Thực hiện đồng bộ các giải pháp, duy trì mức sinh ổn định, có chính sách dân số hợp lý và bền vững
- Cập nhật: Thứ hai, 26/12/2016 | 8:09:23 AM
YBĐT - Tỉnh Yên Bái đã duy trì được các chỉ tiêu đề ra: năm 2016 mức giảm sinh là 0,2%o, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 10,8%o. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 19,6% năm 2009 xuống còn 9,6% năm 2016.
Lãnh đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh trao bằng khen của Ủy ban MTTQ tỉnh cho đại biểu người uy tín tiêu biểu trong công tác tuyên truyền Dân số - KHHGĐ, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
|
55 năm qua, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực cùng với cả nước làm nên những thành tựu nổi bật của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, giảm thiểu tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhân kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961 - 26/12/2016), phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lương Kim Đức - Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Yên Bái về những giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân số của tỉnh giai đoạn tiếp theo.
P.V: Công tác dân số là bộ phận rất quan trọng của chiến lược phát triển đất nước. Nó không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa về văn hóa, xã hội, góp phần quyết định sự phát triển bền vững. Với đặc thù của tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số như Yên Bái, đồng chí có đánh giá gì về những thành tựu mà công tác DS -KHHGĐ của tỉnh đã đạt được trong những năm vừa qua?
Đồng chí Lương Kim Đức: Với đặc thù của một tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ tỉnh Yên Bái dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các sở, ban, ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và sự nỗ lực không mệt mỏi của hệ thống những người làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh tới cơ sở đã đạt được mục tiêu đề ra, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ đã có những chuyển biến tích cực. Số cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ tăng hàng năm, quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi.
Tỉnh Yên Bái đã duy trì được các chỉ tiêu đề ra: năm 2016 mức giảm sinh là 0,2%o, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 10,8%o. Vùng thấp đã tiệm cận mức sinh thay thế từ năm 2012 với số con trung bình của một bà mẹ là 2,08 con. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 19,6% năm 2009 xuống còn 9,6% năm 2016. Yên Bái hiện đã khống chế và bước đầu kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn toàn tỉnh ở mức 112 bé trai/100 bé gái (dự ước). Chất lượng cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản (SKSS) từng bước được nâng lên, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thực hiện KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) của người dân. Chất lượng cuộc sống, chất lượng DS về thể chất, tinh thần từng bước được cải thiện.
Cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ thành phố Yên Bái trong đợt truyền thông phòng tránh các bệnh lây nhiễm từ mẹ sang con cho người dân tại xã Phúc Lộc. (Ảnh: Vũ Đồng)
P.V: Trước những yêu cầu đòi hỏi của công tác dân số trong giai đoạn mới, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh Yên Bái sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gì; đâu là nhiệm vụ trọng tâm; cần những giải pháp nào và mục tiêu mà tỉnh quyết tâm hướng đến là gì? Thưa đồng chí!
Đồng chí Lương Kim Đức: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh trong giai đoạn mới phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức:
Yên Bái là một tỉnh miền núi, phân bố dân cư có sự chênh lệch lớn giữa các vùng. Mức sống của người dân còn thấp kém so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn; điều kiện thông tin, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Trình độ dân trí ở vùng cao, vùng sâu còn thấp, phong tục tập quán đa dạng, còn nhiều hủ tục lạc hậu. Nhận thức của người dân, đặc biệt là ở vùng cao về công tác DS-KHHGĐ, CSSKSS còn hạn chế. Mức sinh còn chênh lệch khá lớn giữa các vùng, với những địa bàn vùng cao, vùng khó khăn tỷ suất sinh thô còn ở mức trên 25%o; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên vẫn còn trên 30%.
Hiện nay, Yên Bái là tỉnh có quy mô dân số trung bình so với cả nước, song mức sinh không ổn định, nhạy cảm, dễ bị tác động tăng sinh trở lại nếu không có biện pháp quản lý, chính sách dân số hợp lý và bền vững. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại và diễn ra khá phổ biến tại vùng cao, vùng đồng bào thiểu số. Chất lượng dân số mặc dù đã được cải thiện hơn, song vẫn còn thấp. Mất cân bằng giới tính khi sinh mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao. Chất lượng dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ ở các xã vùng cao, vùng sâu còn hạn chế.
Hệ thống cung cấp dịch vụ cho nhóm vị thành niên, thanh niên chưa phát triển. Trước những khó khăn trên, để thực hiện tốt công tác dân số, trong thời gian tới, cần phải tiếp tục giảm sinh tại vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, chủ động duy trì mức sinh hợp lý tại vùng thấp; khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số với các giải pháp cụ thể sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đồng thời huy động các tổ chức xã hội và các thành phần kinh tế tích cực tham gia công tác dân số. Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho mỗi gia đình, mỗi người dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ.
Hai là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đặc biệt đối với cấp xã: có lộ trình đưa cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ của các xã vào biên chế. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ, đào tạo nghiệp vụ dân số cơ bản cho cán bộ dân số cơ sở.
Ba là, thực hiện chính sách khuyến khích, thưởng động viên đối với các xã vùng cao không có người sinh con thứ ba trở lên và giảm nhanh số người sinh con thứ ba trở lên.
Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nghị quyết, chương trình hành động, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS/KHHGĐ đến mọi tầng lớp nhân dân. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động toàn xã hội thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ trong nhân dân. Tăng cường chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ tại 72 xã đặc biệt khó khăn; tăng cường truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, sinh con thứ 3 trở lên, sàng lọc trước sinh, sơ sinh.
Năm là, đảm bảo hậu cần và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, đẩy mạnh xã hội hoá biện pháp tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS, đưa kênh tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai tiếp cận được với các tầng lớp nhân dân với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản xã hội hóa các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đặc biệt đối với các biện pháp tránh thai phi lâm sàng. Tăng cường tiếp cận dịch vụ KHHGĐ/SKSS của người dân vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số.
Sáu là, tiếp tục triển khai và mở rộng các mô hình, hoạt động nâng cao chất lượng dân số phù hợp với điều kiện, đặc thù của tỉnh miền núi, tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như: mô hình kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; hoạt động tuyên truyền làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyêt thống; mô hình giảm sinh con thứ 3 trở lên; chương trình sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, phát hiện sớm các dị tật, khuyết tật..., đảm bảo hiệu quả và bền vững.
Bảy là, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động chương trình DS-KHHGĐ; thông qua kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện những vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chương trình DS-KHHGĐ để kịp thời có hướng giải quyết.
Tám là, lồng ghép các vấn đề dân số trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp ngành, vùng, tỉnh: trong quy hoạch giáo dục đào tạo, ngành nghề lao động, đô thị, khu công nghiệp...
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Minh Thúy (thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - Kỳ họp thứ ba - HĐND tỉnh khóa XVIII/ Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017/ Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc tại Yên Bái để thông báo kết quả kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái/ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà chúc mừng cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh nhân kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam ... là những thông tin đáng chú ý.
YBĐT - Ngày 24/12, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XVIII về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Nhân dịp Lễ Giáng sinh 2016, ngày 23/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm và chúc mừng đồng bào Công giáo tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình.
YBĐT - Sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu tham dự, kỳ họp thứ ba - HĐND tỉnh khóa XVIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và tiến hành phiên bế mạc.