Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/9/2017 | 7:21:04 AM

Chiều 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tiếp tục phiên họp thứ 14, cho ý kiến về Dự án Luật An ninh mạng. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Cần thiết ban hành Luật An ninh mạng

Theo báo cáo, tình hình an ninh mạng ở Việt Nam trong thời gian qua diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, nhất là các cuộc tấn công mạng vào hệ thống thông tin của các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp lớn, làm ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Trong năm 2016, Việt Nam phát hiện 135.190 cuộc tấn công mạng, tăng gấp 3 lần so với năm 2015; trong đó có 10.276 cuộc tấn công lừa đảo (phishing), 47.135 cuộc tấn công cài phần mềm độc hại (malware) và 77.779 cuộc tấn công thay đổi giao diện (deface).

Vấn đề sử dụng không gian mạng thực hiện các hành vi chống đối, âm mưu thực hiện "diễn biến hòa bình” có chiều hướng gia tăng. Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước lợi dụng không gian mạng để hoạt động chống phá, đăng tải các video, thông tin, bài viết sai trái, xuyên tạc tình hình đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động người dân biểu tình, bạo loạn... gây mất ổn định về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh.

Bên cạnh đó, việc sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội trong thời gian qua cũng gia tăng, nhất là tình hình đối tượng tấn công mạng, xâm nhập cơ sở dữ liệu của các ngân hàng, doanh nghiệp bán hàng, thanh toán trực tuyến để trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, làm thẻ giả để lấy tiền của chủ tài khoản; sử dụng Internet, viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (thông qua kinh doanh, bán hàng, huy động vốn), tống tiền, rửa tiền, đánh bạc, phát tán ấn phẩm đồi trụy, khiêu dâm, buôn bán vũ khí, ma túy, hàng cấm...

Tình hình sử dụng phần mềm độc hại, gián điệp để đánh cắp, thu thập thông tin bí mật Nhà nước, bí mật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên các ứng dụng, phần mềm thiết bị di động, thông qua tin nhắn, thư điện tử hoặc ứng dụng độc hại, mã độc. Từ năm 2001 đến tháng 12/2016, các cơ quan chức năng đã phát hiện 502 vụ lộ, lọt bí mật Nhà nước trên Internet; riêng năm 2016, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý 69 vụ lộ, lọt bí mật Nhà nước trên Internet.

Tại phiên họp, đa số ý kiến của các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng và nhấn mạnh cần tăng cường công tác phòng, chống các hoạt động của các đối tượng phản động, chống đối, các loại tội phạm lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật An ninh mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đánh giá hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của nước ta còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu đồng bộ; công tác quản lý và vận hành chưa tốt và còn nhiều lỗ hổng, sơ hở, có thể bị lợi dụng xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trật tự xã hội, an toàn thông tin trên không gian mạng.

Mặc dù đã có Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử và hơn 40 văn bản chỉ đạo của Chính phủ về lĩnh vực an toàn thông tin nhưng qua khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến của các chuyên gia cho thấy còn nhiều lỗ hổng, sơ hở trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết. Ông Võ Trọng Việt đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát các nội dung trong dự thảo Luật để tránh quy định chồng chéo với các luật khác liên quan.

Bảo đảm yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội

Dự thảo Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 61 điều; trong đó quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ an ninh mạng, triển khai hoạt động đảm bảo an ninh mạng, phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng, bảo đảm điều kiện triển khai công tác an ninh mạng...

Trình bày tờ trình Dự án Luật An ninh mạng, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Việc ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; khắc phục những hạn chế, tồn tại liên quan đến bảo vệ an ninh mạng.

Về quan điểm xây dựng luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, xác định hợp lý mối quan hệ giữa luật này và các luật liên quan; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của quốc tế để vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Về phạm vi điều chỉnh của luật, luồng ý kiến thứ nhất là cần thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng tập trung vào an ninh quốc gia; tuy nhiên cũng có ý kiến, cần xây dựng phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng không chỉ tập trung vào bảo vệ an ninh quốc gia mà phải bảo đảm được trật tự an toàn xã hội.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, không gian mạng đã xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và hiện diện trong hầu hết các hoạt động của con người. Nếu bảo vệ an ninh mạng chỉ tập trung vào bảo vệ an ninh quốc gia sẽ bỏ sót nhiều đối tượng, mục tiêu, nội dung cần bảo vệ, không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Do đó, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật An ninh mạng xác định phạm vi điều chỉnh là "quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và có liên quan tới hoạt động bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" là phù hợp với xu hướng chung của thế giới và khu vực, bảo đảm yêu cầu bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh sự cần thiết cần ban hành Luật An ninh mạng trong thời đại công nghệ thông tin phát triển bùng nổ.

Góp ý kiến vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Dự thảo Luật An ninh mạng có nhiều quy định liên quan đến các luật khác như Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông... Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo luật cần phân tích sâu sắc hơn thực trạng pháp luật quy định trong lĩnh vực an ninh mạng, làm rõ hơn sự cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng. Những vấn đề đã được quy định trong luật khác thì không cần quy định lại trong Luật An ninh mạng để tránh trùng lặp, chồng chéo.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều quy định trong dự thảo Luật An ninh mạng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, do đó dự thảo luật cần bám sát các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan. Những quy định về hạn chế quyền công dân, quyền con người thì phải quy định ngay trong Luật này chứ không để quy định ở các văn bản dưới luật.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo luật xem xét, hoàn thiện lại quy định của dự thảo luật về phạm vi điều chỉnh của luật; về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; về phòng ngừa, ứng phó nguy cơ, sự cố an ninh mạng...
 
(Theo TTXVN)

Các tin khác
Đồng chí Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh thăm và tặng quà động viên các nạn nhân bị thương đang điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh.

Sáng 23/4, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Phan Văn Anh đã đến thăm hỏi, động viên các nạn nhân bị thương, viếng và chia buồn với gia đình các nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn lao động tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đang điều trị tại Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu chỉ đạo tại lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý tại Viện Quản trị và Công nghệ (FSB) thuộc Tập đoàn FPT (lớp 1) do Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Viện tổ chức.

Sáng 22/4, đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã dự khai mạc lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý tại Viện Quản trị và Công nghệ (FSB) thuộc Tập đoàn FPT (lớp 1) do Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Viện tổ chức.

Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề thực hiện một số chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 theo các nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái, ngày 23/4, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thanh Bình cùng các ban của HĐND tỉnh đã có buổi giám sát tại thị xã Nghĩa Lộ.

Sáng nay - 23/4, đồng chí Đỗ Đức Duy – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã đến thăm viếng, động viên các gia đình nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra chiều 22/4 tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục