Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
- Cập nhật: Thứ tư, 26/10/2016 | 4:57:48 PM
Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) phát biểu ý kiến.
|
Xử lý hình sự người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi cần công bằng, nghiêm minh
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến là về việc sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 12 của BLHS năm 2015 liên quan đến phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Mở đầu phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắc Lắk) cho rằng, theo quy định tại dự thảo Luật sẽ không đảm bảo tính công bằng về chính sách hình sự, tính khoa học. Bà phân tích, theo quy định này, cùng một loại tội phạm nhưng với tội này thì phải chịu trách nhiệm hình sự còn tội khác có thể nghiêm trọng hơn, nguy hiểm hơn nhưng lại không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, quy định này không phù hợp với thực tế tình hình tội phạm vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi thực hiện trong thời gian qua. Đại biểu dẫn chứng, theo thống kê của cơ quan chức năng từ năm 2011 đến tháng 6/2015, toàn quốc phát hiện 34.685 vụ, 59.562 người chưa thành niên phạm tội; riêng 6 tháng đầu năm 2016, cả nước phát hiện 2.582 vụ, 3.699 người chưa thành niên phạm tội. Điều này cho thấy xu hướng trẻ hóa tội phạm. Nhiều vụ án hình sự về tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là tình trạng người chưa thành niên phạm vào các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như về ma túy, giết người do sử dụng ma túy chiếm tỷ lệ rất cao, gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân. Trước thực trạng đó, cần có những giải pháp thích hợp để phòng ngừa, xử lý có hiệu quả tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội.
Mặt khác, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ tạo kẽ hở cho các đối tượng phạm tội lợi dụng, sử dụng, lôi kéo người chưa thành niên vào thực hiện tội phạm.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị sửa lại khoản 2, Điều 12 của BLHS năm 2015 theo BLHS năm 1999 quy định là: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” để xử lý hiệu quả hơn tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội.
Cũng bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Thuyết (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nhấn mạnh, thời gian qua, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong học đường, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện có xu hướng gia tăng… nên cần thiết phải giữ quy định này để giáo dục, cải tạo người phạm tội và nâng cao tính phòng ngừa, răn đe.
Về phạm vi các tội mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự (các điểm từ a đến e khoản 2, Điều 12 BLHS năm 2015), đại biểu đề nghị giữ lại phạm vi các tội phạm mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đã được BLHS năm 1999 quy định là: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” mà không liệt kê một số tội phạm cụ thể như BLHS năm 2015. Quy định này bảo đảm tính công bằng trong xử lý tội phạm.
Trong khi đó, nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Bình Thuận) bày tỏ: “Việc cho rằng không xử lý hình sự với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi khi phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là thực hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước thật sự không thỏa đáng, không phù hợp".
Đại biểu chia sẻ nhiều cử tri quan tâm và bức xúc về vấn đề này. Cử tri cho rằng, đã là pháp luật thì phải nghiêm. Đại biểu nhấn mạnh, đây là chính sách mới, được Quốc hội khóa XIII thông qua, vì vậy, không nên đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung quy định này.
Tuy vậy, cũng có ý kiến tán thành không xử lý hình sự hành vi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, “hiếp dâm”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng. Quy định này bảo đảm phù hợp với chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng và quan điểm xuyên suốt trong các BLHS từ trước đến nay của Nhà nước ta.
Cần nghiêm khắc, triệt để với tội phạm ma túy
Quan tâm đến tội phạm ma túy, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) dẫn số liệu thống kê của Bộ Công an, năm 2011, cả nước có 158 nghìn người nghiện thì năm 2016, con số này đã lên đến 202 nghìn người (tăng hơn 44 nghìn người nghiện mới sau 5 năm) và những vụ thảm án xảy ra trong thời gian mà đối tượng trước khi gây án đã có hành vi sử dụng ma túy.
ĐB Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, “cứ có thêm một người nghiện là có thêm một gia đình bất hạnh và thêm mối lo cho xã hội. Do đó những gì cần làm, cần tháo gỡ vướng mắc cho các cơ quan tố tụng thì cần phải làm ngay”.
Theo phân tích của ĐB Nguyễn Thị Thủy, việc bổ sung quy định liên quan đến vấn đề xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự (các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của BLHS năm 2015) như trong dự thảo sẽ không đảm bảo được tính công bằng trong xử lý giữa vụ án thu được ma túy và không thu được ma túy. Thực tế có những vụ án dù không thu được ma túy nhưng qua quá trình đấu tranh đối tượng, đồng phạm, khai thác người làm chứng, cơ quan tố tụng vẫn đủ chứng cứ chứng minh. Nhưng nếu quy định như dự thảo thì tới đây lại phải áp dụng hai cách tính. Đối với vụ án không thu được ma túy thì tính theo khối lượng ma túy mà đối tượng khai nhận. Nếu vụ án thu được ma túy thì tính theo khối lượng hàm lượng ma túy tinh chất rút ra từ số ma túy thu giữ được. “Đánh tội phạm ma túy phải đánh vào ý thức chủ quan của người phạm tội, ý thức gieo rắc hiểm họa đối với xã hội. Khi thực hiện hành vi phạm tội về ma túy, đối tượng không cần biết, không quan tâm đến ma túy tinh chất chỉ quan tâm có bao nhiêu bánh ma túy. Ví dụ: Tội vận chuyển trái phép chất ma túy thì đối tượng phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội, chỉ quan tâm có bao nhiêu bánh, thời gian, địa điểm vận chuyển. Hơn nữa, ma túy tinh chất hiện mới chỉ có trong phòng thí nghiệm và các cơ sở giám định chứ không có ngoài xã hội” – ĐB Nguyễn Thị Thủy phân tích và đề nghị không tính hàm lượng ma túy tinh chất.
Trong khi đó, dưới góc độ của người làm công tác xét xử, đại biểu Phạm Hồng Phong (Đoàn Hậu Giang) cho rằng, nếu không quy định hàm lượng chất ma túy để xét xử thì rất dễ dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm. Do đó, trong một số trường hợp, các chất thu giữ nghi là ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; xái thuốc phiện; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần cần giám định để làm căn cứ cho việc xét xử.
Một số ý kiến đại biểu khác cũng đề nghị phải xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự. Tuy nhiên, để bảo đảm tính kịp thời, căn cứ vào tình hình thực tế, cần có kế hoạch đầu tư nguồn lực cho các trung tâm giám định ma túy...
(Theo Dangcongsan.vn)
Các tin khác
Ngày 26/10, tại Hà Nội, Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 7 (ACMECS 7) và Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 8 (CLMV 8) đã chính thức khai mạc.
YBĐT - Nâng cao chất lượng các cuộc giám sát là mục tiêu luôn được HĐND huyện Trạm Tấu coi trọng. Hoạt động giám sát ngày càng đi vào chiều sâu, hình thức, phương pháp và nội dung giám sát phong phú hơn; thời gian, cách thức tổ chức luôn được nghiên cứu đổi mới cho phù hợp, hiệu quả.
Ngày 25/10/2016, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Ngày 25/10, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw và Phu nhân đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 26-28/10/2016, theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.