Kỷ niệm 38 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc (17/2/1979 -17/2/2017)

Ở nơi "đất hóa tâm hồn"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/2/2017 | 8:23:49 AM

YBĐT - Vị Xuyên - mảnh đất mà mỗi nhành cây, ngọn cỏ, mỗi viên đá, tấc đất mang trong mình biết bao xương máu của các anh hùng liệt sĩ nay đã hóa tâm hồn những cựu binh Sư đoàn 356.

Cựu chiến binh Sư đoàn 356 - Chi hội thành phố Yên Bái trong buổi gặp mặt.
Cựu chiến binh Sư đoàn 356 - Chi hội thành phố Yên Bái trong buổi gặp mặt.

Sinh ra sau cuộc chiến, chưa một lần nghe nhắc tới những địa danh khốc liệt như: Đồi Xanh - Khe Cụt - Nậm Ngặt, Hang Dơi, Cốc Nghè với ngọn núi "Lò vôi thế kỷ" một thời bom cày, đạn xới nơi phên dậu của Tổ quốc - Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Hôm nay, được tiếp xúc, được nghe kể về những trận đánh oanh liệt, những ca chuyển thương binh, tử sĩ tưởng chỉ có trong huyền thoại của các cựu binh Sư đoàn 356 Yên Bái tôi thấy mình như có lỗi với các anh - cả người đang sống và những người đã khuất...

Qua người bạn đồng nghiệp, tôi may mắn gặp được anh Võ Văn Nhân - quê gốc Nghệ An là một trong số hơn 50 thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 356 thành phố Yên Bái trong ngôi nhà đơn sơ nhưng rộng rãi ở tổ 34, phố Tân Trung 2, phường Minh Tân - địa điểm sinh hoạt của Ban Liên lạc CLB.

Từng là công nhân Nhà máy Sứ, anh Nhân nhập ngũ năm 1985 được điều động trực tiếp lên biên giới Vị Xuyên, Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang), phiên chế vào Sư đoàn bộ binh 356 thuộc Quân khu II, đến năm 1987 ra quân với hai vết thương trên người.

Hiện, anh Nhân đang tham gia thôn đội trưởng khu phố, cùng các thành viên bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự địa bàn. Có lẽ, lâu lắm rồi người cựu binh Võ Văn Nhân mới thấy nhà báo hỏi về chiến tranh biên giới nên ban đầu anh cũng hơi dè dặt.

Sau khi biết rõ ý định được nghe kể cụ thể về cuộc chiến, anh phấn khởi mang tới cho tôi đủ các loại tài liệu. Từ tranh, ảnh mỗi chuyến đi thăm chiến trường, các bản điều lệ, quy chế hoạt động của CLB cho tới nhật ký chiến dịch MB-84 rồi thư ngỏ của Hội Cựu quân nhân F356 Hà Giang - Yên Bái với mong muốn xây dựng Đài hương trên bản Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

Anh Nhân cho biết: "Đó chính là địa điểm yên ngựa đối diện với cao điểm 772 và 685 khốc liệt - nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc". Thể theo đề nghị của tôi, sáng hôm sau, anh Nhân đã mời thêm các đồng đội của mình - những nhân chứng của cuộc chiến ở các đơn vị bộ binh, pháo binh năm xưa cùng tới ôn lại khúc bi tráng hào hùng cách đây đã hơn 30 năm...

Là "anh cả" của CLB, CCB Bùi Đức Hiền, sinh năm 1956 - Đại đội phó Đại hội 17, Trung đoàn 149, sau là đại đội trưởng chiến đấu ở Trung đoàn 153 trực tiếp tham gia Chiến dịch biên giới từ tháng 2/1979 xúc động kể về trận đánh giành lại cao điểm 685 hồi tháng 1/1985 mà anh cùng đồng đội 5 giờ sáng nhận lệnh từ hang Làng Lò lên cao điểm 685 đánh lấn dúi. Trên đầu, đạn đại liên và B40 của địch nổ inh tai nhưng các anh vẫn nhích từng bước tới gần một cửa hang cách cao điểm 10 mét thì tiến vào.

Gặp địch phục kích nổ súng dữ dội khiến nhiều đồng đội của anh bị thương. Đêm hôm đó các anh không rút quân mà nằm lại bên những lèn đá, sương mù dày đặc, nhá lương khô cho đồng đội bị thương ăn để lấy sức tiếp tục chiến đấu.

Cuộc chiến không cân sức gần một tháng khi đó giữa ta và địch khiến chiến sĩ ta bị hy sinh và thương vong khá nhiều. 4 đơn vị chỉ còn 6 người ở 4 hầm, người hy sinh chưa mang được xác ra, người bị thương phải được chuyển xuống tuyến dưới. Lệnh của Trung đoàn thông báo, còn đồng chí nào ở 4 hầm phải đưa hết thương binh xuống mới được rút.

Đêm 30 tết, trời tối đen như mực, pháo của địch cứ 5 phút lại bắn cầm canh 1 lần, bi đông nước cũng bị đạn thù bắn thủng hết, anh em phải ăn gạo sấy để chuyển thương binh. Núi đá cao, có những chỗ vô cùng khó di chuyển, phải vừa đẩy vừa kéo ngược từ  thung sâu lên, vừa đi vừa canh chừng đạn pháo và các ổ phục kích của địch. Vì thế, việc tìm kiếm đồng đội được tính toán hết sức thận trọng, chỉ những người trực tiếp chiến đấu, thông thuộc địa hình, địch tình mới được cử đi. Do mưa nhiều nên thi thể các tử sĩ nhanh chóng bị phân hủy. Tìm thấy đã khó, đưa được anh em về còn khó khăn hơn rất nhiều.

"Khi tôi vào hang kéo được thi thể cậu y tá đại đội ra thì chỉ còn bộ quân phục và xương thôi bởi xác cậu ấy đã bị phân hủy. Bên cạnh là khẩu AK với chi chít những lỗ đạn. Trận đó, cả đại đội gần 100 người chỉ còn 16 người sống sót" - giọng anh Hiền chùng xuống.

Tất cả cùng lặng đi khi thấy khóe mắt người "anh cả" ngân ngấn nước. Anh Vũ Tuấn Khanh phá tan bầu không khí yên lặng đó bằng câu nói hài hước: "Cuộc chiến tranh biên giới ấy, mỗi người đều có những kỷ niệm riêng, quan trọng và may mắn hơn là mình còn sống và đang ngồi với nhau ở đây".

Nhập ngũ tháng 3/1984 vào Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 149, Sư đoàn 356, anh Khanh còn nhớ như in chuyến xe chuyển quân từ bản Tà Thàng, thuộc Bến Đền (Lào Cai) sang tăng cường cho mặt trận Vị Xuyên, qua thị xã Tuyên Quang năm đó.

Bà con nhân dân và thiếu nhi hai bên đường lưu luyến tiễn đưa và gửi tặng biết bao nhiêu sản vật của quê hương lên xe. Các bà, các mẹ khóc đỏ hoe cả mắt, các cháu thiếu nhi quàng khăn đỏ vẫy chào tạm biệt, tiếng dặn dò, tiếng động cơ xe, những lời hẹn chiến thắng trở về cứ theo anh suốt cả hành trình đi bảo vệ Tổ quốc.

Trung đoàn hành quân qua Sông Lô vào Thanh Hương, huyện Thanh Thủy đông như trảy hội. Hành quân ban đêm, trời mưa rét, anh em phải tìm lân tinh trên thân gỗ mục gài lên ba lô để theo nhau mà bước.

Đó là trận đánh đầu tiên nhưng vô cùng ác liệt của Sư đoàn bộ binh 356 ngày 12/7/1984 có mật danh là Chiến dịch MB-84. Trung đoàn 876 được lệnh đánh cao điểm 772, Trung đoàn 149 phối hợp với Trung đoàn 174 của Sư đoàn 316 đánh cao điểm 685.

Mặc dù cơ bản ngăn chặn được âm mưu tiến xuống thị xã Hà Giang của kẻ địch, song trận đánh đó đã cướp đi sinh mạng gần 600 chiến sĩ. Các anh nhẩm tính, trung bình cứ 1 người chết có tới 2-3 người bị thương, chỉ trong buổi sáng hôm ấy toàn tuyến có gần 2.000 chiến sĩ hy sinh và bị thương. Vì vậy, trong tâm khảm của mình, những cựu binh Sư đoàn 356 coi đó là ngày giỗ trận, mãi tới ngày 14/7/2014, sau khi gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, được ông đề nghị, các anh nhất trí chuyển thành Ngày truyền thống của Sư đoàn.

Được biết, sau chiến tranh biên giới lần thứ nhất - tháng 2/1979, từ tháng 4/1984 đến tháng 5/1989, Trung Quốc lần lượt đưa hơn 50 vạn quân của 8/10 đại quân khu tiến công toàn diện biên giới tỉnh Hà Giang, tập trung là huyện Vị Xuyên, âm mưu vẽ lại đường biên giới tới phía Bắc suối Thanh Thủy.

Đây là cuộc chiến tranh xâm lược, quy mô lớn nhất kể từ sau khi Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ năm 1975. Ác liệt nhất, có đợt chỉ trong 3 ngày, Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đại bác vào khu vực Vị Xuyên.

Đây cũng là cuộc chiến tranh xâm lược biên giới có thời gian dài nhất (tháng 2/1979 - 1989) và ác liệt nhất với bằng chứng: sau khi kết thúc cuộc chiến, ngọn núi đá ở Vị Xuyên được xem là "lò vôi thế kỷ" đã bị bạt mất đi hơn 3 mét.  

Theo "Nhật ký chiến dịch MB-84", riêng trong 5 năm từ 1984-1989, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 15.000 tên địch, bắt 325 tù binh, đánh thiệt hại nặng 4 trung đoàn, 43 tiểu đoàn, 16 đại đội, 10 trung đội. Đánh thiệt hại vừa 4 tiểu đoàn, 5 đại đội, 4 trung đội và đánh thiệt hại nhẹ 4 tiểu đoàn, 7 đại đội, 10 trung đội.

Phá hủy 100 khẩu pháo các cỡ, 100 khẩu súng cối các cỡ, tiêu diệt 13 trận địa pháo cối, 170 xe vận tải, 130 kho tàng, 1.550 ụ súng, lô cốt, hỏa điểm, đài quan sát của địch... thu  50 khẩu súng bộ binh, 50 máy thông tin và một số khí tài khác.

Thắng lợi của chiến sĩ ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc rất anh hùng nhưng tổn thất cũng vô cùng lớn lao. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng hi sinh, phần lớn đều ở độ tuổi thanh xuân để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong danh sách các liệt sĩ của Mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Yên Bái có 109 liệt sĩ, riêng Sư đoàn 356 là 78 đồng chí, còn lại của các đơn vị khác. Trận chiến đi vào lịch sử ngày 12/7/1984, tỉnh Yên Bái có 46 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Ngoài hàng ngàn người bị thương, hiện nay chúng ta vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên chưa tìm được hài cốt, trong đó có 35 liệt sĩ là những người con của quê hương Yên Bái.

Vẫn còn nhiều ngôi mộ liệt sĩ vô danh trong nghĩa trang; hàng trăm thôn xóm, bản làng bị xoá sổ; hôm nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng được cho Vị Xuyên một nghĩa trang mang tầm quốc gia và nơi đây, những giọt máu đào của các liệt sĩ vẫn đang từng giờ, từng giờ tan vào lòng đất mẹ...

Vị Xuyên - mảnh đất mà mỗi nhành cây, ngọn cỏ, mỗi viên đá, tấc đất mang trong mình biết bao xương máu của các anh hùng liệt sĩ nay đã hóa tâm hồn những cựu binh Sư đoàn 356.

Tham gia Chiến dịch khi mới mười tám, đôi mươi, gắn bó tuổi thanh xuân với từng cao điểm, mỗi chiến hào, hang đá, nhớ như in lèn đá nào, vách núi nào, khe suối nào đồng đội mình ngã xuống. Nay, mái đầu của họ đã cùng điểm bạc, trí nhớ của nhiều cựu binh sống sót nơi hang sâu bị quân thù bắn thuốc độc vẫn “Không thể quên, không thể yên lòng khi hài cốt nhiều anh em vẫn còn nằm lại chiến trường".

Chiến tranh đã qua đi hơn 30 năm, mối quan hệ hai nước đã bình thường hóa trên 300 tháng (từ tháng 11/1991)... nhưng với tất cả các cựu binh Sư đoàn 356 "đồng đội của họ dưới đất sâu kia vẫn vẹn nguyên tuổi quân và chưa hề thêm một tuổi đời nào".

Xin được gửi nỗi niềm đau đáu đó của các anh vào dòng thơ đầy tâm sự, đầy trắc ẩn của Phan Duy Kha như nhắc nhở chúng ta - những người đang sống trong hòa bình, tự do hãy làm gì để tri ân dù chỉ một nén nhang trầm thắp lên bày tỏ lòng biết ơn những người con của quê hương đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc độc lập, cho đất nước nở hoa:

"... Một ngày hơn sáu trăm chiến sĩ hy sinh
Suốt 30 năm giải phóng Miền Nam
Chưa trận nào tổn thương nhiều đến thế!

Máu chảy đỏ suối nguồn Thanh Thủy
Xác giặc ngổn ngang Cao điểm 772
Thung lũng Gọi Hồn, Ngã ba Cửa Tử
Những cái tên nghe đến rợn người.

Súng bắn đỏ nòng, đá núi hóa thành vôi
“Đạn xé toạc vai, đạn cày rách mặt”
Khe Cụt, Đồi xanh, thung sâu Khe Ngặt
Tuổi trẻ các anh nằm lại chốn này".

Yên Bái, tháng 2/2017
Thanh Hương

Các tin khác
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Nhất của Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới

Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba (2023 - 2024); phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024 - 2025).

Ngày 24/4, Đoàn giám sát số 1 của HĐND tỉnh do đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có cuộc giám sát chuyên đề thực hiện một số chính sách pháp luật về hỗ trợ phát triển du lịch tại huyện Lục Yên.

Một buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

Tại Kỳ họp 6, Quốc hội khoá XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã phối hợp tiếp xúc cử tri 5/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh với trên 1.600 cử tri tham dự. Qua đó, đã tiếp thu và tổng hợp 14 ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết. Đến nay đã có 12/14 ý kiến, kiến nghị được các Bộ, ngành Trung ương có văn bản trả lời. Báo Yên Bái xin gửi tới bạn đọc và cử tri trong tỉnh nội dung chi tiết các trả lời này!

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Lạng Sơn thực hiện nghi thức nhấn nút khai trương giao diện mới Báo Lạng Sơn điện tử.

Sáng 24/4, Báo Lạng Sơn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày xuất bản số đầu tiên (1/5/1964 - 1/5/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục