Thủ tướng chủ trì Hội nghị tổng kết Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương năm 2016

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/2/2017 | 1:22:36 PM

Chủ trì cuộc họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phong trào thi đua yêu nước phải gắn với tình hình đất nước như chống tiêu cực, tham nhũng để phong trào không phải là hình thức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương sáng 23/2.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương sáng 23/2.

Sáng 23/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị tổng kết Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Nội vụ Trần Thị Hà – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương khái quát, trong năm 2016, thường trực Hội đồng duy trì họp định kỳ 3 tháng/lần, cho ý kiến về việc tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” đối với các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của các cụm, khối và cá nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.

Năm 2016, trên cơ sở nhận xét, đánh giá của Thường trực Hội đồng, Ban Thi đua khen thưởng TƯ đã trình Thủ tướng tặng 22 cờ thi đua của Chính phủ và 33 bằng khen của Thủ tướng cho 55 bộ, ban, ngành, địa phương; đề nghị phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 102 cá nhân, để lại 42 trường hợp do chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Trần Thị Hà cũng khái quát những tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua khen thưởng năm 2016.

Các phong trào thi đua tuy đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm phát động nhưng còn một số phong trào hiệu quả chưa cao, chưa đi vào chiều sâu, hình thức và nội dung thi đua chưa phong phú, đa dạng, chưa phát huy hết tác dụng của các phong trào. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Chất lượng công tác khen thưởng tuy đã được nâng lên nhưng cá biệt vẫn có những tập thể, cá nhân được khen thưởng mà thành tích chưa thật tiêu biểu. Trong công tác khen thưởng chưa tạo được sự chuyển biến trong việc phát hiện các điển hình để khen thưởng kịp thời, khen thưởng cho công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất.

Hoạt động của các cụm, khối thi đua tuy đã có những đổi mới trong việc xây dựng các tiêu chí thu đua nhưng nội dung sinh hoạt chưa đa dạng, phong phú; công tác thông tin, phối hợp còn hạn chế, chưa phát huy tính năng động sáng tạo và hoạt động còn hình thức, chưa hiệu quả.

Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng TƯ cũng xác định, thời gian tới, cần hết sức thận trọng trong việc xem xét khen thưởng cho các doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp vì công tác thẩm định, kiểm tra không đơn giản.

Làm hồ sơ xin khen thưởng, thành tích thì nhận, khuyết điểm… giấu nhẹm

Nêu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, mô hình mới, nhân tố mới là việc làm cần thiết. Ở Việt Nam có nhiều tấm gương tốt, nhiều nhân vật điển hình tốt, người tốt, việc tốt… Vấn đề là chưa tuyên truyền tốt, chưa làm lan toả rộng.

Thủ tướng cũng lưu ý, nhiều mặt chưa tốt, chưa tích cực lại được chưa đầy đủ, đa chiều, nhất là trên mạng xã hội.

“Thông qua phong trào thi đua yêu nước cần lồng ghép những vấn đề thời sự gắn với tình hình đất nước, những việc làm thiết thực chứ đừng làm hình thức. Chống tiêu cực, tham nhũng càng phải nêu đậm trong phong trào thi đua khen thưởng” - Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng phân tích, nhiều tiêu cực rất nhỏ nhưng lại lan toả rất nhanh trên mạng xã hội. Vì thế trách nhiệm của Hội đồng thi đua – khen thưởng các cấp là kiểm tra, uốn nắn việc này.

Theo ông Sùng, nhiều điển hình rất tốt trong lao động, sản xuất mà lại chưa được khen thưởng trong khi hầu hết mới là cán bộ lãnh đạo các đơn vị. Ông Sùng mong muốn, hoạt động khen thưởng phải thực chất, gắn với đời sống, tạo sự đoàn kết trong nhân dân, xã hội. Các cấp ngành phải tạo ra phong trào trong cả xã hội người giàu giúp người nghèo, người khoẻ giúp người yếu.

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - Thượng tướng Lương Cường đặt vấn đề trong phong trào thi đua khen thưởng có bệnh thành tích, có thực chất không?

“Tôi cho là có bệnh thành tích, có chỗ không thực chất trong hoạt động thi đua, khen thưởng mà báo cáo tổng kết không thể bỏ qua những hiện tượng như vậy. Muốn khen thưởng, thi đua thực chất, chống bệnh thành tích thì phải rộng đường lắng nghe chứ vừa qua, cứ có tấm gương nào vừa định đưa lên là trên mạng xã hội đã dẫn đủ vấn đề chưa hay. Không thể cầu toàn nhưng nếu thông tin bên ngoài đưa ra nhiều vấn đề thì cũng cần xem xét, kiểm tra để chọn người cho trúng, cho đúng”- ông Cường phát biểu.

Theo ông Cường, trách nhiệm với vấn đề khen thưởng đơn vị, cá nhân trước hết vẫn phải của người đứng đầu đơn vị nhưng vẫn không dễ xác định các tiêu chí vì “bảng điểm” đưa ra để chấm thì lĩnh vực gì cũng yêu cầu “xuất sắc” mà biết được thế nào là xuất sắc. “Vậy nên ở dưới, có khi người ta gần xuất sắc thôi thì cũng đều tự coi như xuất sắc cả chứ tính chi li ra, có khi chỉ có anh lái xe ở đơn vị là xác định được đúng là xuất sắc hay không vì chỉ có mấy điểm, đi lại an toàn không, giữ xe như nào, tiết kiệm chi phí như nào” – ông Cường nói.

Tán thành quan điểm này, đại diện từ Bộ Công an cũng nhận xét: “Bệnh thành tích giờ còn nhiều quá mà việc khen thưởng cũng chủ yếu là khen lãnh đạo, vì người nào làm hồ sơ cho đơn vị thì như nhận hết thành tích về mình, mọi việc như do một mình người đó làm hết vậy. Ngoài ra, như họp Đảng uỷ Công an Trung ương chúng tôi cũng đã chỉ ra những trường hợp khai hồ sơ khen thưởng thì chỉ khai thành tích, còn khuyết điểm, thậm chí kỷ luật, nhắc nhở thì đều giấu sạch”.

(Theo Dân Trí)

Các tin khác
Lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh Yên Bái và Thị ủy Nghĩa Lộ chụp ảnh với các đại biểu về dự Đại hội.

Ngày 19/4, với hơn 150 đại biểu chính thức tham dự, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) thị xã Nghĩa Lộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã được tổ chức thành công tốt đẹp.

Chiều nay – 19/4, thành phố Yên Bái và huyện Trạm Tấu đã tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác, kết nghĩa năm 2023, triển khai chương trình năm 2024.

Bộ Chính trị đề nghị Trung ương khai trừ Đảng ông Lê Viết Chữ

Bộ Chính trị khai trừ đảng nhiều cán bộ ở Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc và báo cáo, đề nghị Trung ương Đảng thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Viết Chữ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Căn cứ vào các vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật khiển trách với ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nhiều cán bộ khác của Bộ này cũng bị kỷ luật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục