Văn hóa, xã hội - những thành tựu đáng tự hào
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/9/2016 | 7:13:50 AM
YBĐT - Trong chặng đường 116 năm hình thành và phát triển (từ năm 1900) với bao dấu ấn lịch sử, nhưng có thể khẳng định, ngày 1/10/1991 là một trong những dấu mốc cực kỳ quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Tuổi trẻ Yên Bái nguyện cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc quyết tâm xây dựng Yên Bái thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. (Ảnh: Tư liệu)
|
Đây là ngày đầu tiên bộ máy của tỉnh chính thức đi vào hoạt động sau khi chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh (Yên Bái và Lào Cai) theo quyết định của Kỳ họp thứ IX, Quốc hội khóa VIII.
So với chặng đường hình thành và phát triển trên trăm năm qua, quãng thời gian 25 năm tái lập chưa thật dài, nhưng khoảng thời gian này đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của tỉnh miền núi, thể hiện sinh động trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng Đảng… và đặc biệt là trên lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Thực tiễn cho thấy, quyết định tái lập tỉnh Yên Bái của Quốc hội khóa VIII là hoàn toàn đúng đắn. Vì sau khi tái lập, tỉnh Yên Bái có diện tích tự nhiên 6.807 km2, với 7 huyện, 2 thị xã, 175 xã, phường, như vậy, không chỉ hợp về quy mô, diện tích mà còn khôi phục lại truyền thống, cố kết đã được hình thành và thử thách qua thời gian. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, tỉnh cũng gặp muôn vàn khó khăn với bao bộn bề công việc cần làm của một tỉnh tái lập, trong đó văn hóa - xã hội cũng tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết.
Theo số liệu điều tra ngày mới tái lập, cứ 5 người dân Yên Bái mới có 1 người đi học; trung bình 1 xã, phường trong tỉnh mới có 1,7 trường phổ thông cơ sở; 1 huyện, thị mới có 1,6 trường phổ thông trung học. Cơ sở vật chất trường lớp hầu hết là nhà tranh, tre, nứa, lá. Toàn tỉnh mới có 91/175 xã phường đạt phổ cập tiểu học; có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú cho 1.600 học sinh. Đội ngũ nhân lực, nhất là ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thiếu trầm trọng, điều này đã dẫn tới tỷ lệ mù chữ còn cao.
Cùng giáo dục, mạng lưới y tế, nhất là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế do thiếu cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực. Từ công tác phòng, chống dịch còn hạn chế nên nhiều dịch bệnh như: bướu cổ, sốt rét, lao… còn tồn tại; dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Trong đời sống nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn tồn tại nhiều hủ tục, đặc biệt là tình trạng du canh du cư, tảo hôn, thách cưới cao, ma chay dài ngày, sinh đẻ không kế hoạch, nghiện hút thuốc phiện…
Vượt lên những khó khăn, thử thách đó, dưới ánh sáng nghị quyết của Đảng, sự đầu tư của Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, sự lãnh đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sau 25 năm tái lập, Yên Bái đã lập lên những kỳ tích trên tất cả các mặt, đặc biệt là văn hóa - xã hội.
Bộ mặt giáo dục - đào tạo được thay đổi hoàn toàn khi mạng lưới trường, lớp được phát triển rộng khắp từ vùng thấp đến vùng cao với 589 cơ sở giáo dục (số liệu năm 2015). Các ngành học, bậc học được quy hoạch phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục trên từng địa bàn, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em từ mầm non đến THPT, từng bước xây dựng xã hội học tập. Tỉnh đã đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở và chuẩn quốc gia về giáo dục tiểu học và mầm non (180 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 178/180 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi).
Từ tranh, tre, nứa lá, cơ sở vật chất trường, lớp học từng bước được đầu tư, chuẩn hoá, tỷ lệ phòng học kiên cố đến nay đã đạt 69%. Giáo dục mũi nhọn, giáo dục vùng cao được quan tâm, hệ thống trường nội trú, bán trú tiếp tục mở rộng. Trong đó, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh đứng thứ 2 trong toàn quốc; Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành được đầu tư xây dựng khang trang, cơ sở vật chất hiện đại nằm trong tốp các trường chuyên có chất lượng cao; toàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú.
Với 14.496 cán bộ, giáo viên (3/2016), những khó khăn, bất cập về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên được giải quyết căn bản, đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được chuẩn hóa; ngày càng có nhiều nhà giáo đạt danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” và giáo viên dạy giỏi toàn quốc. Từ sự đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực, chất lượng giáo dục của tỉnh được nâng lên.
Chỉ trong 5 năm trở lại đây, học sinh của Yên Bái đã đạt trên 600 giải cấp quốc gia, đặc biệt có 1 học sinh đạt giải kỳ thi Olympic Vật lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương; có 5 học sinh thi đỗ thủ khoa vào các trường đại học hàng đầu quốc gia; tỷ lệ học sinh Yên Bái thi đỗ đại học, cao đẳng đạt trên 35%. Tỉnh cũng đã hình thành mạng lưới dạy nghề tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố, trong đó, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định là một trong 40 trường cao đẳng nghề chất lượng cao đến năm 2020…
Quy mô, mạng lưới trường lớp được đầu tư đồng bộ nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. (Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành trong giờ thực hành môn Hóa học).
Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Các cơ sở khám, chữa bệnh được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất và trang thiết bị; đã triển khai được nhiều kỹ thuật vượt tuyến tại tuyến tỉnh, huyện; các chính sách đào tạo, thu hút cán bộ y tế vào các cơ sở khám, chữa bệnh công lập có kết quả bước đầu. Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 500 giường, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ được xây dựng khang trang, với trang thiết bị hiện đại đã nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân lên một bước phát triển mới.
Công tác y tế dự phòng được đẩy mạnh, công tác giám sát và phòng, chống dịch bệnh đã được triển khai hiệu quả, do đó các dịch bệnh nguy hiểm đã được phát hiện sớm, khống chế kịp thời. Từ các chiến dịch truyền thông, lồng ghép với cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến vùng tập trung đông dân cư, vùng có mức sinh cao và vùng đặc biệt khó khăn mà tỷ lệ giảm sinh hằng năm đạt 0,3‰.
Đến nay, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 19%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 1,086%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm phòng đầy đủ 8 loại vắc - xin đạt 98,5%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế đạt trên 30%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 56%...
Sau 25 năm, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. (Trong ảnh: Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ thực hiện tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng Laser).
Sau 25 năm tái lập, đời sống văn hóa của nhân dân được nâng lên một bước. Qua thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hết năm 2015, toàn tỉnh có 48% làng, bản, tổ dân phố, 72% hộ gia đình, 77% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa; đã xây dựng được 1.230 nhà văn hoá làng, bản, khu phố bằng nguồn ngân sách hỗ trợ và nguồn xã hội hóa. Qua đó, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc được bảo tồn và phát huy; nhiều hủ tục trong việc cưới, việc tang và lễ hội được loại bỏ.
Đặc biệt, Đề án Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ đến năm 2020 có kết quả bước đầu khá khả quan; tỉnh cũng đã công nhận trên 66 di tích cấp tỉnh và 13 di tích cấp quốc gia. Đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú khi báo chí, phát thanh - truyền hình phát triển theo hướng truyền thông đa phương tiện; mạng lưới viễn thông có độ phủ rộng khắp, chất lượng cao, công nghệ hiện đại, có khả năng nâng cấp để đáp ứng các dịch vụ mới, tỷ lệ xã có Internet đạt 100%.
Hoạt động thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư khá toàn diện. Đến nay, tỷ lệ số người tập luyện thường xuyên đạt 30%. Trung bình mỗi năm vận động viên của Yên Bái đạt được 55 - 60 huy chương các loại tại các giải đấu toàn quốc và quốc tế; hằng năm đều có đóng góp cho đội tuyển quốc gia từ 8 - 10 vận động viên thi đấu tại các kỳ Seagames và các giải đấu quốc tế khác.
Dù còn nhiều khó khăn của một tỉnh miền núi, nhưng những chính sách xã hội ngày càng được thực hiện tốt. Mỗi năm, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho trên 17.500 người, tỷ lệ lao động không có việc làm ở khu vực thành thị giảm xuống còn dưới 3,8%. Chính sách với người có công, chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, đảm bảo chi trả trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho gần 7.000 người; làm mới hàng nghìn căn nhà cho hộ chính sách...
Công tác giảm nghèo được chỉ đạo quyết liệt, bình quân mỗi năm giảm 4% hộ nghèo; hằng năm còn cấp trên 460.000 thẻ bảo hiểm y tế, nâng tỷ lệ dân số hưởng bảo hiểm y tế đạt gần 85%, cao hơn mức trung bình cả nước 20%.
25 năm - chặng đường đó đã tạo dấu ấn đậm nét trong quá trình xây dựng và phát triển của Yên Bái kể từ ngày thành lập. Hôm nay, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, cùng cả nước, tỉnh Yên Bái đang trên đường phát triển và hội nhập. Dưới sự chỉ đạo sát sao, đúng đắn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự đồng lòng quyết tâm của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trên chặng đường mới, chúng ta chắc chắn sẽ tiếp tục giành nhiều thành công trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Nguyễn Đình
Các tin khác
Tổng Bí thư cho biết, Việt Nam luôn sẵn sàng ủng hộ và phối hợp với Philippines hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2017.
Trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị Liên bang Myanmar, ngày 29/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Thượng viện Liên bang Myanmar Mahn Win Khaing Than; hội kiến Chủ tịch Hạ viện Liên bang Myanmar Win Myint.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm chính thức Việt Nam từ ngày 28-29/9.
YBĐT - Sáng 29/9, Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị giao ban khối các ban và cơ quan xây dựng Đảng tỉnh để đánh giá tình hình, kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ 9 tháng năm 2016, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2016.