Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể IPU-137

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/10/2017 | 2:33:37 PM

Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 (IPU-137), chiều 15/10 (giờ địa phương), tại thành phố St. Petersburg, Liên bang Nga đã diễn ra phiên thảo luận toàn thể Đại hội đồng IPU-137 với chủ đề "Thúc đẩy đa dạng văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại tôn giáo và dân tộc”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng IPU-137.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng IPU-137.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận này.

Mở đầu bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đang đem lại cho các quốc gia, các nền chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt là những nền văn hóa, tôn giáo cơ hội đến gần nhau hơn để cùng phát triển.

Nhưng thế giới cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp như: Biến đổi khí hậu, đói nghèo, chủ nghĩa khủng bố, an ninh phi truyền thống, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo... 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Ở một số nơi trên Trái đất, đạn, bom vẫn nổ, bạo lực gia tăng, các công trình văn hóa bị hủy hoại, niềm tin tôn giáo bị xâm hại, hòa bình, an ninh trên thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng. Thực tiễn cho thấy, súng đạn, chiến tranh, bạo lực không thể giải quyết các vấn đề xung đột trên thế giới. Chỉ có lòng khoan dung, sự đối thoại chân thành, tôn trọng, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, các tôn giáo mới có thể đưa lại hòa bình, bình yên cho thế giới".

Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao chủ đề của Đại hội đồng IPU-137. Chủ đề lần này thể hiện sự tiếp nối tinh thần của tuyên bố Quebec về công dân, bản sắc và sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa trong thế giới toàn cầu được IPU thông qua năm 2012, phù hợp với tinh thần Bản Tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa của UNESCO năm 2001; đồng thời nhấn mạnh, điều có ý nghĩa to lớn là chủ đề này lại được thảo luận ngay tại một đất nước có một nền văn hóa lớn, lâu đời, một đất nước mà tinh thần đoàn kết dân tộc, khát vọng hòa bình, chống bất công đã được thắp sáng và đề cao bởi cuộc Cách mạng Tháng Mười 100 năm trước đây.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, các dân tộc, các tôn giáo chung sống hòa thuận vừa cùng nhau phát triển, vừa cùng nhau xây dựng nền văn hóa chung của dân tộc, vừa gìn giữ, phát huy bản sắc riêng về văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng của dân tộc mình. Tinh thần đoàn kết, sự tôn trọng, sự tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau phát triển.

54 dân tộc Việt Nam đã tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là một động lực to lớn để Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, chủ quyền và xây dựng đất nước phát triển bền vững như ngày nay.

Ở Việt Nam, quyền bình đẳng giữa các dân tộc, các tôn giáo được khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp. Năm 2013, Quốc hội Việt Nam đã thông qua bản Hiến pháp mới, trong đó tiếp tục khẳng định Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống.

Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để cho các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Nhà nước Việt Nam luôn dành những chính sách hỗ trợ cho các dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện các dân tộc thiểu số phát triển bình đẳng và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, niềm tin tôn giáo được tôn trọng và được tạo điều kiện để phát triển.

Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng và tôn giáo năm 2016, đồng thời thường xuyên giám sát hoạt động của Chính phủ về việc thực hiện các chính sách quan trọng nhằm bảo đảm quyền được tham gia hoạt động hợp pháp của tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, dân tộc.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại với các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo trên thế giới và đã có nhiều sự kiện tôn giáo quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam.

Để thúc đẩy đa dạng, văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại tôn giáo và dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu một số vấn đề kiến nghị tại phiên thảo luận toàn thể. Chủ tịch Quốc hội đề nghị IPU khuyến khích các nghị viện thành viên tích cực xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý bảo đảm cho quyền bình đẳng của các dân tộc, các tôn giáo trước pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ vững chắc, phát huy văn hóa dân tộc, tự do tôn giáo, xử lý hài hòa lợi ích của người dân, của cộng đồng với lợi ích của đất nước trong sự phát triển.

Đồng thời tăng cường giám sát việc thực thi các chính sách của Chính phủ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, đối xử công bằng, bình đẳng với mọi thành phần xã hội từ các tôn giáo, dân tộc, các nền văn hóa khác nhau, qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng với đó, cần tích cực rà soát, xóa bỏ các điều luật, các quy định mang tính phân biệt đối xử, bảo đảm sự tham gia của các thành phần xã hội vào đời sống chính trị, kinh tế-xã hội của đất nước.

IPU khuyến khích các quốc gia xây dựng các tiêu chí đánh giá về hiệu quả chính sách pháp luật đối với các nhóm dân tộc, sắc tộc và các tôn giáo nhằm bảo đảm sự bình đẳng, công bằng cho tất cả mọi người trong xã hội.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, truyền bá sâu rộng tư tưởng khoan dung, tinh thần hợp tác, đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc, các tôn giáo.

Tăng cường trao đổi hợp tác song phương, đa phương giữa các nước, các nghị viện trên các lĩnh vực văn hóa, tôn giáo, dân tộc; cùng triển khai những dự án hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của những cuộc đối thoại đa văn hóa, đa tôn giáo trên toàn thế giới; nâng cao hiểu biết và sự tin cậy lẫn nhau, cùng nhau phấn đấu vì hòa bình và phát triển.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị IPU tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các cơ chế của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế với các nghị viện thành viên trong việc thúc đẩy sáng kiến, hành động của các nhà lập pháp vì hòa bình, hợp tác và đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo, các nền văn hóa trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia trên thế giới.
 
(Theo chinhphu.vn)

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Trong 18/34 chỉ tiêu có kết quả đánh giá theo Chương trình hành động 188 có 3 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 3 chỉ tiêu đạt từ 50% kế hoạch trở lên, 9/34 chỉ tiêu đạt từ 20-50% kế hoạch.

Trưởng ban Dân nguyện đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tăng cường ngăn chặn và xử lý nghiêm tội phạm lừa đảo, đánh bạc, thanh thiếu niên phóng nhanh, vượt ẩu...

Ngày 16/4, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương do đồng chí Lại Xuân Môn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Trung ương làm trưởng đoàn đã kiểm tra, giám sát, khảo sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đối với Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy Yên Bái.

Sáng 16/4, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục