Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Lục Yên (22/4/1947 - 22/4/2017)

Đảng bộ huyện Lục Yên 70 năm xây dựng và trưởng thành

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/4/2017 | 6:48:24 AM

YênBái - YBĐT -70 năm có Đảng chỉ đường, dẫn lối, Lục Yên hôm nay đã mang trên mình một diện mạo mới. Từ một huyện miền núi có trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với tập quán du canh, du cư, nghèo nàn, lạc hậu... đến nay, huyện đã đổi thay căn bản.  70 năm qua, dù con đường đi lên có lúc gian nan, nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, Đảng bộ huyện Lục Yên đã không ngừng vươn lên, tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực, sức chiến đấu, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, từng bước đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong mỗi thời kỳ cách mạng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà (thứ 5 từ phải sang); đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tạ Văn Long với các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ huyện Lục Yên, nhiệm kỳ 2015 - 2020. (Ảnh: Mạnh Cường)
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà (thứ 5 từ phải sang); đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tạ Văn Long với các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ huyện Lục Yên, nhiệm kỳ 2015 - 2020. (Ảnh: Mạnh Cường)

70 năm qua, dù con đường đi lên có lúc gian nan, nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, Đảng bộ huyện Lục Yên đã không ngừng vươn lên, tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực, sức chiến đấu, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, từng bước đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong mỗi thời kỳ cách mạng.

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện, là dịp để Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong huyện ôn lại truyền thống lịch sử của Đảng bộ, tự hào về những thành tựu đạt được, quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện Lục Yên trở thành huyện phát triển bền vững.

Sự ra đời của Ban Huyện ủy Lục Yên ngày 22/4/1947 là mốc son lịch sử, đánh dấu bước chuyển mình từ phong trào tự phát sang tự giác của nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên; là sự phát triển tất yếu của lịch sử, giải quyết sự khủng hoảng về đường lối trước những thất bại của các cuộc khởi nghĩa trên mảnh đất Lục Yên khi chưa có Đảng chỉ đường, dẫn lối.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, trong điều kiện còn gặp muôn vàn khó khăn, thử thách của "giặc đói", "giặc dốt" và giặc ngoại xâm, nhưng Đảng bộ  đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước ổn định đời sống vật chất cho nhân dân.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ huyện Lục Yên đã lãnh đạo nhân dân tích cực đóng góp sức người, sức của, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; là nơi tiếp nhận nhân dân các tỉnh: Sơn La, Lào Cai và đồng bào một số vùng địch tạm chiến trong tỉnh đến sơ tán. Lục Yên cũng là địa bàn hậu cứ an toàn cho các đơn vị chủ lực vệ quốc quân, đồng bào các dân tộc trong huyện đã đồng cam cộng khổ với cán bộ, bộ đội, nhường cơm sẻ áo, hết mình chăm lo, bảo vệ an toàn tuyệt đối hàng nghìn người và nhiều cơ sở vật chất được chuyển đến địa phương trong thời gian dài. Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên tự hào đã đóng góp công sức không nhỏ của mình cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu.

Sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, huyện Lục Yên bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, tích cực phát triển kinh tế, xã hội, tập trung thực hiện các chủ trương quan trọng của đất nước, của tỉnh với quyết tâm chính trị cao nhất: di rời trung tâm huyện sang địa điểm mới để phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà.

Đây là nhiệm vụ mới, đụng chạm nhiều vấn đề, phức tạp về chính trị, kinh tế, tư tưởng, tình cảm, tín ngưỡng, tâm linh, nhưng vì lợi ích chung, nhân dân đã tích cực hưởng ứng, đó là điểm gặp nhau giữa "Ý Đảng, lòng Dân". Cùng với đó, Đảng bộ đã đón nhân dân ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ lên định cư, phát triển kinh tế; vận động đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tập quán từ di dân tự do sang định canh, định cư.

Tiếp nối truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc Lục Yên đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ cùng cả nước hành quân chống Mỹ cứu nước. Với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", quân và dân Lục Yên đã đóng góp cho tiền tuyến gần 30.000 tấn lượng thực, trên 1.500 tấn thực phẩm và hàng nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu... góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc vào mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, huyện Lục Yên đã có những đóng góp không nhỏ về sức người, sức của. Trong thời gian một tháng xảy ra chiến sự, huyện Lục Yên đã gửi ra chiến trường 2 tiểu đoàn quân chủ lực với 820 cán bộ, chiến sỹ, 700 dân công hỏa tuyến... góp phần vào chiến công chung của quân và dân Hoàng Liên Sơn. Huyện Lục Yên đã cử đội ngũ cán bộ có năng lực tăng cường giúp đỡ các địa phương biên giới củng cố, kiện toàn bộ máy, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ huyện Lục Yên đã nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt khó, đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, từng bước xác định những giải pháp mang tính đột phá, phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Ban hành các nghị quyết chuyên đề, trước hết là nghị quyết giúp đỡ các thôn bản đặc biệt khó khăn; tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác; phát triển kinh tế, xã hội các xã dọc quốc lộ 70 và trong nhiệm kỳ này, tập trung phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020; từng bước quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Phát triển công nghiệp trong các lĩnh vực có lợi thế, đặc biệt với nguồn tài nguyên đá quý, đá bán quý và đá hoa trắng trữ lượng lớn, Lục Yên trở thành một trong những địa phương có tiềm năng thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước.

Phát huy truyền thống từ năm 1967, huyện đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về làm đường giao thông nông thôn. Đảng bộ đã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của, vận dụng sáng tạo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” với nhiều cơ chế hỗ trợ: “một - chín”, “sáu - bốn”, “bảy - ba”... huyện Lục Yên đã trở thành một trong 9 huyện của toàn quốc được Nhà nước khen thưởng về làm đường giao thông nông thôn và là điểm sáng trong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng bộ huyện.

70 năm có Đảng chỉ đường, dẫn lối, Lục Yên hôm nay đã mang trên mình một diện mạo mới. Từ một huyện miền núi có trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với tập quán du canh, du cư, nghèo nàn, lạc hậu... đến nay, huyện đã đổi thay căn bản. Kinh tế tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; đời sống đại bộ phận nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt trên 22 triệu đồng/năm; huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo còn 28,6%, diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm. Chất lượng giáo dục - đào tạo từng bước được nâng lên; duy trì 100% số xã, thị trấn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS.

Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, quốc phòng - an ninh được tăng cường, củng cố.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng trên các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, coi đây là nhiệm vụ then chốt. Từ Ban Huyện ủy chỉ có 3 đồng chí, đến nay đã phát triển thành 53 tổ chức cơ sở đảng với trên 6.000 đảng viên. Đảng bộ huyện đã thực hiện tốt các cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần nghị quyết của Trung ương, nhất là việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh và nay là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… góp phần củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên với Đảng.

Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Lục Yên trao đổi về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. (Ảnh: Thanh Hương)

Với những thành tích tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là những thành tích trong kháng chiến chống Pháp, trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước, huyện Lục Yên đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích xây dựng, phát triển giao thông nông thôn. Xã Mường Lai được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Trong chiến công chung đó, có sự hy sinh cao cả của 35 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 726 liệt sỹ, 532 thương, bệnh binh và 108 người phải mang trên mình những di chứng của chất độc da cam... Đó là minh chứng của lòng yêu nước, là niềm tự hào của bao thế hệ hôm nay khi ôn lại truyền thống lịch sử Đảng bộ huyện để hiểu rõ hơn về quá khứ, từ đó định hướng cho tương lai.

Lịch sử Đảng bộ huyện Lục Yên 70 năm qua, đã cho thấy phong trào cách mạng là kết quả lãnh đạo của tập thể cấp ủy, song những cán bộ chủ chốt có “tâm”, có “tầm”, có “tài” đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Huyện Lục Yên luôn có đội ngũ cán bộ đảm bảo đưa phong trào cách mạng địa phương phát triển mạnh mẽ, liên tục; nhiều cán bộ trưởng thành hoặc rèn luyện qua thực tiễn lãnh đạo phong trào ở Lục Yên đã trở thành cán bộ chủ chốt của tỉnh và Trung ương.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế. Trước tình hình đó, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên hơn bao giờ hết, phải phát huy cao độ truyền thống yêu nước, cách mạng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lục Yên lần thứ XXI đã xác định: tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy dân chủ, tiềm năng con người, chú trọng công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực. Phát huy nội lực, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; tạo bước đột phá trong phát triển nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp trên cơ sở khai thác hiệu quả các nguồn lực.

Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, từng bước chuyển dịch hợp lý cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, dịch vụ; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng Lục Yên phát triển bền vững.

Với niềm phấn khởi, tự hào, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, Đảng bộ huyện Lục Yên sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình. Cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đã đề ra.

Nguyễn Chương Phát - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lục Yên

Các tin khác

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc, mở đầu nền hòa bình cho đất nước. Trân trọng và tự hào về những thành quả mà thế hệ cha ông đã đổ máu xương giành được, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều cách làm thiết thực để giáo dục cho thế hệ trẻ về ý nghĩa của chiến thắng lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Bà Nguyễn Hương Giang

Ngày 26/4, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật đối với Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ngày 26/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ như sau:

Các chiến sĩ Tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa giáo dục truyền thống thông qua những kỷ vật thời chiến cho thế hệ trẻ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vào những năm 1967 - 1968 có thể nói là cam go, khốc liệt nhất. Với khẩu hiệu: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, "Tất cả cho tiền tuyến”, chỉ trong 2 năm 1967 - 1968, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã xây dựng 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh với gần 3.000 quân lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục