Phó chủ tịch Quốc hội: Chúng ta đang chết mòn vì thực phẩm bẩn
- Cập nhật: Thứ hai, 5/6/2017 | 11:56:26 AM
Là trưởng đoàn giám sát tối cao về an toàn thực phẩm, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng 60-70% bệnh tật hiện nay là do thực phẩm bẩn.
Phó chủ tịch Quốc hội: "Nhiều nơi đã chạm tới ranh giới báo động đỏ trong an toàn thực phẩm".
|
Hôm nay, Quốc hội dành trọn ngày làm việc để giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. VnExpress phỏng vấn Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - Trưởng đoàn giám sát, về kết quả kiểm tra lĩnh vực nóng này trong thời gian qua.
Báo động đỏ
- Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận định như thế nào về thực trạng an toàn thực phẩm ở Việt Nam, thưa ông?
- Việc Quốc hội giám sát tối cao về thực hiện chính sách pháp luật với an toàn thực phẩm là lựa chọn đúng, trúng, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri.
Vừa qua công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đã có những tiến bộ, đạt yêu cầu nhất định. Chúng ta đã có khung pháp lý với nhiều đạo luật mới ban hành như Luật An toàn thực phẩm, Luật quản lý chất lượng hàng hoá có hiệu lực... Nhờ đó, cơ quan chức năng đã phát hiện khá nhiều sai phạm trong lĩnh vực này. Đơn cử, 5 năm qua trong số 3,3 triệu cuộc kiểm tra, nhà chức trách đã phát hiện gần 679.000 vụ sai phạm, xử lý 136.000 vụ.
Chưa bao giờ vấn nạn thực phẩm bẩn, an toàn thực phẩm lại được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh tỉnh người dân như hiện nay. Dù vậy, việc kiểm soát trong lĩnh vực này chưa đạt yêu cầu thực tiễn đặt ra. Nhiều nơi đã chạm tới ranh giới báo động đỏ trong an toàn thực phẩm.
- Cụ thể những vấn đề bất cập, chưa đạt yêu cầu là gì?
- Hệ thống pháp luật của ta dù đã có, song vẫn cần hoàn thiện hơn, đưa ra chế tài xử phạt mạnh tay hơn với vi phạm vệ sinh thực phẩm.
Tỷ lệ vụ việc bị xử lý sai phạm trong 5 năm qua mới đạt 20% so với số vụ phát hiện. Có vụ xử phạt vài triệu, có vụ hàng trăm triệu đồng nhưng mức độ xử phạt hành chính còn thấp, tính răn đe không cao. Những hành vi vô nhân tâm như cho lợn uống nước, bơm tạp chất vào tôm… vẫn nhởn nhơ tái diễn mà chưa được xử lý dứt điểm.
Nhiều vụ phát hiện sai phạm nhưng Bộ luật Hình sự quy định không rõ nên không xử lý được. Trong 5 năm, cơ quan điều tra các cấp chỉ khởi tố một vụ, 3 bị can về tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm...
Hành lang pháp lý đáng ra phải là tiền đề như đèn pha rọi đường thì chưa thật đồng bộ, nên cần sửa ngay.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức chưa tốt, đặc biệt là cấp cơ sở, địa phương. Trong lần đi giám sát, Bộ trưởng Y tế có nhận xét mà tôi cho rất đúng, đó là trong lúc Trung ương sốt sắng trước vấn nạn thực phẩm bẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm... nhiều cơ sở, địa phương lại thờ ơ.
Địa bàn của anh rõ ràng anh nhìn thấy sai phạm, có căn cứ nhưng không xử lý. Thậm chí có cán bộ xã nói, nếu chúng tôi làm nghiêm thì “ngồi với ai, chơi với ai”. Người cán bộ Nhà nước đó chưa thoát khỏi tư tưởng mình là người của dòng họ, làng quê... Đó là sự bao biện, ràng buộc mà lơ đi sai phạm. Nếu thương người nghèo mà cứ để họ sử dụng chất cấm thì lại làm hại rất nhiều người tiêu dùng.
- Có điều gì khiến ông giật mình về thực trạng an toàn thực phẩm ở các địa phương?
- Có chứ. Một lần chúng tôi kiểm tra đột xuất sơ sở giết mổ ở Hà Nội. Cơ sở này tồn tại 3 năm rồi, nhưng mọi yêu cầu, tiêu chuẩn: giết mổ trâu, bò; bảo quản thịt sau giết mổ... đều vi phạm. Cách giết trâu bò thì man rợ; thịt giết mổ xong để trơ chọi trên nền gạch nhầy nhụa, xung quanh thì ô nhiễm. Có thành viên đoàn giám sát không chịu được cảnh ghê rợn, mùi ô uế phải ra ngay. Còn tôi ám ảnh suốt trên đường về nhà.
- Ông cảnh báo người trong gia đình ra sao khi lựa chọn thực phẩm hàng ngày?
- Tận mắt chứng kiến cảnh mất vệ sinh tại các cơ sở lò mổ, dù không trực tiếp đi chợ mua thực phẩm, tôi đã nhắc nhở những người trong gia đình, vợ con phải cẩn thận kiểm tra, chọn mua hàng có nguồn gốc rõ ràng. Nhưng đôi khi cảm quan bằng mắt cũng khó nhận biết được thực phẩm đó có sạch hay không. Nhiều khi con tôm, con cá nhảy tanh tách lại chứa dư lượng kháng sinh, chất độc hại... Đó là sự bất cập.
- Một đại biểu Quốc hội từng phát biểu “chưa bao giờ con đường từ dạ dày tới nghĩa địa gần thế”. Ông nghĩ sao?
- Chúng ta đau xót khi xảy ra những vụ tử vong vì ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, tỷ lệ này của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới thì không nhiều, điều đáng báo động hơn là chết dần chết mòn.
Theo thống kê giai đoạn vừa qua, nước ta có 70.000 người chết vì ung thư và 200.000 ca phát hiện ung thư. Đằng sau những con số này thì thống kê về ảnh hưởng của an toàn thực phẩm đến sức khoẻ của toàn dân thế nào? Không khí, môi trường và thực phẩm có là tác nhân chính khiến gây bệnh hiểm nghèo?
Trên thế giới họ cho rằng, 35% bệnh ung thư là do thực phẩm bẩn. Cá nhân tôi cho rằng, ở Việt Nam, 60-70% bệnh tật hiện nay là do thực phẩm.
"Vì giống nòi, phải cương quyết"
- Ngay cả hàng hóa trong siêu thị cũng khiến người tiêu dùng lo lắng vì không rõ nguồn gốc. Theo ông, tình trạng này do vướng mắc khâu nào?
- Đúng là có thực tế mua hàng ở siêu thị - nơi được coi là sạch, có đầy đủ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng người tiêu dùng vẫn bị “dính” thực phẩm bẩn.
Trong 3-4 năm tới, chúng ta có một triệu hộ kinh doanh cá thể, chưa kể hàng triệu hộ đang hoạt động nhà hàng, khách sạn…, làm sao mà kiểm soát hết. Vì thế, quan trọng nhất là các cơ sở phải tự kiểm tra, nâng ý thức lên, xây dựng quy chế tự kiểm soát, giám sát. Nếu đoàn kiểm tra đột xuất mà phát hiện vi phạm thì phải có biện pháp mạnh: xử phạt, đóng cửa, truy tố… Ý thức, quy trình không thay đổi dù có cán bộ kiểm tra kè kè đứng đó thì vẫn vi phạm.
Ở các nước, cửa hàng nào, doanh nghiệp nào vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thì chỉ có đường đóng cửa, vì ngoài bị xử phạt, người tiêu dùng lập tức tẩy chay.
Chúng ta phải hướng tới sản xuất theo chuỗi khép kín, từ nuôi trồng, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ... trong đó có cả môi trường. Tôi cho rằng, truyền thông phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, để người dân hiểu, biết và tẩy chay sản phẩm bẩn.
- Đoàn giám sát đề xuất biện pháp gì để cải thiện tình trạng trên?
- Dự thảo Nghị quyết về giám sát tối cao vệ sinh an toàn thực phẩm của Quốc hội lần này kiến nghị bổ sung nhiều giải pháp, chế tài mạnh.
Đầu tiên là làm rõ trách nhiệm của những người đứng đầu các bộ, ngành, nhất là chính quyền địa phương khi để xảy ra các vụ ngộ độc an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, trách nhiệm của Chính phủ cũng được nêu rõ trong việc để xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan.
Nghị quyết cũng kiến nghị sửa hệ thống pháp luật, nhất là một số quy định trong Bộ luật Hình sự, theo hướng hình sự hoá những hành vi vi phạm, với mục tiêu đánh vào tâm lý người cố ý vi phạm để răn đe.
Việt Nam vẫn còn một bộ phận người nghèo, dù không được ăn ngon thì họ có quyền được ăn sạch. Vì giống nòi, sự phát triển của đất nước phải cương quyết. Cuộc giám sát này chỉ góp phần như một tiếng chuông cảnh tỉnh, nhưng rất quan trọng và đúng thời điểm.
Đừng làm theo kiểu phong trào như chiến dịch vỉa hè "Để chống thực phẩm bẩn, đừng làm theo kiểu kêu gọi, phong trào khi đưa ra tháng vệ sinh an toàn thực phẩm, hay chiến dịch, ra quân... Những hình thức này chỉ mang tính chất khích lệ, động viên chứ không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Cũng như chuyện xử lý lấn chiếm vỉa hè vừa rồi, ầm ĩ một thời gian, xong đâu lại vào đó". Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển |
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Ngày 3-6, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.
Tại các buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam rất coi trọng việc tăng cường giao lưu hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Nhật Bản.
YBĐT - Cách đây 106 năm, ngày 5/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn - Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi đó mới vừa tròn 21 tuổi đã lên chiếc tàu mang tên Amiral La Touche De Tréville, ra đi tìm đường cứu nước.
YBĐT - Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà các cháu thiếu nhi tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh và Nhà thiếu nhi tỉnh/ Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với thành phố Yên Bái về công tác giáo dục/ Trên 7.500 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10/ Hội thảo “Bàn giải pháp chăn nuôi lợn theo mô hình liên kết chuỗi sản xuất”... là những tin tức đáng chú ý.