Xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/9/2016 | 12:20:55 PM
YBĐT - Chính sách của Nhà nước trong Luật Phổ biến, giáo dục Pháp luật (PBGDPL) là xã hội hóa nhằm động viên sự tham gia của toàn xã hội, cải thiện nhận thức cho người dân và nâng cao chất lượng của công tác này.
Tuyên truyền PBGDPL cho người dân xã Mông Sơn, huyện Yên Bình.
(Ảnh: Quỳnh Nga)
|
Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Cường - Giám đốc Sở Tư pháp về những vấn đề liên quan nhằm nêu lên được những mặt tích cực của việc xã hội hóa công tác PBGDPL và những giải pháp để thực hiện thành công công tác này trên địa bàn tỉnh.
P.V: Xin ông cho biết những mặt tích cực của việc xã hội hóa PBGDPL?
Ông Nguyễn Huy Cường: Xã hội hóa công tác PBGDPL là một nhu cầu khách quan, là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta nhằm huy động sức mạnh vật chất và tinh thần của toàn xã hội phục vụ cho công tác này, giảm bớt việc cơ quan hành chính Nhà nước phải trực tiếp đảm nhận nhiều công việc cùng một lúc dẫn đến tình trạng làm việc hời hợt, thiếu hiệu quả trong khi công việc này đáng lẽ để xã hội tự giải quyết, vừa giảm được biên chế, tinh gọn bộ máy, giảm chi ngân sách vừa phục vụ nhân dân nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Xã hội hóa công tác PBGDPL sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động truyền tải các văn bản, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ và nhân dân một cách nhanh chóng. Hàng năm, Nhà nước ban hành rất nhiều văn bản pháp luật rồi lại thường xuyên sửa đổi, bổ sung các văn bản được ban hành trước đó, gây không ít khó khăn cho công tác PBGDPL, trong khi nguồn nhân lực và kinh phí có hạn dẫn đến không thể phổ biến kịp thời các văn bản luật này đến cán bộ, nhân dân.
Nếu xã hội hóa được công tác PBGDPL thì vấn đề này sẽ được giải quyết, cán bộ và nhân dân sẽ được tiếp cận pháp luật dễ dàng và đồng bộ hơn, đồng thời chất lượng trong công tác tuyên truyền cũng được nâng cao hơn. Xã hội hóa công tác PBGDPL còn góp phần quan trọng trong việc tạo điều kiện, cơ sở vật chất, nhân lực cho công tác này.
Một khi đã được xã hội hóa, cơ sở vật chất cho PBGDPL sẽ được tăng cường đầu tư, các điều kiện phục vụ khác cho công tác này sẽ được bảo đảm do thu hút được sự tham gia của toàn xã hội, trong đó có những người có tâm huyết, kiến thức, am hiểu pháp luật tham gia vào công tác này như các cán bộ hưu trí, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng… cùng với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật một cách hiệu quả.
P.V: Để thực hiện tốt việc xã hội hóa PBGDPL, chúng ta cần khắc phục những khó khăn gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Cường: Để có thể xã hội hóa công tác PBGDPL trên thực tế là cả một vấn đề không đơn giản nói là làm được ngay. Chúng ta có thể hiểu rằng, xã hội hóa công tác PBGDPL là quá trình Nhà nước tạo điều kiện khuyến khích và có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác này. Tất nhiên, sự tham gia cụ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở đây là quá trình đóng góp vật chất, trí tuệ, công sức cho công tác này. Còn chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với họ cụ thể như thế nào, đến đâu là vấn đề cần phải bàn.
Hơn nữa, bản chất của công tác PBGDPL là hoạt động không thu phí, không đưa lại lợi ích ngay trước mắt nên rất khó có thể huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác này, trừ những người thực sự có tâm huyết với cộng đồng, xã hội.
Lâu nay, mọi người đều quan niệm PBGDPL là nhiệm vụ của Nhà nước vì chỉ có Nhà nước mới có đủ nguồn lực, điều kiện cần thiết để làm việc đó, hơn nữa liệu sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có thực sự trong sáng hay nhằm ý đồ lợi dụng để tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách, bản chất của Nhà nước ta. Đây cũng là mặt trái của xã hội hóa công tác PBGDPL mà Nhà nước cần dự lường cơ chế để kiểm soát chứ không thể thả nổi được.
Một vấn đề nữa đặt ra là Nhà nước sẽ quản lý công tác PBGDPL như thế nào khi việc xã hội hóa công tác này đã bắt đầu đi vào hiện thực cuộc sống, xã hội hóa một số lĩnh vực hay tất cả, là những câu hỏi cần được nghiên cứu giải đáp thỏa đáng.
Theo tôi, xã hội hóa công tác PBGDPL không có nghĩa là Nhà nước chuyển giao hay phó thác nhiệm vụ của mình cho các cá nhân, tổ chức, mà là tạo khung pháp lý, tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia vào công tác này sao cho có hiệu quả nhất. Hiện tại cũng như trong tương lai, Nhà nước vẫn phải kiểm soát và là chủ thể chính của công tác này.
P.V: Xin ông cho biết một số giải pháp để thực hiện thành công xã hội hóa PBGDPL ở tỉnh Yên Bái?
Ông Nguyễn Huy Cường: Đối với toàn xã hội nói chung, tỉnh Yên Bái nói riêng, để xã hội hóa công tác PBGDPL, Nhà nước ta cần có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút đầu tư, vận động được sự tham gia của mọi người, đặc biệt là những người có tâm huyết và năng lực.
Ví dụ: khi có một doanh nghiệp tham gia đầu tư cho công tác PBGDPL, thì Nhà nước nên có chính sách ưu đãi về thuế, về vay vốn khi doanh nghiệp cần; đối với cá nhân thì Nhà nước cần tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ, tạo điều kiện miễn, giảm một số nghĩa vụ khác mà họ phải thực hiện với Nhà nước để họ phục vụ cho công tác này…
Cần thí điểm việc xã hội hóa một số lĩnh vực của công tác PBGDPL ở một số địa phương, qua đó đánh giá mức độ thành công, sau đó mới tiến hành nhân rộng. Từ hoạt động thực tiễn rút ra những kinh nghiệm cụ thể, có kế hoạch phát triển lâu dài; hoàn thiện hệ thống pháp luật về PBGDPL, trong đó quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi tham gia công tác PBGDPL; tích cực vận động và cung cấp thông tin về xã hội hóa PBGDPL nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Cuối cùng là việc khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong công tác xã hội hóa PBGDPL.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thiên Cầm (Thực hiện)
Các tin khác
Sáng 30/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và chỉ đạo Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020.
Chiều 29/9 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Philippines (Phi-líp-pin) Rodrigo Roa Duterte (Rô-đờ-ri-gô Roa Đu-tơ-tê).
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa Philippines Rodrigo Roa Duterte đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 28-29/9. Nhân dịp chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung. Cổng TTĐT Chính phủ xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung.