Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/5/2017 | 2:15:37 PM

Sáng 17/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Toàn cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ cảm xúc tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam: Động lực phát triển kinh tế của đất nước” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016. Hội nghị không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp mà cho cả Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương khi Chính phủ mới bước vào một nhiệm kỳ mới, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức.

“Nhân sự kiện lần này được tổ chức tại Thủ đô của chúng ta, tôi nhớ một nhà khởi nghiệp tư sản dân tộc tiêu biểu của chúng ta, ông Bạch Thái Bưởi từng nói: “Tôi muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”. Ông tổng kết bài học thương trường: Phải biết cung cấp cái mà người ta đang thiếu, cái mà người ta đang cần và phải kịp thời.... Và người thầy của doanh nhân Việt Nam, chí sĩ Lương Văn Can, đã nói đại ý như thế này: Văn minh cần tiến bộ, buôn bán cần thịnh đạt; việc buôn bán thịnh suy có quan hệ với quốc dân thịnh suy” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng khẳng định: Từ cả thế kỷ trước, chúng ta đã có những chí sĩ yêu nước, nhà khởi nghiệp mang trong mình hoài bão lớn, bắt kịp với xu thế của thời đại. Bài học, tấm gương và khát vọng của họ tiếp tục là niềm cảm hứng và làm rạng danh thương hiệu Doanh nhân Việt Nam cho đến ngày hôm nay.
Thủ tướng nhấn mạnh, sau khi nghe các báo cáo và ý kiến của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nhân, chúng ta hãy đối chiếu lại với những nguyên tắc để xây dựng thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân cùng với hai nhóm giải pháp trước đây chúng ta đã đề ra. Đó là: Kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật và cải cách thủ tục hành chính.

Thủ tướng đề nghị, sau 1 năm triển khai Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp, Chính phủ cần nhận được những ý kiến thẳng thắn của doanh nghiệp - những người hằng ngày trải nghiệm và hiểu rõ môi trường cạnh tranh này.

Nhiều bộ, ngành chưa thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp

Tại Hội nghị, nhấn mạnh những kết quả cụ thể, toàn diện đã đạt được sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Lãnh đạo Chính phủ, nhiều bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu. Thực tế vẫn còn không ít khó khăn. Việt Nam đang là một nền kinh tế có chi phí kinh doanh lớn nhất trong khu vực cả về chính thức và không chính thức.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho hay một số tồn tại, khó khăn như: Sự thay đổi chính sách đột ngột, sự hồi tố trong kinh doanh; nhiều địa phương vẫn lạm dụng thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp; nhiều điều kiện sản xuất kinh doanh không phù hợp; tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh” còn tồn tại ở một số nơi; nhiều bộ, ngành, địa phương chỉ giải thích, không giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp... vẫn là những thách thức, rào cản cần giải quyết, gỡ bỏ trong thời gian tới.

Ông Vũ Tiến Lộc chúc mừng Chính phủ đã khởi động thành công "làn sóng cải cách lần thứ 2"; cảm ơn Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh.

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, ông Trần Hồng Việt - Tổng Giám đốc Saigontourist kiến nghị một số vấn đề như: Về phát triển cấp thị thực, visa điện tử; quy hoạch du lịch các địa phương, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng vận hành quỹ quảng bá để phát triển du lịch bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển du lịch ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới xa xôi...

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh kiến nghị một số giải pháp xử lý những rủi ro tiềm ẩn trong thị trường bất động sản (BĐS) như: Giải pháp hạch toán bù trừ trong kinh doanh BĐS ở những doanh nghiệp kinh doanh đa ngành; cho phép thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng nước ngoài; sửa đổi pháp luật về đầu tư kinh doanh, về kinh doanh BĐS; sớm ban hành một số quyết định mới về xử lý vấn đề đất đai trong doanh nghiệp cổ phần hóa; bảo vệ quyền lợi của người mua nhà "ngay tình"...

Ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch HĐQT Công ty KOSY kiến nghị một số giải pháp về giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án theo cơ chế tự thỏa thuận; thời điểm xác định giá đất và quyền sử dụng đất; thu hồi các dự án chậm tiến độ, đưa đất vào sử dụng đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, nên đánh thuế lũy tiến hoặc phạt tiền, tránh "thu hồi trắng" tài sản của nhà đầu tư...

(Theo dangcongsan.vn)

Các tin khác

Chiều nay – 19/4, thành phố Yên Bái và huyện Trạm Tấu đã tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác, kết nghĩa năm 2023, triển khai chương trình năm 2024.

Bộ Chính trị đề nghị Trung ương khai trừ Đảng ông Lê Viết Chữ

Bộ Chính trị khai trừ đảng nhiều cán bộ ở Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc và báo cáo, đề nghị Trung ương Đảng thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Viết Chữ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Căn cứ vào các vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật khiển trách với ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nhiều cán bộ khác của Bộ này cũng bị kỷ luật.

Các đại biểu dự Hội nghị

Đến hết quý 1, thành phố Yên Bái đã có 21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm theo Kế hoạch hành động số 236 của Thành ủy; 17 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch,

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục