Chính phủ giữ quan điểm vẫn chưa giải quyết đơn tố cáo nặc danh

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/3/2017 | 2:15:42 PM

Sáng 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 8 với nội dung cho ý kiến về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, dự thảo Luật bao gồm 9 chương với 64 điều; trong đó, giữ nguyên 4 điều, sửa đổi 36 điều và bổ sung 14 điều mới so với Luật Tố cáo năm 2011.

Vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau được nhiều cơ quan soạn thảo xin ý kiến và được đại biểu góp ý tại phiên họp là về hình thức tố cáo, tố cáo nặc danh, bảo vệ người tố cáo...

Theo Tờ trình của Chính phủ, về hình thức tố cáo có 02 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo. Đối với tố cáo hành chính căn cứ vào tình chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị tố cáo nên dự thảo Luật chỉ quy định hai hình thức tố cáo (như quy định của Luật Tố cáo năm 2011): tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Đối với tố giác, tin báo tội phạm, tố cáo trong hoạt động tố tụng thì đã có quy định về các hình thức tố cáo khác được điều chỉnh ở các luật tố tụng.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, ngoài hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, dự thảo Luật cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như: Tố cáo bằng bản fax, email, điện thoại… để tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Về tố cáo nặc danh (không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo), cũng còn có 02 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định của Đảng và Luật Tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ, họ tên địa chỉ người tố cáo. Trong những năm qua, các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó, có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Vì vậy, nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo. Do đó, dự thảo Luật chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh.

Loại ý kiến thứ 2 cho rằng, thực tế không ít trường hợp người tố cáo còn bị trả thù, bị trù dập, trong khi đó, mặc dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn. Do đó, nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình.

Đối với hai vấn đề trên, Chính phủ đều cho rằng, loại ý kiến thứ nhất là phù hợp nên đã thể hiện nội dung này vào dự thảo Luật.

Bàn về hình thức tố cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ ủng hộ quan điểm của Chính phủ bởi việc sử dụng fax, email, điện thoại sẽ không hiệu quả. “Tôi gần  như ngày nào cũng nhận được tin của người tố cáo, vừa hôm qua nhận được 2 tin của một người sử dụng 2 số điện thoại khác nhau, mà lời nói không hay. Những việc này thực tiễn ta không xử lý được” – ông nói.

Nhất trí với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đánh giá, đây là “mặt trận nóng bỏng”, nhưng những năm qua, công tác này đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận song cũng bộc lộ nhiều vướng mắc cần giải quyết. Thống nhất quan điểm của Chính phủ chưa xem xét tố cáo nặc danh, nhưng ông cũng nhấn mạnh vấn đề quan trọng là phải xây dựng đội ngũ giải quyết khiếu nại, tố cáo làm sao để dân phục và phải xử lý người tố cáo bậy, cố tình dựng chuyện, vu cáo người khác.

Góp ý về tố cáo nặc danh, cũng đồng tình quan điểm của Chính phủ song Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, làm rõ hơn vấn đề bởi dù nặc danh nhưng nếu có thông tin chính xác thì cũng nên nghiên cứu đưa vào tham khảo; đồng thời, nhấn mạnh “phải quy định rõ ràng khi tố cáo thì được bảo vệ ra sao để người tố cáo yên tâm rằng chỉ cơ quan chức năng biết”.

Quan tâm đến mối liên quan giữa luật này và các luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu: Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc để luật này không vô hiệu hóa các hình thức của luật khác. Ví dụ khoản 1, Điều 65 Luật Phòng, chống tham nhũng có quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật”. Vì vậy nếu luật này không cho phép thì phải giải thích tại sao cũng là luật của Quốc hội mà luật mở ra, luật thu hẹp.

Về tố cáo nặc danh, đồng tình với quan điểm của Chính phủ, song bà đề nghị những đơn nặc danh nhưng có địa chỉ rõ ràng thì phải xem xét, bởi phải nhìn thực tế việc bảo vệ chưa tốt nên người tố cáo ngại để tên, sợ bị trả thù.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Đây là luật cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân nên phải chặt chẽ, hạn chế bớt điều giao Chính phủ quy định, điều nào chưa chặt chẽ phải chuẩn bị thêm và phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Góp ý về hình thức tố cáo, Chủ tịch Quốc hội cũng phân tích: Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định, ta cũng hướng tới Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý nhà nước. Vì vậy, nếu Luật này không mở ra thì không đồng bộ. Song nếu quy định thì phải quy định chặt chẽ việc gửi tin nhắn, thư điện tử phải đúng người, đúng cơ quan, không được gửi lung tung, nghiêm cấm việc "bắn" tin qua rất nhiều người.

Với tố cáo nặc danh, đồng tình về nguyên tắc không giải quyết nhưng Chủ tịch Quốc hội đề nghị, với đơn tố cáo nặc danh có thông tin, rõ ràng địa chỉ thì người đứng đầu phải xem xét lại trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo của mình.

(Theo Dangcongsan.vn)

Các tin khác

Kỳ họp đã thông 17 nghị quyết quan trọng về cơ chế, chính sách; trong đó có Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 tỉnh Yên Bái.

Lãnh đạo MTTQ tỉnh và MTTQ thị xã Nghĩa Lộ khảo sát để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo ở xã Thạnh Lương.

Nhiệm kỳ qua, với vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp ở thị xã Nghĩa Lộ đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị - xã hội của địa phương.

Vận động viên đoàn thể thao của tỉnh tham gia thi đấu tại Giải vô địch cầu mây quốc gia năm 2024.

Ngành văn hóa -thể thao và du lịch Yên Bái được tỉnh giao 9 nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình hành động số 188 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024.

Đoàn rước kiệu lên Đền Hùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương dâng hương, hoa tại điện Kính Thiên (Đền Hùng, Phú Thọ) bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục