Kiên quyết miễn nhiệm cán bộ, công chức yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức
- Cập nhật: Thứ năm, 8/12/2016 | 8:50:48 AM
Ngày 7/12, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã họp tổng kết công tác năm 2016 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu.
|
Báo cáo do Phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa trình bày cho thấy, tính đến tháng 11/2016, các thành viên Ban Chỉ đạo tại các bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành gần 160 nghị định để hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh và điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội mới phát sinh, trong đó phần lớn là các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và nhiều nghị định quy định về các nội dung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ, tiền lương và trợ cấp xã hội.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực, chủ động trong việc rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, giúp kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với các văn bản hết hiệu lực, trái pháp luật hoặc văn bản không còn phù hợp với tình hình thực tế. Các bộ, ngành đã tích cực rà soát, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, góp phần từng bước loại bỏ chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm một việc chỉ do một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong năm 2016, các bộ, ngành và địa phương đã cơ bản hoàn thành công bố chuẩn hóa thủ tục hành chính và đang cập nhật dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Cho tới tháng 9/2016, các bộ, ngành đã hoàn thành đơn giản hóa 4.527/4.723 thủ tục hành chính (đạt 95.85%). Công tác rà soát, đánh giá thủ tục hành chính tiếp tục được thực hiện thường xuyên và mang lại nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện.
Thực hiện Đề án 896, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực xây dựng và hoàn thiện các thể chế cho việc cấp số định danh cá nhân. Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch triển khai thiết lập Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.
Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được các thành viên Ban Chỉ đạo quan tâm, đôn đốc và chỉ đạo trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc địa phương quán triệt thực hiện nghiêm túc, giúp tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Bộ Nội vụ đang tích cực nghiên cứu, hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Cán bộ, công chức hoặc sửa đổi, bổ sung, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo các quy định. Tính đến hết tháng 11/2016, đã thực hiện tinh giản biên chế được 18.839 người, trong đó, các cơ quan Đảng, đoàn thể là 789 người; các cơ quan hành chính là 2.342 người; các đơn vị sự nghiệp công lập là 12.041 người; cán bộ, công chức cấp xã là 3.553 người; khối doanh nghiệp nhà nước là 114 người.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đã phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Các đại biểu cho rằng, với chủ trương xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và thành viên Chính phủ đã quyết tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác cải cách thể chế, tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Việc đánh giá tác động của các quy định mới về thủ tục hành chính chưa nghiêm túc.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chỉ rõ, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2016, còn tới 5 dự án Luật phải rút ra, rút vào bổ sung. Tình trạng nợ đọng văn bản mặc dù đã được hạn chế thấp nhất nhưng ở đây mới là ở cấp Chính phủ và Thủ tướng tức là nghị định và quyết định, còn thông tư của các bộ, ngành thì theo thống kê thì còn nợ đọng tới 21 thông tư hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn chỉ ra rằng, chất lượng xây dựng thể chế có vấn đề, nhiều chính sách ban hành không đi vào cuộc sống, có luật chưa ban hành đã phải sửa, nhiều luật chồng chéo nhau (Luật đầu tư công, Luật xây dựng), nguyên nhân là do cách xây dựng thể chế “có vấn đề” và sự phối hợp giữa các bộ, ngành kém.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa nhìn nhận lĩnh vực tài nguyên môi trường là lĩnh vực bị "kêu ca" nhiều nhất. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai nếu thực hiện được theo đúng Luật đất đai 2013 sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho cơ quan quản lý nhà nước. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hồng đề nghị hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng, chuyển đổi 1.400 tổ chức sự nghiệp khoa học công nghệ nằm rải rác trong các bộ, ngành, gắn với thực tế.
Ghi nhận những kết quả đạt được, phân tích các hạn chế, nguyên nhân, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục xây dựng thể chế pháp luật, các văn bản hướng dẫn, khắc phục cho được tình trạng luật trình rồi rút, luật khung, luật ống, luật, nghị định vừa ban hành đã phải sửa. Việc xây dựng thể chế phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn thông qua việc nhận phản ánh thông tin của xã hội, kiến nghị của cử tri, phản ánh của doanh nghiệp, qua Mặt trận và các đoàn thể, báo chí, qua công tác kiểm tra của bộ máy nhà nước, phản ánh của doanh nghiệp trong, ngoài nước để đánh giá các vấn đề đặt ra, thiết kế chính sách phù hợp, để luật, văn bản hướng dẫn đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Thẳng thắn đánh giá hoạt động của các thành viên Ban Chỉ đạo là chưa “đều tay”, phát hiện, đề xuất vấn đề chưa tới nơi, tới chốn, chưa đầy đủ, Phó Thủ tướng đề nghị cải cách ngay cách làm việc của Ban Chỉ đạo, phát huy trách nhiệm phát hiện và kiến nghị chính sách, thảo luận để xây dựng thể chế, không để trở thành hình thức. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, của các bộ, ngành, phát hiện cho được những vấn đề đang là trở ngại của công cuộc cải cách hành chính, đề xuất các giải pháp cụ thể.
Phó Thủ tướng nêu rõ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách hành chính. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, công bố công khai, minh bạch các quy trình thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ, kiên quyết loại bỏ tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ công. Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức để khắc phục những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức, tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo quản lý, hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng, nhất là quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, kỷ luật cán bộ; thực hiện đồng bộ các giải pháp tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hoàn thành chỉ tiêu tinh giản đảm bảo đúng nguyên tắc, đối tượng, tập trung tinh giản số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Phó Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trọng tâm là công tác bổ nhiệm quản lý cán bộ, công chức, viên chức, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, tiếp tục hoàn thiện thể chế xây dựng văn bản về tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, đặc biệt là giám sát chặt chẽ quy trình xử lý các vụ án về người đứng đầu mà dư luận đặc biệt quan tâm. “Tổ chức thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, kiên quyết miễn nhiệm, thay thế đối với cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
(Theo Dangcongsan.vn)
Các tin khác
YBĐT - Sở đã tiến hành xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn, chức danh; trong Quy chế chi tiêu nội bộ có ghi rõ định mức, tiêu chuẩn, chế độ công vụ như: sử dụng xe ô tô, xăng xe, điện, nước, hội nghị, tiếp khách.
Ngày 6-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã có các cuộc buổi tiếp xúc với cử tri tại xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) và phường Thạch Bàn (quận Long Biên), TP Hà Nội.
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với Chỉ thị 03 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng bộ xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái đã bám sát 3 nội dung trọng tâm, đi sâu vào việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình chống suy thoái đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên.