khu phố từ Lò Vôi đến bến phà Âu Lâu vào khu vực Nam Cường đã bảo nhau ra đường làm vệ sinh, nhất là khu vực ga Yên Bái được dọn dẹp và sửa sang sạch đẹp. Ai cũng muốn góp sức cho phố xá, thôn xóm, nhà cửa sạch đẹp hơn để Bác vui lòng. Ông Lê Văn Khải nhà ở xóm Giếng (gần khu ga Yên Bái) kể lại: “Thời điểm cuối tháng 9, tiết trời đã sang thu, tạnh nắng nhưng mát mẻ càng khiến mọi người háo hức được đi dự mít tinh, được trông thấy Bác và nghe Bác nói chuyện”.
Đầu giờ chiều ngày 24/9 hàng trăm đại biểu thay mặt các đoàn thể, đại diện các dân tộc và rất nhiều người dân thị xã Yên Bái đã tập trung ở ga Yên Bái để đón Bác. Tàu hỏa từ hướng Lào Cai hú một hồi còi dài vào ga rồi từ từ dừng bánh và Bác bước ra từ trong khoang. Người vận quần áo màu gụ, đi dép cao su, vẫy tay chào đồng bào. Cảnh tượng hết sức xúc động và nhiều người muốn rơi nước mắt. Các cháu thiếu nhi dâng hoa và chúc mừng Bác. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại diện các ban, ngành tiến lên đón Bác cùng đoàn đại biểu Chính phủ.
Cụ Nguyễn Huy Hảo - cán bộ tiền khởi nghĩa ở phường Nguyễn Thái Học kể lại: “Tôi là chiến sỹ quân đội được phân công làm nhiệm vụ bảo vệ sự kiện Bác Hồ lên Yên Bái ngày 25/9/1958. Nhận nhiệm vụ đặc biệt và lòng rất đỗi tự hào. Nhìn thấy Bác, tôi vẫn giữ nguyên điều lệnh quân nhân, đứng nghiêm kính chào Bác. Dù vậy, trong lòng thấy bồi hồi, xúc động mạnh. Tôi thầm hứa với Bác rằng, mình sẽ cố gắng, rèn luyện, phấn đấu công tác tốt, chiến đấu dũng cảm để xứng đáng là cháu con của Bác”.
Chiều hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu các ban, ngành, đoàn thể và các huyện thị. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy báo cáo tình hình kinh tế, xã hội sau 4 năm khôi phục và phát triển kinh tế. Bác tươi cười khen ngợi những thành tích của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Thời gian tuy ngắn ngủi, Bác đã ân cần chỉ bảo cặn kẽ, nhắc nhở Đảng bộ và chính quyền phải chăm lo đời sống của đồng bào từ việc to, việc nhỏ, làm sao đời sống được cải thiện, ai cũng có cơm ăn áo mặc, các cháu được học hành. Bác còn hỏi việc cung cấp thuốc chữa bệnh, muối, dầu hỏa, kim chỉ thêu đối với đồng bào đến đâu? Bao nhiêu cháu còn chưa biết chữ, bệnh sốt rét, bướu cổ đã giảm chưa? Bác quay lại nhắc bác sĩ Bộ trưởng Bộ Y tế - Phạm Ngọc Thạch cử đội y tế lên giúp đỡ đồng bào. Bác còn hỏi các thủ tục ma chay, cưới xin, tảo hôn, đánh vợ... Bác nói phải kiên trì, thuyết phục và vận động còn lâu dài gian khổ.
Ông Hoàng Long Giang - đảng viên 68 năm tuổi Đảng, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Yên Bình bồi hồi nhớ lại: “Tại Văn phòng Tỉnh ủy, Bác tới bắt tay đoàn cán bộ lãnh đạo huyện Yên Bình và nhắc nhở: “Nhiệm vụ của các chú là rất vất vả và các chú phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên phải luôn đi trước”.
Chúng tôi chăm chú nghe lời căn dặn của Bác và sau đó luôn đoàn kết, sáng tạo, vượt khó vươn lên. Có lẽ, nhờ lời chỉ dạy, động viên của Bác hôm ấy mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình đã thực hiện thành công cuộc chuyển dân quy mô lớn để xây dựng hồ thủy điện Thác Bà sau đó ít năm.
Sáng 25/9/1958, hàng ngàn đồng bào đã tập trung tại sân vận động thành phố Yên Bái bây giờ để dự mít tinh. Nhiều người từ Việt Thành, Nga Quán (Trấn Yên) phải đi bộ từ 3, 4 giờ sáng, tất cả với chỉ một mong muốn là được nhìn thấy Bác, được nghe Bác nói chuyện. Buổi mít tinh bắt đầu và Bác bước lên lễ đài trong bộ ka ki màu vàng đã nhạt màu. Hàng ngàn đồng bào vẫy cờ, hoa, hô vang khẩu hiệu: "Hồ Chủ tịch muôn năm;", "Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!".
Trong bài nói chuyện của mình với cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc Yên Bái, Bác Hồ căn dặn nhiều điều, trong đó có vấn đề rất đáng chú ý, đó là "Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi, liệu các cô các chú có hứa với Bác thực hiện được không?". 58 năm sau ngày Bác lên Yên Bái, nhân dân các dân tộc trong tỉnh vẫn luôn khắc ghi lời Bác dạy và đã đưa vào Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII và được các cấp, các ngành cùng toàn thể nhân dân ra sức phấn đấu, biến mục tiêu đó thành hiện thực.
Lê Phiên
Các tin khác
Sau 8 ngày rưỡi làm việc, sáng 22/9, Phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã bế mạc sau khi các đại biểu cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về hội.
Đây là lần đầu tiên Sách Xanh về Ngoại giao Việt Nam được công bố nhằm giới thiệu chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng, dù còn nghèo khó nhưng mọi gia đình vẫn luôn cố gắng hy sinh, chắt chiu để chăm lo, dành cho con em mình cơ hội và điều kiện được học tập, với niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp.
Ngày 21/9, tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Hội nghị lần thứ ba giữa Ủy ban thuộc Quốc hội của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia đã diễn ra với chủ đề “Tiếp tục tăng cường chức năng giám sát Nghị viện và trách nhiệm của các Ủy ban tương ứng trong việc đánh giá tiến độ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh ở khu vực Tam giác phát triển - CLV, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN lớn mạnh.”