Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Yên Bái: Tích cực lấy ý kiến tham gia vào dự thảo các dự án luật
- Cập nhật: Thứ ba, 1/11/2016 | 8:14:07 AM
YBĐT - Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc vào ngày 20/10. Theo chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 26 ngày và dự kiến họp phiên bế mạc vào chiều ngày 23/11/2016.
Đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái nắm bắt tình hình phát triển giáo dục tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Mỏ Vàng (Văn Yên).
|
Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm của Quốc hội thường tập trung nhiều hơn cho việc xem xét, quyết định đối với các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được quan tâm và chú trọng, chiếm khoảng 65% thời gian của kỳ họp.
Theo đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 13 dự án luật khác, 1 nghị quyết. Các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật về Hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/20210/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi); Luật Thủy lợi; Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Du lịch (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Yên Bái cho biết: "Với 17 dự án luật nêu trên, tại kỳ họp này sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua và thảo luận, cho ý kiến vào các dự thảo luật. Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 2016, Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Yên Bái đã lựa chọn 6 dự án luật: Đó là Luật Quy hoạch; Luật Du lịch; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật về Hội; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) để lấy ý kiến tham gia góp ý của các sở, ban, ngành trong tỉnh nhằm xây dựng hệ thống lập pháp ngày càng hoàn thiện hơn khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống".
Tại Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật nêu trên của Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Yên Bái, hầu hết các đại biểu bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với dự thảo các dự án luật lần này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung một cách khoa học, chặt chẽ, logic và hợp lý hơn, nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả hệ thống các văn bản pháp luật của Nhà nước quy định.
Cụ thể là, đối với dự thảo Luật Quy hoạch, các đại biểu đã thống nhất sự cần thiết ban hành Luật nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch tràn lan; đồng thời, đóng góp ý kiến vào một số điều khoản trong Luật; tập trung vào một số nội dung như: quy hoạch tổng thể quốc gia tại Khoản 2 Điều 3 và hệ thống quy hoạch tại Điều 12 bao gồm các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; các nội dung quy định về đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trong hoạt động quy hoạch tại Khoản 4, Điều 4.
Đồng chí Hoàng Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị: "Ban soạn thảo dự án luật cần sắp xếp lại các khoản trong Điều 67 và cần bổ sung quy định về việc hội đồng nhân dân tỉnh nghị quyết thông qua quy hoạch tỉnh"…
Đồng tình với quan điểm này, đồng chí Đỗ Việt Bách - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho rằng: "Quốc hội cần xem xét nghiên cứu kỹ hơn về mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch với các luật khác về loại và cấp quy hoạch; nguyên tắc lập quy hoạch, nội dung quy hoạch, công tác quản lý quy hoạch… để tránh trường hợp khi triển khai thực hiện lại mâu thuẫn giữa các luật với nhau".
Đối với dự thảo Luật Du lịch, các đại biểu đã thảo luận và cơ bản nhất trí với kết cấu, nội dung; đồng thời, cho ý kiến về tính tương thích của dự thảo Luật Du lịch với quy định của các luật khác; việc điều chỉnh giảm bớt loại quy hoạch phát triển du lịch; về thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; công tác quản lý, cấp phép về hướng dẫn viên du lịch; công tác quản lý nhà nước về du lịch... cần được quy định chặt chẽ và cụ thể hơn trong luật.
Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) gồm 9 chương, 78 điều. So với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, dự thảo Luật đã sửa đổi 42/67 điều, bỏ 20 điều và quy định mới 36 điều. Thảo luận về dự án luật này, các đại biểu cho ý kiến về thời hiệu yêu cầu bồi thường; căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại Chương I; phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong thi hành án hình sự tại Điều 21, Chương II; những quy định về cơ quan giải quyết bồi thường và xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong quản lý hành chính; tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng hành chính; thi hành án hình sự, dân sự...
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Quang Vinh - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Yên Bái cho rằng: "Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) cần phải xác định rõ trách nhiệm bồi thường của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong quá trình thực thi công vụ gây thiệt hại, oan sai cho các tổ chức, cá nhân về cả vật chất lẫn tinh thần thì trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn cần có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong Luật".
Tham gia cho ý kiến vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đồng chí Chu Thị Minh Châu - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị: "Trong dự thảo của Luật này cần bổ sung một số quy định cụ thể xác định rõ nguyên tắc, trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công và có chế tài đủ mạnh để xử lý đối với những hành vi chiếm đoạt tài sản công".
Đại biểu các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh Yên Bái tham gia góp ý vào các dự thảo luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu ra ý kiến cần chỉnh sửa, bổ sung một số điểm cho phù hợp hơn với thực tiễn như: cần có những quy định rõ ràng và những chế tài chặt chẽ trong việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước đang đầu tư ở các doanh nghiệp, tài sản các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhiều ý kiến đại biểu cũng đã đề nghị cần bổ sung, giải thích và làm rõ một số từ ngữ, định nghĩa trong dự thảo Luật để khi triển khai áp dụng phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Đối với dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có 9 chương, 8 mục, 68 điều; dự thảo Luật về Hội có 8 chương, 33 điều. Đây là các dự án luật mới cần xin ý kiến của các ngành, cơ quan chức năng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu chỉnh lý trong phiên hợp tới đây. Tham gia ý kiến vào dự thảo luật này, các đại biểu cũng đề nghị Luật cần quy định cụ thể hơn về vấn đề quản lý tiền công đức trong Điều 15 về quản lý sử dụng nguồn thu từ việc tổ chức các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng; nghiên cứu thừa nhận tổ chức tôn giáo trực thuộc; vấn đề phân cấp quản lý tôn giáo ở chính quyền địa phương, vì một số huyện đảo hiện nay không có cấp xã; công tác quản lý tài chính tại các đình, đền, chùa…
Đối với Luật về Hội, các đại biểu đề nghị, Quốc hội cần nghiên cứu nội dung, quy định điều kiện thành lập đối với các tổ chức hội; điều khoản thi hành và cần làm rõ khái niệm về hội, những hội nào chưa chịu sự điều chỉnh của Luật này; luật có áp dụng với tổ chức hội đặc thù hay không, có hay không người đại diện được công nhận theo quy định pháp luật của hội; vấn đề tài trợ của nước ngoài đối với các tổ chức hội, quy định tài sản của hội…
Với tinh thần trách nhiệm và nhiều ý kiến tâm huyết của các cấp, các ngành trong tỉnh nhằm tham gia xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy hành chính Nhà nước. Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái - Dương Văn Thống đánh giá cao các ý kiến tham gia vào dự thảo các dự án luật nêu trên. Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Yên Bái đã tiếp thu các ý kiến để tổng hợp trình tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIV.
Đức Toàn
Các tin khác
YBĐT- Tại Lễ kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị Yên Bái - Val de Marne (Cộng hòa Pháp) do UBND tỉnh Yên Bái tổ chức tối 31/10/2016, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu chào mừng. Báo Yên Bái điện tử xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
YBĐT - Tối 31/10, UBND tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị Yên Bái - Val de Marne (Cộng hòa Pháp).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
YBĐT - Tiếp tục chương trình công tác, ngày 31/10, Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Val de Marne (Cộng hòa Pháp) do ngài Christian Favier – Thượng nghị sỹ, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Val de Marne dẫn đầu cùng đoàn công tác đã tham gia lễ đặt tên giống hoa hồng Yên Bái và trồng cây lưu niệm tại đường Âu Cơ, thành phố Yên Bái.