Phát biểu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/5/2017 | 2:18:47 PM

Ngày 17/5, tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã có báo cáo tổng hợp công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Trân trọng giới thiệu nội dung Báo cáo của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.

- Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ,

- Kính thưa đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh,

- Kính thưa các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ,

- Kính thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu.

Ngay sau khi được kiện toàn từ tháng 4/2016 và trong nhiệm kỳ mới khóa XIV, với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp và bằng những hành động cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII mới đây về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân.

Triển khai các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã chuyển trọng tâm từ xây dựng sang hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, mặc dù còn những tồn tại, hạn chế nhưng công tác chỉ đạo điều hành hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đã đạt những kết quả bước đầu quan trọng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có báo cáo tổng hợp công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp gửi tới quý vị đại biểu. Sau đây tôi xin trình bày tóm tắt những nội dung chủ yếu.

I. TRỌNG TÂM CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

1. Về hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật về đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm. Chỉ đạo xây dựng, trình Quốc hội 41 dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, trong đó có nhiều dự án luật liên quan trực tiếp đến hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp như Luật đầu tư (sửa đổi), Luật sửa các Luật về thuế, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật quy hoạch...

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo thẩm quyền, đã ban hành 202 Nghị định, 47 Quyết định, trong đó có 115 Nghị định, 18 Quyết định liên quan trực tiếp đến môi trường đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp, 50 Nghị định có quy định về cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh.

2. Đưa ra thảo luận, chỉ đạo thường xuyên về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tại các Phiên họp hàng tháng, chuyên đề của Chính phủ, họp Thường trực Chính phủ và các cuộc họp của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng: Với phương châm hành động chuyển từ phương thức quản lý theo mệnh lệnh hành chính sang phục vụ, hướng tới doanh nghiệp và người dân, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.

3. Trực tiếp làm việc với địa phương, dự và chỉ đạo Hội nghị xúc tiến đầu tư các vùng, tỉnh, thành phố: Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện 72 chuyến công tác tại địa phương và làm việc tại Trụ sở Chính phủ. Thủ tướng đã dự, trực tiếp chỉ đạo 18 Hội nghị xúc tiến đầu tư, trong đó có 02 Hội nghị cấp Vùng. Chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai quyết liệt Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ; thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; xây dựng niềm tin để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ vào các địa phương.

4. Đổi mới chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp: chỉ đạo chuyển trọng tâm từ xây dựng thể chế sang hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử. Kiểm soát chặt chẽ việc quy định và tổ chức thực hiện thủ tục hành chính theo hướng giảm thời gian và chi phí, chuyển mạnh cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng phương thức quản lý đánh giá rủi ro; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức và trách nhiệm của người đứng đầu. Nâng cao vai trò của người dân, doanh nghiệp trong giám sát, đánh giá thực hiện.

5. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các buổi họp, làm việc của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ với các Bộ ngành, cơ quan, đối tác trong và ngoài nước: Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì gần 600 cuộc họp, làm việc, hội nghị, hội thảo với các Bộ ngành, hiệp hội, đối tác quốc tế; tập trung giải quyết nhiều khó khăn vướng mắc cụ thể cả về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính và các điều kiện cần thiết để hỗ trợ phát triển và doanh nghiệp, trong đó có các vấn đề vay vốn tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dược liệu, thủy sản, năng lượng sạch, an toàn thực phẩm, phân bón...

6. Chỉ đạo thiết lập, phát triển các kênh tương tác và tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã thiết lập, đưa vào hoạt động 2 Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; tổ chức 03 Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp do Lãnh đạo Chính phủ chủ trì. Đây là những kênh thông tin tương tác quan trọng để người dân, doanh nghiệp gửi, theo dõi, nhận kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị liên quan.

7. Thành lập Tổ công tác theo dõi kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có nhiệm vụ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp: Từ khi thành lập tháng 8/2016 đến nay, Tổ công tác đã tiến hành 22 cuộc kiểm tra tại các bộ, cơ quan, địa phương với một trọng tâm là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đến nay số nhiệm vụ quá hạn chỉ còn 4,1%, giảm 20,9% so với thời điểm trước khi Tổ công tác được thành lập.

8. Về một số nội dung chỉ đạo điều hành cụ thể, nổi bật trên các lĩnh vực:

- Về nông nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, có giải pháp cụ thể thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ và hạn điền, tích tụ ruộng đất; thủy sản, tôm, cá tra; dược liệu; tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau quả, dưa hấu, lợn; thức ăn chăn nuôi; muối; vệ sinh an toàn thực phẩm…

- Về công nghiệp, chỉ đạo tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khai khoáng; điện gió, mặt trời; hợp tác công tư trong phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, cảng biển; doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ…

- Trong lĩnh vực dịch vụ, tập trung hỗ trợ, phát triển phát triển doanh nghiệp trong các lĩnh vực: du lịch, vận tải, logistics, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; hệ thống bán buôn, bán lẻ; thương mại điện tử… Trong đó, đã có 01 Nghị định về thị thực điện tử, 08 Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ, 03 Nghị quyết về miễn thị thực, 01 Nghị quyết chuyên đề, 02 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch.

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

1. Kết quả đạt được

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng.

Năm 2016, có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 900 nghìn tỷ đồng; 4 tháng đầu năm 2017 có gần 40 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký mới trên 369.635 tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh; năm 2016 có trên 2600 dự án đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần đạt gần 27 tỷ USD, 4 tháng đầu năm 2017 đạt gần 11 tỷ USD.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Môi trường kinh doanh năm 2017, xếp hạng Việt Nam tăng 9 bậc (từ vị trí 91/189 lên 82/190) với nhiều chỉ số tăng hạng mạnh; trong đó có chỉ số bảo vệ nhà đầu tư tăng hạng nhiều nhất với 31 bậc; giao dịch thương mại qua biên giới đạt mức tăng 15 bậc; nộp thuế và BHXH tăng 11 bậc; tiếp cận điện năng cải thiện 5 bậc.

Một số kết quả hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cụ thể như sau:

(1) Trong năm 2016, tổng số thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 tại các Bộ, ngành là 112 và các địa phương là 8.215. Văn phòng Chính phủ đang rà soát danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng ở các Bộ, ngành, địa phương thời gian tới.

(2) Kể từ khi Hệ thống thông tin phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp đi vào hoạt động (ngày 01/10/2016), đã tiếp nhận tổng cộng 586 phản ánh, kiến nghị; trong đó có 372/489 phản ánh, kiến nghị đã được các Bộ, ngành, địa phương xử lý, giải quyết; đồng thời Văn phòng Chính phủ thẩm tra, trình Thủ tướng Chính giải quyết và xử lý theo quy định 95/97 phản ánh kiến nghị còn lại.  Sau hơn 1 tháng Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân đi vào hoạt động, đã tiếp nhận 705 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xử lý; đã gửi các Bộ, ngành, địa phương 167 phản ánh, kiến nghị đủ cơ sở xem xét, xử lý. Trong đó, 30/167 phản ánh, kiến nghị đã xử lý xong, số còn lại đang được các cơ quan có liên quan xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Nhiều phản ánh, kiến nghị đã được giải quyết kịp thời, triệt để, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đồng tình, đánh giá cao.

(3) Đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch hoặc chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 19, đẩy mạnh rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về: nộp thuế, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, thông quan hàng hóa... Đã có 11 bộ, ngành tham gia kết nối cơ chế một cửa quốc gia; tiếp nhận và xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia trên 264 nghìn bộ hồ sơ thủ tục hành chính của trên 9,4 nghìn doanh nghiệp.

(4) Các địa phương đã thường xuyên rà soát, thống kê, bổ sung các thủ tục hành chính được giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, bảo đảm quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều địa phương có những mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả; trong đó có 15 tỉnh triển khai mô hình Trung tâm hành chính công.

(5) Việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Hiện có 4/24 Bộ ngành, 21/63 địa phương đã ban hành danh mục thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích. Trong 4 tháng đầu năm 2017, đã có trên 23 nghìn lượt người sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để thực hiện thủ tục hành chính. Đã cấp thị thực điện tử cho trên 14.000 nước ngoài

(6) Việc cải cách thủ tục hành chính được triển khai rộng khắp và đạt nhiều kết quả quan trọng bước đầu trên các lĩnh vực. Trong đó, đã triển khai khai thuế điện tử cho toàn bộ các Cục, chi cục thuế; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các quy định trong lĩnh vực đất đai.

(7) Công tác thông tin truyền thông phục vụ chỉ đạo hiều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp được triển khai tích cực với hàng trăm bài viết phân tích, bình luận, phản biện chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.

2. Tồn tại hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp còn những tồn tại, hạn chế, cụ thể là:

- Vẫn còn những quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, làm phát sinh những thủ tục hành chính mới. Một số cơ chế chính sách, TTHC còn can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh; chưa khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp. Việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự còn chưa được cụ thể, khó áp dụng.

- Việc thực thi pháp luật, cơ chế chính sách còn nhiều yếu kém. Một số cán bộ, công chức còn nhũng nhiễu, tiêu cực. Thiếu công cụ giám sát, đánh giá hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ công chức. Việc cải cách thủ tục hành chính ở một số bộ ngành, địa phương còn chậm, mang tính hình thức; thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, bất cập.

- Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chồng chéo, kéo gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điển hình ví dụ có doanh nghiệp ở Đồng Nai phản ánh 1 tháng bị thanh tra, kiểm tra 3 lần, có doanh nghiệp ở địa phương khác bị thanh tra 12 lần/1 năm. Hiện nay có trên 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể nhưng có tâm lý lo ngại về thanh kiểm tra, thực hiện nghĩa vụ thuế nên chưa tự nguyện chuyển thành doanh nghiệp.

- Việc tiếp cận các nguồn lực của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế; trong đó thủ tục vay còn phức tạp, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; thủ tục hành chính về đất đai còn rườm rà, kéo dài; chưa chú trọng bố trí đất đai cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong các khu công nghiệp.

Thực tế cho thấy số doanh nghiệp thành lập mới nhiều, tổng số vốn đăng ký lớn nhưng chủ yếu là vừa và nhỏ (trên 90%), thực chất đi vào hoạt động còn thấp, năng lực quản trị, cạnh tranh và chủ động hội nhập còn nhiều hạn chế; chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chưa tập trung vào các ngành sản xuất vật chất, chế biến chế tạo; một số doanh nghiệp đóng góp cho NSNN thấp, thậm chí không có đóng góp.

- Việc tiếp nhận, xử lý và trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp tại một số Bộ ngành, địa phương còn chậm, chưa thực sự cầu thị, chưa đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm. Đến hết quý I/2017, trong 73 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành được giao tại Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, mới có 34 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, đạt tỷ lệ xấp xỉ trên 46%.

- Vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp còn hạn chế, nhất là trong việc thu hút, động viên, hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm với xã hội.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 35 và các cơ chế chính sách, pháp luật về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp hiệu quả chưa cao; thậm chí một số doanh nghiệp đến nay vẫn chưa biết đến Nghị quyết này.

Những tồn tại, hạn chế trên đây có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, cụ thể là:

- Nhiều Bộ ngành, địa phương chưa quát triệt đầy đủ, nhận thức đúng và rõ tư tưởng chỉ đạo về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tư duy quản lý còn mang dấu ấn cơ chế xin – cho, bao cấp; chưa chuyển mạnh sang tinh thần hành chính phục vụ, kiến tạo phát triển.

- Việc cải cách, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của một bộ phận cán bộ, công chức nên gặp trở ngại ngay từ bên trong. Tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính và thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức vẫn còn nhiều.

- Kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm; còn nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực. Công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình còn “xa lạ” với một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, nhất là cấp cơ sở.

- Chưa gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử. Ứng dụng công nghệ thông chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được coi là động lực để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành.

- Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa thực sự chủ động, đổi mới sáng tạo, dám làm, nhất là trong tham mưu về hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính và tổ chức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

- Sự tham gia của các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, đối tượng chịu tác động trong xây dựng, thực thi pháp luật, cơ chế chính sách còn thiếu chủ động, chưa thực sự hiệu quả. Phản biện chính sách còn hình thức, chưa đề xuất được những giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI

1. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách, triển khai hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp tư nhân. Tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo đột phá trong thể chế về đầu tư kinh doanh, đất đai, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

2. Tăng cường thực thi thể chế, pháp luật: Các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị tập trung nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, cơ chế chính sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm giải trình. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đề nghị chú trọng đổi mới quản trị doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, cạnh tranh lành mạnh và phát huy trách nhiệm xã hội.

3. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện "Chung tay cải cách thủ tục hành chính". Người đứng đầu các ngành các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính; phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính; kiên quyết loại bỏ “lợi ích nhóm” để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

4. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân: các Bộ ngành, địa phương tập trung làm tốt việc tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân theo phân cấp quản lý và chức năng, nhiệm vụ được giao. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra thực hiện và đối thoại với người dân, doanh nghiệp.

5. Đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử: Các Bộ ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ giao tại Nghị quyết 36a; khẩn trương hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Danh mục được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

6. Đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác theo dõi kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao: Yêu cầu các Bộ ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ được giao. Tổ công tác kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là về cơ chế chính sách và thực thi.

7. Về công tác thông tin truyền thông: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, pháp luật về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Kịp thời đưa tin về những mô hình tốt, cách làm hay cũng như những sai phạm trong thực thi chính sách, pháp luật.

Trên đây là báo cáo tóm tắt công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp trong hơn 1 năm qua. Văn phòng Chính phủ xin đề nghị quý vị đại biểu, đại diện doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 Xin trân trọng cảm ơn.

(Theo chinhphu.vn)

Các tin khác
Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu định hướng tuyên truyền thời gian tới.

Sáng 25/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy định kỳ tháng 4. Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Bàn Văn Thêm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Yên Bình trao nhà Đại đoàn kết cho hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Khe Ngang, xã Yên Thành.

Nhiệm kỳ 2019 - 2024, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Yên Bình đã tích cực hướng hoạt động về cơ sở thông qua các phong trào, mô hình, cách làm hay, sáng tạo, để lại nhiều dấu ấn đậm nét, góp phần quan trọng đưa Yên Bình về đích huyện nông thôn mới sớm trước 2 năm so với mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh phát biểu thảo luận tại Hội trường.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái khóa XV đã tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri trước, sau các kỳ họp Quốc hội, đặc biệt có nhiều đổi mới trong hình thức tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri, hết lòng hết sức vì trọng trách mà cử tri và nhân dân giao phó.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Nhất của Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới

Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba (2023 - 2024); phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024 - 2025).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục