Nghĩa Lộ 45 mùa ban nở
- Cập nhật: Thứ năm, 6/10/2016 | 2:45:24 PM
YBĐT - Được thành lập ngày 8/10/1971, trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, thị xã Nghĩa Lộ hôm nay đã trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ khu vực phía Tây của tỉnh, hứa hẹn trở thành thị xã văn hóa - du lịch vào năm 2020.
Một góc thị xã Nghĩa Lộ hôm nay.
|
45 năm trước, ngày 8/10/1971, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 190/CP thành lập thị xã Nghĩa Lộ, bao gồm thị trấn Nghĩa Lộ với một phần của các xã Nghĩa An, Nghĩa Phúc, Nghĩa Lợi của huyện Văn Chấn.
Ông Đồng Văn Nghịch - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy Nghĩa Lộ nhiệm kỳ 1973 - 1976 cho biết: "Những năm đầu thành lập, thị xã đã tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống chính trị, triển khai các nhiệm vụ và chỉ đạo nhân dân tổ chức phòng không, sơ tán, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, làm tốt nhiệm vụ của hậu phương đối với tiền tuyến; đồng thời, ra sức thi đua khôi phục và phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước cải thiện đời sống nhân dân".
Với nhiều người dân từng sống ở Nghĩa Lộ thời bấy giờ, ký ức sâu sắc nhất là Nghĩa Lộ chỉ có một trường phổ thông cơ sở cấp I - II và một trường cấp III, học trò trên dưới 300 em; một cửa hàng thương mại lương thực - thực phẩm, một cửa hàng điện máy; một xưởng kẹo; chợ Mường Lò chỉ là những lều quán nhỏ với các mặt hàng nông sản, công cụ sản xuất thô sơ. Nghĩa Lộ ngày ấy chưa có điện lưới quốc gia và cũng duy nhất có hơn 1 km đường từ cầu Thia đến bến xe khách là được rải đá, còn lại toàn đường đất và đá cuội. Cuộc sống người dân hết sức khó khăn, gian khổ, song tinh thần, khí thế tăng gia lao động sản xuất luôn lạc quan và sôi nổi.
Từ năm 1978 - 1995, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn hợp nhất thành huyện Văn Chấn, trở thành thị trấn Nghĩa Lộ. Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, thị trấn Nghĩa Lộ ngày càng phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt, từng bước hình thành nên một trung tâm kinh tế - thương mại - dịch vụ khu vực phía Tây của tỉnh.
Trên cơ sở của sự phát triển và đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ, ngày 15/5/1995, thị xã Nghĩa Lộ được tái lập với đơn vị hành chính, diện tích ít hơn so với năm 1971, gồm 4 phường: Cầu Thia, Trung Tâm, Tân An, Pú Trạng. Thị xã đã nhanh chóng triển khai và phát động nhân dân thi đua yêu nước, xây dựng và phát triển quê hương.
Sau 8 năm tái lập thị xã, năm 2003, Nghĩa Lộ vinh dự là 1 trong 4 huyện, thị của cả nước được chọn làm điểm xây dựng thị xã văn hóa. Để xứng với quy mô và tầm phát triển của một thị xã văn hóa, Nghĩa Lộ đã được mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập thêm 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc thành 7 xã, phường như hiện nay.
Năm 2013, thị xã ra mắt xây dựng thị xã văn hóa - du lịch. Trong đó, tập trung xây dựng phường văn minh đô thị, xã văn hóa nông thôn mới; xây dựng con người văn hóa; khai thác các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, đẩy mạnh phát triển du lịch; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; củng cố an ninh trật tự - an toàn xã hội, xây dựng thị xã trở thành khu vực phòng thủ vững chắc của tỉnh.
Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, thị xã Nghĩa Lộ hôm nay đã thực sự đổi thay, từ diện mạo bên ngoài cho đến nội lực phát triển. Quốc lộ 32 chạy qua thị xã và đường Điện Biên cùng với đường tránh quốc lộ 32 và đường vành đai suối Thia hình thành nên hệ thống giao thông thông suốt trên địa bàn với 100% tuyến giao thông trục chính và hơn 70% đường liên thôn, bản, tổ dân phố được bê tông hóa. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. 97% hộ dân được nghe đài, xem truyền hình. Năm 2015, thị xã có 14/24 trường đạt chuẩn quốc gia. Thị xã duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở trên địa bàn. Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ được nâng cấp là bệnh viện tuyến 2 với quy mô 600 giường bệnh, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại...
Kinh tế - xã hội thị xã đều có những bước phát triển đáng ghi nhận. Thương mại - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã. Tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp và xây dựng chiếm trên 80%. Toàn thị xã có hơn 1.600 cơ sở kinh doanh, buôn bán. Chợ Mường Lò được xây dựng mới theo thiết kế 2 tầng với hơn 600 gian hàng.
Thị xã đã xây dựng và ra mắt 2 tuyến phố văn hóa thương mại và văn hóa ẩm thực. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển với định hướng quy mô vừa và nhỏ. Thị xã chú trọng khôi phục tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn và các nghề truyền thống địa phương như: dệt thổ cẩm, làm chăn, đệm truyền thống, đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan...
Cùng đó là khuyến khích phát triển ngành công nghiệp sạch gắn với bảo vệ môi trường và phát huy thế mạnh của địa phương như: chế biến nông - lâm sản, chế biến gỗ rừng trồng, cơ khí sửa chữa, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất nước sạch, may mặc. Nông nghiệp thị xã đã và đang tiếp tục phát huy lợi thế của cánh đồng Mường Lò, hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa trên 500 ha, năng suất lúa đạt bình quân 12 tấn/ha/năm với các giống lúa Chiêm hương; Séng cù; nếp thơm... Sản xuất vụ đông hàng năm đã trở thành vụ chính của bà con nhân dân với diện tích đạt trên 75% đất 2 vụ lúa. Thu nhập bình quân 1 ha canh tác năm 2015 đạt 126 triệu đồng.
Nghĩa Lộ hôm nay cũng đã rất quen với hình ảnh những đoàn khách du lịch trong và ngoài nước, cho thấy những bước phát triển mạnh về du lịch. Bản sắc, vẻ đẹp của những “bản trong phố” nơi mảnh đất này được thị xã quy hoạch thành những bản làng truyền thống đã có sức hút với nhiều du khách. Để thúc đẩy du lịch phát triển, bản sắc văn hóa được thị xã đặc biệt chú trọng bảo tồn và phát huy, tạo điểm nhấn thu hút du khách tìm hiểu, khám phá, đồng thời đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Hiện, Nghĩa Lộ đã có hơn 20 hộ làm mô hình du lịch Homestay chuyên nghiệp. Bình quân mỗi năm thị xã đón 40.000 lượt khách trong và ngoài nước.
Bà Lường Thị Hồng Chung ở thôn Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi là hộ làm du lịch cộng đồng nhiều năm chia sẻ: “Du khách rất thích được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc nơi đây như tham gia dệt vải, chế biến các món ăn, cùng thổi khèn, múa xòe..., qua đó tìm hiểu, khám phá về các nét đẹp văn hóa. Còn với mỗi hộ gia đình, mỗi người dân làm du lịch như chúng tôi càng ý thức hơn được việc giữ gìn, bảo tồn các nét đẹp văn hóa của dân tộc”.
Bản sắc văn hóa được thị xã bảo tồn, phát huy. (Ảnh: Đội văn nghệ xã Nghĩa An biểu diễn xòe cổ).
Cùng với sự phát triển chung của thị xã, đời sống người dân ngày một nâng cao. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của thị xã đạt 27 triệu đồng, tăng gấp hàng chục lần so với ngày đầu thành lập. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 4,1%. 5 năm trở lại đây, thị xã đã hỗ trợ tạo việc làm cho trên 5.400 lao động, đào tạo nghề cho hơn 2.500 lao động.
Với những thành tích đạt được trong 45 năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang thị xã đã vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp; Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhì. Trong dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập thị xã gắn với khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò năm 2016, thị xã Nghĩa Lộ đã được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Phát huy kết quả 45 năm qua, Nghĩa Lộ đang quyết tâm phấn đấu trở thành trung tâm thương mại - du lịch phía Tây của tỉnh, xây dựng thành công thị xã văn hóa - du lịch và cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại III vào năm 2020. Ông Đỗ Quang Minh - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Thị xã đã đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, 4 nhiệm vụ trọng tâm và nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu đặt ra với một quyết tâm chính trị cao ".
Trên con đường xây dựng và phát triển hôm nay, Nghĩa Lộ đã và đang nỗ lực tạo ra cho mình một điểm nhấn, một nét riêng để khi nhắc đến hoa ban trắng, nhắc đến miền “gạo trắng nước trong”, nhắc đến những điệu xòe cổ... là người ta nhắc ngay đến thị xã miền Tây này và cũng là để hình ảnh một thị xã Nghĩa Lộ văn hóa - du lịch phát triển toàn diện và bền vững sớm trở thành hiện thực.
Hạnh Quyên - Thu Hằng
Các tin khác
YBĐT - Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ngày 5/10, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái do đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm trưởng đoàn cùng các đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái đã tiếp xúc cử tri các địa phương huyện Văn Yên.
YBĐT - Sáng 5/10, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị giao ban báo chí quý III năm 2016. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
YBĐT - Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ngày 5/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV tỉnh Yên Bái (Đơn vị bầu cử số 1) gồm các đồng chí: Dương Văn Thống – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Yên Bái; Nguyễn Thị Vân – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Yên đã tiếp xúc cử tri các xã: Mông Sơn, Bảo Ái, Tân Hương, Cảm Ân (huyện Yên Bình).
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo Iran Hát-xan Rô-ha-ni (Hassan Rouhani) tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ 5 – 7/10/2016.